You are here

Bạc Hy Lai trở thành Bạc Mệnh

Bạc Hy Lai trở thành Bạc Mệnh
Trần Đông Đức

Đợt tranh giành quyền lực vừa qua ở Trung Quốc đã biến một nhân vật sáng sủa như Bạc Hy Lai trở về nơi tăm tối. Theo BBC Hoa ngữ, tờ Trùng Khánh Nhật Báo nhắc tới vụ đổi ngôi của bí thư thị (thành) uỷ Trùng Khánh này mà không nhắc tới tên Bạc Hy Lai một chữ. Nói là thị uỷ chứ cái Trùng Khánh này nó còn to hơn cả nước  Đài Loan về cả dân số và lãnh thổ. Tính ra đây được coi là đơn vị thành phố lớn nhất thế giới, dân số gần 30 triệu.
 
Do đó, làm bí thư thị uỷ Trùng Khánh là một chức vị rất to và quan trọng mang tính trực thuộc trung ương cao độ.
 
Khi Bạc Hy Lai lãnh đạo Trùng Khánh cũng hăng hái như được căn cứ địa coi đây là bàn đạp cho sự nghiệp chính trị. Với chính sách màu mè "xướng hồng đả hắc" tức là đề cao chuyên chính lý tưởng đỏ thời Mao Trạch Đông để trấn áp xã hội đen - Đỉnh cao của cuộc vận động này là đưa Văn Cường, cục trưởng cục tư pháp ra pháp trường một cách đầy máu nhuộm để lại nhiều trạng thái kịch tình.
 
Văn Cường chết rồi, Bạc Hy Lai như được tiếng tăm trở thành lãnh tụ “tân Mao phái”. Mở miệng ra là xướng tụng ngay những câu khẩu hiệu thời Mao Trạch Đông một cách rất là hồng vệ binh và không ngượng ngùng gì cả. Ngay cả đứa con trai ăn chơi tên là Bạc Qua Qua cũng biết dùng ngữ lục của Mao Trạch Đông để phản biện cho đời sống trai gái màu mè lúc học trường quý tộc ở Luân Đôn.
 

Bạc Qua Qua
 
Nhiều người nghi nghi là Bạc Hy Lai mị dân để tạo khu vực tư tưởng thôi chứ Bạc sang trọng như vầy, Mao nhà quê như vầy làm sao mà ăn nhập ý chí vào nhau.
 
Chính trị Trung Quốc cũng như một sân chơi, các góc ngon như cấp tiến, cải cách, hài hòa, đặc sắc thì các nhóm “thái tử đảng” hay “đoàn phái” trải chiếu hết rồi. Thế là góc sân tả phái, phục hồi tư tưởng Mao Trạch Đông chưa có chủ, Bạc ta xông vào chiếm giữ.
 
Nhưng phải nói là dân Trung Quốc cũng buồn cười. Tuy có nhận thức mơ màng thời Mao Trạch Đông như là một tai họa, cách mạng văn hóa, phong trào hồng vệ binh, chủ trương đấu tranh đấu tố nhau nhưng khi có nhân vật như Bạc Hy Lai khởi động là òa vào ngay. Có người còn làm các bài hát ca tụng lãnh tụ Bạc Hy Lai rồi thi nhau hát.
 
Một phần là do sự phân hóa giàu nghèo quá lớn, kích động một cái là phong trào hồng vệ binh trở lại ngay. Nhân dân được đà mà xuống đường kiểu ào ào coi như là xong hẳn, chính trị Trung Quốc không biết đi theo phương hướng nào? Do đó, phong trào "xướng hồng đả hắc" tuy rất được việc trong phương án trấn áp và bình định xã hội nhưng nguy cơ tiềm ẩn lại càng to lớn hơn.
 
Do đó, thủ tướng Ôn Gia Bảo (được mệnh danh là ảnh đế) cũng là một tay đóng kịch đại tài mới cảnh báo nguy cơ cách mạng văn hóa là có thật. Với mọi biện pháp và quyết tâm, trung ương phải trừ cho bằng được Bạc Hy Lai một cách dứt khoát.
 
Mao phái thất bại
 
Một góc cạnh cá nhân khác, Bạc Hy Lai rất tự tin về bản thân và phong cách hấp dẫn công chúng. Nếu được sinh ra trong một thể chế tự do dân chủ, Bạc Hy Lai tin chắc sẽ được bầu ngay làm tổng thống Trung Hoa chi quốc. Có lần tiếp phái đoàn Đài Loan, chủ tịch Quốc Dân Đảng còn khen Bạc Hy Lai “đẹp mã” như tổng thống Đài Loan, Mã Anh Cửu , chẳng thấy có chút gì liên quan đến bọn con nhang đệ tử của Mao Trạch Đông cả. Báo chí Tây Phương cũng khen ngợi phong cách mới Bạc Hy Lai khác với hình mô hình mặt gỗ kiểu Hồ Cẩm Đào.
 
Bạc Hy Lai càng không thể nào tâm phục khẩu phục Tập Cận Bình vì cả hai đều là thái tử đảng. “Nó thô đại bành vè như vầy, mình thanh tú khôi ngô như vầy mà sau này nó làm lãnh tụ tối cao. Tức chứ! Nếu cạnh tranh theo con đường dân chủ kiểu Đài Loan hoặc Hoa Kỳ thì mình ăn đứt đâu cần gì phải mượn áo đỏ của Mao Trạch Đông." Giả thuyết về mặt tâm lý là như thế.
 
Tuy nhiên, Bạc Hy Lai cũng vấp phải sai lầm nghiêm trọng là màu áo Mao Trạch Đông chính là căn cước của phe "đoàn phái". Giành giựt địa vị này làm cho phe Hồ Cẩm Đào tức giận không dễ gì tha thứ.
 
Hiện nay, sự nghiệp chinh trị của Bạc Hy Lai coi như đã chấm dứt. Tuy nhiên, với thời đại mở cửa hơn, nếu không có sự dàn xếp khôn khéo thì Bạc Hy Lai có thể trả đòn. Đặng Tiểu Bình ngày xưa cũng đã trả đòn giựt lại ngôi vị bang chủ, lật đổ được luôn cả người mà Mao Trạch Đông tuyển lựa là Hoa Quốc Phong.
 
Bước đi của Bạc Hy Lai quá đà làm trung ương đảng cay mắt. Chỗ này cũng là nơi tiêu diệt mọi khuynh hướng cá nhân để theo sự đoàn kết dân chủ tập trung rất nghiệt ngã.
 
Con bài Vương Lập Quân được giang hồ mệnh danh là Mông Cổ hán tử (Vương Lập Quân thuộc dân tộc Mông Cổ) phụ tá cho Bạc Hy Lai định kiếm đường vào tòa đại sứ Mỹ như được chuẩn bị toan tính ngay lúc Tập Cận Bình thăm Mỹ. Con bài này quá bí ẩn khiến nhà Bạc trở tay không kịp.
 
Chức vụ thị uỷ Trùng Khánh bị bãi miễn nhưng "trung ương" không thể không đề phòng vì người theo Bạc Hy Lai còn rất nhiều. Nhiều thế hệ hồng vệ binh lúc về già vẫn nhìn Bạc Hy Lai như là lãnh tụ mới. Bây giờ Bạc Hy Lai bị sa cơ, chuẩn bị theo chiến dịch xóa thành tích, xóa tên tuổi chắc làm nhiều người xót ruột.
 
Về mặt danh nghĩa, Trùng Khánh là một thành phố thành công về kinh tế. Chính sách "lấy của người giàu chia cho người nghèo" san bằng một số bức xúc. Tuy nhiên, người có quyền lấy của cũng phải có lợi ích chứ! Bạc Hy Lai làm sao mà không gom góp tích luỹ tài sản có tiền cho con sang tận trời Anh Quốc để ăn học nội trú. Đây cũng là một nhược điểm mất cân đối về phân phối tiền tài và quyền lực ở Trung Quốc.
 
Nhưng cho dù những người có mưu mô phất ngọn cờ tả phái như Bạc Hy Lai để hiệu lệnh thiên hạ cũng không thể nào không khỏi ngậm ngùi và đem lòng ngưỡng mộ chế độ cạnh tranh bầu cử công bằng của Tây Phương. Nếu chế độ này tồn tại ở Trung Quốc thì Bạc Hy Lai đâu có bị sa cơ thất thế kiểu như Bạc Hạnh Bạc Bà lúc bị Vương Thuý Kiều đem ra chém như này.