You are here

Thủ tướng nói…

Ảnh của canhco

Đầu năm 2014, hầu hết các trang mạng điện tử đều chú ý tới bài thông điệp đầu năm của Thủ tướng. Đỉnh nhất có lẽ là bài của nhà văn Phạm Thị Hoài với nhận xét ngắn gọn và chính xác: không thấy bóng nhân dân trong đó.
Một bài “thông điệp” nói với nhân dân mà không có bất cứ một anh nông dân hay một chị bán báo nào thì có lẽ anh chàng viết diễn văn này của Thủ tướng sắp nhận được chiếc phong bì cuối cùng trong cuộc đời làm “ma” viết (ghostwriter).
Bài thông điệp dài nhưng không buồn ngủ. Không phải ở sự hấp dẫn thông tuệ của nó mà do ẩn phía sau những từ ngữ quen thuộc đã được đánh bóng, tân trang lại cho hợp với cái gout ngôn ngữ ngày nay. Bóng quá nên trơn trợt và gây nên nhiều dấu hỏi cần được nêu ra trong tinh thần chính thủ tướng đề xướng ở những dòng kết luận: “phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”
Với tư cách một người dân, tôi làm chủ với Thủ tướng.
Theo trình tự từ đầu tới cuối của bài thông điệp, trước tiên Thủ tướng nói: “Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.”
Tôi nói: Như vậy là Thủ tướng đã chính thức thừa nhận trước nhân dân cả nước rằng Quốc hội và Chính phủ là công cụ của Đảng do đó phải thi hành kết luận của Trung ương Đảng. Xin hỏi Thủ tướng, đây có phải là một khẳng định “có tính lịch sử” về điều 4 Hiến pháp đã bắt đầu bạch hóa?
Thủ tướng nói: “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng....Báo cáo thường niên của nhiều tổ chức quốc tế đều xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Đây là chỉ báo tham khảo quan trọng về vị trí của từng quốc gia trong cuộc ganh đua toàn cầu. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.”
Tôi xin hỏi thủ tướng: Còn báo cáo thường niên về chỉ số tham nhũng của Việt Nam thì sao? Báo cáo thường niên về đàn áp và bỏ tù nhà báo và blogger của Việt Nam thì sao? Báo cáo thường niên về chỉ số tin tưởng của doanh nghiệp Việt Nam thì sao?
Thủ tướng có nghĩ rằng những chỉ số này có làm cho Việt Nam lừng lững trong mắt của bạn bè quốc tế không? Nếu không thì giải pháp mà Thủ tướng đưa ra là gì?
Thủ tướng nói:“Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
Tôi nói: Người viết bài diễn văn này cho Thủ tướng tỏ ra không biết gì về lịch sử của hai từ Dân chủ. Anh hay chị ta chỉ cần vào Wikipedia sẽ thấy ngay: “Thuật ngữ này xuất hiện đầu tiên tại Hy Lạp với cụm từ "quyền lực của nhân dân” được ghép từ chữ δήμος (dēmos), "nhân dân" và κράτος (kratos), "quyền lực" vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 đến thứ 4 trước Công nguyên để chỉ hệ thống chính trị tồn tại ở một số thành bang Hy Lạp, nổi bật nhất là Anthena sau cuộc nổi dậy của dân chúng vào năm 508 TCN.”
Cái bệnh “ăn theo” bác Hồ đã ăn sâu vào não thùy của rất nhiều bài diễn văn nhưng thông điệp đầu năm mà như thế thì thật là đáng buồn Thủ tướng ạ.
Thủ tướng nói: “Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ”.
Là người dân tôi xin hỏi: Ý nghĩa thật sự của câu này là gì vậy? cái chế độ xã hội chủ nghĩa mà Thủ tướng đang nói thì ông Tổng Bí thư đã khẳng định rồi, phải đến hết thế kỷ này chúng ta mới biết được diện mạo của nó, vậy mà khăng khăng cho là nó “sẽ” đẹp trai hơn các chàng trai của xã hội dân chủ hiện nay trên khắp thế giới thì có quá hoang tưởng hay vĩ cuồng không?
Thủ tướng nói: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân”.
Xin thưa với thủ tướng: Không có bất cứ nước nào trên thế giới lấy lãnh đạo và quản lý để gọi là giúp cho tốt hơn cái quyền làm chủ của người dân cả. Thủ tướng đang nói ngược lại với sự thật. Dân chủ là phương tiện, công cụ giúp cho lãnh đạo và quản lý nhà nước không sai phạm và đi ra ngoài hiến pháp, tức những gì mà pháp luật quy định.
Thủ tướng nói: “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại.”
Câu này Thủ tướng nói đúng 50%.
“Dân chủ và nhà nước pháp quyền là một cặp song sinh” là chính xác nhưng “trong một thể chế chính trị hiện đại” thì hoàn toàn sai. Cách đánh tráo khái niệm này rất thường thấy trong bất cứ bài diễn văn nào của cán bộ các cấp, tuy nhiên đối với một thông điệp chính thức của lãnh đạo thì không thể xem thường, bởi ngày nay mạng lưới Internet không cho phép người ta “nói lời rồi lại nuốt lời như không”.
Việt Nam không hề là một thể chế chính trị hiện đại.
Tam quyền phân lập mới là thể chế chính trị hiện đại. Mặc dù nó đã ra đời hàng trăm năm nhưng vẫn chưa có mô hình nào tốt hơn để thay thế. Trong khi ngay từ câu đầu tiên Thủ tướng đã xác định Việt Nam chỉ chịu sự lãnh đạo duy nhất của Đảng thì hiện đại chỗ nào thưa ông?
Thủ tướng nói: “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng”
Câu này thì sướng tai cho ai không biết về thông tin trên Internet.
Tôi hỏi: Những cái chết thương tâm trong đồn công an, những cuộc khiếu kiện đắng lòng của dân oan khắp chốn, những công dân Việt Nam chưa hề phạm một tội gì vẫn bị cấm xuất cảnh vì sự vượt luật của ngành công an. Thưa Thủ tướng ông gọi những vụ việc này là gì vậy?
Thủ tướng nói: “Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.”
Thưa thủ tướng, tôi hỏi: Quốc hội là của Đảng, nó ngang hàng với Chính phủ. Vì là hai đứa con song sinh nên khó lòng biết đứa nào là anh đứa nào là em, vậy thằng em chất vấn thằng anh trước 90 triệu con người vừa hiền vừa bất lực như cừu thì nghĩa lý gì thưa ông?
Thủ tướng nói: “Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản.”
Tôi hỏi: Cái quyền tham gia xây dựng chính sách là quyền gì vậy và liệu nó có thật hay chỉ là một phần trong vở kịch nhiều chương hồi? Nếu anh nông dân tham gia chính sách thì với sự chân chất vốn có anh ta góp vào cái quyền ấy như thế nào? Chị bán rau ngoài chợ liệu dám ngồi đôi co với một bà chủ tịch Hội phụ nữ đầy quyền lực hay không?
Về cái quyền lựa chọn người đại diện cho mình, tôi có ý kiến:
Mỗi lần đi bầu Quốc hội tôi cứ nghĩ người nào tôi bỏ phiếu phải là người giúp dân giúp nước, thế nhưng sau khi hiệp thương thì toàn những khuôn mặt do chính quyền chọn trước. Bỏ ai cũng rơi vào rọ hết thì người dân chúng tôi làm sao thực hiện được cái quyền cao sang đó, thưa ông Thủ tướng?
Rồi lại còn quyền sở hữu tài sản nữa chứ!
Người ta chỉ coi cái gì là tài sản khi nó có thể bán được hay chí ít cho thuê được, kể cả trí tuệ và bản quyền. Tôi là nông dân nên không có trí tuệ lẫn bản quyền nhưng tôi có đất. Mảnh đất từ ông bà tiên tổ để lại từ hàng trăm năm bỗng nhiên trở thành “sở hữu toàn dân và nhà nước quản lý”.
Sờ hữu toàn dân mà tôi quay sang hỏi ông hàng xóm ổng có biết gì về miếng đất của tôi hay không thì ông ấy lắc đầu. Xin Thủ tướng giải thích thêm vì tôi nghĩ vốn tiếng Việt của mình hình như có vấn đề nên không thể nào hiểu cho suốt một câu tuy ngắn nhưng đầy gai nhọn như thế.
Thủ tướng nói: “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh”
Tôi thề sẽ chấm dứt sau mấy cái …“Thủ tướng nói” này, vì càng nói ông càng sai, người nghe càng mỏng và tôi càng mệt.
Ông quên những Tổng công ty, Tập đoàn do chính ông sinh ra và chỉ đạo từ đó đến nay. Hỏi nhỏ ông nhé, chúng có độc quyền không và chúng có cạnh tranh bình đẳng không, thưa ông?

Bài bình luận

Nói với làm hai đàng trái ngược, Vốn xưa nay đã được múa hoài. Trên thông giữa kẹt rất tài, Dưới kêu trên ngoảnh, ông trời ngó lơ. * “Chữ Trinh giá đắt ngàn vàng”, Lỡ mất (lấy một vàng) vá lại dễ dàng như chơi. Chữ Tín giá rẻ một lời, Mất đi, lấy lại e cả đời bó tay. Cha mẹ đã dạy bày: Gây niềm tin không khó Phá niềm tin không khó Lấy lại niềm tin không dễ. * Ai ra sao nỏ biết Riêng em cứ tình thiệt Đến chết chẳng quên câu Của hai nhà ‘hiền triết’: “Đừng nghe những gì họ nói Hãy nhìn kỹ những gì họ làm”, “Sông có thể cạn, núi có thể mòn Song chân lý ấy không bao giờ thay đổi“! “Anh yêu ơi xin đừng có giận vội Mà trước tiên anh phải tự trách (ờ ơ ớ…) mình!” (Hàn Lệ Nhân)