You are here

Che giấu thông tin: con dao hai lưỡi.

Ảnh của canhco

Quyền được biết thông tin là một trong những điều khá mới lạ đối với dân chúng Việt Nam, ít nhất là trước khi Internet xuất hiện. Càng xa thành phố bao nhiêu, càng hẻo lánh bao nhiêu thì hai chữ thông tin hình như vắng bóng thường xuyên hơn bấy nhiêu. Một tầng lớp rất lớn người dân quen nghĩ thông tin là nguồn bí mật của quốc gia, nhà nước toàn quyền cho dân chúng biết đến đâu thì người dân hưởng đến nấy.
Báo chí và các phương tiện truyền thông một chiều đã góp phần làm cho nhận thức này ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Trong rất nhiều trường hợp, người dân phản ứng lại với nguồn thông tin mới đánh đổ những gì họ đã được nhà nước bơm vào máu khiến họ bực bội hơn là chấp nhận hay xem xét lại nhận thức của mình.
Che giấu và bóp méo, xuyên tạc thông tin đã gặt hái được rất nhiều kết quả và do đó thúc đẩy người ta tạo ra thông tin giả để đạt cho được mục đích cuối cùng. Lê Văn Tám là một ví dụ sinh động nhất cho hành động này. Chính sách che dấu, lừa gạt chưa bao giờ ngừng và một số rất lớn trong bộ phận nhà nước tin rằng che giấu thông tin là một phần quan trọng không thể thiếu trong việc điều hành đất nước.
Bộ chính trị có niềm tin sắt đá rằng thông tin càng nhạy cảm thì người được biết càng phải có chức vụ cao nhất, thậm chí có thông tin chỉ dành cho một số rất ít người được quyền biết, khi người ấy chết thì có thể thông tin cũng chết theo.
Hội Nghị Thành Đô là một ví dụ.
Cho tới nay, không ai biết rõ văn bản được ký kết giữa các ông Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh cùng với ông Đỗ Mười, lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký kết với Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng vào ngày 3 và 5 tháng 9 năm 1990
Hồi ký của ông Trần Quang Cơ rồi sau đó là sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức có nểu rất chi tiết về các diễn biến dẫn đến hội nghị Thành Đô nhưng tài liệu quan trọng nhất của hội nghị tức là bàn Kỷ yếu Hội nghị ( 會議紀要 ) mà Giang Trạch Dân, Lý Bằng đã ký với Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười trong ngày kết thúc Hội nghị (1) cho tới nay không một ai biết được ngoài Lý Bằng, người công khai Hội Nghị Thành Đô nhưng vẫn giữ lại chiếc chìa khóa này như một con tin, một bằn chứng xấu của Việt Nam khi Hà Nội tự dẫn mình vào chiếc bẫy đầy nguy hiềm này.
Hội Nghị Thành Đô có thể vĩnh viễn nằm trong ngăn kéo của Bộ Chính trị Cộng sản Trung Quốc và nó chỉ được bạch hóa khi có chiến tranh với Việt Nam một lần nữa. Có lẽ vì vậy mà Hà Nội ngậm đắng nuốt cay trong ngần ấy năm để duy trì quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh.
Sự che dấu thông tin đã làm cho các đời Tổng Bí thư bị nguyền rủa, và không có dấu hiệu nào cho thấy người dân sẽ bỏ qua việc này, nhất là trong tình trạng Internet, tức thông tin toàn cầu bùng nổ như ngày nay. Con dao thông tin ngày ngày vẫn cứa vào vết thương Hội Nghị Thành Đô nhưng hình như đã trót leo lưng cọp nên không ai trong Bộ Chính trị dám buông tay nhảy xuống.
Về mặt xã hội, từ Cải cách ruộng đất cho tới nay, câu chuyện che giấu thông tin trong vấn đề trưng thu đất đai vẫn không có gì thay đổi. Vẫn bịt miệng báo chí bằng nghị quyết, bịt miệng dân oan bằng đàn áp, sách nhiểu, bịt miệng trí thức bằng đe nẹt lẫn quyền lợi.
Thế nhưng cả hệ thống không thể nào bịt miệng truyền thông nước ngoài đang cùng một số rất đông blogger hay người chơi Facebook tố cáo các hành vi bất minh của nhà nước. Vụ Dương Nội, Văn Giang hay cũ hơn là Tiên Lãng Hải Phòng vẫn còn nằm trong mọi chiếc máy tính của 2/3 gia đình người Việt.
Nhà nước càng cố giấu thì sự tò mò càng thúc đẩy dân chúng đến chỗ tìm tòi. Nhu cầu được tiếp cận thông tin sau khi Internet xuất hiện ngày càng bức thiết và những vụ đánh người, phạt xe, hành hung người dân của công an không còn nằm trong bí mật được nữa. Những chiếc điện thoại thông minh của người dân sẵn sàng tung những hình ảnh mà họ bắt gặp khi đi đường và những cảnh tưởng không mấy người biết ấy chỉ nửa giờ sau là cả thế giới tường tận.
Video mới nhất được gửi đi từ Dương Nội cho thấy công an phối hợp với đầu gấu hành hung người dân giữ đất một lần nữa phơi trần sự che giấu thông tin của nhà nước hoàn toàn phá sản. Cấm báo chí loan tải việc cưỡng chế nhưng không thể cấm được hàng trăm chiếc điện thoại có thể tường thuật tại chỗ những gì đang xảy ra. Nếu báo chí được quyền thông tin thì chắc chắn sẽ không có ai dám đánh đập người dân như vậy và từ chuyện không dám ấy có lẽ sẽ giảm bớt phần nào sự lạm quyền của công an và đương nhiên sẽ giảm bớt lòng oán hận của người dân đối với Bộ Chính trị.
Vết cắt của con dao hai lưỡi từ việc che giấu thông tin có lẽ đã phản ánh rõ rệt nhất khi Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn dẫn một lô kiều bào về nước gọi là hòa giải. Hòa đâu không thấy chỉ thấy một làn sóng bất hòa dâng cao chưa từng có ở hải ngoại và cả trong nước đối với ai theo dõi thông tin từ nhiều nguồn qua sự việc Nghĩa trang Biên hòa.
Ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn chỉ tay vào một ngôi mộ và nói với đám đông theo báo Pháp Luật tường trình lại: (2)
“Đồng đội của ông Nguyễn Ngọc Lập đây, phần mộ còn nguyên. Chúng tôi trân trọng và để lại tất cả những gì còn trước năm 1975. Nếu nhân dân không tôn trọng, không lấy nghĩa đồng bào, nghĩa tử là nghĩa tận… thì làm gì còn mộ như thế này. Các vị cứ nói cộng sản tàn phá trong khi nghĩa trang thì còn nguyên mộ. 40 năm nay nếu không có nhân dân địa phương chăm sóc, vun đắp thì mộ có còn không? 40 năm nay tấm bia này vẫn nguyên vẹn nằm đây, có ai phá phách không? Quý vị ra hỏi người dân đang làm mộ ngoài kia, có ai phá họ không?”
Ngay sau khi ông Sơn mạnh miệng nói như vậy thì ông Nguyễn Ngọc Lập đã sụt sùi tuyên bố ông cảm thấy xấu hỗ vì sự thật trước mắt!
Nếu thông tin về việc trùng tu Nghĩa Trang Quân đội của chế độ cũ nay đã đổi tên là Bình An được cho phép loan tải trên báo chí thì ông Nguyễn Thanh Sơn đã không dám làm chuyện bịt mắt dư luận trong hành động này.
Ông Nguyễn Thanh Sơn nổi hứng nói điều phi nhân vì chính ông trong tháng trước vào ngày 8 tháng 3 đã bàn bạc việc trùng tu Nghĩa Trang với Ông Nguyễn Đạc Thành tại Washington DC người đại diện cho VAF bỏ ra nhiều năm theo đuổi việc xin phép trùng tu Nghĩa trang. Ông Thành kể với RFA rằng ông Nguyễn Thanh Sơn có nói với ông nguyên văn:"Bác Thành cứ nói với anh em yên tâm tu bổ nghĩa trang, đừng làm lập dập mà mang tai tiếng". đồng thời ông Sơn cũng nói rằng "Thủ tướng chính phủ đã chỉ thị và chấp thuận cho tu bổ Nghĩa Trang Biên Hòa, vậy thì bác thấy hổm nay Bình Dương người ta đã tu bổ, bây giờ bác Thành cần những gì xin nói rõ ràng để có sự chấp thuận cho bác Thành tiếp tục". (3)(4)
Thông tin trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa bị che giấu trên báo chí vì nhạy cảm hay lý do nào đó cho thấy không bao giờ có lợi. Một con bò mộng thông tin nằm giữa các trang mạng điện tử làm sao một ông Nguyễn Thanh Sơn với kỹ thuật trẻ con có thể che mắt mọi người?
Hơn nữa trong vụ này cho thấy một điều nữa về hành vi che giấu thông tin: Nó giúp những kẻ như ông Sơn không ngần ngại làm bất cứ điều gì phản nhân văn nhất bởi ông nghĩ rằng người dân hiện nay còn nằm trong tăm tối muốn nói sao làm gì cũng không ai biết.
Ông Sơn không rút được kinh nghiệm thông tin khi chính Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải của Canada phản bác ông sau khi ông Sơn lên đài TV PhoBolsa nói lời dối trá, cho rằng vị Thượng nghị sĩ này đồng ý lập trường về Linh Mục Nguyễn Văn Lý của ông ta.(5)
Hay ông Thứ trưởng do quá quen tiếp cận với cách che giấu và bóp méo thông tin nên có khi chính ông cũng là nạn nhân của chủ trương này. Ông sống và thực hiện hành vi tráo bài trong thông tin quá lâu đã biến ông không thể phân biệt đâu là giả dối đâu là sự thật.
Ông không phân biệt nỗi HO thật và HO mua giấy giả. Ông giật giây cho những con rối trình diễn trên con tàu Trường Sa. Ông gây nhiễu, bóp méo thông tin khi tuyên bố đồng bào vượt biên là nạn nhân chiến tranh, cùng những câu nói nổi tiếng khác khi cáo buộc người biểu tình chống các lãnh đạo Việt Nam sang Hoa Kỳ là nhận tiền của thế lực phản động...
Thông tin bóp méo, xuyên tạc đồng nghĩa với che giấu. Chỉ khi phạm pháp hay có ý đồ xấu thì người ta mới che giấu thông tin. Không biết giữa phạm pháp và ý đồ xấu chính quyền đang nằm ở đâu trong hai phạm trù này?
(1) http://ngoducthohn.blogspot.com/2012/12/hoi-nghi-thanh-o.html
(2)http://plo.vn/thoi-su/kieu-bao-vieng-nghia-trang-nhan-dan-binh-an-doi-di...
(3) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bienhoa-so-army-cemtry-visit-by-u...
(4) http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140430-du-an-trung-tu-nghia-trang-bien...
(5) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-sen-n-t-hai-about-meet-...