You are here

Đám cưới chạy...nợ

Ảnh của canhco

Những ngày qua báo chí Việt Nam vớ phải hai câu chuyện câu khách mà người dân tại hai địa phương Cần Thơ và Hà Tĩnh chắc chắn là thích thú hơn ai hết vì có cơ hội chứng kiến tận mắt cái được gọi là đám cưới "khủng" của hai nữ đại gia, ở Cần Thơ là bà Phạm Thị Diệu Hiền, ở Hà Tĩnh là bà Nguyễn Thị Liễu.
Trong hai ngày 29-2 và 1-3, đám cưới con của bà Liễu đã làm cho người dân tại thị trấn Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh thật sự rối lên vì những sự kiện xưa nay chưa từng có tại cái thị trấn heo hút được gọi là phố núi này. Đó là chuyện rước dâu của thiếu gia Nguyễn Huy Hoàng, con trai bà Liễu. Báo chí đua nhau liệt kê danh sách dài ngoằn của những loại xe sang trọng nhất cũng như bữa tiệc hoành tráng với hơn 4.000 khách mời. Riêng về khoản ca nhạc giúp vui thì có lẽ đám cưới này đã làm nhiều bầu sô chóng mặt vì ghen tức. Những khuôn mặt "đình đám" trong và ngoài nước thay nhau lên sâu khấu như Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh và Quang Lê. Theo sự tiết lộ của ca sĩ Quang Lê được đại gia Hà Tĩnh mời về với giá 5 ngàn đô la cho một buổi giúp vui. Theo ca sĩ này thì số tiền chạy sô đám cưới tại Hà Tĩnh lớn gấp năm lần những buổi anh trình diễn ở Mỹ.
Vấn đề nổi bật trong và sau đám cưới là dư luận lúc xầm xì, lúc công khai đặt câu hỏi là do đâu mà một người đàn bà đã ly dị chồng hơn mười năm nay, một thân một mình vào cuộc kinh doanh mà trước đó đã phải trốn nợ vì bể hụi nay lại giàu lên một cách rất bất thường như vậy.
Làm giàu lên là một điểm son trong xã hội có cơ chế thị trường cạnh tranh. Sự giàu có nói lên óc tính toán, sự kiên trì trong kinh doanh, tầm nhìn xa và khả năng đầu tư hợp lý...tất cả yếu tố này đòi hỏi óc thông minh và tài năng của người chủ doanh nghiệp thường vẫn được xã hội kính trọng hơn là dè bỉu, nghi ngờ như cách đây gần bốn mươi năm.
Tuy nhiên con bài tẩy của sự giàu có này đôi khi cần phải lật lên mới biết nó là gì và giá trị thật của nó ra sao. Dư luận báo chí đã có những câu hỏi cần thiết và không ít phóng viên đã lần tới tận nơi gia đình bà Liễu sống trước đây để tìm cho ra câu trả lời vốn sẽ là đề tài ăn khách đối với trí tò mò của độc giả. Tuy nhiên việc làm cho người ta lo ngại nhất là công an huyện Hương Sơn cũng tuyên bố vào cuộc để làm công việc điều tra cho sự tò mò của dư luận này.
Theo báo Giáo Dục Online tiết lộ thì bà Liễu đang được công an huyện theo sát. Báo này khẳng định một lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết, sự giàu có lên bất thường của bà Liễu và những mối quan hệ, thành phần gia đình có nhiều phức tạp nên cơ quan chức năng đang theo dõi nhằm làm rõ hơn công việc kinh doanh của bà Liễu.
Tưởng báo chí mới có loại lá cải thôi không ngờ công an cũng lá cải không kém!
Nếu cứ mỗi lần nghe ai đó giàu lên là công an lại nhảy vào điều tra vì cái gọi là "mối quan hệ bất thường và phức tạp" thì không biết tiền thuế của dân đóng cho các ngài có phung phí quá hay không? Và điều luật nào cho phép công an cản trở chuyện làm ăn của người ta như vậy?
Bà Liễu không làm gì trái pháp luật thì lấy cớ gì công an lại lên tiếng hăm dọa người làm ăn bình thường như bà Liễu? Liệu những lời tưởng như vô hại của một viên chức nhà nước sẽ tác động tới danh dự, mối quan hệ kinh doanh mà bà Liễu tốn công xây dựng sẽ ra sao? Công an Hà Tĩnh nhanh nhẩu quá sức trong khi đó tại Cần Thơ thì công an lại tỏ ra lười biếng đến khó hiểu khi một đại gia khác cũng làm đám cưới cho con như bà Liễu trong khi trước đó nông dân đã chính thức nộp đơn khởi kiện bà này nợ của họ gần ba trăm tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng giám đốc công ty Thủy sản Bianfishco cũng làm đám cưới cho con không thua gì đám cưới của con bà Liễu tại Hà Tĩnh. Có điều khác là đám cưới bà Liễu không thấy ai tới đòi nợ, còn đám cưới con bà Hiền thì nông dân căng biểu ngữ công khai, đòi bà trả tiền mua cá tra để xuất khẩu nhưng lại không thanh toán tiền cho họ ngay trong ngày bà Hiền về Thành Phố Hồ Chí Minh rước dâu cho con.
Thử tưởng tượng xem người ngồi trong những chiếc xe hào nhoáng sang trọng và đắt tiền khủng khiếp này cảm thấy ra sao? Họ có nhục lây nỗi nhục của gia đình bà Hiền hay không và nếu được phóng viên hỏi thì câu trả lời của họ sẽ là gì nhỉ?
Bà Phạm Thị Diệu Hiền bị kiện vì thiếu nợ nông dân và công nhân trong xưởng sản xuất của bà. Số tiền chính thức mà cơ quan kiểm toán vừa đưa ra trong ngày 16 tháng 3 là hơn hai ngàn tỷ! 24.000 công nhân của Công ty thủy sản Bình An  trong cảnh thất nghiệp đang chờ “đại gia”  giải quyết, trong khi đó bà Hiền vẫn bặt vô âm tín vì đã ra nước ngoài chữa bệnh để lại di sản nợ nần cho chồng bà là ông Trần Văn Trí chịu trách nhiệm giải quyết.
Khi UBND tỉnh Cần Thơ họp báo giải quyết vụ vỡ nợ của công ty Bianfishco thì dư luận mới biết rằng hai vợ chồng bà Hiền, ông Trí đều là người của ...chính quyền thành phố Cần Thơ! Bà Hiền là Ủy viên MTTQ thành phố, ông Trí là giám đốc sở Giao Thông Vận Tải chỉ từ chức vài ngày trước để đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc Bianfishco khi vợ ông này chắp cánh bay xa!
Có phải đây là lý do khiến công an kinh tế thành phố Cần Thơ trì hoãn điều tra đơn thưa của nôn g dân và làm ngơ để bà Hiền xuất cảnh trong khi nợ công ty của bà đã vượt mức tài sản mà Binafishco hiện có hay không?
Vai trò của một người vừa làm việc cho nhà nước lại vừa kinh doanh đang được dư luận chú ý. Phải chăng do làm việc trong hệ thống nhà nước nên bà Hiền được ưu tiên trong các đơn vay ngân hàng với số tiền lên đến cả ngàn tỷ và vung số tài sản ấy vào những chi tiêu hoành tráng, vô tội vạ mà đám cưới của con bà ta chỉ là một con số rất nhỏ so với đời sống xa hoa vương giả mà gia đình bà ta thụ hưởng từ hàng chục năm nay.
Hình ảnh những vật dụng đắt tiền trong nhà bà Hiền bao gồm cả xe cộ có thể chỉ dùng để qua mặt các chuyên gia định giá tài sản của các ngân hàng nhằm luồn lách vay những khoản nợ khổng lồ. Lổ hổng luật pháp trong việc này quá rõ và điều ngạc nhiên là không thấy ai chính thức bị điều tra để mang lại công lý cho hàng trăm nông dân nuôi cá cũng như hàng ngàn công nhân của Bianfishco đang nháo nhác trước tin công ty này sẽ phá sản.
Đây là tội phạm hình sự chứ không còn là vấn đề kinh doanh lỗ lã nữa. Công an kinh tế được thành lập không phải chỉ khi xảy ra các vụ vỡ nợ mới nhập cuộc mà công việc chính là phải theo dõi những biểu hiện sai trái của doanh nghiệp ngay từ lúc có dấu hiệu thua lỗ để ngăn chặn những toan tính vơ vét và tẩu tán tài sản khi các món nợ vượt ngoài sức thanh toán của doanh nghiệp nhằm bảo vệ cho chủ nợ và công nhân như trường hợp của Bianfishco.

Bài bình luận

Đúng vậy, trường hợp ở Cần Thơ đúng là tội phạm hình sự, vì rỏ ràng là hai vợ chồng này lợi dụng chức vụ để làm tiền bất chính. Công an Cần Thơ chưa hay không muốn vào cuộc vì thế lực của 2 vợ chồng này vẩn còn, hơn thế nửa thì có lẽ rằng "mọi người" chắc là cũng có phần trong vụ này, nên...khó mà điều tra .