You are here

Libya - chiến thắng của du kích quân hay của NATO?

Julius Sabak - Lê Diễn Đức dịch
 
 
 Một đội biệt kích của Hoàng gia Anh SAS - Ảnh: CTTA ACET

 
 Lời người dịch:
 
Cuộc chiến ở Libya đang ở hồi kết, mặc dù lực lượng trung thành với nhà độc tài bị lật đổ Gaddafi vẫn ngoan cố kháng cự kịch liệt ở vài nơi. Để tránh đổ máu thêm, lệnh ân xá của quân nổi dậy đã được kéo dài tới ngày 10 tháng 9, kêu gọi lực lượng này bỏ súng đầu hàng. Sau thời hạn này, chắc chắn sẽ có những cú đòn quyết định của NATO và quân nổi dậy vào dinh luỹ cuối cùng của Gaddafi.
 
Tuy nhiên, thực chất của cuộc chiến và hậu chiến Libya như thế nào đang được dư luận phân tích và phán đoán.
 
Xin giới thiệu với bạn đọc bài “Libya - chiến thắng của quân du kích hay của NATO?” của nhà báo Ba Lan Julius Sabak, Trưởng biên tập chuyên mục Chính trị của trang website Ba Lan “Bình luận của tôi” (Moje Opinie), như một cách nhìn từ Ba Lan, nơi chính phủ đang bị nghi vấn cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy. 
 
 ****
 
Julius Sabak
 
 Đang trong sự bế tắc, cuộc chiến Libya giữa phiến quân và lực lượng của Qaddafi đã chuyển thành cuộc quân hành với hàng loạt chiến thắng của phiến quân. Dự kiến ​​kết thúc cuộc xung đột kéo dài này gần như đang nằm trước mắt chúng ta, trên các đường phố của Tripoli.
 
Điều gì đã mạnh mẽ thúc đẩy quân "nổi loạn" hành động? Theo tôi, không chỉ nhờ các khoản tiền rất lớn chi viện cho họ lấy từ các tài khoản bị phong toả của nhà độc tài. Quan trọng không kém là "know how", và tôi nghĩ rằng, cùng với sự tham gia trực tiếp của lực lượng NATO trên mặt đất, chứ không chỉ riêng từ trên không.
 
NATO đã từ lâu đã đi xa hơn nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc giao cho, thay vì bảo vệ dân thường đã can dự vào một bên của cuộc chiến. Với sự đồng thuận ngầm của các chính trị gia bị ảnh hưởng bởi mùi của giá dầu tăng cao, của làn sóng người tị nạn và các vấn đề khác, NATO đã hỗ trợ các "phần tử nổi dậy" hoặc "nổi loạn". Thoạt đầu là các chiến dịch của nước châu Âu, không quân được giới hạn trong các vụ đánh bom của NATO. Nhưng sau đó, máy bay của Pháp, Anh và Mỹ đã tấn công vào các đoàn xe tăng, căn cứ quân sự của lực lượng trung thành với Gaddafi, và tất nhiên lực lượng không quân của ông ta.
 
Người ta đã bắn hạ tất cả các máy bay "khủng bố" thường dân, đánh bom mọi chiếc xe tăng có thể gây nguy hiểm cho chính quyền mới ở Benghazi và phá huỷ các cơ sở hạ tầng quân sự của Libya. Nhiều lần nơi ở của nhà lãnh đạo Libya cũng là mục tiêu. Mặc dù kéo dài nhiều tháng trong bế tắc: lực lượng của Gaddafi không thể đè bẹp được cuộc nổi dậy, còn quân nổi dậy được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của NATO đã không thể vượt qua lực lượng của nhà độc tài.
 
Có vẻ như sẽ hứa hẹn một cuộc nội chiến lâu dài, một cuộc khủng hoảng trong khu vực và có lẽ là một đất nước bị sụp đổ chia thành hai quốc gia lâm chiến. Đối với vùng châu Âu tiếp giáp biển Địa Trung Hải khái niệm này chẳng hay ho gì, chưa kể đến tác động của xung đột lên giá dầu và các lợi ích hấp dẫn khác.
 
Viễn thật cảnh khủng khiếp, đặc biệt là khi Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với các vấn đề nội bộ.
 
Nhưng đột nhiên có "phép lạ". Trong một thời gian ngắn, lực lượng của quân nổi dậy đã tổ chức, phối hợp hành động và với sự hỗ trợ của NATO tiến quân vào Tripoli, để săn lùng nhà độc tài tại ngay tại thủ đô. Làm sao đã có thể xảy ra như vậy?
 
Du kích Libya,  lợi ích của EU, vũ khí Ba Lan
 
Tất nhiên, gần như cả thế giới đã nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng Libya. Các chính trị gia ở hầu hết các nước có vẻ như đã chán ngấy một kẻ tội phạm lập dị, một nhà lãnh đạo hoang túng của thế giới Ả Rập hỗ trợ quân khủng bố. Ngay cả các nhà ngoại giao cũng ngán ngẩm ông ta và tiếng nói ủng hộ rộng rãi của họ nằm ở phía quân nổi dậy. Những khoản tiền lớn của nhà độc tài cai trị Libya nằm trong các tài khoản nước ngoài đã được nhanh chóng lấy ra để cung cấp cho Hội đồng Quốc gia Libya, một cấu trúc lãnh đạo của phiến quân.
 
Phần lớn số tiền trên được chi cho việc mua vũ khí và được cung cấp hoàn toàn không chính thức, ví dụ như Pháp và Anh. Chính phủ Ba Lan cũng đã được phép bán một số lượng vũ khí nhất định cho Libya, mặc dù Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski đã lảng tránh, không đưa ra lời bình luận chính thức. Theo tôi, điều này sai lầm. Tôi thấy không có gì ngạc nhiên hay đáng bị khiển trách khi chúng ta bán vũ khí cho lực lượng dân chủ, mà trong thực tế được chúng ta hỗ trợ về mặt chính trị. Chúng ta hỗ trợ, giống như các đồng minh của chúng ta, về quân sự và chính trị. Chúng ta đừng đạo đức giả. Nếu chúng ta nói được A, thì cũng phải nói được B. Nếu chúng ta đã công nhận chính phủ ở Benghazi và tự hào là những người đầu tiên có đại sứ của mình ở đó, chúng ta không nên giả vờ rằng chúng ta không hỗ trợ cuộc chiến chống lại nhà độc tài. Bởi vì các công ty sản xuất vũ khí của chúng ta cũng có quyền tương tự để kiếm lợi nhuận như những người khác. Tôi không nhìn thấy lý do nào không cho phép chúng ta vượt Mỹ, ví dụ như ở Iraq.
 
Nhưng chúng ta tạm để ra một bên chuyện làm ăn chưa được xác nhận giữa Ba Lan và Libya.
 
Quan trọng hơn trong câu chuyện này là chủ đề khác. Điều làm cá nhân tôi tự vấn là làm thế nào mà hiệu quả của lực lượng nổi dậy đã được cải thiện đột ngột như vậy. Ở đây sẽ chưa đủ nếu nói đến sự hỗ trợ của các chính trị gia châu Âu, bài phát biểu hoa lá của Obama và đô la dầu mỏ. Tin tức từ mặt trận ở Libya cho thấy, theo quan điểm của tôi, là một cái gì khác nữa, rằng, không chỉ các chính trị gia "xuống đất" để đi tìm giải pháp.
 
NATO trên đất Libya, tức là một loại du kích sinh động
 
Chúng ta đừng tự dối mình trước các sự kiện: những đơn vị đặc biệt của các nước tham chiến ở Libya. Không chỉ vậy, họ đã từng đưa ra những thông tin chính thức như để "huấn luyện quân du kích Libya". Họ không chỉ thúc đẩy và phối hợp hoạt động từ các cơ sở đặc biệt ở Italia, nơi tình cờ có bảy sĩ quan Ba ​​Lan phục vụ. Tất cả cho thấy rằng binh sĩ Anh, Pháp và có vẻ như cả Mỹ, đã nằm trên tuyến đầu của lực lượng du kích. Tôi không đưa ra các giả định chỉ dựa hoàn toàn vào tin tức từ các phương tiện truyền thông. Điều nhìn thấy ngay là sự gia tăng đột ngột trong hiệu quả của quân nổi dậy Libya. Trái ngược với hầu hết những nhận định cho rằng được như vậy là do yểm trợ từ trên không. Điều mà tôi muốn nói đến chứng minh tính hiệu quả, độ chính xác và sự thay đổi trong hoạt động của không lực NATO trên Libya. Nó đã đi từ hoạt động chiến lược sang chiến thuật. Bằng cách này, như có cơ hội tuyệt vời đảo ngược vai trò, nơi mà du kích, chứ không phải lực lượng chính phủ, nhận được sự hỗ trợ của không lực và kiểm soát hoàn toàn bầu trời. Nhưng chúng ta hãy trở lại với chứng minh của tôi.
 
FAC là gì và từ đâu đến Libya?
 
Phối hợp tác chiến trên không hỗ trợ cho lực lượng mặt đất không phải là một điều đơn giản. Cần phải biết vị trí của quân đội của mình và của đối phương, để duy trì liên lạc với chỉ huy, với các máy móc trên chiến trường, có ý tưởng về phương pháp tối ưu của cuộc tấn công và hạn chế của nó. Thông thường, điều này xảy ra ngay cả với việc tấn công mục tiêu bởi tên lửa dẫn đường bằng tia laser, v.v.
 
Nhìn chung, biết bao nhiêu thứ trên chiến trường hiện đại mà chỉ có một nhóm tác chiến chuyên môn hẹp. Trong thuật ngữ của NATO, FAC, tức là “Forward Air”, giải quyết những vấn đề này. Thật khó để tìm cách diễn giải chuẩn xác trong ngôn ngữ không phải tiếng Anh, có thể tạm gọi là quan sát hỗ trợ không gian. Đây là những chuyên gia kỹ thuật làm việc trên tuyến đầu tiên của mặt trận, và thông thường ở ngay sát chiến tuyến của đối phương. Sự hiện diện của các chuyên gia kỹ thuật rất quan trọng cho sự tương tác của không lực hỗ trợ trực tiếp (tức CAS , hay là “Air Close”) của máy bay trực thăng và máy bay tiềm kích đối với lực lượng mặt đất. Các tiêu chuẩn của NATO yêu cầu sử dụng những binh sĩ được huấn luyện đặc biệt, thường làm việc theo nhóm từ 3-5 người. Thật ngạc nhiên nếu du kích quân Libya gần đây bắt đầu thành công, sử dụng rất hiệu quả chiến thuật tiêu chuẩn CAS cho NATO.
 
Các nhà báo quan sát cuộc chiến ít nhất vài lần nhận thấy rằng, gặp phải kháng cự mạnh, lực lượng phiến quân rút về khoảng cách an toàn. Sau một thời gian ngắn các vị trí quân địch đã bị tấn công bằng máy bay ném bom và trực thăng vũ trang Apache AH-64. Sau sự can thiệp của không lực, du kích quân chẳng còn gì nhiều để làm, hơn là bắt làm tù bình những người còn sống sót, treo cờ lên trên đống đổ nát và reo vang chiến thắng. Ít anh hùng, nhưng rất hiệu quả. Sự hợp tác chặt chẽ cho phép nhanh chóng phá vỡ vị trí của đối phương, nhưng đòi hỏi phải có các chuyên gia thích hợp. Đấy chính là các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và hiệu quả của FAC.
 
Thật khó để tưởng tượng rằng, một cuộc tấn công chính xác có thể được hướng dẫn bởi một người Libya được đào tạo trong thời gian ngắn với chiếc điện thoại vệ tinh. Về mặt lý thuyết thì có thể, nhưng trong thực tế, phối hợp một cuộc tấn công theo cách này gần như không thể, thậm chí giả định rằng anh ta biết cả "số để gọi đến không quân NATO", và bất cứ ai đấy sẽ hiểu và lắng nghe anh ta. Ngược lại, hết sức phù hợp với thông tin rằng, ít nhất ở Libya kể từ tháng Tư có quân biệt kích hoạt động ở Libya, ví dụ, biệt kích của Hoàng gia Anh SAS (Special Air Service) và lính đặc nhiệm của Pháp. Tôi cho rằng, chính họ là những người của FAC phục vụ trong du kích quân và đồng thời cũng là cố vấn quân sự cho du kích quân trên chiến tuyến đầu tiên chống lại Gaddafi. Họ cũng cung cấp các thông tin mới nhất từ ​​vệ tinh và máy bay không người lái, và như mọi người đều biết, thông tin là một vũ khí mạnh mẽ. Tuy nhiên điều này đặt ra một câu hỏi nghiêm trọng.
 
Người Libya đang chiến đấu chống lại Gaddafi, hay có thể là NATO?
 
Câu hỏi đặt ra không ngớ ngẩn như chính âm thanh của nó. Tất nhiên, "quân nổi loạn" với sức mạnh lan rộng của tuyết lở và thậm chí cận vệ riêng của nhà độc tài cũng chạy sang Hội đồng Quốc gia Libya. Trên các đường phố của Tripoli, Libya quân nổi dậy đang chiến đấu, nhưng cũng xuất hiện những câu hỏi về một "Việt Nam hoá" chiến tranh.
 
Đây là cuộc cuộc chiến của người Libya với sự hỗ trợ của NATO, hay là của NATO với sự giúp đỡ của người Libya?
 
Đây là cuộc chiến để giải phóng người Libya khỏi sự cai trị của bạo chúa, hay có thể đúng hơn là, cho hòa bình ở Địa Trung Hải và lợi ích của Anh, Ý, Pháp?
 
Cái gì là quan trọng hơn? Tội phạm Gaddafi, hay dân chủ, hay giá dầu mỏ, cùng với khả năng thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực?
 
Và trên tất cả, cái gì sau chiến thắng của Hội đồng Quốc gia Libya? Một phần của câu trả lời chắc chắn chúng ta sẽ sớm được biết... Nhưng phần còn lại chúng ta sẽ còn phải chờ đợi rất lâu nữa.■
 
 Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức – RFA Blog
 
-----------------------------------------------------
Nguồn dịch:  http://www.mojeopinie.pl/libia_zwyciestwo_partyzantow_czy_nato,3,1314059944
 

Bài bình luận

Cám ơn anh Đức kính đã cung cấp thêm thông tin tham khảo về cuộc chiến này!