You are here

Nhìn lại những ngôi mộ tháng Tư

Đầu tháng Năm cố đừng nghĩ gì để lòng thanh thản, nhưng tháng Tư, vào những ngày cuối, cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ cùng những tập thể nhảy múa rình rang, văn nghệ văn gừng khắp mọi nơi để gọi là “ăn mừng chiến thắng” tôi lại nhìn thấy hàng ngàn ngôi một hiện ra giữa đám cờ hoa ấy. Những ngôi mộ mang nhiều tên tuổi khác nhau: Lịch Sử; Lưu Vong, Vượt Biển; Thù Hận; Lợi Dụng…không thể lặng lẽ đốt nhang tưởng nhớ. Thôi thúc nhìn lại những ngôi mộ đôi khi làm cho con người ta chớm đau và từ đó nảy sinh những bất ngờ khó giải thích nỗi.
Ngôi mộ lịch sử hiện ra trong cái màu đỏ chói và tiếng reo hò. Sự thật được chôn vùi, dẫm đạp, người ta tranh nhau tung hê, ăn mừng trong lúc hàng ngàn dân oan, hàng triệu dân oan đang đau xót và tuyệt vọng, nhìn thành quả lao động của mình tuột dân khỏi tầm tay. Ngôi mộ này chất cao như núi tiếng kêu oan của những người dân từng một thời “góp gạo nuôi quân” để làm nên cái mốc 30 tháng Tư mà sau đó không lâu, họ ngậm đắng nuốt cay với thời cuộc mới.
Hàng ngàn ngôi nhà bị lấy đi, vàng bạc, tài sản bị cướp trắng với danh nghĩa trưng thu sung vào công quĩ nhà nước, con người đi từ chỗ sung túc đến bần hàn, cơ cực, sợ sệt, mãi cho đến nay, khi mà thế giới đã tiến bộ đến đâu rồi, vẫn có những cuộc dàn xếp, rình rập để đổi 100USD, gài thế làm bằng chứng rồi thu sạch hơn nửa ngàn lượng vàng, hàng trăm ngàn USD của người ta ngay giữa ban ngày ban mặt. Làm như thế khác nào cướp giữa ban ngày? Đó là chưa muốn kể đến hàng triệu thanh niên của nhiều thế hệ bị vùi dập tài năng, bị bắt nhốt vì bất đồng chính kiến với đảng Cộng sản, hàng ngàn binh sĩ chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị tù cải tạo, bị đối xử còn tệ hơn cả con vật… Tất cả những thứ này đã làm nên ngôi mộ Lịch Sử vĩ đại của Việt Nam dưới chế độ Cộng sản.
Rồi hơn triệu người phải bỏ thân xác trên biển, hơn ba triệu người Việt Nam khác đến vùng đất hứa sau một hải trình đầy máu và nước mắt, tai ương. Tất cả những người còn sống cũng như người đã chết dựng nên hình hài một ngôi mộ của dân tộc với tên gọi: Vượt Biển. Ngôi mộ này như một chứng tích bi thương của Việt Nam kể từ sau 30 tháng Tư năm 1975. Một ngôi mộ mà ở đó, các dân tộc trên thế giới có thể sờ, nắm, trò chuyện để biết thêm về nỗi đau của dân tộc Việt Nam dưới triều đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Và bên cạnh ngôi mộ Vượt Biển, ngôi mộ Lưu Vong với hàng triệu người Việt Nam vốn yêu quê hương, đất nước nồng nàn đành rời bỏ quê hương, rời bỏ người thân để mà sang một xứ khác. Ở đó, mọi thứ đều khác biệt quê nhà, từ giọng nói cho đến văn hóa, cảnh quang.
Chỉ có chăng một thứ duy nhất để an ủi hàng triệu người lưu vong Việt Nam là sự tôn trọng quyền sống, quyền làm người mà xứ sở mới đã mang lại cho họ, để họ xem đó là quê hương thứ hai.
Cũng trong nỗi nhớ quê, nhớ người thân, bạn bè và nhớ những đồng đội cũ đau đáu này, đã nhiều lần, rất nhiều lần, những người Việt lưu vong đã chắt chiu từng đồng kiếm được nơi quê hương thứ hai để gởi về giúp gia đình, gởi về trùng tu những ngôi mộ của đồng đội, người thân… Thế nhưng chỉ một chút an ủi lòng để khỏi phải ray rứt với người thân, đồng đội xưa đó cũng không bao giờ thực hiện được bởi sự ngán đường, ngăn cản của một ngôi mộ khác, đó là lòng thù hận.
Chính thù hận đã không cho phép người Cộng sản mở lòng ra với bất cứ ai, kể cả người đã khuất. Hiện tại, có không biết bao nhiêu ngôi mộ chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị đập phá, đào bới, cày xới. Nhiều khu nghĩa trang Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn mất dấu, thay vào đó là khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu công nghiệp, công ty chế biến hải sản… Và mãi cho đến bây giờ, không ai biết được
những bộ hài cốt của các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa đã đi về đâu.
Đất nước ngút ngàn uất hận, tử khí vẫn còn đậm đặc trên dải đất hình chữ S này một khi người ta còn dày vò, dẫm đạp lên cái chết của nhau. Ngôi mộ thù hận vẫn còn chất cao như núi, lòng thù hận và cách xử sự thấp hèn, bỉ ổi vẫn còn trờ trờ trước mắt. Vậy mà người Cộng sản vẫn không ngại miệng kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc! Họ không còn biết mắc cỡ gì một khi việc đó có lợi cho họ.
Và sự kêu gọi này nhằm đắp cao thêm một ngôi mộ khác của người Cộng sản có tên là Lợi Dụng. Lợi dụng tình đồng hương, tình máu mủ ruột rà và lòng trắc ẩn của những người xa xứ. Nhà nước Cộng sản đã nhiều lần chiêu dụ các Việt kiều về làm ăn, đầu tư trong nước nhưng đằng sau lời kêu gọi này là một cái bẫy mà sự bất minh về thủ tục, văn bản pháp luật và nhiều yếu tố khác đã làm cho nhiều Việt kiều mất trắng tài sản khi đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, với chiêu bài kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc nhằm hợp thức hóa chế độ Cộng sản Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đẩy những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền, những người kiên định lý tưởng dẹp bỏ chế độ Cộng sản và nhiều thành niên Công Giáo đang ngày đêm đấu tranh, nỗ lực thực hiện lý tưởng tự do tôn giáo… vào chỗ bị cô lập, không lối thoát!
Tất cả những ngôi mộ trên đây đều do người Cộng sản tự đắp nên. Và đương nhiên, đó cũng là ngôi mộ lớn để đón họ trong ngày tàn của chế độ. Và cũng đương nhiên, tuy không được tử tế nhưng Cộng sản vẫn là con người, họ cần một sự chôn cất của những người văn minh. Điều này, có lẽ họ sẽ được toại nguyện nếu như họ biết suy nghĩ lại kịp thời!
Tháng Năm không kịp trôi dấu vết của các ngôi mộ buồn phiền tháng Tư mất tích. Làm sao được khi cả thể chế này không còn một tháng nào để thực sự xét mình, xét lại những căn tội đã làm cơ thể đất nước thành sẹo, những vết sẹo không thể biến đi bằng những lời dối trá.