You are here

Mùa Đông trên xứ sở độc tài

Tình cờ tôi đọc được trên facebook một dòng status, nội dung: "Buổi chiều yên bình trên quê hương đất nước Triều Tiên". Bên dưới status là một bức ảnh những nông dân Triều Tiên đang ngồi trước một xe rơm chất cao ngất ngưởng, xe rơm được kéo bởi một con bò mộng và xa xa là những cánh đồng trơ gốc rạ, con đường đất ngoằn ngoèo, đoạn chiếc xe đi qua có một cây gì đó giống cây xoan của Việt Nam, cũng trơ xương trong nắng chiều.

Thật ra, cảm giác đập vào người xem/đọc không phải là bình yên mà là quạnh quẽ và cô tịch. Tấm ảnh chất chứa một nỗi buồn chầm chậm như thể buổi chiều và những nông dân gầy gò ngồi thu lu trên xe bò, trước một đống rơm to tướng làm liên tưởng đến những chiều quê ở Việt Nam.

Hình như trong một chính thể độc tài, độc đoán, độc trị thì đâu cũng giống như đâu, cũng cái tâm trạng nằng nặng, rỗng rang và cô tịch ở thôn quê, cuống cuồng, nhộn nhạo và trống rỗng nơi thị thành... Dường như con người đang chạy theo một thứ gì đó không có thật, chưa bao giờ hiện hữu và ngay cả sự hiện hữu của chính họ cũng chỉ mang ý nghĩa của một hữu thể cát bụi, để thấy mình cát bụi hơn bao giờ và chẳng thấy gì vui nơi trần thế xã hội chủ nghĩa với hàng ngàn khuôn sáo, hàng hàng lớp lớp bất công và phân biệt... Có lẽ là vậy. Một buổi chiều rỗng rang làm nhớ đến những nông dân miền Trung hay Tây Nam Bộ hay Cao Nguyên Đất Đỏ hay Tây Nguyên hay Tây bắc hay một nơi hút heo gió ngàn nào đó, cảnh thật đẹp và thật buồn!

Thử xuôi về miệt Tây Nam Bộ, nơi của những cổ xe thổ mộ và xe lôi, hỏi han đôi câu về cuộc đời của những phu xe ở đây, thật là "yên bình" hết chỗ nói, có ông không có nhà, suốt đời sống lây lất rày đây mai đó với chiếc xe lôi và góc phố, mái hiên nhà người những đêm mưa, có ông suốt đời ngủ chợ, cũng có ông có được mảnh đất cắm dùi, số này chiếm số nhiều nhưng lại vợ con nheo nhóc, bệnh tật, quanh năm không đủ ăn hoặc còn trẻ thì vợ chịu không nổi cảnh nghèo, bỏ theo trai thành phố, các ông, các chàng ôm hận chịu cảnh gà trống nuôi con. Cũng do cái nghèo mà ra cả! Nếu mới nhìn vào, một buổi chiều ngồi trên bến Ninh Kiều hay ngồi ở một quán vắng nào đó trên sông Tiền, nhìn ra sông nước mênh mông, thi thoảng có tiếng lóc cóc vó ngựa thồ hay tiếng kẽo kẹt của xe lôi, nhìn vào, thật là yên bình và đẹp đến nao lòng... Nhưng bên trong thì... đẹp đến tan nát lòng!

Cũng cách nơi hiu quạnh, vắng vẻ này không xa, các quan chức, các"đại gia" đang ngồi nhâm nhi, rỉ rả rượu ngoại, mồi ngon và các cô chân dài (mà không chừng trong đám các cô có cả vợ của mấy anh xe lôi, xe thổ mộ!), rượu vào lời ra, tình cũng ra, nghe nóng rang cả bầu trời trong khi các ông chồng, những người lao động nghèo phải chịu lạnh, chịu rét căm căm để bươn bả kiếm cơm dưới mùa Đông. Đương nhiên, mỗi người mỗi việc và mỗi người mỗi số phận, mỗi đẳng cấp, không thể bắt người này phải nhịn sung sướng vì người khác đang lao động khổ nhọc. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là biến sự khổ nhọc của người khác trở thành một thứ gì đó thi vị không thể thiếu trong cuộc hưởng thụ, phè phỡn của anh trong lúc đó đồng tiền hưởng thụ của anh lại dính đầy mồ hôi và nước mắt của đồng loại nghèo khổ.

Và, ra Trung, ra Bắc, lên cao nguyên, ra tận biển đảo, nơi nào cũng thấy nhan nhản người nghèo, giữa hàng trăm ngàn mái nhà nghèo lại mọc lên vài khách sạn, nhà hàng năm sao, ba sao để phục vụ các quan, các thầy, các ngài kí giả, ngài nhà thơ trong các hội, các đoàn... Kính thưa các loại ăn chơi cao cấp nhưng khi tính tiền thì có hóa đơn đỏ, có nơi chi trả. Thử hỏi, cái nơi chi trả này là cái nơi nào nếu không phải là tiền thuế hay tiền vay ODA hoặc tiền viện trợ nhân danh cả dân tộc này để các quan cắt xén, tìm cớ để ăn nhậu? Nếu nói cái nhà nước này tài giỏi, đảng Cộng sản Việt Nam tài giỏi thì hãy thử nhân danh gần năm triệu đảng viên để vay vốn ODA, xin viện trợ nước ngoài thử có ma nào cho vay, viện trợ?!

Sở dĩ người ta cho vay, cho mượn không hoàn vốn, viện trợ là cho quốc dân Việt Nam với ngót nghét một trăm triệu người vay, và đó là cái nợ chung của một trăm triệu người này. Vay thì một trăm triệu người chịu nợ nhưng ăn thì chỉ có các đảng viên Cộng sản có chức có chức có quyền cùng với giới tư bản đỏ được vay lại khoản này, được hưởng thụ. Và bất công nối tiếp bất công, cái nghèo chồng chất cái nghèo. Không cần chi phải sang tận xứ Triều Tiên mới thấy được cái buổi chiều "yên bình nơi làng quê"  ấy đâu.

Chỉ cần ngược những con đường giữa quốc lộ 1A và đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, sẽ tha hồ bắt gặp những buổi chiều mà ở đó, có những người già 80 tuổi khòm lưng đeo một gùi củi nặng vài chục kí đi bộ lửng thững, liêu xiêu trên đường nhựa ra chợ thị trấn để bán. Đoán rằng khoản tiền một gùi củi chừng 30 ký lô sẽ bán được không tới 30 ngàn đồng nhưng nếu không có 30 ngàn đồng đó, có thể cụ già dân tộc thiểu số kia sẽ phải chết đói. Và đương nhiên cách nơi cụ già vất vả với gùi củi không xa, vài quán thịt rừng thiết kế theo kiểu sơn cước với gái sơn cước hoang dại và cam chịu luôn nhoẻn miệng cười mỗi khi đút thịt rừng cho các quan địa phương. Âu đó cũng là một kiểu thi vị khác giữa cái nghèo đến đứt ruột của đồng loại!

Và hình như, đi đâu ở xứ sở Việt Nam này, cũng gặp những buổi chiều yên ả, tĩnh lặng đến rợn người, bởi điểm xuyết giữa những buổi chiều ấy là những mảnh đời, cảnh đời, số phận mà chỉ cần nhìn thoáng qua cũng đã bắt gặp cảm giác hiu quạnh, cô tịch, hoang vu... Bởi, ở xứ độc tài, ở cái xứ mà quyền lực và sự giàu có tập trung trong một nhóm người nắm quyền lãnh đạo và sự nghèo khổ, nợ nần thì chia đều trên từng người dân, thì sá gì một buổi chiều mà có đến cả vạn buổi chiều quạnh quẽ, cô tịch, hiu hắt... Người ta vẫn hay thi vị nó bằng hai chữ "bình yên"!

 

Bài bình luận

Chính xác về xã hội thiên đường XHCN VN.

CSVN da thanh cong trong viec bien dai da sô dân tôc VN thanh nhung zombies chi biet lung thung sông cho qua ngay mà khong con y chi dâu tranh de xoa sô cai cu, xây dung cai moi cho tuong lai . Buôn thay !!!