You are here

Xoay quanh trục Trung – Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải làm gì?

Bài của Hu Zi (Hồ Như Ý) đăng trên RFA Blog
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi thắng cử nhiệm kì tiếp theo của của ông Obama là 3 nước Đông Nam Á. Trước khi lên đường, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ là Thomas Donilon phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington D.C về chiến lược của nước Mỹ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương:” Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương, lợi ích quốc gia  có liên hệ chặt chẽ không thể tách rời với các nền kinh tế và trật tự chính trị tại Á Châu. Thành công của nước Mỹ trong thế kỷ 21 sẽ gắn chặt với thành công của Châu Á.” Sự biểu thị của quan chức cấp cao Nhà Trắng lần nữa chứng thực thông điệp quan trọng mà ngoại trưởng Hillary và bộ trưởng quốc phòng Panetta đã nói đến nhiều lần trong 2 năm qua: Nước Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tuy nhiên Donilon trong bài phát biểu đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của khu vực Đông Nam Á và tổ chức ASEAN: “ Chúng tôi không chỉ định vị chiến lược trọng tâm mới ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mà còn điều chỉnh lại chiến lược của mình trong nội bộ khu vực Đông Nam Á… Chúng tôi sẽ dõi theo Đông Nam Á cũng như ASEAN”. Điều này càng thể hiện sự quan tâm của nước Mỹ đối với khu vực này.
Vai trò đặc biệt của ASEAN
Sự quan tâm đặc biệt của nước Mỹ với khu vực này sẽ được giải thích như thế nào? Khu vực Đông Nam Á với vị trí địa lý đặc thù, nó bao quanh khu vực phía nam của Trung Quốc cũng như ôm trọn biển Nam Trung Hoa ( South China Sea), vùng biển này có vị trí mang tính chiến lược và kinh tế cực kì quan trọng đối với thế giới. Tổng sản lượng kinh tế của các nước thành viên ASEAN biến nó thành nền kinh tế lớn thứ 3 ở Châu Á. Điều này càng thể hiện sức hấp dẫn của khu vực này với nền kinh tế Mỹ.
Sự quan tâm của nước Mỹ đối với khu vực này sẽ không tránh khỏi những va chạm với Trung Quốc. Xét về truyền thống cũng như vị trí địa lý thì Trung Quốc có sức ảnh hưởng lớn đối với khu vực này, cơ hồ như sự phồn vinh của tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều liên hệ chặt chẽ tới sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Một trong những nước mà Trung Quốc có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là Cambodia. Năm 2011, số tiền đầu tư mà Trung Quốc đổ vào quốc gia này nhiều gấp 10 lần số tiền mà nước Mỹ đầu tư vào. Trung Quốc cũng lợi dụng quan hệ phụ thuộc chặt chẽ về kinh tế của Cam Bốt để tạo ảnh hưởng, dẫn tới hội nghị thượng đỉnh lần thứ 20 của ASEAN cuối cùng không ra được thông cáo chung vì Cam Bốt đã từ chối đưa ra vấn đề tranh chấp căng thẳng trên biển Đông. Có thể nói Cam Bốt đã phát huy tác dụng rất đúng lúc. Thể hiện một cách chính xác là lá bài mà Trung Quốc muốn ở khu vực Đông Nam Á.
Đối diện với thế tấn công từ Mỹ, biểu hiện của Trung Quốc là rất phẫn nộ, nhưng đồng thời cũng hiển thị sự tự tin cần có. Thời báo Hoàn Cầu đã có bài bình luận về chuyến thăm Đông Nam Á của ông Obama: “tuy rằng có hình thành nên một số uy hiếp nhất định, nhưng ông ta không thể thay đổi được thực tế đã hình thành về quan hệ kinh tế và lợi ích đan xen chặt chẽ giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Obama và ÔN Gia Bảo hội đàm tại Pnompenh
Trò chơi khó tìm được điểm cân bằng
Sự cạnh tranh xen lẫn đấu đá của hai cường quốc Trung Mỹ trên mặt trận kinh tế và chính trị đã đẩy các nước ASEAN vốn ở thế yếu vào một sự lựa chọn khó khăn. Về tổng thể mà nói, tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều vui mừng khi nước mỹ tăng cường can dự vào khu vực, tuy nhiên các quốc gia này sẽ hết sức tránh bị cuốn vào vòng xoáy minh tranh ám đấu của hai cường quốc trên. Cho nên các nước ASEAN sẽ phải tự tìm cho mình một điểm cân bằng về lợi ích kinh tế và chính trị trong cuộc chơi ở khu vực. Như bình luận của tờ Bangkok post” một nước nhỏ như Thailand như đang trong cuộc chơi đi trên một sợi dây thừng bé nhỏ, vừa phải xoay quanh các nước lớn trong trò chơi, vừa phải bảo vệ lợi ích của chính quốc gia”.
Tuy nhiên mỗi quốc gia lại có sự lựa chọn sách lược khác nhau. Đây cũng chính là nguyên nhân tạo nên sự bất đồng lớn giữa các quốc gia Đông Nam Á. Có sự phức tạp như vậy cũng là do sự khác biệt về phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia thành viên quá lớn.
ASEAN trước trò chơi “ kéo và đẩy”
Phillipine đương nhiên sẽ là nước đứng gần nhất về phía Mỹ. Vào tuần trước, nước này đã kháng nghị lên hiệp hội khi nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 là Cam Bốt từ chối đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền vào nội dung hội nghị thượng đỉnh. Lào và Cam Bốt quá phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc, khi quan hệ giữa 2 nước này và Trung Quốc lâm vào khủng hoảng, họ không thể tự giải quyết được hậu quả. Nhiều nước khác thì lâm vào cảnh “ gió chiều nào phất cờ theo chiều đó”. Ví dụ là Thailand, nước này đều có quan hệ kinh tế thân thiết với cả Mỹ và Trung Quốc, để cho Trung Quốc khỏi cảm thấy bị lạnh nhạt khi mà Bangkok vừa đón tiếp tổng thống Obama long trọng, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có buổi hội đàm ngày 21/11 vừa rồi tại Bangkok với thủ tướng Thailand Yingluk, hai bên đã có những dự án hợp tác kinh tế khổng lồ trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư
Cảnh đón tiếp của người dân Miến Điện với chuyến thăm của tổng thống Obama.
Miến Điện trước nay vốn được xem là sân sau của Trung Quốc nay đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc canh tranh của hai gã khổng lồ Mỹ Trung. Nền kinh tế Miến Điện đang ngày càng rời xa Trung Quốc. Nước này đã gián tiếp thông qua chuyến viếng thăm của ông  Obama để truyền một thông điệp, tiến tới thêm một bước trong việc vạch ranh giới với Trung Quốc. Chính quyền độc tài quân sự của nước này đang muốn quay lại với quỹ đạo quốc tế, chấm dứt tình trạng bị bao vây cấm vận. Tất nhiên để chấm dứt tình trạng liên hệ chắt chẽ về kinh tế với Trung Quốc từ mấy chục năm qua, sự cố gắng của nước Mỹ vẫn còn là một ẩn số.
Nước Mỹ đang ngày càng có hứng thú với sự tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển Châu Âu (OEEC) tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Cam Bốt, trong giai đoạn 2013 - 2017, kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỉ lệ bình quân là 5,5%/năm. Các động lực tăng trưởng, theo báo cáo là những nước này có nguồn nhân lực trẻ, có chính sách thu hút đầu tư hợp lý và nhất là có mức cầu nội địa ngày càng tăng do sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu.
Sự đi lên này cũng sẽ mang tới những cơ hội và thách thức mới về mặt chính trị, các quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ đối mặt với sự uy hiếp ngày càng lớn mạnh từ phía Trung Quốc. Các quốc gia trong khu vực trước mắt chưa sẵn sang cho sự xung đột trực diện với Trung Quốc. Các nước trong hiệp hội ASEAN còn lâu lắm mới có thể tới mức độ có cùng một tiếng nói khi đối diện với Trung Quốc.