You are here

Nổi trội bởi “cấm” và “nổ”!

Sáng nay 19/3 (giờ Việt Nam), Hội chợ sách TP.HCM lần thứ 7 – 2012 chính thức khai mạc, dự kiến giới thiệu đến công chúng 20 triệu bản sách và thu về khoảng 1 triệu USD tiền giao dịch. Tất nhiên, điểm nổi trội nhất của hội sách năm nay là hành động vô lối của một tổ chức vừa công khai vừa lén lút: Ban Tuyên giáo TP.HCM. Họ đã ra “công văn ngầm” để cấm nhiều hoạt động văn hóa vào phút chót, mặc cho các đơn vị này đã ra sức đầu tư và quảng bá nó nhiều tuần trước đó.
 
Cấm vô lối và vô số
Theo thông báo hỏa tốc ký ngày 16/3/2012 bởi ông Nguyễn Minh Nhựt (Phó ban tổ chức Hội chợ sách) thì vì những lý do khách quan và chủ quan mà các hoạt động sau đây buộc phải dừng lại:

  1. Giao lưu với nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nhân dịp cuốn Hiện tượng học tinh thần của Hegel được tái bản, do Công ty sách Thời Đại tổ chức vào ngày 20/3.
  2. Văn nghệ chào mừng Hội chợ sách do sinh viên Học viện Giáo dục Hoa Kỳ biểu diễn ngày 21/3.
  3. Hội thảo Tư vấn giáo dục do Học viện Giáo dục Hoa Kỳ tổ chức ngày 21/3.
  4. Chương trình Sách và chấn hưng giáo dục của Dự án sách hay ngày 22/3.
  5. Giao lưu Theo đuổi tri thức của TS Nguyễn Thị Từ Huy và TS Phạm Quốc Lộc do ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 22/3.
  6. Giao lưu Cạnh tranh chất xám vĩ đại của TS Nguyễn Xuân Sanh và TS Nguyễn Khánh Trung do FAHASA và ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 23/3.
  7. Giao lưu tác phẩm Bí mật phụ nữ và Thông minh sâu thẳm do Công ty đầu tư giáo dục Minh Triết tổ chức ngày 24/3.

 
Thật khó hiệu là BTC đã bị áp lực gì và dựa vào tiêu chí nào để cấm 7 hoạt động trên đây, khi mà tên gọi và vấn đề của nó gần như chẳng đụng chạm gì tới quyền lợi và quyền hành của nhà cầm quyền?
 
Cũng có ý kiến cho rằng do lãnh đạo (chủ yếu về mặt tư tưởng) của TP.HCM ghét Học viện Giáo dục Hoa Kỳ nên đâm ra cấm hết?! Nói như dân gian, “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chịu đòn”.
 
Thế nhưng trong giới làm sách thì rỉ tai nhau việc này do Ban Tuyên giáo TP.HCM “nhúng tay” trực tiếp. Họ ra một “công văn ngầm” (đọc rồi hủy; có khi là điện thoại) cho một số cơ quan, trong đó có Sở VH, TT & DL TP.HCM để các nơi này lại ra “công văn ngầm” gởi đến BTC Hội chợ sách.
 
Chó cùng thúc giậu, BTC Hội chợ sách phải ra thông báo vào phút cuối để gởi đến các thành viên, mà thực chất là khách hàng trả tiền của mình. Cái thông báo này gây thiệt hại bao nhiêu về mặt tài chính cho các đơn vị và BTC đều có thể tính ra tiền mặt được, nhưng thiệt lại lớn hơn, nó chứng tỏ sự áp đặt về tự do tư tưởng tại TP.HCM. Chắc chắn trong các báo cáo của những đơn vị như Học viện Giáo dục Hoa Kỳ sẽ có những dòng chẳng tốt đẹp và chẳng có lợi gì cho quan hệ ngoại giao và kinh tế của Mỹ với Việt Nam.
 
Cũng thông tin trong giới, người ta nói rằng trước khi có thông báo chính thức thì đã có chiến dịch “rung cây nhát khỉ”. Nhiều đơn vị yếu tim nghe hù là các hoạt động của mình đang bị an ninh văn hóa dòm ngó nên tự co vòi, tự rút lui trước. 7 đơn vị và cá nhân bị cấm bằng văn bản trên đây là do họ là “khỉ xịn”, chẳng sợ bị rung cây.
 
Đơn cử như trường hợp Bùi Văn Nam Sơn, phải nói ông đã dành suốt cuộc đời cho hai việc: nghiên cứu triết học và cố vấn, tư vấn, phản biện… cho chính quyền Hà Nội nhiều kế sách hay, hiệu quả. Hình như ông từng là chủ tịch hội sinh viên VN yêu nước khi còn học ở nước ngoài (?), góp rất nhiều công sức để có cái ngày 30/4/1975. Vậy tại sao bị cấm? Đó là chưa nói cuốn Hiện tượng học tinh thần của Hegel ra đời từ xa xưa, đã dịch và xuất bản tại Việt Nam từ năm 2006, vậy thì có gì mà nhạy cảm? Thật khó hiểu!
 
“Thể tích” của 20 triệu quyển sách
Tuy không thể phủ nhận những đóng góp thiết thực vào xã hội và văn hóa đọc của hội chợ sách, nhưng con số 20 triệu bản sách mà BTC đưa ra tại Hội chợ sách TP.HCM lần thứ 7 (diễn ra từ ngày 19 đến 25/3/2012) tại Công viên Lê Văn Tám (Q.1) là hoàn toàn không thể tin được.
 
Tạm quy ước kích thước trung bình cho mỗi quyển sách bình thường là 20cm (chiều cao), 13cm (chiều rộng) và 1cm (độ dày). Vậy thì thể tích cần cho số lượng 20 triệu bản sách (để kín nhau, không có khe hở) là 5.200m3 (công thức tính: 20x13x1x20.000.000 = 5.200.000.000cm3 = 5.200m3).
 
Tôi đem con số này nhờ một người dạy toán thử tính vài trường hợp cần có cho việc trưng bày, dù thực tế thì không ai trưng bày sách kiểu này. Giả sử mỗi gian hàng chứa được 5 giá sách (3 ở mặt tường và 2 ở dãy giữa, 2 dãy giữa dùng được 4 mặt). Mỗi giá sách cao 1,5m dài 3m, sách được để thẳng đứng, bìa 1 quay ra ngoài, như cách trưng bày thông thường ở hội chợ, thì số lượng sách trên mỗi mặt giá chỉ khoảng 173 cuốn, theo công thức tính: (chiều dài giá sách chia cho chiều rộng quyển sách) sau đó nhân với (chiều cao giá sách chia cho chiều cao quyển sách), tức (3/0,13)x(1,5:0,2). Tính ra mỗi gian không thể chứa lớn hơn 173x7 = 1.211 cuốn (như vừa đề cập ở trên, 5 giá sách có tất cả 7 mặt trưng bày). Vậy với 20 triệu bản sách, cần có khoảng 16.515 gian hàng (công thức tính: 20 triệu chia cho 1.121).
 
Một nhà kinh doanh có mấy gian hàng ở hội chợ năm nay cho biết mỗi gian ông không thể trưng bày đến 1.000 bản sách, vì còn phải chừa lối đi cho khách và nhân viên bán hàng.
 
Cũng xin giả sử, có trường hợp người ta không trưng bày sách theo cách thông thường (sách để thẳng đứng, bìa 1 quay ra ngoài), mà họ chồng 10 cuốn sách lại để bày trên giá thì số sách sẽ chứa được (chứ không phải bày được) trên mỗi mặt giá sẽ tăng lên gấp 10 là 1.730 cuốn. Lúc đó thì mỗi gian sẽ có 1.730 x 7 = 12.110 cuốn.
 
Và nếu tính trường hợp mỗi gian lại có chứa thêm một “đống sách” ở trước cửa ra vào. Ví dụ có ba hàng sách cao 1m và dài 3m. Mỗi hàng xếp chồng sách lên nhau, số sách trong đống này vào khoảng 6.923 cuốn, theo công thức tính: (số hàng sách) nhân với (chiều cao đống sách chia cho độ dày của quyển sách) sau đó nhân với (chiều dài hàng sách chia cho chiều rộng của quyển sách), tức 3x(1:0,01)x(3:0,13). Tính ra mỗi gian có tất cả 6.923+12.110 =19.033 cuốn. Trong khi theo thông cáo báo chí của BTC thì hội chợ lần thứ 7 có hơn 500 gian. Vậy, với 500 gian, số sách tối đa có thể: 19.033 x500= 9.516.500 cuốn. Nếu muốn trưng bày hết 20 triệu cuốn sách, thì cần khoảng 1.050 gian (công thức tính: 20 triệu chia cho 19.033).
 
Các phép tính trên đây là một giả sử “quá đáng”, vì theo khảo sát của tôi tại thực tế trưng bày của nhiều gian hàng ở hội sách, thì chưa có một gian hàng nào có thể nghĩ đến con số “quá lý tưởng” này, chứ chưa nói là “dám” trưng bày như thế.
 
20 triệu bản thì bán cho ai?
Công viên Lê Văn Tám rộng khoảng 6 hecta, mỗi gian khoảng 10m2, nếu miễn cưỡng sắp xếp các gian sát vách nhau, bỏ hết cây xanh, đường đi… thì BTC sẽ có được 6.000 gian. Lúc đó mới cùng lúc chứa được số sách như đã nói. Mà 20 triệu bản sách thì bán cho ai? Khi theo báo cáo, hội chợ sách lần thứ 5 với khoảng 300 gian hàng, thu hút được khoảng 600.000 lượt khách, với khoảng 3 triệu đầu sách được bán ra, thu về khoảng 15 tỷ đồng(?).
 
Nếu có một phép màu xảy ra làm cho hội chợ sách năm nay bán được khoảng 3,8 triệu bản mỗi ngày thì không những nhà làm sách phát đạt, văn hóa đọc không sa sút, mà còn… nguy cho 3 đoạn đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ. Tại sao nguy? Vì theo một nhà xuất nhập khẩu sách, mỗi container 20 feet chỉ chứa được khoảng 15 ngàn bản sách quốc văn. Vậy thì mỗi ngày 3 đoạn đường này sẽ có khoảng 253 xe container 20 feet qua lại, hoặc có rất nhiều cuộc vận chuyển nhỏ lẻ đi vào (!?). Dù biết con số này là hoàn toàn không thể có được, nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao người ta cứ thích trưng ra những con số to tát và phi thực tế như vậy?
 
Chung quy, vẫn do các tổ chức nhà nước Việt Nam lâu nay thích “nổ”, lần này họ nổ thêm một chút, có sao đâu.

Bài bình luận

nói 1 cách bình dân theo ngôn từ của cộng động mạng: thụ râm là bệnh của các tổ chức nhà nước Việt Nam.