You are here

BẠO LỰC, SỨC ĐẨY CỦA NỀN VĂN HÓA SỰ CHẾT? (Phần I)

Xin giới thiệu bài viết mang tính thời sự của ông Nguyễn Đức Cung như là một hương vị mới về quan niệm xã hội. Bài viết rất hay và dài, chia làm ba phần
Cách đây không lâu, tôi gặp ông Nguyễn Đức Cung trong một buổi tiệc. Ông là một nhà sử học và nhà hoạt động chính trị ở hải ngoại. Ông cũng là một nhà Hán học, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Ban Sử Địa tại Viện Đại Học Huế năm 1965 và Cao Học Sử năm 1974. Thế hệ Hán học thời xưa còn lại cũng ít. Tôi và bác trao đổi một số câu chuyện về văn hóa dân tộc. Gần đây, tôi cũng hay giới thiệu bài viết của các nhà tân Hán học (học từ bên Trung Quốc về) như Lê Anh Thư, Hồ Như Ý trên blog RFA của mình. Bây giờ xin giới thiệu bài của cựu Hán học vậy. Ông Nguyễn Đức Cung theo đạo Công Giáo nhưng chuộng Nho Khổng.

Ông Nguyễn Đức Cung cũng từng tham gia trong Đại Việt Cách Mạng Đảng, Trung Ương Uỷ Viên, dân biểu tỉnh Quảng Nam dưới chế độ VNCH. Ông đã từng xuất bản các tác phẩm:
Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (nguyên tác chữ Hán của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn), bản dịch Việt Ngữ chung với các ông Trần Vinh Anh, Lê Ngọc Bích và Nguyễn Lý Tưởng, Nhà xuất bản Khai Tri, Sài Gòn, 1974;
Lịch ử Vùng Cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nxb. Nhật Lệ, 1998;
Trong Cõi Vô Thường, thi phẩn, Nxb. Nhật Lệ 1998;
Diên Lộc Quận Công Nguyễn Thân, biên khảo sử học, Nxb. Nhật Lệ, 2002;
Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại (1075-1975), Nxb. Nhật Lệ 2006.
Bạo Lực, Sức Đẩy Của Nền Văn Hóa Sự Chết (Phần 1)
Trong mấy ngày qua, cả nước Mỹ bàng hoàng xúc động theo dõi biến cố đau thương đẫm máu xảy ra tại một rạp hát mang tên Century ở quận hạt Aurora, Tiểu bang Colorado khi một người Mỹ da trắng có tên James Holmes, 24 tuổi vốn là sinh viên từng theo học ngành bác sĩ thần kinh (doctoral student) xuất hiện vào lúc 12:37 sáng ngày 20/7/2012  trên sân khấu, dùng súng  liên thanh bắn xối xả vào khán giả, giết chết 12 người và làm bị thương 58 người trong rạp. Hai phút sau cảnh sát đã đến bao v6ậy rạp hát, phong tỏa hiện trường và tóm được thủ phạm Theo sự điều tra của cảnh sát, hung thủ đã trang bị áo giáp, mặt nạ ngừa hơi độc và ba loại vũ khí khác nhau đó là một khẩu  Handgun, ta thường gọi là Colt 45, một súng AR 15 và một súng liên thanh thuộc loại mới (Shotgun, Novafirearm). Hung thủ đã mua trên 6000 viên đạn qua hệ thống Internet nên không bị kiểm tra về giấy tờ và quá trình sử dụng súng (giấy phép) và ba thứ vũ khí đó được mua từ ba tháng trước đây. Sau khi bị bắt, hung thủ có báo cho biết cả một hệ thống mìn bẫy được gài sẳn trong căn hộ y sống. Cảnh sát, nhân viên FBI đã đến căn hộ đó, thận trọng phá từng cửa sổ để vào triệt phá hệ thống mìn bẫy đó.  Một buổi lễ canh thức cầu nguyện cho các nạn nhân đã được tổ chức rất cảm động với nhiều thành phần tôn giáo tham dự trong đó có Đức Giám Mục Phụ Tá James Conley, đại diện Công Giáo,  Mục Sư Robin Holland đại diện Tin Lành, Đại Tư Tế Joe Black thay mặt Do Thái Giáo (Temple Emanuel), Đại diện Chính Thống Giáo gốc Hy Lạp, và về phía chính quyền có Thống Đốc John Hickenlooper cùng rất nhiều chức sắc địa phương và các tiều bang lân cận vào chiều Chủ nhật 22-7 lúc 7 giờ (giờ địa phương). Trong khi đó Tổng Thống Obama và TNS Mitt Romney đã phải ngưng các cuộc vận động tranh cử và gửi lời chia buồn trên các hệ thống truyền hình. Riêng Tổng Thống Obama đã đến Aurora vào bệnh viện thăm các nạn nhận bị thương còn nằm điều trị tại đó và hứa sẽ giúp đỡ các nạn nhân, nhất là xúc tiến các thủ tục đưa hung thủ ra Tòa.
Sáng Thứ Hai, 23-7-12,  hung thủ với đầu tóc nhuộm đỏ, vàng, bận áo tù màu huyết dụ, gương mặt không một nét xúc động, với cặp mắt ngái ngủ bên cạnh một nữ luật sư người da trắng đã hiện diện trong phòng xử của Tòa Sơ Thẩm địa phương để tiến hành các thủ tục pháp lý của Tòa Án dưới sự chứng kiến của một số thân nhân các nạn nhân và báo chí khắp nơi. Đài truyền hình CNN ghi nhận bộ dạng hung thủ  “he looks a pathetic freak” (hắn có dáng bề ngoài bất bình thường như muốn tạo nên sự thương hại, áo não từ kẻ khác). Rõ ràng hắn đang cố bịp mọi người!
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ giết người bi thảm như thế trên đất nước Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nước trên thế giới tóm lược qua hai danh từ tiếng Việt, đó là bạo lực và tiếng Anh là violence hoặc tiếng Pháp la violence. Các vụ giết người dã man như vậy xảy ra thỉnh thoảng trên đất nước Hoa Kỳ vì nhiều lý do nhưng có lẽ có chung một nguồn gốc và cũng là chung một hậu quả. Phải chăng đó là hậu quả của một nền văn hóa mà vị lãnh đạo tinh thần của hơn một tỉ người Công Giáo trên hoàn vũ, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaollô II, nay là Chân Phước Gioan Phaolô II trước đây mệnh danh là “nền văn hóa của sự chết” (culture of death) ?
1.- Nguồn gốc của bạo lực hay bạo lực được nhìn qua lăng kính tôn giáo, triết lý hay lịch sử và chính trị ở Đông phương và Tây phương.
Ở Đông phương, cách đây hơn hai nghìn năm Mạnh Tử (sinh - 372 và chết -289 trước T.C.), một vị á thánh của Khổng giáo đã có nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (Con người lúc ban đầu tính vốn lành) nhưng một vị môn đồ khác của Khổng giáo là Tuân Tử lại chủ trương ngược hẳn “Nhân chi sơ tính bổn ác” (Con người lúc ban đầu tính vốn ác). Ở đây, chúng ta không chú tâm trên vấn đề tranh luận xem điều thiện hay cái ác thứ nào có trước nhưng một ý nghĩ có thể được nhiều người chia xẻ đó là bạo lực xuất phát từ tâm thức con người mà nguyên do chính là vì sự đố kỵ và lòng tham lam. Cả hai thứ này (đố kỵ và tham vọng) lại chính là sản phẩm của nền văn hóa hay xã hội trong đó con người thấm nhuần hay sinh sống.
Sách “Sáng Thế” (Genesis) trong bộ Ngũ Thư (The Pentateuch) của Cựu Ước (The Old Testament) đã kể lại câu chuyện bạo lực đầu tiên của loài người khi Ca-in, người con đầu của A-đam và E-và giết em mình là A-ben chỉ vì Đức Chúa đoái thương A-ben và lễ vật y phụng tiến. Sự đố kỵ (mặc dù là với em mình) đã khiến bàn tay Ca-in nhuộm máu em của y. Đức Chúa đã thấy hết mọi sự và rất công bình khi phán tội Ca-in: “Vậy nay ngươi phải vô phước trên mặt đất, vì đất đã mở miệng hút máu em ngươi do tay ngươi đổ ra; ngươi cày bừa ruộng đất mà chẳng thu được hoa trái, ngươi sẽ đi dông dài trốn tránh trên mặt đất.” (Đ.M. Trần Đức Huân, Kinh Thánh Cựu & Tân Ước, Ra Khơi Thánh Kinh Thiện Bản tái bản, Sài Gòn, 1971, trang 8.) Sách “Sáng Thế” cho biết khi Ca-in thưa cùng Đức Chúa về nỗi lo sợ của y sẽ bị người khác gặp mà giết thì Đức Chúa trấn an người con đầu của A-đam bằng cách ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp y khỏi giết y. Xét cho cùng Ca-in đã sử dụng bạo lực (tội ác)  nên lo sợ bị quả báo bởi vì “thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu giả nan tàng” (làm việc lành, gây tội ác rốt cuộc cũng đều được báo đáp, cao bay xa chạy cũng khó mà che dấu được). Đức Chúa đã cho Ca-in dấu hiệu gì thì cho đến nay không ai thấy được dấu đó một cách tỏ tường nhưng theo sự chú giải của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, chẳng hạn qua tác phẩm The Catholic Study Bible, ( Nhà xuất bản Oxford University Press, bản in lần thứ hai, 2006, trang 12) đó là một dấu xâm trên cơ thể con người (tattoe); việc sử dụng các dấu xâm trên mình là để chỉ các ký hiệu mang tính bộ lạc riêng biệt thường rất phổ biến trong nhiều sắc dân du mục thuộc các sa mạc vùng Cận Đông. Tuy nhiên cứ theo kinh nghiệm về nhân tướng học Việt Nam cô đọng qua câu nói “Lúa tốt xem biên, người hiền xem tướng” hoặc như thời xưa “những người thắt váy lưng ong, vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”   hay “chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, thì “hình tượng Ca-in” (hay hiện tượng thì cũng thế) chắc chắn lộ ra từ con người của y (cử chỉ, lời nói, khuôn mặt) và thông qua sự nhận xét, chẩn đoán nhất là nhờ cái lương tri (bon sens, vốn do Đấng Tạo Hóa ban cho) của những người gặp y. Những kẻ làm ác cho dù cố che dấu hành tung của mình, cạo râu sửa mặt và mặc dù cố mai phục dưới biết bao danh từ hoa mỹ, dưới các tước vị cao sang của nhà nước, chính quyền, tổ chức chắc chắn cũng phải có ngày lộ ra cái chân diện mục của họ. Sách Trung Dung của Tử Tư tức Khổng Cấp, con của Bá Ngư, cháu nội của Khổng Tử, có câu “Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiền hồ vi” (Không có gì che dấu mà không hiện ra, không có gì nhỏ nhặt mà không hiển hiện). Câu này sao mà quá đúng với câu kinh gọi là Kinh Tụng Ca trong tang lễ của người Công Giáo hát trong bài Requiem (An nghỉ) “Quidquid latet, apparebit) (Những cái gì cố che đậy đều sẽ lộ diện ra) trong ngày phán xét đời mình (the last judgement) dù được viết trong thời gian rất xa nhau, lạ lùng thay lại có chung cùng một quan điểm đó là không có gì che dấu được sự thật hết. Đúng là các tư tưởng lớn thường hay gặp nhau. (Les grandes idées se rencontrent). Những người có cơ hội “ăn trên ngồi trốc” hôm nay, những người hãnh tiến (un parvenu) ở địa vị chóp bu của xã hội mà không biết tu thân tích đức cũng sẽ bị báo ứng vì đó là luật nhân quả của Trời Đất!
Kinh nghiệm cho hay người ta có thể bị lầm một lần, hai lần nhưng không thể bị lầm lần thứ ba và lầm mãi mãi. Goebbels (1897-1945), cựu Bộ Trưởng Tuyên Truyền của Đức Quốc Xã, tay chân thân tín của Adolf  Hitler (1889-1945) từ những năm đầu của thập niên 30, thế kỷ 20 đã chủ trương rằng cứ nói láo, nói láo, và tiếp tục nói láo rồi một ngày kia điều nói láo đó sẽ trở thành sự thật. Ở Trung Hoa thời cổ, người ta truyền nhau câu chuyện “Tăng Sâm giết người”. Tăng Sâm là một học trò đức hạnh cao của Khổng Tử. Một hôm mẹ Tăng Sâm đang ngồi dệt vải thì có người đến báo tin Tăng Sâm giết người ngoài chợ. Bà mẹ Tăng Sâm vẫn ngồi điềm nhiên dệt vải, không chút xúc động vì tin rằng con mình không bao giờ làm chuyện ác đức đó. Lát sau, có người khác đến gõ cửa nhà bà và hốt hoảng nói: “Tăng Sâm giết người ngoài chợ, bà hãy ra mà coi”. Bà cụ hơi xốn xang nhưng vẫn nhất mực tin rằng con mình là người có tư cách đạo đức, bao giờ lại làm chuyện tày trời đó nên bà nhổm dậy nhưng lại ngồi xuống sau khung cửi. Dĩ nhiên tâm bà có chút giao động. Sau đó một lát có người đập cửa ầm ầm vào báo “Tăng Sâm giết người ngoài chợ và đang bị quan quân kéo đến bắt dẫn đi”. Lần này thì bà mẹ Tăng Sâm vụt dậy, bỏ khung cửi, chạy vội ra chợ để xem sự thể ra sao nhưng nhìn kỹ lại hoá ra không phải con mình nhưng là một thằng nào đó rất lạ nhưng cũng có tên Tăng Sâm. Thật là một sự trùng tên chết người. Nghe ngóng dư luận cũng là một điều tốt, nhưng kiên định lập trường đôi khi cũng tốt hơn. Bà mẹ Tăng Sâm khác hẳn bà mẹ của Mạnh Tử. Bà mẹ Tăng Sâm không kiên định lập trường dù rằng bà biết con mình là người gương mẫu, đạo đức.  Bà mẹ của Mạnh Tử lại khác, khi đã có ý định tốt thì bằng bất cứ mọi giá thực hiện cho bằng được ý định tốt đó. Bà muốn con thành người có học, có hạnh nhưng bản thân bà cũng phải trải qua một số kinh nghiệm mới đạt được mục tiêu của mình.  Câu chuyện “Mạnh mẫu trạch lân xử” trong sách Minh Tâm Bửu Giám ngày trước(mẹ thầy Mạnh chọn chỗ ở cho con) kể rằng bà mẹ Mạnh Tử ba lần dời chỗ ở vì muốn con thành người tốt: lần đầu bà chọn chỗ ở gần nghĩa địa nên Mạnh Tử ngày ngày chứng kiến cảnh người ta đưa tang ma như đào, chôn, lăn lộn, khóc than nên cậu bé cũng học đòi làm như thế. Bà mẹ thấy không ổn nên dời nhà đến bên cạnh một lò mổ heo (abatoir), cậu bé cũng học đòi cầm dao, đâm thọc, chặt, bằm… Lại thấy không ổn, một lần nữa bà mẹ chịu khó dời nhà đến sát cạnh một trường học và lần này cậu bé Mạnh lại bắt chước, xin mẹ mua cuốn sách và xin qua thụ giáo với thầy học là một ông đồ. Ảnh hưởng của môi trường văn hóa cao khiết đã biến đổi một cậu bé từ “nhị tì” qua”sát sinh” để trở thành “thụ nhân” rồi trở nên một vị á-thánh của đạo Nho, ngàn đời tiêu biểu của nền triết lý chính trị phương Đông. (Còn Tiếp)

Nguyễn Đức Cung

Bài bình luận

Bài viết mắc quá nhiều lỗi chính tả, làm giảm hẳn cảm nhận của người đọc về nội dung. Đơn cử: - Từ "giấu" và "dấu" khác nghĩa nhau, không thể dùng lẫn được, như "che giấu" và "đánh dấu". - Câu tục ngữ "Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng" thì lại viết rằng: "Lúa tốt xem biên..." - vô nghĩa. - Câu ca dao: "Những người thắt đáy lưng ong... thì lại viết rằng ..."thắt váy lưng ong..." vv... Đề nghị người viết và người biên tập làm việc nghiêm túc để thể hiện sự tôn trọng người đọc và để cho người đọc cảm nhận được chính xác những gì mà người viết muốn chuyển tải thông qua bài viết của mình.