You are here

Chuyện nhân sự ở cấp “Tứ trụ” và thái độ của người dân

Ảnh của songchi

Song Chi.

4 khuôn mặt “Tứ Trụ” hiện tại của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam

Trong 4 nhân vật đang nắm giữ những vị trí cao nhất của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay, mà người dân vẫn thường gọi một cách nôm na là “Tứ trụ”, thì ba ông đều học hành từ các nước Xã hội Chủ nghĩa cũ: ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học ở Liên Xô, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính từng học ở Romania, ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ học ở Slovakia, chỉ có ông Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là học trong nước.

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất thân là dân học Văn, có bằng Cử nhân Ngữ văn, nhưng sau đó đi theo chuyên ngành Sử và Lý luận Mác Lê, bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Liên Xô, được phong Giáo sư chuyên ngành Xây dựng Đảng, mở miệng ra nếu không làm…thơ thì nói chuyện lý luận Mác Lênin. Vì vậy làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản là phải, vì ngoài việc quan tâm bảo vệ đảng thì ông Trọng không biết bất cứ lĩnh vực nào khác.

Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính từng có bằng Kỹ sư xây dựng ở Romania nhưng sau đó lại quẹo sang Luật, lấy bằng Tiến sĩ Luật, tuy nhiên chủ yếu là làm việc ở ngành công an, tình báo, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, có cấp hàm Trung tướng Công an nhân dân Việt Nam.

Ông Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ học tiếng Tiệp tại Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội) sau đó lấy bằng Phó Tiến sĩ Kinh tế tại Slovakia, có một thời gian dài làm ở Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội trước khi chuyển sang công tác chính quyền.

Ông Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là thạc sĩ Triết học Mác Lênin, cũng chuyên về các lĩnh vực lý luận, tuyên truyền, giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương từ 2016-2021, và có sự nghiệp chính trị lâu dài với 20 năm trong lĩnh vực thanh niên Việt Nam, công tác đoàn, ví dụ như Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam v.v…

Cả 4 ông do đó đều rất “hồng”, nếu không là dân lý luận, tuyên giáo thì cũng là dân tình báo, công an. Nếu không học ở các nước XHCN cũ thì học trong nước, chứ không học của “bọn tư bổn phương Tây”. Không có một ông nào là dân khoa học, công nghệ. Trong 4 ông chỉ có mỗi ông Vương Đình Huệ là học về Kinh tế-Tài Chính, nhưng nếu nhìn lại, thì ông bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ ngành Kinh tế học về chủ đề “Kế toán trong nông nghiệp”: Luận án nghiên cứu về sự phát triển của kế toán trong các xí nghiệp nông nghiệp ở Tiệp Khắc và quá trình áp dụng kinh nghiệm của Tiệp Khắc vào Việt Nam”, thì cũng quá lỗi thời. (các thông tin lấy từ tiểu sử của các ông trên Wikipedia)

Nếu chỉ nhìn vào bằng cấp, học hàm, cũng giống như phần lớn quan chức trung–cao cấp của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, 4 ông đều có bằng cấp, học hàm rất cao, toàn là Thạc sĩ, Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư. Có thể nói so với nhiều cường quốc dân chủ phương Tây, bằng cấp, học hàm của quan chức Việt là cao ngất ngưỡng, còn chất lượng bằng cấp ra sao hay tại sao bằng to như vậy mà lại làm việc không hiệu quả bằng người ta thì là chuyện khác.

Ông Tân Chủ tịch nước có nhiều điểm rất gần với ông Tổng Bí thư

Ở các quốc gia dân chủ, các chính khách không thể nào che giấu dân chúng nguồn gốc, đời tư, sự nghiệp…của mình, còn nếu lên tới cỡ Tổng thống, Thủ tướng, thì mọi chuyện trong cuộc đời từ vài ba chục năm trước còn bị báo chí độc lập, đảng phái đối lập khui ra.

Trong khi đó, tại những quốc gia độc tài toàn trị trong đó có Việt Nam thì từ tính cách, sở thích cho tới lý lịch (thật), đời tư, hồ sơ sức khỏe, tài sản…của quan chức trung–cao cấp là thuộc về “bí mật quốc gia”, dân không được biết.

Ở các quốc gia dân chủ, khi nhìn vào một chính khách, không mấy ai đặt câu hỏi ông ấy, bà ấy là con ai, mà quan trọng hơn là cá nhân người đó như thế nào, bởi vì trong một quốc gia dân chủ, bản thân mỗi người phải tự nỗ lực vươn lên chứ không có chuyện ông bố bà mẹ “lót đường” cho con ngồi vào ghế này ghế kia. Còn ở Việt Nam, người dân rất hay hỏi nhau, nhân vật mới lên đó là con ai. Một phần vì ở nước này, nếu không phải là đảng viên cộng sản lâu năm, nếu không có thân thế, dây mơ rễ má với ông này ông kia thì khó mà leo cao. Hiện tượng “thái tử Đảng” rất phổ biến. Các quốc gia có đảng cộng sản lãnh đạo bây giờ như Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba…thật ra rất giống với các quốc gia thời phong kiến, chỉ khác là có thể có “một Vua” hay “Vua Tập thể”. Phần khác, hiện tượng “con rơi” của các ông lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam từ thời Hồ Chí Minh, Lê Duẩn… cho tới bây giờ khá phổ biến, nên nếu nhìn thấy lý lịch quan chức nào không ghi rõ tên cha mẹ thì người dân thắc mắc thôi.

Chính vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mấy hôm nay nhiều người cứ đồn đoán ông Tân Chủ tịch nước là con ông họ Võ này, cháu ông họ Võ kia, vì lý lịch ông này rất mù mờ.

Nhưng có lẽ điều đáng phải quan tâm hơn là năng lực của ông Tân Chủ tịch nước, bởi vì cho dù chẳng ai chọn đảng Cộng sản là đảng cầm quyền, cũng chẳng ai có quyền bầu chọn hay bỏ phiếu loại bỏ bất cứ ai trong số quan chức từ Quốc hội, Bộ Chính trị hay Tứ trụ, thì họ vẫn đang nắm quyền, họ vẫn quyết định mọi việc từ đối nội, đối ngoại, họ vẫn mang danh nước Việt Nam đi ra bên ngoài gặp nguyên thủ nước này nước kia, nên nếu họ có kiến thức, có trình độ, có tâm một chút thì cũng đỡ.

Như đã nói, ông Võ Văn Thưởng xuất thân là dân học ngành Triết học Mác Lênin. Thạc sĩ Triết học, Cao cấp lý luận chính trị.

Thực tế ai cũng biết, Triết học Mác Lênin là một cái ngành mà chẳng có mấy người theo học, trừ khi họ nhắm khả năng không đậu nổi vào những ngành khác. Ngay cả nếu muốn chọn tiến thân bằng con đường chính trị, thì người ta vẫn có thể học Kinh tế, Kỹ sư, hay ngành Ngoại giao. Chọn học Triết Mác Lênin, chứng tỏ ông Võ Văn Thưởng chẳng có một năng khiếu đặc biệt nào, một xu hướng nghề nghiệp hay một niềm đam mê đối với một lĩnh vực cụ thể nào (khác với ngành Triết học ở miền Nam dưới chế độ VNCH, là một ngành rất thú vị vì được học đủ thứ từ Triết Đông tới Triết Tây và dân học Triết, học Văn thời đó rất sáng giá chứ không phải bị đánh giá bèo bọt như bây giờ).

Luận văn bằng Thạc sĩ Triết học năm 1999 của ông Võ Văn Thưởng là về đạo đức trong sinh viên, học sinh Thành phố Hồ Chí Minh. Một đề tài hết sức đơn giản, dễ dàng so với cái bằng…Thạc sĩ. Rồi sau đó cả đời ông làm công tác Đoàn. Chả ai thấy ông có thành tích gì nổi bật.

Ông Thưởng có thể sẽ là một ông Chủ tịch nước nhạt nhẽo, bất tài như ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nhưng ông cũng có thể sẽ học theo ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giữ mình không bị vướng vào những vụ tham nhũng quá lộ liễu, và đặt mục tiêu bảo vệ đảng, kiên định với chủ nghĩa Mác Lênin lên trên hết để tiến thân và giữ vững ghế. Như ông đang thể hiện, vừa nhậm chức đã khẳng định "Nguyên tắc sống còn là kiên định chủ nghĩa Marx-Lênin!": "....Tôi nhận thức sâu sắc rằng vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn, nền tảng vững chắc đối đất nước ta, chế độ ta là phải kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh…”

Còn trước đó bao lâu nay thì ông cũng luôn tỏ ra kiên định với chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với việc bảo vệ đảng. Có thể dễ dàng tìm ra rất nhiều câu phát biểu của ông Thưởng tại các sự kiện, các cuộc họp khác nhau chứng tỏ điều này.

Cũng như ông Tổng Trọng vậy, mục tiêu cao nhất là bảo vệ đảng "Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?..." (“Tổng Bí thư: "Nếu đụng độ trên biển ta có ngồi đây được không?", Soha News)

Nhưng thật ra thì đó cũng là mục đích lớn nhất, thậm chí duy nhất, của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Đời sống của nhân dân Việt Nam có khốn khổ, bị cướp đoạt mọi quyền tự do, dân chủ, nhân quyền bị chà đạp, người Việt phải bỏ nước ra đi làm thuê trở thành nô lệ thời hiện đại như thế nào, Việt Nam đứng ở vị trí nào trên thế giới hay tình hình thế giới có biến chuyển ra sao, mặc, họ không quan tâm. Còn đảng là còn mình, thế thôi.

Trong những năm gần đây, một trong những gương mặt quan chức cực kỳ hiếm hoi của đảng cộng sản Việt Nam mà theo người viết bài này, còn “sáng sủa”, có kiến thức, có năng lực là ông Phạm Bình Minh, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (2011–2021), con trai của cố bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Tiểu sử trên Wikipedia cho biết, ông Phạm Bình Minh tốt nghiệp trường Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao Việt Nam),, tốt nghiệp thạc sĩ Luật và Ngoại giao tại Trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher trực thuộc Đại học Tufts (Fletcher School of Law and Diplomacy, Tufts University, Massachusetts), ông thuộc lớp sinh viên đầu tiên qua Hoa Kỳ học dưới sự tài trợ của học bổng Fulbright. Ông từng làm Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Công sứ, Phó Đại sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ v.v…Ông sử dụng tiếng Anh trôi chảy. Với một quá trình học hành, kinh nghiệm ngoai giao với các nước phương Tây, ông Phạm Bình Minh chắc chắn là có quan điểm cởi mở, phóng khoáng hơn đối với các nước dân chủ phương Tây. Ngoài ra còn có ông Vũ Đức Đam, nguyên Phó Thủ tướng, Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Chính phủ; cũng từng đi học ở Bỉ, làm luận án Phó Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Cả hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đều từng làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhưng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã giành lại được vai trò kiểm soát của đảng đối với chính phủ, cũng như giành được quyền lực tuyệt đối trong tay, đã cùng với phe nhóm của mình loại bỏ hết những người hiếm hoi có năng lực, có đầu óc cởi mở để chỉ chọn chung quanh mình hoặc là những nhân vật xuất thân từ công an như Phạm Minh Chính, Tô Lâm hoặc dễ kiểm soát như Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng.

Ông Thưởng có nhiều điểm rất gần với ông Trọng, cũng là dân lý luận, tuyên giáo, tuyên truyền, cũng “tụng” triết Mác Lê. Một bên chuyên xây dựng đảng thì một bên chuyên công tác xây dựng đoàn, lực lượng kế thừa của đảng. Như vậy, cho dù có chi tiết là Chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam từ năm 1945 ở tuổi 52, nhìn vào toàn bộ quá trình học hành, sự nghiệp chính trị, những phát ngôn, hành xử của ông Tân Chủ tich nước Võ Văn Thưởng nói riêng và “Tứ Trụ” nói chung, người dân Việt Nam cũng như thế giới có thể đoán ra được chính sách của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam từ đối nội cho tới đối ngoại trong những năm tới sẽ không có gì thay đổi.

Người dân thờ ơ với chính trị, và đó chính là điều đảng và nhà nước cộng sản muốn

Từ bao nhiêu năm nay rồi, mỗi khi có nhân vật quan chức nào “về vườn” – dù tự nguyện hay bị chính các “đồng chí” của mình làm áp lực, hoặc có nhân vật nào sắp/mới ngồi vào ghế này ghế kia, kể cả những cái ghế cao nhất, người dân Việt lại chép miệng, tặc lưỡi: “Tay” nào lên, “tay” nào xuống thì cũng thế thôi”. Vì có ai biết gì về họ, có ai bầu cho họ đâu.

Cũng vậy, từ bao nhiêu năm nay rồi chuyện tham nhũng, bắt bớ ngày càng nhiều, vị trí của người bị bắt càng to thì số tiền hối lộ, tham nhũng, thất thoát càng lớn, người dân Việt lại chép miệng, tặc lưỡi: “Bắt thế chứ bắt nữa thì cũng vậy” Hoặc “Tham nhũng ở xứ này chữa thế nào được”.

Cuối cùng câu thường gặp nhất là “cái nước mình nó thế”

Và cứ như thế, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, người dân Việt Nam đã mặc nhiên chấp nhận mình không có quyền gì đối với chuyện chính trị hay tương lai, vận mệnh đất nước; mặc nhiên chấp nhận từ nạn tham nhũng cho tới sự kém cỏi, tồi tệ, mục ruỗng của đảng cầm quyền; từ chuyện đảng Cộng sản tự chọn, tự bầu tự phế người của họ cho tới chuyện không ai khác ngoài đảng có thể trở thành quan chức từ cấp huyện cấp tỉnh trở lên. Còn nếu muốn leo lên đến những chức vụ cỡ Tứ Trụ – chẳng hạn như chức Chủ tịch nước, thì điều kiện trước hết phải là “Đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy; chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân) hoặc trưởng ban các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương" v.v….Có nghĩa là phải là đảng viên đảng Cộng sản lâu năm.

Không một người dân thường ngoài đảng nào có thể mơ được những cái ghế ấy, mặc dù nếu cho ứng cử bầu cử một cách công khai thì trong gần 100 triệu dân nước này, có rất nhiều người mà từ tư chất, trí tuệ, kiến thức, tài năng, tấm lòng đối với dân với nước sẽ hơn gấp nhiều lần toàn bộ những người trong Quốc Hội, Bộ Chính trị cho tới Tứ trụ của đảng CSVN. Còn nếu có một vài đảng đối lập để tranh cử và để giám sát hoạt động của đảng cầm quyền thì đảng Cộng sản cũng đã không thắng nổi với đường lối chính sách hại dân hại nước của họ; hoặc nếu có cầm quyền, thì chỉ riêng nạn tham nhũng thôi cũng làm gì có chuyện chống hoài mà vẫn không xong – bởi vì nếu chống không xong, làm không được việc thì dân sẽ bỏ phiếu bầu cho đảng khác ngay!

Nhưng người dân thì đã quen mắt với tất cả những chuyện trái tai gai mắt đó đến mức chẳng còn nhận thấy gì nữa.

Và đảng Cộng sản cũng chỉ cần có vậy. Tức là người dân cứ lo làm ăn, kiếm tiền, vui chơi, đừng quan tâm đến chính trị, đừng quan tâm đến “chuyện nội bộ” của đảng cho tới mọi chuyện khác, cứ để đảng lo.