You are here

Chuyện những chiếc cầu chưa gãy.

Ảnh của canhco

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sau khi mất có lẻ bài hát nổi tiếng nhất của ông sẽ khó làm người ta quên, với cái tựa cực “hot”, dù đi đâu ở đâu mỗi lần nhớ tới Huế thì nhớ tới ca khúc này: Chuyện một chiếc cầu đã gãy.
Chiếc cầu đã gãy ấy là cầu Trường Tiền, sáu vài mười hai nhịp, và dưới ngòi bút của người nhạc sĩ tài hoa chiếc cầu như một giấc mơ nằm trong trí nhớ chẳng những của người Huế mà còn nằm cả trong lòng những ai từng biết về Huế.
Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp cố đô dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình
Ngày ngày cầu đã đưa em qua nhóm chợ khuya
Cầu đã đưa anh qua xới ruộng nâu
Giờ êm ái quen nghe tiếng hò Ngự Bình
Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh như lòng người dân lành…
Cầu Trường Tiền do Gustave Eiffel thiết kế và xây dựng từ năm 1897. Cầu bị đánh gãy hai lần, lần thứ nhất vào ngày 20 tháng 12 năm 1946 khi chiến tranh Việt Pháp xảy ra Việt Minh đặt mìn giật sập mất hai nhịp. Tới năm 1968 trong chiến dịch tổng công kích Mậu Thân bộ đội miền Bắc một lần nữa lại giật sập 2 vài.
Ngoài hai lần bị chính người bản xứ đánh gãy ấy, chiếc cầu được dựng nên do tài năng lừng lẫy Eiffel chưa từng có vết tích gì sai sót do thi công. Hơn một trăm năm qua nó vẫn đứng vững và ngạo nghễ thách đố với thời gian.
Ngược lại với những người anh em của nó, những chiếc cầu khác từ thô sơ tới hoành tráng tại đất nước này đang gồng mình vừa chịu đựng sự hư hỏng lại vừa chịu tiếng ta thán khắp nơi. Từ khắp ba miền đất nước cho tới vùng núi non hiểm trở của vùng cao bắc bộ. Có chiếc không chỉ gãy mà còn sụp đổ hoàn toàn, chỏng chơ mấy sợi giây oan nghiệt như muốn kêu nài của những linh hồn oan ức. Tại Lai Châu, chiếc cầu treo Chu Va 6 lật nhào khiến 45 người trong một đám tang rơi xuống suối mà bên dưới là đá tảng lởm chởm, đã giết chết 8 người và số người may mắn còn lại không ai tránh khỏi thương tích.
Nguyên nhân? Một con ốc neo không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên bị vỡ ra. Thay vì đúc bằng thép nung nó lại được làm bằng một hợp chất gì đó mà bao nhiêu ban bệ đang chúi mũi vào phân tích vẫn chưa tìm ra nó là thứ gì.
Chu Va 6 là cái tang oan khốc cho người H’mong và ngay sau đó một quan chức cho rằng lý do sập cầu vì người H’mong có thói quen đi rất nhanh trong lễ tang. Cứ cho như vậy đi.
Cầu Chu Va 6 nhỏ và cheo leo trên vùng núi nên quan bảo sao cũng được, nhưng bước xuống đồng bằng thì không chừng quan lại có ý kiến khác tùy từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn cầu to, hoành tráng thậm chí biết phun lửa nữa thì sao?
Đấy là cầu Rồng, niềm tự hào vô bờ của ông Nguyễn Bá Thanh. Sau một vài lần phun lửa thì rồng đang lâm bệnh. Bác sĩ cầu chẩn đoán và tiêm chủng cho rồng những mũi keo che vết lở lói trên thân rồng và các bác sĩ cầu ấy nói như đinh đóng cột: da rồng sẽ lành và vết thương sẽ khỏi.
Ai tin thì tin còn tôi thì không.
Nhìn một đống xi-lanh cùng hàng ngàn vết keo nham nhở trên thân hình của con rồng ấy tôi tự hỏi trên thế giới này có nơi nào như thế hay không? Một công trình hàng ngàn tỷ lại chắp vá không khác Chu Va 6 khi chưa bị sập cho thấy tắc trách của nhà thầu cộng với ngu muội của chính quyền địa phương và sự lơ là của Bộ Giao thông vận tải. Hàng trăm chiếc cầu trên toàn quốc đang sống tạm bợ chờ ngày được chích thuốc như cầu Rồng, vì nhiều quá chắc chắn người dân sẽ quen với những ống xi-lanh ấy cho dù ban đầu họ cũng mắt tròn mắt dẹt lằm.
Quan chức Đà Nẵng cho báo chí biết: đối với các vết nứt xuất hiện trong thời gian qua đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, đơn vị kiểm định lưu ý tiếp tục theo dõi quan trắc đối với một số vết nứt bê tông và mối liên kết giữa các kết cấu dầm thép-dầm bê tông cốt thép, giữa dầm-vòm bê tông cốt thép để có biện pháp xử lý hợp lý, kịp thời.
Như vậy là đúng quy trình.
Kinh phí xây chiếc cầu này gần 1,5 nghìn tỷ đồng, được thiết kế bởi Ammann & Whitney Consulting Engineers với tập đoàn Louis Berger. Việc xây dựng được Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 đảm nhận.
Nếu Eiffel giao cho Tổng công ty này thi công thì số phận cầu Trường Tiền cũng sẽ không hơn gì. Huế may mắn hơn Đà Nẵng.
Cũng tại quê hương ông Nguyễn Bá Thanh một cây cầu khác đang bị vật ra khám sức khỏe vì có những triệu chứng bất thường của chứng bệnh ghẻ như Tổng bí thư từng cảnh báo trước đây. Đó là cầu Thuận Phước do UBND thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư với kinh phí 1.000 tỷ, và bây giờ cả mặt đường trên chiếc cầu ngàn tỷ này đã lở loét nghiêm trọng chỉ sau 5 năm đưa vào xử dụng.
Theo báo chí thì mặt cầu Thuận Phước của Đà Nẵng được giải thích sớm hư hỏng do công nghệ mới giống như cầu Thăng Long Hà Nội.
Khác với rồng nằm Đà Nẵng, rồng bay của Hà Nội do rẻ tiền hơn nên sự chú ý của dư luận ít hơn mặc dù sự hư hỏng của nó không hề thua kém bất cứ cây cầu nào của Việt Nam. Cũng tróc lở, ổ gà, đùn mặt và nhất là không ai chịu trách nhiệm.
Một cây cầu nữa của Hà Nội đang có hội chứng như cẩu Rồng Đà Nẵng: nứt đúng quy trình.
Đó là cây cầu Vĩnh Tuy đang được chẩn đoán vì có hiện tượng nứt gãy dưới chân cầu. Từ khi bắt dầu thụ thai đến khi được sinh ra và sau vài năm quằn mình chịu đựng, cái giá của nó tính luôn cả trượt giá đã lên tới 5.500 tỷ đồng.
5 ngàn 500 tỷ nhưng nó vẫn nứt, vẫn cùng chứng với cầu Rồng Đà Nẵng và dĩ nhiên người ta cũng đang đem hàng ngàn ống xi-lanh keo nhựa đến để chích cho nó.
Nhìn những ống xi-lanh ấy lại liên tưởng đến những góc phố tăm tối chứa đầy ống tiêm của dân giang hồ thải ra. Nếu những ống kim tiêm ấy làm cho dân nghiện mê man thì không lẻ các ống tiêm cho cầu cũng làm cho xi măng cốt thép mê man mà nghe theo nó để đừng gãy xuống?
Những ống xi-lanh gây mê cho cầu suy cho cùng cũng chỉ là một phương tiện. Sá gì chuyện nhỏ của những chiếc cầu khi cả nước đang lên đồng vì hàng trăm chuyện khác sau khi được gây mê một cách từ từ gần tám mươi năm qua?
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nếu còn sống cũng bó tay đối với những chiếc cầu chưa gãy này. Không lẽ ông lại sáng tác thêm một phiên bản thứ hai mang tên: Chuyện những chiếc cầu chưa gãy?