You are here

Giáng Sinh bên ni – Giáng Sinh bên nớ

Đứng trên cầu Sông Hàn, Đà Nẵng, nhìn sang bên kia là Cồn Dầu, có thể thấy bên kia thật là buồn, khác với bên này đèn hoa rực rỡ, người xe tấp nập. Đứng ở bờ biển Việt Nam nhìn sang bên kia đại dương, ngút ngát chân trời là đất Mỹ, nơi có những đồng tộc trước đây bốn mươi năm đã vượt sóng, vượt qua cái chết để tìm đến mảnh đất tự do này và trong đó có không ít người đã bỏ mình giữa biển khơi. Thấy Giáng Sinh chầm chậm đến, chầm chậm đi, buồn thật là buồn, bởi bên kia thành phố tráng lệ đang đau đáu nhìn về bên ni quạnh quẽ, ảm đạm và buồn, chưa có lối thoát nào cho Việt Nam, Chúa vẫn đang đứng buồn trên thập giá của Ngài!

Bên ni, những giáo xứ lâu đời mấy trăm năm, nhà thờ cổ kính như Thái Hà, Cồn Dầu đang dần chìm vào bóng tối của lòng tham, sự xâm lấn trá hình bằng những dự án làng du lịch, làng sinh thái, viện, công viên văn hóa… Các con chiên buồn tan nát cõi lòng vì nơi tôn nghiêm đang dần bị tùng xẻo.

Bên nớ, sự hiệp thông và lòng kính ngưỡng Đức Chúa Trời vẫn hướng về bên ni, cầu nguyện cho bên ni tai qua nạn khỏi, thoát khỏi ách độc tài, thoát khỏi sự gian ác của đồng loại. Nhưng bên nớ chắc gì không buồn hơn bên ni, vì, khi đã đứng trên mảnh đất tự do, biết nâng niu, tôn trọng giá trị làm người, người ta thường xót xa nghĩ về quá khứ buồn và ngậm ngùi vì những đồng loại còn mắc kẹt nơi địa ngục. Và bên ni như một vết thương chưa bao giờ nguôi làm đau bên nớ.

Bên ni, những con chiên lặng lẽ đón Giáng Sinh, mặc cho cái lạnh của thiên nhiên và cái lạnh của lòng người, sự giáng thế của Chúa bao giờ cũng mang đến ngọn lửa ấm áp, cho con người biết hy vọng và tin tưởng mạnh mẽ vào điều thiện lành, vào phúc âm của Chúa. Và khi con người đã có niềm tin vào điều tốt đẹp, mọi sự gian ác, xấu xa chỉ đóng vai trò thử thách lòng kiên trì và sự tháo vác đấu tranh tìm đến cứu cánh, bởi đó là sứ mệnh, là thiên chức mà những người may mắn được Chúa khải thị nhận lãnh để duy trì thiên phúc nhân loại.

Bên ni, những đám đông rục rịch cựa mình chờ Giáng Sinh đến lại ùn ùn kéo ra đường, váy xanh váy đỏ, tóc xanh mỏ đỏ, cười nói, hò hét… Những đám đông rất đỏ, tự xem mình là những kẻ thông minh nhất nhân loại, nhiệt tình hưởng ứng Giáng Sinh bằng bia rượu, thịt chó và những sơn hào hải vị, bọn họ luôn cho rằng mình là người xứng ngang với Chúa Trời và các con chiên là kẻ khờ khạo bị dắt mũi, bọn họ nói rằng máng cỏ là nơi Mẹ Maria bị đọa vì tội phản quốc và ngoại tình. Nhìn chung, bọn họ biết rất nhiều, chỉ có một thứ họ chưa hề biết, đó là làm người.

Bên ni, những khẩu hiệu treo khắp phố khắp phường, người ăn xin, cơ nhỡ không có đất sống bởi hình ảnh của họ làm ảnh hưởng đến bộ mặt thành phố, làm mất vẻ “mỹ quan” thành phố, họ có thể bị rượt  bắt (có thưởng của nhà nước), ném vào trại giáo dưỡng, vào trung tâm bảo trợ xã hội bất kì giờ nào. Mà với những người ăn xin, những người cơ nhỡ, việc phải bó gối, mất tự do, sống đời sống chẳng khác gì tù cải tạo và mang tiếng ăn mày nhà nước, việc đi ra đường, lê lếch đầu ngõ cuối xóm dù sao cũng hạnh phúc hơn, ít nhất cũng tự do hơn.

Bên ni, giữa Giáng Sinh lạnh, có những nơi từng là bàn thờ Chúa Trời của một gia đình hạnh phúc, êm ấm và ổn định đã hóa thành bãi đất hoang của công trình, có nhiều ngôi nhà, bàn thờ như thế trên đất Văn Giang đã nhuốm lạnh bởi sự toan tính, giảo hoạt và âm mưu của kẻ quyền lực. Những tiếng kêu thấu lòng trong đêm lạnh, nếu có một máng cỏ khác ở thế kỷ 21 này, có lẽ Chúa không cần đón nhận sự đau đớn cổ điển như đóng đinh lên thập giá và đội vòng gai trên đầu, người ta chỉ cần kết nạp Chúa vào đảng Cộng sản, xem như một khổ nạn lớn nhất mà Chúa cũng rất bất ngờ.

Và người ta cũng không cần gông cùm, dẫn Chúa đi khắp các con đường để những kẻ ngoại đạo ném đá, chửi mắng, thế kỉ 21 này, tại Việt Nam người ta chỉ cần đẩy các con của Chúa vào trại giáo dưỡng và cho vào lăng thăm Chủ Tích Hồ Chí Minh vĩ đại, xem như cuộc giáng thế lần này của Chúa đã trọn vẹn đau đớn và khổ nạn.

Bên ni, người ta không cần nhân danh luật lệ Do Thái Giáo dài dòng để luận tội của Chúa, chỉ cần duy nhất một điều 258 bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành, Chúa sẽ không còn cơ hội nói chuyện cho các con của Ngài nghe về điều con người cần làm, cần có và nên tránh. Lúc này, Chúa cảm thấy sự hiện hữu của mình thật đúng lúc, nhưng không phải để nói mà là để hành động, để khai thị nhân loại một lần nữa thông qua một dân tộc nhỏ trên bản đồ thế giới và cho thế giới hiểu rằng bất kì sự gian ác nào cũng phải trả giá.

Bên nớ, những người bạn vẫn đang hiệp thông cầu nguyện, nhờ ơn Chúa nhân từ, Việt Nam sẽ được cởi trói, mọi tai ách sẽ tiêu trừ, con người sẽ nói chuyện với nhau bằng tiếng người vốn hàm chứa lòng từ bi và lân mẫn của Ngài.

Nhưng, tất cả chỉ là một trận tưởng tượng rất ngắn ngủi trong phút chốc ngắm mưa bay qua cửa sổ, nhìn những đứa bé mặc bộ áo quần Ông Già Noel quấn quýt bên cha mẹ và những liên tưởng quái thai xuất hiện. Chỉ biết cầu mong Mùa Giáng Sinh này, Chúa giang rộng đôi tay che chở cho các con của Ngài thật ấm và bình an! Giáng Sinh bên ni hay bên nớ cũng là Giáng Sinh!