You are here

Bốn mươi năm vẫn chưa đủ lớn.

Ảnh của canhco

Mấy ngày nay giới showbiz mặc sức trầm tư mặc tưởng vể cái mà họ gọi là tai nạn nghề nghiệp trong các chương trình game show.

VTV đặt câu hỏi cho nghệ sĩ Minh Thư trong chương trình Ai là triệu phú: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống… ai?” với các đáp án “ông hàng xóm”, “bác đầu ngõ”, “cha”...

Chưa hết bàng hoàng thì tới phiên anh hề tuồng Đức Hải với câu hỏi “Cái gì càng chơi càng ra nước?”

Chưa kịp bưng tai bỏ trốn thì vụ hai vợ chồng hát rong bị phát hiện là giả mạo, ăn mày nước mắt của khán giả đã như một cục than cháy rực ném vào đống bùi nhùi bất mãn. Báo chí thi nhau giật đủ loại tít, phỏng vấn đủ hạng người và cuối cùng thì nhân dân cũng...chúi mũi vào TV mỗi đêm.

Chứ bảo họ chúi vào gì bây giờ? Người lớn thì có giường có chiếu, trẻ con thì có bình sữa kề bên chỉ tội nghiệp cho lứa thanh thiếu niên mới lớn, nhất là những gia đình nghèo không biết dựa vào đâu để giải tỏa một ngày học tập. Chỉ còn duy nhất cái TV, trời ạ.

Nếu có thở dài thì cũng vậy thôi, người ta khống chế hệ thống tuyên truyền một kênh này vì thế mọi chương trình nó cho xem hay dở cũng cố mà chịu. Không xem ư? Tắt đi, thách đấy.

Một tiếng thách đầy quyền lực, quyền lực đang ngự trị mọi nơi mọi chỗ, ngay cả trên trang web lề trái cũng phải mang nó ra mà vái.

Cũng may không phải ai cũng theo VTV và tình nguyện hiến dâng văn hóa cho bọn vô văn hóa chà đạp. Trên một vài trang Facebook hôm nay một nhóm rất nhỏ chỉ gần chục người tại Nghệ An đưa nhau ra biển với một vòng hoa kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa. Hình ảnh vừa hiếm hoi vừa lạnh lẽo ấy đã làm mình run rẩy, thì ra dù sao vẫn còn những tấm lòng như thế. Họ còn trẻ lắm, họ nghèo lắm và có thể không được học hành tới nơi tới chốn nữa không chừng, nhưng cách mà họ hướng về tổ quốc như một tia lửa nhỏ nhoi trong đêm dài lầm than của đất nước. Vòng hoa ấy xứng đáng được nhìn ngắm và vuốt ve: vòng nguyệt quế của người dân kính viếng những anh hồn liệt sĩ.

Facebook cho tin vui thì cũng để lại nỗi buồn. Nỗi buồn lớn, vừa buồn vừa tuyệt vọng. Năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Ngày mà ai được sinh ra sẽ hãnh diện với người chung quanh rằng sinh nhật tôi là sinh nhật của cả nước, khi chiến tranh chấm dứt, lầm than chết chóc không còn. Xương máu của đồng bào chiến sĩ kể như được trả công xứng đáng. Ngày sinh nhật thứ 40.

Một nhạc sĩ (lại giới showbiz!) tương đối nổi tiếng được sinh ra trước cái năm đáng mơ ước ấy hai ngày. Anh là Nguyễn Vĩnh Tiến, một Kiến trúc sư tài năng, hiện là Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Công ty CP Kiến Trúc & Thương Mại Việt-Pháp (T-group). Bài nhạc mà tôi vẫn thích của anh có tên “Bà Tôi” được giải năm 2005 và tôi đinh ninh rằng người nhạc sĩ tài hoa này sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường nghề nghiệp lẫn sáng tác.

Nhưng buồn.

Anh viết trên trang Fcebook của mình: “Cá nhân tôi thấy câu nói :" Tôi là Charlie" là một sự sến sẩm ngu ngốc đỉnh cao của nước Pháp bởi vì nó làm mất thêm ít nhất 10 mạng người và kích động làn sóng bạo lực trên khắp thế giới giờ đã lây lan sang cả phong trào chống Thiên chúa giáo và chống nước Pháp. Tôi là tôi, anh là anh, tại sao phải là Charlie? Tại sao và vì lẽ gì mạng người Pháp lại làm thế giới đồng bóng này xót thương hơn mạng người ở các nước nghèo khổ khác ?

Ban đầu tôi tưởng ai đó trùng tên với anh nhưng khi lần vào tường Facebook thì thấy đúng là anh, người nhạc sĩ mangh tên Nguyễn Vĩnh Tiến được hàng chục ngàn người mến mộ.

Dòng status được gọi là tâm trạng ấy cho thấy một điều, học hành giỏi giang, sáng tác độc đáo, giao thiệp và kinh doanh rộng rãi với nước ngoài, cụ thể là Pháp như anh nhưng không đủ bản lĩnh để viết một câu viết ngắn, để lộ bản chất của một người lớn lên và hưởng trọn mọi may mắn trong bốn mươi năm, nhưng trong sâu thẳm của tư duy anh vẫn không đủ trưởng thành và xứng đáng ngồi ở vị trí mà một nước có văn hóa như Pháp chấp nhận làm đối tác.

Thứ nhất, anh khinh bỉ hơn một triệu con người xuống đường trên tay mỗi người là một tấm bảng “Tôi là Charlie”. Anh nói đó là sự sến sẩm ngu ngốc đỉnh cao của nước Pháp. Anh tự hào khi đứng riêng ở một xó nào đó tại Việt Nam, (hay Toulouse vì trên trang của anh có ghi rõ điều này) chỉ tay vào đám đông tại thủ đô nước Pháp và nói lớn: Chúng mày là một lũ đầy tớ, ăn mày. Chúng mày là ai cơ chứ?

Sến: đầy tớ. Sẩm: ăn mày xe điện Hà Nội khi anh còn chưa mở mắt anh Tiến ạ. Tôi tin anh rất chuyên về ngôn ngữ và tôi cũng tin những điều tôi nghĩ là đúng.

“Tôi là tôi, anh là anh sao lại là Charlie?”

Thưa anh, không những hơn một triệu người Pháp ấy là Charlie mà khắp thế giới còn hàng triệu người khác tự nguyện làm Charlie. Họ không theo đóm ăn tàn, họ tuyên xưng lý tưởng và Charlie chỉ là một biểu tượng. 12 người bị bắn chết không phải để được nổi tiếng mà đó là hành động cuồng sát bắn vào tự do báo chí. Anh có thể không đồng tình với họ nhưng không vì thế mà anh cho phép mình mạ lỵ, mạt sát họ với thứ ngôn ngữ không phải của “Bà tôi” hay “Giọt sương bay lên" trong các ca khúc của anh.

Anh đứng trên đám đông có cả những người đã mất gia đình, người thân và bảo ban họ nên ngừng lại cái trò mà anh cho là ngu xuẩn. Anh mạ lỵ nước Pháp, anh bôi nhọ chính cái doanh nghiệp mà anh đang là chủ tịch Hội đồng quản trị mang tên Việt-Pháp và anh miệt thị chính cái tên của công ty anh. Điều đó phải chăng anh muốn chứng tỏ rằng anh công bằng, anh đứng vể phe nước mắt, về phía 10 người đã làm bia cho bọn cuồng tín. Anh lên án cái đám đông cả triệu người ấy đã làm cho bọn cuồng tín nổi điên.

Thưa anh nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: bản nhạc này không lay động được ai cả. Anh chỉ quen làm nhạc đồng quê, ngay cả đồng quê đương đại, còn việc vén tay áo chửi bới người thành phố không phải là sở trường của anh. Chữ nghĩa trong status này kêu rổn rảng lắm nhưng là thứ chữ nghĩa mất nhân tính. Thứ chữ nghĩa làm dáng và hành vi của kẻ muốn đốt đền.

Không có Charlie vẫn có hàng chục ngàn bọn IS cuồng sát đang gây gió tanh mưa máu trên khắp Iraq, Syria, và nhiều địa phương khác. Không có Charlie Hebdo cũng có hàng ngàn cơ quan báo chí khác trêu chọc bọn hồi giáo quá khích và quan trọng hơn hết không có Charlie thì bọn quá khích ấy vẫn giết người công giáo trên khắp thế giới như thường.

Anh ít đọc báo nên không thấy một biến cố có tầm thế giới như vậy nhưng báo chí Việt Nam xem như không phải chuyện của mình. Tệ hơn cả báo chí, anh khêu ngọn lửa bất mãn trong những người tạm gọi là fan của anh. Nếu có dịp nhìn kỹ lại mình có lẽ anh sẽ thấy anh nguy hiểm hơn VTV nữa anh ạ.

VTV chưa đủ tầm để viết một kịch bản giống như status của anh nên nó đành chấp nhận sự rẻ tiền và khinh miệt âm thầm của khán giả. Còn anh, bốn mươi tuổi, trưởng thành và nổi tiếng trong cái bầu không khí VTV ấy không lẽ anh vẫn chưa đủ lớn để thấy rằng thế giới này bao la lắm đừng vội vỗ ngực cho ta là thiên tài rồi muốn viết gì thì viết. Hay vì là nhạc sĩ anh bị lây cái thể trạng VTV đang cấy sâu sự quá quắt vào người dân cả nước?

Tôi nghĩ anh nợ nước Pháp một lời xin lỗi và việc trước mắt là anh nên đổi cái tên của công ty anh, cái tên mà anh cho là đỉnh cao sến sẩm thì giữ lấy làm gì?

Bài bình luận

Cảm ơn các bài viết của Cánh cò. Ngôn từ có mức độ, do đó rất có ấn tượng và thuyết phục.