You are here

Xung đột ở Tây Nguyên – nhà nước cộng sản có đủ tâm, tầm để giải quyết tận gốc rễ vấn đề?

Ảnh của songchi

Song Chi

Một quốc gia có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống là một lợi thế, một may mắn. Khi tôi nói với nhiều người nước ngoài rằng Việt Nam có 54 nhóm dân tộc bản địa khác nhau (nhà cầm quyền Việt Nam thì không bao giờ dùng cụm từ sắc dân bản địa/dân tộc bản địa mà chỉ gọi là dân tộc thiểu số để tránh thừa nhận sự có mặt lâu đời của nhiều nhóm người, và trên thực tế lịch sử là người Kinh qua các thời kỳ đã chiếm đoạt đất đai, lãnh thổ, kể cả xóa bỏ quốc gia của một vài dân tộc bản địa), những người nước ngoài này đều ngạc nhiên và tỏ ra thích thú (cũng giống như khi tôi nói với họ, Việt Nam có khoảng gần 8,000 lễ hội hàng năm!).

Một chính phủ khôn ngoan là nên có những chính sách nhằm tạo ra sự chung sống hòa bình, hòa thuận giữa các sắc dân, có những chính sách khuyến khích, nâng đỡ các nhóm dân bản địa để họ không phải bị thiệt thòi, tụt hậu quá xa so với người Kinh, mặt khác tôn trọng, duy trì và bảo vệ văn hóa, tự do tín ngưỡng của họ. Điều này sẽ có lợi như thế nào? Thứ nhất, về phía các sắc dân bản địa, nếu được sinh sống một cách bình yên trên mảnh đất ngàn đời thuộc về tổ tiên của mình, được tự do thờ phượng tín ngưỡng, tôn giáo, được duy trì truyền thống văn hóa lâu đời, được có tiếng nói đại diện cho họ ít nhất là trong bộ máy chính quyền địa phương, chắc chắn họ chẳng mong gì hơn thế. Đừng lo các sắc dân bản địa đòi tự trị hay đòi ly khai, nếu chính quyền biết đối xử một cách bình đẳng, có tâm, có tầm. Thứ hai, về phía lợi ích quốc gia, từ văn hóa cho tới kinh tế của một quốc gia sẽ trở nên phong phú, giàu có hơn rất nhiều nếu có sự đóng góp của nhiều sắc dân khác nhau.

Thế nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam, từ sau tháng 4/1975 cho tới nay đã có những chính sách hoàn toàn ngược lại. Riêng đối với khu vực Tây Nguyên, một vùng đất vốn giàu có về thổ nhưỡng, rừng già, tài nguyên, đặc sắc về văn hóa, nhà nước cộng sản đã đưa hàng triệu người, chủ yếu là từ miền Bắc và các tỉnh miền Trung phía Bắc di dân vào Tậy Nguyên canh tác, rồi lại chiếm đất cho những công ty, lâm trường tư bản Đỏ khai thác gỗ, trồng những loại cây có lợi trước mắt như cây cao su, cộng với nạn lâm tặc phá rừng ào ạt khiến diện tích rừng bị sụt giảm hết sức nhanh chóng, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, đồng bào các sắc dân bản địa bị mất đất canh tác, bị đẩy vào rừng sâu, những chỗ đất đai khô cằn, sỏi đá, bị biến thành kẻ làm thuê cho người Kinh, cho các lâm trường, bị bần cùng hóa.

Còn về mặt văn hóa thì các sắc dân bản địa bị tước đoạt văn hóa, bị “đồng hóa” dần dần-chỉ trừ một vài nhóm dân có nền văn hóa, ngôn ngữ lâu đời, giàu có như người Cham, người Khmer, người Ê đê…là vẫn giữ được văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của mình, còn rất nhiều nhóm dân bây giờ từ nhà cửa, cách ăn mặc, lễ lạc…không khác gì người Kinh. Ngôn ngữ thì không có trường, lớp học, dạy tiếng của mình mà phải học tiếng Việt ngay từ khi bước đến trường. Đi làm phim về nhiều nhóm sắc dân bản địa mà muốn tìm được những cái nhà sàn, những bộ trạng phục, dụng cụ âm nhạc, cho tới các loại lễ hội… là phải vào Bảo tàng mượn, hoặc phải dàn dựng lại hết, không làm gì có nữa.

Về mặt tín ngưỡng, tôn giáo, đồng bào các sắc dân bản địa nói chung và người Tây nguyên nói riêng bị cấm đoán, đàn áp nặng nề về tôn giáo. Đảng cộng sản đã thực hiện những chính sách kiểm soát, đàn áp gắt gao về tôn giáo từ ngoài Bắc sau năm 1954. Có những địa phương như Sơn La, Lai Châu, Điện biên, Hà Tĩnh, Nghệ An…hà khắc đến nỗi nếu theo đạo, tin Chúa là bị đuổi ra khỏi bản làng. Chính vì vậy, thập niên 80, 90 của thế kỷ XX đã có hàng ngàn, hàng vạn người Hmong theo đạo Tin Lành dắt díu nhau chạy vào Tây Nguyên, Lâm Đồng sinh sống, tạo thành những khu vực gọi là Tiểu khu 178, 179, 181…và họ sống như thế, hoàn toàn không được nhà nước cấp cho một thứ giấy tờ gì từ giấy khai sinh, Chứng minh Nhân dân (cũ)-thẻ Căn cước (mới), trẻ em thì không thể đi học, vợ chồng không thể làm giấy kết hôn, họ cũng không thể sở hữu mảnh đất của mình vì tình trạng không giấy tờ này và trở thành những cộng đồng vô tổ quốc, vô quốc tịch ngay trên chính quê hương mình. Sau này đảng cộng sản lại tiếp tục chính sách đàn áp tôn giáo trên toàn quốc, tìm mọi cách tiêu diệt mọi tổ chức, nhóm tôn giáo độc lập, cưỡng ép người dân bản địa bỏ đạo, chỉ cho phép theo những tổ chức tôn giáo mà người ta gọi là “ tôn giáo quốc doanh” tức là đã bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ.

Xung đột sắc tộc do những chính sách bất công của nhà cầm quyền cộng với cách ứng xử tàn ác của một số công an, chính quyền địa phương, mâu thuẫn đất đai do bị cướp đất, bị đàn áp tôn giáo là ba lý do chính dẫn đến sự tức giận, phẫn uất bị dồn nén lâu ngày của người Thượng ở Tây Nguyên.

Những năm 2001-2004 Tây Nguyên đã từng có những cuộc biểu tình lớn hàng chục ngàn người của đồng bào các sắc dân bản địa nhằm đòi quyền được đối xử bình đẳng, đòi lại đất đai và tự do tôn giáo. Nhà nước VN đã tìm mọi cách che giấu thông tin, đồng thời đàn áp dữ dội. Không ai biết được con số người bị bắt, bị thương vong là bao nhiêu nhưng hàng trăm, hàng ngàn đồng bào đã chạy sang Campuchia, Thái Lan xin tỵ nạn.

Các mục sư, nhà truyền giáo, tín đồ người bản địa bị xách nhiễu, bị đàn áp dữ dội, bị bắt bỏ tù... đã đành, ngay cả các vị linh mục, mục sư người Kinh đi làm phận sự ở Tây Nguyên cũng thừa nhận chính sách về tôn giáo ở những khu vực này hà khắc hơn, tính mạng của các linh mục, mục sư cũng nguy hiểm hơn, (còn nhớ những vụ như Linh mục Trần Văn Truyền ở Gia Lai bị chém trọng thương, nhà thờ bị đốt, Linh mục Trần Ngọc Thanh ở Kon tum bị sát hại…nhưng cả hai vụ đều bị cho là do những kẻ có “bệnh tâm thần” thực hiện và đều bị chìm xuồng…)

Trong số hàng ngàn người Việt tìm đường tỵ nạn ở Thái Lan từ nhiều năm nay, đa số là đồng bào các sắc dân bản địa tỵ nạn vì bị đàn áp về tôn giáo.

Nếu ai chịu khó tìm đọc các báo cáo tôn giáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, báo cáo của tổ chức Human Rights Watch, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ở nước ngoài, hoặc tìm hiểu từ những người bản địa đang tỵ nạn ở Thái Lan là sẽ rõ. Những hồ sơ như đàn áp tôn giáo đối với người Hmong theo đạo Tin Lành, người Thượng ở Tây Nguyên, người Khmer Krom Nam Bộ…luôn nổi cộm bao nhiêu năm nay.

Đó là chưa kể, với sự tham lam vô bờ bến, nhà nước cộng sản đã phá nát Tây Nguyên. Thay vì giữ gìn, đầu tư vào những lĩnh vực, những loại cây trồng phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, con người ở đây hay du lịch xanh, du lịch sinh thái…thì lại lao vào khai thác gỗ, khai thác bauxite…lợi ít hại nhiều, lợi ngắn hạn mà hại lâu dài hàng trăm năm về nhiều mặt.

Nhìn rộng ra, tất cả những chính sách bất bình đẳng, bất công giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, giữa vùng này với vùng khác, xuất phát từ sự hẹp hòi, thiển cận, ngu dốt, với tâm thế luôn luôn muốn độc tôn chiếm giữ quyền lực, bảo vệ quyền lực bằng mọi giá, đã gây ra sự mất mát, thiệt thòi lâu dài. Trong lĩnh vực kinh tế, những chính sách đóng góp thuế lẫn đầu tư bất bình đẳng, sai lầm khiến Sài Gòn bị kiệt quệ, không thể phát triển hết mức như tiềm năng, tiềm lực của thành phố này, hay vùng đồng bằng sông Cửu Long bị trở thành vùng trũng, tụt hậu về giáo dục, văn hóa…so với khu vực đồng bằng sông Hồng hoặc các tỉnh miền Trung phía Bắc…Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, việc không quan tâm gìn giữ, phát triển, thậm chí tìm cách gạt bỏ, tiêu diệt các mảng văn hóa nghệ thuật ngoại vi (của miền Nam dưới chế độ VNCH, của các sắc dân bản địa, văn học nghệ thuật “ngoài luồng”, “ngoài lề”, văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt hải ngoại hay của người gốc Việt viết, sáng tác bằng ngôn ngữ khác v.v…) chỉ làm nghèo thêm tài sản văn hóa vốn đã ít, mỏng của dân tộc Việt Nam.

Tất cả những lời kêu gọi cởi mở, khoan dung, đối thoại, hòa giải hòa hợp từ bao lâu nay đối với đảng và nhà nước cộng sản chỉ là những tiếng gọi rơi tõm vào hư không.

Và bây giờ khi xảy ra những vụ tấn công tại Dak Lak cũng vậy, nhà nước cộng sản nhiều phần cũng sẽ chỉ có một cách ứng xử duy nhất: đàn áp bằng bạo lực, truy cùng diệt tận, thay vì chịu suy nghĩ và giải quyết tận gốc rễ vấn đề.