You are here

Tết ở trong nước, Tết ở phương xa

Ảnh của songchi

Song Chi.

Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Tết ta, Tết Âm lịch, với người Việt Nam, là lễ hội lớn nhất, quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm.

Nhiều lần khi tôi nói chuyện với người nước ngoài về Tết Âm lịch của Việt Nam, từ người Na Uy cho đến người Anh, họ đều thích thú khi được nghe về ý nghĩa của các con vật biểu tượng cho các năm, ý nghĩa của cái Tết trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, các phong tục tập quán, trò chơi, món ăn v.v…và họ đều sửng sốt khi thấy người Việt mình chuẩn bị Tết từ trước đó cả tháng, ăn Tết lai rai cho đến hết mùng mới thôi.

Như ông bà mình thường nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng Giêng cũng là tháng có nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, nào Lễ hội Căm Mường của Dân tộc Lự ở Lai Châu, Lễ hội Núi Bà Đen ở Tây Ninh, Lễ hội gò Đống Đa, Hà Nội, Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn), Lễ hội Chùa Hương Hội Lim ở Bắc Ninh, Lễ hội Cầu Ngư ở Thừa Thiên-Huế v.v…

Tết thời bao cấp, Tết bây giờ

Bây giờ thì đời sống ở Việt Nam cũng đã khá hơn nhiều rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ những năm sau 1975 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi chiến tranh vừa chấm dứt, nền kinh tế thị trường của miền Nam bị đánh sập qua những chính sách cải tạo công thương nghiệp, xóa bỏ tư sản mại bản, thí điểm xây dựng hợp tác xã, mấy cuộc đổi tiền v.v…Cả nước đi theo mô hình kinh tế tập trung bao cấp của Miền Bắc đưa đến việc sản xuất bị trì trệ, kinh tế tụt dốc, hàng hóa thực phẩm bị thiếu hụt, khiến từ năm 1976 đến 1985 mặc dù trong hoàn cảnh hòa bình mà Việt Nam phải “vác rá” đi xin viện trợ của các nước XHCN anh em hoặc vay nợ để mua lương thực.

Cho đến năm 1986 thì cả nước đã đứng trên bờ vực của sự chết đói buộc nhà cầm quyền phải thi hành chính sách “đổi mới về kinh tế”, thực tế là trở lại với nền kinh tế thị trường, tự do buôn bán kinh doanh. Nhưng mãi đến năm 1989 thì cái chuyện bao cấp mới thực sự kết thúc.

Những năm đó người dân cả nước đói kém, sống bằng chế độ tem phiếu, lương thực hàng tháng thì hết bột mì, khoai sắn lại đến cao lương, bo bo (chắc nhiều người vẫn còn nhớ mấy món cao lương, bo bo, là những thứ mà ở Liên Xô, Ấn độ hay Trung Quốc người ta dùng cho gia súc, vật nuôi nhưng hồi ấy họ đã viện trợ hoặc bán nợ bo bo cho Việt Nam làm lương thực)

Nhưng đói thì đói vẫn phải ăn Tết, vẫn phải chạy ngược xuôi xếp hàng mua cho hết số tem phiếu của gia đình để có đủ gạo, thịt, mỡ, đường, bột ngọt…cho ba ngày Tết, thêm những món chỉ có vào dịp Tết như gói kẹo, hộp mứt Tết, một phong pháo, gói trà, chai rượu hoa quả…tất cả đều là hàng Việt Nam.

Chả mấy khi có gạo trắng, nên Tết là dịp hiếm hoi mọi người cho phép mình được ăn cơm không độn, có miếng thịt, trẻ con thì có bộ quần áo mới may bằng vải đem nhuộm, in hoa lá, giặt mấy nước đầu thuốc nhuộm cứ phai ra. Có những gia đình lén lút nuôi con gà con heo trên ban-công, trong phòng tắm, để Tết đến giết thịt mà ăn, phải lén lút vì với chính sách bình đẳng toàn diện trong đói nghèo, khi người khác không có thịt thì mình cũng không được phép ăn thịt.

Nhưng ngay thời ấy người miền Nam vẫn may mắn hơn người miền Bắc vì rất nhiều gia đình có người đi vượt biên sang nước ngoài gửi tiền, gửi hàng về, nên vẫn có những đồng đô la quý báu hay những món hàng xa xỉ như kẹo chewing gum, cục xà bông, chai sữa tắm, mấy thước vải ngoại hay quần áo đã mặc qua, hồi đó hay gọi là đồ Sida. Nếu không dùng thì đem bán lấy tiền mua thứ khác.

Lúc đầu là các thùng quần áo cũ do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Swedish International Development Cooperation Agency, viết tắt là SIDA) viện trợ, sau đó bà con mình ở nước ngoài cũng gửi đồ đã mặc qua cho người nhà; có một thời hàng SIDA được chuộng đến nỗi nhiều người mở cửa hàng chỉ chuyện kinh doanh quần áo cũ, ở Sài Gòn, Hà Nội và một số thành phố khác đều có.

Giới trẻ bây giờ nghe kể lại chắc không bao giờ có thể tưởng tượng có một thời ở miền Bắc trước 1975 và trên toàn quốc sau 1975 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, cha mẹ ông bà mình lại sống cực khổ đến thế.

Nhưng mặt khác, hồi ấy vì hầu hết ai cũng nghèo, sống giản dị đơn sơ như nhau, nên Tết đến lại thấy vui vì những món nhỏ nhặt ngày thường không hay có, và không phải mặc cảm Tết nhà mình không bằng người ta.

Bây giờ thì đời sống của đa số người dân Việt Nam đã khá hơn, hàng hóa nội ngoại nếu có tiền thì thứ gì cũng mua được. Tết bây giờ với đại đa số người Việt trong nước không chỉ là ăn mà còn là chơi. “Cả năm chỉ 3 ngày Tết” hoặc “Tết mà”, người ta có thế nào mình cũng phải thế”…đó là những câu nói cửa miệng của nhiều người khi mạnh tay chi tiêu, cho bằng chị bằng em. Mỗi bữa ăn nấu hàng chục món, rồi nhậu, rượu bia ê hề, rồi thi nhau trang hoàng nhà cửa…Mua đủ thứ nhiều khi không thật sự cần thiết, có người bỏ hàng chục triệu VNĐ, thậm chí hàng trăm triệu chơi hoa lạ, kiểng độc, sắm những món hàng xa xỉ. Rồi lại còn tặng quà cho người thân, lì xì cho con cháu, đi quà chúc Tết “xếp”, đi chơi, đi du lịch v.v…Bao nhiêu thứ tiền.

Người giàu không nói, người không giàu đi làm vất vả, dành dụm cả năm để xài vung tay mấy ngày Tết. Báo chí đã nói nhiều về chuyện chi xài hoang phí ngày Tết, rằng có lẽ người Việt nên ăn Tết tiết kiệm hơn trong hoàn cảnh chung của một quốc gia đang phát triển và thu nhập đầu người vẫn kém hơn nhiều nước láng giềng.

Tết ở trong nước – vui nhưng lắm nỗi khổ

+ Nỗi khổ thứ nhất vẫn là…lo sắm Tết.

Nghèo khổ vì lo chạy tiền sắm Tết đã đành, giàu cũng khổ vì phải đãi đằng mời mọc đi thăm qua lại biếu xén nhau, vì người Việt mính ăn Tết to quá, dài ngày quá.

Xã hội Việt Nam bây giờ khoảng cách giàu nghèo ngày càng hiện rõ – giữa các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố nhỏ, giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa, giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Và Tết là một dịp để thấy rõ hơn cái khoảng cách này. Sự khác biệt thấy ngay từ món tiền thưởng cuối năm. Có những doanh nghiệp thưởng Tết cá nhân vài trăm triệu cho tới cả tỷ VNĐ – xấp xỉ 43–44000 USD. Thông thường thì khoảng từ vài chục cho đến năm chục triệu đồng – khoảng 2100–2200 USD. Ngược lại có những ngành chỉ được khoảng hai, ba trăm ngàn đồng tức khoảng 10–13 USD.

Nông dân và công nhân, “hai giai cấp tiên phong, lực lượng nòng cốt của cách mạng” như đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn luôn luôn lặp đi lặp lại từ trước đến nay, trong thực tế là hai tầng lớp thiệt thòi nhất, nghèo cực nhất. Một thành phần khác cũng khó khăn không kém khi Tết đến là giáo viên. Lương giáo viên đã thuộc loại thấp so với nhiều ngành khác trong xã hội, nhưng năm nào cũng vậy, cứ Tết đến là tình trạng thưởng Tết bèo bọt lại tái diễn.

Sự khác biệt thấy ngay từ trong cách sắm Tết. Người giàu thì trang hoàng nhà cửa mua sắm quần áo từ trước Tết cả hai tháng, rồi mua sắm thực phẩm lai rai từ mấy tuần trước, người nghèo thì sát ngày Tết bếp núc trong nhà vẫn lạnh tanh. Người giàu thì vào những siêu thị, chợ lớn, hào phóng vung tiền từ rượu ngoại, thực phầm ngoại, những món ăn đắt tiền, mua tưởng chừng để dành ăn cả hai tháng cũng không hết. Người nghèo thì chỉ ra cái chợ hổm, chợ bình dân ngoài lề đường hoặc mấy tiệm tạp hóa gần nhà, vét mấy thứ mứt nhuộm phẩm xanh đỏ, mấy món thịt, trái cây kém tươi nên giá rẻ, bó hoa mồng gà, hoa cúc…cắm bàn thờ là xong.

+ Nỗi khổ thứ hai là tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm mấy ngày Tết.

Bình thường chuyện thực phẩm “bẩn” đã là chuyện thường ngày ở Việt Nam. Cứ mở báo ra là thấy tràn ngập các thông tin loại này. Nhưng Tết đến, do mức độ ăn uống, mua sắm tăng cao nên thực phẩm “bẩn”, độc hại, hàng hóa dỏm, giả càng nhiều.

Có khá nhiều nguồn thực phẩm bẩn, giả, độc hại là từ Trung Quốc tuồn qua theo đường biên giới, nhập lậu. Nhưng ngay chính người Việt mình cũng hại nhau. Nhiều nơi sản xuất nước tương, lạp xưởng, mứt Tết…có tận mắt chứng kiến mới thấy vô cùng mất vệ sinh. Nhiều chỗ mổ lợn, bò, nhất là điểm mổ lậu, nguồn thịt không còn tươi. Ngay cả siêu thị lớn cũng chưa chắc an toàn.

Đó là chưa kể trong vô số hàng quán luôn luôn đông nghẹt người ăn vào những ngày Tết, có những nơi không chú ý vấn đề an toàn vệ sinh trong nguồn thực phẩm, trong nấu nướng, chế biến. Chẳng trách năm nào vào dịp Tết, số người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm cũng cao hơn ngày thường. Và con số người Việt bị ung thư cứ càng năm càng tăng.

+ Một nỗi ám ảnh khác là chuyện tàu xe về quê ăn Tết.

Không phải ai cũng có tiền đề đi máy bay, với những người lao động nghèo đi làm ăn xa, Tết đến lại thu xếp về quê, thì các phương tiện phổ biến vẫn là xe lửa, xe đò. Cảnh nằm ngồi vạ vật, chen chúc để mua vé xe lửa, xe đò về quê năm nào cũng diễn ra. Nạn xe "dù" được dịp này là tung hoành, tha hồ chặt chém, nhồi nhét mọi người chật cứng trên xe, phóng ào ào trên đường…Rồi tai nạn lại xảy ra do phóng nhanh, do đường quá xấu…

Ngày Tết đi chơi cũng lắm chuyện bực mình. Từ các khu vui chơi, công viên, hội chợ… ở các tỉnh thành cho đến các thành phố, địa điểm du lịch như Đà Lạt, Vũng Tàu, Vịnh Hạ Long, Phú Quốc…rất ít khi du khách cảm thấy thật sự hài lòng, niềm vui trọn vẹn. Khi thì bị chặt chém, khi thì dịch vụ vừa kém vừa đắt, đông người, thức ăn bẩn, nạn chèo kéo, móc túi…Chỉ có dân giàu đến những khu resort, nhà hàng, khách sạn cao cấp thì mới tránh được những tình trạng này.

Tóm lại, cái Tết là dịp lẽ ra phải thoải mái tinh thần thì cũng không thoải mái được. Chỉ riêng một chuyện bày ra nấu nướng, cúng kiếng cho đủ món, mời người này đãi người kia rồi dọn rửa, đã là một nỗi kinh hoàng cho các chị em phụ nữ làm vợ, làm dâu!

Nhưng dân ta lại vẫn cứ thích Tết âm lịch. Từng có những ý kiến cho rằng có nên bỏ Tết ta, ăn Tết tây vừa tiết kiệm một năm khỏi tốn tiền cho 2 cái Tết, bây giờ đâu còn mấy quốc gia ở châu Á ăn Tết Âm lịch, người Nhật cũng bỏ từ lâu, chưa kể Tết ta thì cũng là Tết…của Tàu thôi v.v…Nhưng đã có nhiều người không đồng ý.

Suy cho cùng, bản thân cái Tết Âm lịch chưa chắc đã có tội tình gì, những nỗi khổ khi Tết đến vừa kể trên là do xã hội của chúng ta, do chính chúng ta gây ra, chứ chả phải do Tết Âm lịch!

Tết ở nước ngoài.

Tết ở nước ngoài chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Ngày Tết vẫn phải đi làm như thường lệ, tối 30, trưa mùng một hay mùng ba có bày biện cúng bái thì cũng chỉ trong nhà. Có lẽ chỉ có nơi nào cộng đồng người Việt đông đảo thì mới hy vọng đón cái Tết Nguyên đán tương đối đầy đủ, đặc biệt là khu Little Saigon, Nam California, Mỹ, hầu như không thiếu cái gì từ thực phẩm ngày Tết, chợ hoa, cho tới trình diễn áo dài, chương trình văn nghệ, múa lân, thậm chí cả đốt pháo…Còn những nơi khác, cộng đồng người Việt chỉ có thể tổ chức gọi là cho có không khí Tết.

Ở Na Uy, mỗi thành phố tự chọn một ngày phù hợp với cộng đồng ở tại thành phố đó để tổ chức. Thường thì Ban Tổ chức phải chọn ngày cuối tuần, ngày nghỉ để bà con có thể đi dự đông đảo, nên chẳng mấy khi trúng ngày ba mươi hay mùng một Tết ở Việt Nam. Tất cả gói gọn trong một buổi, tổ chức tại một hội trường hoặc một nơi nào mà năm đó Ban tổ chức liên hệ thuê được. Có chương trình sân khấu với những phần vọng tế tổ tiên, múa lân, phần trình diễn của ông Táo, ca nhạc…Trước khi xem thì ăn uống, có thể ăn tại chỗ hoặc mua mang về, cũng khá nhiều món, đậm đà hương vị Việt Nam.

Cũng có khi cùng một thành phố lại có mấy chương trình đón Tết Nguyên đán khác nhau, ví dụ cộng đồng Thiên Chúa giáo tổ chức riêng, cộng đồng Phật giáo riêng, cộng đồng người Việt tỵ nạn riêng – mà ngay trong những người tỵ nạn cũng có đến vài nhóm khác nhau; còn ờ Sứ quán Việt Nam thì tất nhiên là tổ chức riêng cho nhân viên Sứ quán, những gia đình thân Cộng, các du học sinh con em gia đình cán bộ v.v…

Cũng là một dịp để bà con gặp gỡ, nói tiếng Việt với nhau, cùng nhau nhớ vể nguồn cội, tổ tiên, quê nhà, quá khứ. Đó là nói lứa tuổi từ 40 trở lên, nhất là những người già 60, 70…còn mong đợi Tết để gặp đồng hương, chứ bọn trẻ dưới 30 trở xuống, sinh ra trên một nước khác, không hiểu gì nhiều về Việt Nam, ký ức về Việt Nam không có, tiếng Việt nói cũng không sõi, thì chẳng thiết tha gì mấy.

Ở Oslo, nơi có khoảng 6000 người Việt sinh sống, siêu thị châu Á của người Việt mấy ngày đó cũng có bán bánh chưng bánh tét, một vài thứ mứt cho tới cây mai giả…nhưng những thực phẩm để nấu nướng thì có khá nhiều từ đồ khô, thịt cá đông lạnh cho tới trái cây theo mùa, gia vị, và nếu bà nội trợ siêng năng thì cũng có thể nấu một cái Tết khá đầy đủ hương vị cho gia đình, dù theo kiểu Bắc, Trung hay Nam.

Chỉ không có không khí Tết. Nhưng thật ra thì Tết của người Việt tha hương ở đâu mà chả thế.

Đến khi tôi sang Leeds, UK thì thành phố này không có nhiều người Việt, chỉ khoảng trên 400 người, nên mãi gần đây mới thấy có một, hai siêu thị của người Việt nhưng không đầy đủ, cũng không có nhiều nhà hàng Việt Nam. Muốn ăn món ăn Việt hay muốn mua đầy đủ hơn các loại rau, gia vị đặc trưng thì phải chạy lên Manchester, cách Leeds khoảng hơn một giờ chạy xe hơi, vào siêu thị Việt hay vào siêu thị Tàu ở khu Chinatown.

Nhưng ở London thì khu Chinatown rất nhộn nhịp, hàng quán các nước khu vực Đông Á rất nhiều, từ Việt, Hoa, Hàn, Nhật…hầu như muốn ăn gì cũng có.

Với đa số người Việt sống tha hương, họ vẫn cố gắng chuẩn bị một cái Tết càng đúng với phong tục tập quán bao nhiêu càng tốt, như một dịp để mọi người trong gia đình tụ tập quây quần với nhau, cùng ôn lại những chuyện cũ, gắn kết tình cảm gia đình, đồng thời giữ cho bọn trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ người còn biết đến cái Tết của người Việt, biết đến gốc gác tổ tiên, họ hàng, gia đình…Hoặc cố gắng đưa gia đình về Việt Nam ăn Tết.

Trong lúc người đi xa tìm về Việt Nam thì những người thuộc thành phần trung lưu trở lên, tương đối có tiền, những năm sau này lại hay thích đi chơi xa ở nước ngoài vào những ngày Tết.

Người thì tìm về, người lại đi…Cũng là để thay đổi không khí.

xxxxx

Ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống của nhân loại hoàn toàn đảo lộn. Bây giờ tại nhiều quốc gia đại dịch tuy chưa hết hẳn nhưng cũng không còn đáng sợ nữa, tuy nhiên hậu quả của đại dịch cộng thêm cuộc chiến Ukraine trên mọi mặt đời sống kinh tế của người dân, nhất là tại các nước nghèo, là điều có thể thấy rất rõ. Như Việt Nam chẳng hạn.

Dù nền kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 8,02% – đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011–2022, nhờ doanh số bán lẻ trong nước và xuất khẩu mạnh, nhưng những xáo trộn trong ngành bất động sản, ngân hàng, việc hàng loạt công ty lớn sa thải công nhân với số lượng lớn…là những dấu hiệu cho thấy sự bất ổn về kinh tế. Bên cạnh đó, hàng loạt quan chức “ngã ngựa”, bị bắt hoặc bị buộc phải từ chức, ngay cả ở cấp cao như Phó Thủ tướng, Chủ tịch nước, là một chỉ dấu khác của sự bất ổn phía sau hậu trường chính trị.

Tết đến, bên cạnh những cảnh ăn chơi xa xỉ, hào nhoáng của giới quan chức, đại gia, tầng lớp trên trung lưu, sẽ vẫn có hàng chục triệu người lao động, dân nghèo thành thị, nông dân, công nhân, các sắc dân bản địa vùng sâu vùng xa… chật vật, không có Tết. Và cùng với họ là những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, dân oan bị mất nhà mất đất, nạn nhân bị đàn áp tôn giáo phải chạy sang Thái Lan tỵ nạn, nạn nhân buôn người phải trở về nhà với hai bàn tay trắng sau thời gian dài làm nô lệ ở xứ người…với họ cũng không hề có khái niệm Tết, khái niệm Mùa Xuân.