You are here

Thông tư 15/2014/TT-BGDD báo hiệu cái chết của đào tạo và khoa học ?

Trước hết xin cảm ơn độc giả đã viết một bình luận cho bài Cầu hiền và sử dụng năng lực trí tuệ (phần 3) của tôi trên blog RFA, và trong bình luận đó đã cung cấp thông tin về Quy chế đào tạo thạc sĩ theo thông tư 15/2014/TT-BGDDT ban hành ngày 15/5/2014 của Bộ Giáo dục.

Tôi xin dẫn lại đây phần bình luận của quý độc giả (để ở phần in nghiêng), mà tôi rất đồng ý, đồng thời cả phần trích nội dung thông tư liên quan đến việc thành lập Hội đồng thẩm định (đúng hơn là tái thẩm định) các luận văn thạc sĩ :

Bạn chưa kịp update thông tin về vụ luận văn của chị Nhã Thuyên rồi. Mặc dù hiệu trưởng ĐHSP Hanoi và bộ trưởng GDĐT không trả lời trực tiếp các yêu cầu/thư kiến nghị của các nhà giáo/nhà KH trong và ngoài nước, nhưng họ đã trả lời gián tiếp- một cách rất kịp thời vào ngày 15/5/14- bằng việc cho ra thông tư 15/2014/TT-BGDD do ô. Bùi Văn Ga ký, trong đó có hẳn một điều 30 về thẩm định luận văn thạc sĩ là điều trước đây trong thông tư 10/2011/TT-BGDĐT chưa có. Đặc biệt họ quy định rõ là " Tác giả luận văn, người hướng dẫn, thành viên hội đồng đánh giá luận văn không tham dự phiên họp của hội đồng thẩm định"- nghĩa là từ nay mặc sức Hội đồng lý luận TW hay Ban tuyên giáo có thể loại bỏ bất cứ luận văn nào, tác giả nào, thầy hướng dẫn nào dám tự do học thuật xâm phạm cái vòng kim cô tư tưởng của họ mà các tác giả không được phép tranh luận và xã hội không ai có thể phản đối là họ làm trái luật!

Thông tư 15/2014 có thể download ở đây: http://www.moet.gov.vn/?page=6.10&view=134

"Điều 30. Thẩm định luận văn

1. Thành lập hội đồng thẩm định

Khi có đơn tố cáo đúng quy định của Luật Tố cáo, có căn cứ rõ ràng cho thấy luận văn không đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Quy chế này hoặc khi thấy cần thiết, thủ trưởng cơ sở đào tạo thành lập hội đồng thẩm định luận văn. Số lượng, yêu cầu đối với thành viên hội đồng thẩm định luận văn theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 28 Quy chế này; trong đó, nếu có thành viên thuộc cơ sở đào tạo thì tối đa không quá hai người; thành viên hội đồng thẩm định không trùng với hội đồng đánh giá luận văn.

2. Thẩm định luận văn

a) Trước khi họp hội đồng thẩm định, các thành viên hội đồng có bản nhận xét về sự cần thiết của việc nghiên cứu đề tài luận văn, sự phù hợp với chuyên ngành; sự không trùng lặp về đề tài, nội dung, kết quả nghiên cứu với các công trình đã được công bố; tính trung thực, minh bạch trong trích dẫn tư liệu; bố cục và hình thức trình bày; nội dung, phương pháp, kết quả, ý nghĩa, độ tin cậy của các kết quả đạt được; đánh giá thành công và hạn chế của luận văn, khẳng định mức độ đáp ứng yêu cầu của một luận văn thạc sĩ;

b) Việc thẩm định luận văn được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 4 Điều 29 Quy chế này;

c) Tác giả luận văn, người hướng dẫn, thành viên hội đồng đánh giá luận văn không tham dự phiên họp của hội đồng thẩm định nhưng được cơ sở đào tạo thông báo và có thể gửi ý kiến, cung cấp tài liệu (nếu có) tới hội đồng thẩm định.

3. Xử lý kết quả thẩm định luận văn không đạt yêu cầu

Nếu hội đồng thẩm định kết luận luận văn không đạt yêu cầu thì thủ trưởng cơ sở đào tạo dừng việc cấp bằng hoặc thu hồi, huỷ bỏ bằng thạc sĩ đã cấp (nếu có) do học viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp. Những trường hợp luận văn không đạt yêu cầu không vì lý do sao chép bất hợp pháp thì quyền và trách nhiệm của học viên giải quyết như sau:
a) Trường hợp chưa bảo vệ lại luận văn, đề tài vẫn cần thiết nghiên cứu thì học viên được chỉnh sửa, bổ sung và bảo vệ lại luận văn trước hội đồng thẩm định theo quy định tại các khoản 1, 2, 4 Điều 29 Quy chế này. Trường hợp đã hết thời gian tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 3 Quy chế này thì học viên được gia hạn tối đa không quá 3 tháng;
b) Trường hợp đã bảo vệ lại luận văn hoặc đề tài không cần thiết tiếp tục nghiên cứu, nếu học viên có nguyện vọng thì thủ trưởng cơ sở đào tạo giao đề tài mới. Trường hợp đã hết thời gian tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 3 Quy chế này thì học viên được thực hiện đề tài mới trong thời gian tối đa 6 tháng. Thủ trưởng cơ sở đào tạo tổ chức đánh giá luận văn theo các quy định tại Khoản 2, Điều 27; Điều 28 và các khoản 1, 2, 4 Điều 29 Quy chế này;
c) Kinh phí cho việc chỉnh sửa, bổ sung luận văn, thực hiện và bảo vệ đề tài mới do học viên tự chi trả."
    Cũng có thể đọc trực tiếp nội dung thông tư ở đường link này :
http://thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu-15-2014-TT-BGDDT-Quy-che-Dao-...
Toàn bộ hồ sơ về vụ việc Nhã Thuyên đã được tập hợp và công bố trên trang viet-studies.info, độc giả quan tâm có thể tìm hiểu ở đó.
Ở đây tôi chỉ xin nhắc lại vắn tắt sự kiện ngày 28/4/2014, một phái đoàn do nhà giáo Phạm Toàn làm trưởng đoàn đã đến Đại học Sư phạm Hà Nội để trao hai văn bản cho Hiệu trưởng ĐHSPHN : Bản phản đối và yêu cầu  của 166 người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu ở Việt Nam, và Thư ngỏ của 100 trí thức Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài và các đồng nghiệp quốc tế của họ. Hai văn bản đó đề nghị Hiệu trưởng ĐHSPHN hủy hai quyết định về việc không công nhận luận văn và thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan. Lý do : hai quyết định đó vi phạm Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 28 tháng Hai năm 2011 ; và vi phạm Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo QĐ số: 33/2007/QĐ-BGDĐT, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 26 tháng Sáu năm 2007.
Ngoài ra, ngày 18/4/2014, các giáo sư Hồ Tú Bảo, Ngô Bảo Châu, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần gửi thư đến Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phản đối quyết định liên quan đến luận văn của Đỗ Thị Thoan. Và ngày 2/5/2014, Committee of Concerned Scientists gửi thư cho Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo đề nghị đáp ứng yêu cầu rút lại quyết định thu hồi bằng thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan.
Cho đến thời điểm này, không có bất kỳ một phản hồi nào từ Hiệu trưởng ĐHSPHN.
Có thể nói, thông tư 15/2014/TT-BGDD được Bộ Giáo dục ban hành vào ngày 15/5/2014 như một cách trả lời cho các thư ngỏ của giới học thuật trong nước và quốc tế về vụ việc Nhã Thuyên.
Như vậy, cũng có thể nói, Bộ Giáo dục đã hợp thức hóa những quyết định sai luật của Hiệu trưởng ĐHSP bằng cách ra một luật khác cho phép phủ định những luật cũ. (Tuy thế, nên nhớ rằng các quyết định của Hiệu trưởng ĐHSPHN được ban hành khi mà thông tư mới chưa ra, tức là trong thời gian luật cũ vẫn có hiệu lực, tức là ông ta vẫn phạm luật.)
Rất nhiều bất cập, và rất nhiều tác hại trong việc làm này của Bộ Giáo dục. Tôi hy vọng những người hiểu biết trong giới học thuật sẽ tiếp tục phân tích. (Xin lưu ý là điều 30 của thông tư nói trên quy định cho việc đào tạo thạc sĩ ở tất cả mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực).
Ở đây tôi chỉ nêu lên hai điểm.
1. Khi vụ việc xảy ra, những người có lương tri và trách nhiệm trong giới giáo dục đã rất lo lắng cho tương lai của khoa học Việt Nam, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn. Xin trích ra đây một số ý kiến làm ví dụ, rất tiếc là không thể dẫn hết mọi ý kiến :
« Nếu không suy nghĩ đến vấn đề này thì sẽ còn xảy ra xô xát nhiều nữa, mà thiệt hại trực tiếp sẽ là sự tiến bộ của nền khoa học nước nhà, mặc dù mọi nghị quyết của Đảng đều thiết tha mong mỏi để cho nền khoa học nước nhà tiến kịp trình độ các nước trong khu vực và các nước tiến tiến trên thế giới. Nếu xử lí không thỏa đáng sẽ làm e sợ, giảm sút  nhu cầu tiến bộ của cả một thể hệ mới. » (Ý kiến của GS. Trần Đình Sử trong bài Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ?)
« …những hệ lụy LVNT đang và sẽ gây ra những nỗi hoang mang đối với những người nghiên cứu trẻ. Họ đã có một “ví dụ tày đình” để rút kinh nghiệm cho việc lựa chọn đề tài, việc viết lách, mà nhìn chung là họ sẽ chọn giải pháp rút vào những khu vực càng an toàn, càng yên ổn càng tốt. Các cá tính khoa học khó có điều kiện đựơc bộc lộ trước những đề tài mới, phức tập và khó. Mà lâu nay đề tài nghiên cứu của học viên cao học, nghiên cứu sinh thì đang dần cạn kiệt, nếu không khuyến khích họ mạnh dạn đi vào những cái mới, dám thử sức và cả phiêu lưu trong khoa học. Tình hình đó các nhà quản lý cần quan tâm để ủng hộ những tìm tòi mạnh dạn, nhất là trong lớp trẻ. » (Ý kiến của GS. Nguyễn Văn Long, trong bài phỏng vấn « LUẬN VĂN NHÃ THUYÊN : AI MỚI KHÔNG CẦN KHOA HỌC ? »  - Nguyễn Hiếu Quân thực hiện)
« Rất mong những thắc mắc (chất vấn?) của tôi được những người có trách nhiệm hiện nay của trường ĐHSP Hà Nội quan tâm trả lời. Vì nếu không, tôi bắt buộc phải kết luận rằng trường ĐHSP Hà Nội đã ứng xử tùy tiện, thiếu khoa học, thiếu trách nhiệm với các sinh viên và cán bộ, giảng viên của mình, và hơn hết, là thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn đầu tư của nhà nước mà vốn là tiền thuế của người dân, trong đó có tôi. Ngoài ra, tôi cũng mong báo chí, đặc biệt là những tờ báo đã moi ra vụ này, tiếp tục vào cuộc để làm rõ vấn đề, để thuyết phục người đọc rằng những gì đang diễn ra là minh bạch, công tâm, và khoa học, chứ không phải là những việc làm lén lút, ném đá giấu tay, mượn những tấm bình phong to tát như khoa học hoặc tư tưởng để trả thù cá nhân, vì hiện nay đang có những dư luận không tốt như vậy. » (Ý kiến của TS. Vũ Thị Phương Anh trong bài Tám câu hỏi về vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên).
« Đối với Thạc sỹ Đỗ Thị Thoan và Phó giáo sư Nguyễn Thị Bình, nếu vào lúc cần thiết mà không tự vệ khoa học trên cơ sở pháp lý cho phép, để phủ nhận bất cứ thẩm quyền phi pháp và phi lý nào đối với mình, thì đó không chỉ là cái nhược về khoa học vì không biết bảo vệ những gì tâm đắc của chính mình, mà có thể còn tạo tiền lệ cho việc đầu hàng của giới nghiên cứu trong môi trường hàn lâm khi có sự xâm phạm từ bên ngoài. Đối với giới khoa bảng, nếu im lặng để chấp nhận sự thay đổi theo hướng tước bỏ quyền bất khả xâm phạm của việc đánh giá kết quả khoa học trong đào tạo, xin các vị hãy thử hình dung một tương lai không xa, là bên cạnh các hội đồng chấm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ sẽ là những “hội đồng giám sát (của) nhân dân” hoặc “hội đồng tư vấn (của) nhân dân” mà thành viên sẽ là đại diện của quân đội nhân dân, công an nhân dân, lão làng nhân dân, đoàn thể nhân dân, và cả địa phương nhân dân; hoặc có thể, họ sẽ là thành phần chính thức trong cơ cấu của hội đồng chấm luận văn của các vị. » (Ý kiến của TS. Lê Tuấn Huy trong bài Thẩm định Luận văn Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan: tính pháp lý và sự hợp lý).
Không trả lời, không giải thích, không minh bạch hóa, trái lại, bằng thông tư 15/2014/TT-BGDD, Bộ Giáo dục đã biến những nỗi lo lắng trên đây thành hiện thực. Bộ Giáo dục đã dùng luật để biến tất cả những nguy cơ tiềm ẩn trong vụ Nhã Thuyên thành hiện thực. Với thông tư 15/2014/TT-BGDD, khoa học chính thức bị khai tử.
2. Trong một séminaire về học thuật tại Paris, cách đây vài hôm, một nhà nghiên cứu rất có uy tín trong lĩnh vực kinh tế học đã chia sẻ nỗi lo lắng thực sự của ông khi biết về thông tư 15/2014/TT-BGDD. Ông nói rằng : hoàn toàn có thể hình dung đến trường hợp : sinh viên Việt Nam ra nước ngoài làm luận án tiến sĩ, sau khi đã bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài, tức là được đại học nước ngoài công nhận trình độ tiến sĩ, thì đột nhiên rất có thể luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ ở Việt Nam bị lôi ra thẩm định lại và bị đánh trượt, bị tước bằng thạc sĩ. Một tình huống như vậy sẽ giải quyết như thế nào ? Người hướng dẫn có thể có cảm tưởng là đã bị đánh lừa : hướng dẫn luận án cho một người không đủ trình độ vì đã bị tước bằng Master. Đại học nhận người ấy ghi tên cũng ở trong một thế kẹt. Ông sợ là thông tư ấy có thể dẫn đến thái độ như sau của các Giáo sư ở Pháp : 1) Từ chối hướng dẫn luận án của các sinh viên Việt Nam chỉ có bằng Master do Việt Nam cấp. 2) Nhận hướng dẫn với điều kiện là Đại học ở Việt Nam cấp bằng Master phải chứng nhận là bằng Master này sẽ không bị thẩm định lại. Một Giáo sư người Ý giữ một vị trí quan trọng trong Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp cũng có ý kiến tương tự.
Ngoài ra, người viết bài này tự đặt câu hỏi là : nếu các cơ sở đạo tạo nước ngoài biết đến thông tư này thì họ có dè chừng trong việc nhận sinh viên Việt Nam vào bậc tiến sĩ không ? Đồng thời cũng có thể nảy sinh vấn đề đối với những nước có hợp tác đào tạo với Việt Nam, tại Việt Nam, từ bậc thạc sĩ trở lên, bởi họ không có quyền gì ngay cả đối với cái bằng mà họ cấp cho sinh viên do họ đào tạo.
Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới chương trình 911 của chính phủ, với tham vọng là đào tạo 20.000 tiến sĩ trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2020, trong đó số lượng tiến sĩ được đào tạo ở các trường đại học có uy tín ở nước ngoài dự định là 10.000 người. (Xem thông tin tại: http://thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh-911-QD-TTg-De-an-Dao-tao-gi... ). Nếu thông tư 15/2014/TT-BGDD gây ra nỗi lo ngại và phản ứng của các giáo sư nước ngoài và các cơ sở đào tạo nước ngoài, như dự báo của hai vị GS người Việt và người Ý trên đây, thì dù chính phủ có bỏ tiền, mục đích của dự án 911 cũng khó mà đạt được.
Khó khăn tương tự cũng có thể xảy ra đối với những sinh viên du học tự túc. Vì điều 30 của thông tư 15/2014/TT-BGDD dành cho tất cả mọi đối tượng, không trừ một ai, nên dù gia đình họ có bỏ tiền túi ra thì vẫn không tránh khỏi rủi ro bị từ chối.
Tóm lại, các bạn sinh viên nên biết rằng, với thông tư 15/2014/TT-BGDD, số phận của các bạn trở nên vô cùng mong manh. Bất hạnh có thể ập xuống với các bạn bất kỳ lúc nào mà không cần có lý do, chỉ phụ thuộc vào ý muốn của thủ trưởng đơn vị đào tạo, «khi thấy cần thiết » (thông tư ghi mù mờ như vậy đấy), là luận văn của bạn có thể bị đưa ra thẩm định lại. Cô Đỗ Thị Thoan, dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế, vẫn không thể tìm được sự công bằng, vẫn phải chịu đối xử bất công. Tất cả các bạn, cũng như tất cả thầy cô của các bạn, đều bị đặt trước nguy cơ lúc nào cũng có thể bị tước bằng.
Bằng thông tư này, Bộ Giáo dục đã vô hiệu hóa mọi Hội đồng Khoa học, biến các hoạt động đào tạo cấp thạc sĩ thành một trò hề, xóa bỏ cái gọi là « thẩm quyền khoa học » của các hội đồng khoa học.
Và nếu giới đại học chấp nhận thông tư này, không đấu tranh để loại bỏ nó, thì nó sẽ làm tăng tốc quá trình suy đồi của giáo dục Việt Nam. Bởi nguy cơ do nó đặt ra khiến cho các nhân tố của giáo dục (giáo viên, viên chức và sinh viên, học sinh) bị lệ thuộc hơn nữa vào Bộ Giáo dục, sợ hãi hơn nữa, phải tiến hành « mua » và « bán » nhiều hơn nữa. Tức là đẩy mạnh hơn nữa tệ nạn tham nhũng. Vì sao ? Vì để giữ cho được bằng của mình, vị trí của mình thì hoặc là phải ngoan ngoãn nghe theo mọi phán quyết, mọi quyết định của Bộ Giáo dục, hoặc là phải bỏ tiền ra trong một số trường hợp, hoặc là phải thực hiện cả hai điều đó).
Hiệu trưởng ĐHSPHN, Bộ GD&ĐT, có thể tự cho rằng mình đã « thắng » bằng cách giữ nguyên quyết định đối với Đỗ Thị Thoan, và áp đặt thông tư 15/2014/TT-BGDD  này.

Nhưng khoa học thì THUA, giáo dục THUA, đạo lý THUA, luật pháp THUA, và cuối cùng là đạo đức nghề nghiệp và kèm theo đó là tình người THUA.

Ông Bùi Văn Ga, người ký thông tư này, và ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, liệu có biết rằng gánh THUA này học sinh và sinh viên của các ông sẽ phải còng lưng gánh chưa biết tới bao giờ. Không rõ các ông có hiểu điều đó không ? Các ông có hiểu tác hại của những việc mà các ông đang làm không ? Nếu đứng ở vị trí của các ông mà không thấy được những tác hại đó thì thật bất hạnh cho nền giáo dục và thế cho thế hệ trẻ của đất nước này. Nếu các ông thấy được những tác hại đó mà vẫn làm thì bất hạnh còn tăng lên gấp bội. Đằng nào cũng chỉ có bất hạnh mà thôi.

Paris, ngày 20/9/2014

Nguyễn Thị Từ Huy