You are here

Thiểu số, có gì mà mừng?

Ảnh của canhco

Đọc một bản tin của tờ báo người Việt tại Cộng hòa Czech loan tải trên mạng bỗng thấy ngậm ngùi: Chính phủ nước Cộng hòa Czech thừa nhận người Việt đang sống ở đây là dân tộc thiểu số, có nghĩa là từ nay họ sẽ được đối đãi tốt hơn, được chính phủ trợ cấp nhiều hơn và nhất là cung cấp kinh phí để bảo tồn văn hóa Việt Nam một cách thực tế hơn.

Buồn vì bốn chữ "dân tộc thiểu số".
Ừ, thì gần một trăm ngàn người trôi nổi, di dân sang nước người ta ăn nhờ ở đậu nếu so sánh với người bản xứ thì con số nhỏ hơn rất nhiều, nói ngắn lại là thiểu số. Nhưng hai chữ thiểu số đứng phía sau hai chữ "Dân tộc" thì vấn đề lại khác, có một cái gì đó giống như đang nhai cơm bỗng nhiên cắn phải một hạt sạn buốt hết cả người.
Dân tộc thiểu số là một hay nhiều nhóm dân tộc ít người hiện diện rất lâu trong một quốc gia mà nguồn gốc của họ biến thiên theo hoàn cảnh lịch sử của từng nước. Có nước chiếm đóng đất đai và biến họ thành dân tộc thiểu số. Có nước mà nhóm dân tộc thiểu số không hẳn hòa nhập vào xã hội, sống biệt lập nơi đèo cao núi sâu nhưng do vị trí địa lý họ bị sát nhập một cách không tự nguyện. Con số người trở thành dân tộc thiểu số nhiều nhất trên thế giới là những di dân, bất kể kinh tế hay chính trị, họ chấp nhận sống đời lưu vong ở nước khác vì những lý do khác nhau nhưng cái mà họ có chung là: đánh đổi quốc tịch của mình để lấy điều mà họ thiếu trong khi sống tại quê nhà.
Có hai yêu cầu tạo nên làn sóng di dân: kinh tế và tự do.
Người Việt tại Czech đa số là di dân kinh tế, một số lớn là du học sinh, công tác, hay trao đổi chuyên viên khi Czech còn nằm trong Cộng hòa Tiệp Khắc. Một số khác sang đây sau khi khối Đông Âu sụp đổ và ở lại sống như một cộng đồng bất hợp pháp tại đất nước này. Người này kéo người kia, sau nhiều chục năm hình thành một cộng đồng từ 70 tới 100 ngàn người.
Cũng là di dân nhưng hầu hết người Việt sang các quốc gia khác sau năm 1975 là cuộc di dân tìm tự do. Thế giới đã nói quá nhiều về việc này nhưng chưa có nước nào nhìn họ dưới con mắt "dân tộc thiểu số". Từ Mỹ sang Canada tới Úc, Pháp, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch...ngay cả Do Thái, Hy Lạp...đâu đâu họ cũng hãnh diện là người tỵ nạn chính trị. Hai chữ di dân kinh tế không có trong ngôn ngữ của họ. Bù lại những gian nan trong những ngày đầu nơi xứ lạ quê người, họ nỗ lực mọi cách để trở thành người bản xứ qua cuộc thi nhập tịch tại quốc gia đang sống.
Khi đã trở thành công dân của nước đó, hẳn nhiên họ không phải là "Dân tộc thiểu số" như các cộng đồng người Việt tại Đông Âu hiện nay.
"Dân tộc thiểu số" từ bất cứ góc nhìn nào cũng mang tính tiêu cực trong ý nghĩ của rất nhiều người. Bất cứ chính sách giúp đỡ nào của chính quyền đối với nhóm người này đều mang hàm ý ban ơn cho họ và do đó nỗi vui mừng của người Việt tại Czech tuy dễ hiểu nhưng phía sau nó là những câu hỏi chạnh lòng về thân phận của một sắc dân mà trước đó nó từng có quốc gia để sinh sống và bảo vệ.
Việt Nam tuy không đủ năng lực kinh tế để bảo bọc cho họ nhưng khi nhìn ông bà, anh chị, con cháu mình trở thành công dân thiểu số của một nước khác thì khó có thể nhảy cẫng lên vui mừng được.
Vậy mà chính phủ Việt Nam đã nhảy lên như thế.
Trang Web chính phủ loan tải tin này như một sự kiện quan trọng. Tương tự như một thắng lợi ngoại giao. Bài viết mô tả đầy đủ những quyền lợi mà người Việt tại Czech sẽ được chính phủ nước này cung cấp sau khi họ được công nhận là sắc dân thiểu số.
Từ bài viết này, có người nhìn xa hơn một bước. Nếu chấp nhận và hân hoan để con dân của đất nước mình làm người "dân tộc thiểu số" tại một nước khác thì không cần đi đâu xa, ngồi ngay tại Hà Nội hay Sài gòn cũng dễ dàng trở thành người "dân tộc thiểu số" của Tàu rồi.
Nỗi vui mừng của chính phủ ngày hôm nay sẽ là cuộc truy hoan tiếp theo vào một ngày nào đó khi Việt Nam trở thành Tân Cương, Tây Tạng cùng nhiều sắc dân khác đang bị Tàu ban phát danh hiệu "dân tộc thiểu số" trên chính đất nước của họ.
Nếu có sĩ diện, Bộ Ngoại giao cần lên tiếng cám ơn chính phủ Czech bằng văn bản và kèm theo rằng: "Việt Nam sẽ cảm kích hơn nữa nếu chính phủ Czech chính thức công nhận họ là công dân của Czech. Có như vậy thì người mang quốc tịch hai nước sẽ hết lòng phục vụ cho hai nơi trong tinh thần của một công dân lưỡng tịch".
Nhảy cẫng lên không phải lúc nào cũng đúng nhất là trong cái nhảy cẫng ấy thấp thoáng hình ảnh của những vui mừng to lớn tiếp theo.