You are here

Thủ tướng đi xem kịch

Trong thế bùng nhùng và bế tắc tiếp nối từ năm 2011 về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đầu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi xem kịch, quả là hành động đầy ẩn ý và ngoạn mục.
 
Cũng cần nhắc lại, với Việt Nam, việc đầu tư cho nghệ thuật nói chung, theo lối định hướng và tuyên truyền là việc làm chẳng có gì xa lạ, vì họ xem văn nghệ là một mặt trận, có thắng thua, địch ta… rõ ràng.
 
Việc Thủ tướng đi xem kịch, bỏ qua hết các lý do cá nhân, thì nó cũng là việc của nhà nước, vì ngày 1.3.2011, văn phòng thủ tướng đã ra quyết định số 316/QĐ-TTg để phê duyệt đề án “Xây dựng và rà soát các chế độ chính sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động văn học, nghệ thuật”. Đi xem kịch là cách để “cụ thể hóa” việc triển khai và giám sát quyết định đó.
 
Ngay trước đó, chúng ta cũng thấy “thành quả” mà nhà nước đã hỗ trợ trong 5 năm (2006-2010), thông qua Quyết định số 926/QĐ-TTg của Thủ tướng là:
 

STT

Nội dung hỗ trợ

Số lượng

1

Tổ chức trại sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm VHNT

1.660

2

Tổ chức lớp tập huấn

1.080

3

Tổ chức hội thảo

1.240

4

Lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm VHNT

1.120

5

Hỗ trợ công bố tác phẩm

4.670

6

Tổ chức triển lãm (mỹ thuật, nhiếp ảnh)

1.540

7

Số đầu sách xuất bản

4.898

8

Các công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn

4.080

9

Số đoàn và tác giả đi thâm nhập cuộc sống sáng tác

1.216 đoàn/14.660 người

10

Tác giả, nhóm tác giả được hỗ trợ

12.860

 
Để làm số lượng công việc như trên đây, khoan hãy bàn đến chất lượng, thì cũng đoán biết là tốn bao nhiêu tiền.

Còn chất lượng của nó, nhìn từ dư luận xã hội đủ thấy: không một tiếng vang.
 
Nhìn từ báo cáo gởi các cơ quan chính phủ của ban giám sát quyết định nêu trên, cũng đủ thấy rõ hạn chế (dù đã cố ý gia giảm bớt rất nhiều): “Chính sách chưa thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước khuyến khích tài trợ, đặt hàng các tác phẩm VHNT thuộc tất cả các lĩnh vực; Việc đầu tư sáng tác những tác phẩm có khả năng đạt chất lượng nghệ thuật cao còn hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư cho những tác giả, tác phẩm tốt; Chính sách hỗ trợ sáng tạo theo Quyết định số 926/QĐ-TTg chưa đạt hiệu quả cao; Hoạt động của các báo tạp chí, nhà xuất bản của các Hội VHNT chuyên ngành trung ương rất khó khăn”.
 
Theo lịch trình đã diễn ra, tối 24.1.2012, Thủ tướng đến thăm Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM, xem vở Tốt, xấu, giả, thật (KB: Nguyễn Thu Phương, ĐD: NSƯT Trần Minh Ngọc) - xem như một đại diện của kịch Sài Gòn, nơi có cả chục sân khấu sáng đèn đều đặn mỗi tuần, tự cân bằng thu chi theo mô hình tư nhân hóa, chứ không xài tiền của nhà nước.
 
Nên nhớ lúc này Tiên lãng đang rất nóng.
 
Tối 7.2, Thủ tướng đến thăm Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội, xem vở Đạo học (KB: Bùi Vũ Minh, ĐD: NSND Lê Hùng) - nơi này chủ yếu xài tiền của nhà nước. Nghĩa là nhà nước cho tiền, họ chia ra dựng kịch, cũng biểu diễn bán vé, nhưng được chăng hay chớ, nếu ế quá thì xếp xó, chẳng ai chết cả.
 
Chuyện Thủ tưởng xem kịch sẽ bình thường, nếu trong thời gian này không nóng lên vụ Tiên Lãng, mà cả nước chỉ còn biết mong đợi vào hành động của vị này. Mới nghe thì cũng có thể nói, đương nhiên Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về việc Tiên Lãng chứ. Thế nhưng, nhìn kỹ, thì đây đúng là một vở bi hài kịch hạng nặng cho thời đại mà chỉ chực bạo loạn đến nơi. Vở bi hài này được dàn dựng rất chi là công phu và uyển chuyển, nên đánh lừa được khá đông dư luận.
 
Đầu tiên, một vụ việc khá thông thường, thậm chí nhỏ nhoi, là cho thuê đất ở một xã, cần gì Thủ tướng phải can thiệp trực tiếp vào, nếu mọi việc được thực hiện đúng trình tự và quy định pháp luật. Điều này cũng không khác gì thời phong kiến khi cường hào ác bá câu kết làm bậy, chỉ hi vọng vào một vị minh quân hay “minh quan” nào đó đứng ra giải quyết.
 
Điều này cũng cho thấy, các cơ quan cấp dưới của Thủ tướng hoặc không thèm tuân lệnh, chỉ lo trục lợi; hoặc chẳng biết làm việc gì nên hồn. Trong trường hợp này, nói Hải Phòng không biết cho thuê đất thì khiên cưỡng, vì không biết cho thuê sao biết thu hồi (sao biết cướp cạn), mà rõ ràng, họ không thèm tuân lệnh, nên cứ quanh co như vậy.
 
Một bộ máy mà không có sự tuân lệnh và chấp pháp như thế, không phải là diễn kịch nữa thì còn gì, bởi “diễn viên” nào cũng biết mình sẽ không chết, lại có tiền cát-sê, sau khi tấm màn đỏ khép lại. Thủ tướng chỉ đạo thì Hải Phòng ứng phó theo cách chỉ đạo; Thủ tướng trực tiếp nhảy vào đấm đá, thì Hải Phòng cũng “tiếp chiêu” theo kiểu tung hứng cho linh hoạt, vui mắt. Bởi sau khi giải quyết xong, các đồng chí của mình có đôi chút xây xát, nhưng bù lại đã có tiền “bảo hiểm ngầm” lót đường. Và cũng bởi không chấp pháp và độc tôn về quyền lợi nên sau xét xử, đâu lại vào đấy, có vài “diễn viên” già về hưu, vài diễn viên trẻ khỏe lại thay thế... để diễn tiếp.
 
Có điều không lạ, là trong vở bi hài này, Thủ tướng đương nhiên kiêm nhiệm người viết kịch bản, vừa đạo diễn, vừa diễn vai chính và là người xem. Bởi suy cho cùng, người được lợi nhất trong chuyện này vẫn là uy thế của Thủ tướng, trong lúc đất nước đang khá bế tắc, suy vi; mà để có được uy thế này, là do sự bất chấp pháp luật của cấp dưới. Quả là luẩn quẩn một cách có hệ thống.
 
Bởi ở Việt Nam, chuyện nông/ người dân bị cướp đất không còn và không chỉ là chuyện nhà ông Vươn, mà có thể nói xã phường nào cũng có vài vụ như vậy, lớn nhỏ khác nhau. Theo thống kê, đến ngày 31.12.2010, Việt Nam có 11.112 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.403 phường, 624 thị trấn và 9.085 xã. Vậy thì chọn ra một vụ, chưa phải là lớn nhất, để xử, là ý gì?
 
Phải chăng trong khi hàng trăm công an và quân đội được trang bị áo giáp, súng ống và chó săn “giáp mặt” với mấy nông dân tay mơ, đã có một điều gì đó lớn hơn cần che giấu nên mới chọn việc phá nhà thu hồi đất để xử, nhằm “cả vú lấp miệng em”? (Chỗ này tôi miễn bàn về tính hiệu quả của quân đội chuyên nghiệp, nên vụ phá nhà chắc chắn có liên quan đến việc nổ sung trật lất, để lại vết trên tường nhà ông Vươn, cần phải phi tang; và cũng để hả giận vì mình chuyên nghiệp mà để tay mơ bắn bị thương).
 
Nếu đúng như vậy thì không chỉ anh em ông Vươn sẽ khó sống về sau này, mà những người dân biết chuyện xung quanh cũng khó tránh phần liên lụy. Cho nên, nhân lúc này, khi vở kịch chưa kịp hạ màn, ai có biết tin gì thì hãy mau chóng lên tiếng với truyền thông hoặc viết lên mạng, bởi khi đã hạ màn, dư luận để ý sang việc khác, thì những người biết chuyện sẽ khốn khổ.
 
Lâu nay ở Việt Nam là thế, trong khí quyển bưng bít thông tin, nhiều người đã bị chính quyền trả thù hoặc thủ tiêu bí ẩn. Ngay cả chuyện sờ sờ như việc Điếu Cày bị tù, đến nay sống chết còn chưa rõ, huống chi một người dân nào đó ở quê. Phía sau vở kịch này, chắc chắn còn nhiều uẩn khúc, để tự bảo vệ mình khi sân khấu còn sáng đèn, hãy lên tiếng đi bà con ơi.
 
Trở lại chuyện Thủ tướng đi xem kịch, trong khi quyết định số 316/QĐ-TTg đâu chỉ dành riêng cho kịch, thì đủ biết đây là hành động rất mang tính quảng bá và tuyên truyền. Dù không đình đám bằng ca nhạc hay phim ảnh, nhưng kịch cũng có những ngôi sao của nó, việc Thủ tướng đến với một sân khấu kịch chắc chắn sẽ được dư luận quan tâm hơn đến một viện nghiên cứu hay một trường đại học nào đó. Trong thông tin có tính ăn theo, Thủ tướng chụp hình với các nghệ sĩ sẽ gây hiếu kỳ hơn chụp với nhà nghiên cứu quốc doanh nào đó, chẳng mấy người biết tên.
 
Kịch có thể không hàn lâm bằng văn chương, nhưng có vẻ như sâu sắc hơn ca nhạc, chọn kịch để đi xem là rất đúng hướng tuyên truyền, bởi nếu chọn các thứ khác, Thủ tướng dễ bị nghi ngờ về chuyên môn hoặc bị đánh giá về thẩm mỹ.  
 
Thế là trong quyết định số 316/QĐ-TTg với rất nhiều ngành nghề, có thể rót tiền đến hàng chục ngàn vụ việc và con người cụ thể (tất nhiên tiền luôn bị mãi lộ theo các cấp), Thủ tướng chỉ cần đi xem kịch là đủ truyền thông cho một chữ ký vô số tỷ đồng. Sau công cuộc truyền thông đó, với phần đông tác giả tốt về lý lịch, nếu chẳng có công trình nào nên hồn, cũng đâu có gì quan trọng.
 
Cũng như vụ Tiên Lãng vậy, nó không quá khó và cũng không quá dễ trong mớ bòng bong về dân oan ở Việt Nam, chọn một vụ đủ mức tiêu điểm và vừa sức để giải bài toán, đúng hơn là để diễn, quả là tài tình.
 
Sau khi hạ màn, dân oan lại tiếp tục cất lên tiếng kêu vô vọng, bởi “kịch sĩ” và “khán giả” đã đi chỗ khác rồi.