You are here

Chuyện rất… dưa!

Mấy ngày nay, thông tin các đài, báo nói về chuyện hàng ngàn chuyến xe chở dưa hấu của nhà buôn Việt Nam phải mắc kẹt ở cửa khẩu Việt – Trung, nhà buôn dở khóc dở cười, nhà nông bị méo miệng theo bởi dưa đột nhiên hạ giá, thua lỗ trắng tay. Nhưng chuyện đó chưa đáng kể bằng hai lời phát biểu của hai ông bộ trưởng nghe cực kì… dưa! Và thêm một chuyện dưa khác mà chưa đi thì chưa biết chi, đi rồi mới hiểu còn gì là dưa!
Về phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Việt Nam với đại ý ‘dưa bị mắc kẹt ở cửa khẩu là do dưa hấu được mùa’, cộng thêm ông Bộ trưởng Bộ Công thương bảo rằng ‘dưa bị ứ là do đường chật hẹp…’ thì có lẽ miễn bàn về trí tuệ của hai ông này. Nhưng, xét trên một khía cạnh khác, hai vị quả là thâm đòn và cao siêu!
Thâm và cao cỡ nào? Thì ông Bộ trưởng Nông nghiệp thừa biết là không riêng gì dưa hấu mà cả lúa, thuốc lá và nhiều hàng nông sản khác, hễ cứ được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa, nên năm nay nông dân được mùa dưa hấu, chuyện gặp “tai nạn”, rớt giá và mất trắng là hiển nhiên rồi. Nghe ra câu nói của ông Bộ trưởng này cũng chua xót ra phếch đấy chứ!
Riêng về câu nói của ông Bộ trưởng Công thương thì quá hay, nó hay ở chỗ ông đưa ra nhận định con đường quá hẹp, chữ hẹp này cần hiểu theo hai nghĩa: Hẹp ở con đường cái quan và hẹp ở trong lòng người. Đường sá thì có mọi thứ thuế cho nó, nhưng năm nào đường cũng sửa chữa một cách bầy hầy và năm nào cũng có đường ổ gà ổ voi, đi khắp đất nước, ở đâu cũng gặp ổ gà ổ voi khắp mặt đường, thế mới máu!
Nhưng đó chỉ mới là con đường cái quan lồ lộ trước mắt, chứ con đường trong lòng thì miễn bàn! Thử đặt một ví dụ, số xe tải bị ứ đọng là mười ngàn chiếc chẳng hạn (đương nhiên con số thật chỉ bằng 10% con số ví dụ thôi!), thì chuyện thông xe ở cửa khẩu chằng có gì là khó. Bởi hai lý do, sân của hải quan tương đối rộng và tất cả các cửa khẩu đều có máy quét kiểm tra hàng quốc cấm, trong đó, quét phát hiện ma túy được đưa lên hạng vạch đỏ.
Sở dĩ nói về sân hải quan và máy quét là vì: Nếu như gặp xe có chở ma túy hoặc hàng quốc cấm, đưa vào sân hải quan để xử lý, và chắc chắn số lượng xe chở mấy loại hàng này không thể nhiều đến mức chật sân hải quan được, bằng chứng là sân hải quan vẫn rộng thênh, chỉ có xe mắc kẹt trên đường là chật ních.
Trong khi đó, việc thông quan trong khối Asean rất đơn giản, chỉ cần chủ xe có giấy phép lưu thông, hàng hóa có đăng ký xuất xứ và những người áp tải có hộ chiếu. Việc cấp thông hành, hay nói theo ngôn ngữ hải quan là cấp thị thực diễn ra chưa đầy năm phút. Nhân viên hải quan xem xét giấy tờ hàng hóa, đối chiếu hộ chiếu với hồ sơ điện tử để loại bỏ những người bị nhà nước cấm xuất ngoại, sau đó đóng dấu và cho qua.
Mức chậm nhất, mỗi xe năm phút, với từ hai đến bốn phòng cấp thị thực, như vậy mỗi giờ, sẽ có từ hai mươi bốn đến bốn mươi tám xe được đi qua cửa khẩu. Mỗi ngày (nếu làm theo giờ hành chính thì có được từ hai trăm đến bốn trăm xe được đi qua cửa khẩu, nếu tăng ca, tăng số lượng nhân viên cấp thị thực, chắc chắn con số sẽ lên đến cả ngàn xe được thông hành mỗi ngày, mọi việc diễn ra đơn giản, không có gì là trở ngại. Vì người viết bài này từng đi qua nhiều cửa khẩu và từng quan sát rất kĩ cách làm việc ở các cửa khẩu, chuyện thông xe thật sự đơn giản nếu như hải quan làm đúng qui trình.
Vậy tại sao lại có chuyện kẹt xe hàng ngàn chiếc? Và không riêng gì cửa khẩu Việt – Trung mà các cửa khẩu Việt – Lào, Việt – Compodia đều có những ngày bị kẹt xe hàng hàng lớp lớp?!
Nói đến đây mới lại nhớ đến câu nói của ông bộ trưởng Công thương: Đường quá hẹp! Thật ra, theo thông lệ quốc tế và theo qui đình pháp luật Việt Nam hiện hành, khi một công dân xuất ngoại, việc duy nhất anh ta phải làm là xuất trình hộ chiếu và chờ đóng thị thực của an ninh cửa khẩu, sau đó thì ung dung đi sang nước bạn. Nhưng ở các cửa khẩu Việt Nam thì chuyện này là một cái chợ phi lý.
Bất kì của khẩu nào, khi đóng dấu hải quan, người dân đều được gợi ý nhớ kẹp một tờ tiền, mệnh giá thấp nhất là 10 ngàn đồng, cao nhất là 50 ngàn đồng vào hộ chiếu để được đóng dấu sớm hơn. Và bất kì người dân nào khi vào cửa hải quan đều gặp một đám cò mồi đứng trước cửa hải quan, gợi ý rằng muốn qua sớm thì đưa cho họ 50 ngàn đồng và đưa luôn hộ chiếu cho họ, họ sẽ xin con dấu trong nháy mắt. Nhiều lần tôi đã gặp trường hợp hai chục cuốn sổ hộ chiếu đều kèm 100 ngàn đồng, các nhân viên hải quan gạt bỏ những cuốn hộ chiếu kẹp 20 ngàn đồng và 10 ngàn đồng sang một bên để hì hục đóng dấu cho 20 cuốn kia.
Kết quả là công việc đang êm xuôi bỗng dưng bị gián đoạn, những người xếp hàng chờ phải dạt sang một bên để nhường đường cho nhóm 100 ngàn lên trước. Và đương nhiên, việc gián đoạn này tốn hết ít nhất nửa giờ đồng hồ mới vãn hồi như ban đầu được vì phải thay đổi trật tự, phải xem xét nhiều thứ do chưa chuẩn bị… Chỉ mới 20 cái hộ chiếu mà mọi việc đã đảo lộn lên rồi, huống gì hai ngàn cái hộ chiếu (của tài xế và chủ dưa) và một ngàn xe dưa đang nóng dần lên!?
Chắc chắn là khi nhà buôn nóng lòng muốn qua cửa khẩu sẽ kèm theo hiện tượng nhà buôn nào cũng kèm một tờ 200 ngàn đồng hoặc 500 ngàn đồng, có khi lên cả triệu đồng trong cuốn sổ hộ chiếu của họ để được đóng dấu cho đi sớm. Và nếu một người làm thì cũng sẽ có nhiều người chạy đua để được qua sớm.
Vô hình trung, cái cửa hải quan trở thành cuộc đấu giá để lấy con dấu đỏ và các nhân viên hải quan sẽ rơi vào lúng túng khi phải mở từng cuốn hộ chiếu để xem xét số tiền kẹp trong đó nhiều hay ít rồi phân loại thành từng hạng, sau đó đóng dấu.
Chỉ riêng thời gian phân loại hộ chiếu này không thôi cũng đủ làm cho dưa hấu bắt đầu bốc mùi và thối. Đến khi họ phân hạng xong thì mùi người cũng bắt đầu bốc lên khắp cửa khẩu bởi mồ hôi, thức ăn rơi vãi và tiếng chửi thề. Và khó khăn nhất của nhân viên hải quan chính là phân loại hộ chiếu như thế, vì nó liên quan đến miếng ăn, không thằng nào chịu nhịn thằng nào cả, phải ba mặt một lời, “công khai minh bạch”.
Chính vì thế mà có khi cả bốn ban xúm lại một chỗ, dồn tất cả hộ chiếu lại để phân loại và cộng số tiền thành một cái tổng để khi tan ca còn có con số mà chia chác. Chỉ riêng chuyện này không thôi, mất cả nửa ngày. Nhưng người dân thấp cổ bé họng không bao giờ được phép lên tiếng và cũng không dám nhìn thấy cái thực trạng thối nát này. Vì chén cơm manh áo cả thôi!
Và, đến đây mới thấy ông Bộ trưởng Công thương thâm thúy, rõ là đường quá hẹp rồi còn gì! Đau nhất là chưa đợi Trung Quốc nó hại người Việt mà chính người Việt đã hại người Việt một cách không nương tay. Nhân viên hải quan đâu cần quan tâm dưa bao nhiêu xe, chó bao nhiêu xe, họ chỉ cần nhìn cuốn hộ chiếu dày cỡ nào, cái nào được đóng trước, cái nào đóng sau, đóng thì nhanh thôi, chừng 3 đến 5 phút, nhưng suy nghĩ, lựa chọn và “công khai” số tiền đó với người anh em đồng nghiệp mới tốn thời gian!
Và tình trạng này sẽ còn diễn ra trong nhiều lần sau nữa, vì cửa hải quan là cái chợ mua bán trả chác cao thấp để mua con dấu đỏ. Nhiều nhà buôn méo mặt vì chuyện này!
Nhiều đài, báo trong nước nói rất nhiều về chuyện dưa, nhưng chưa thấy đài, báo nào nói về chuyện này, thế mới… dưa!