You are here

Những chuyển động trên thế giới năm 2021.

Ảnh của songchi

Song Chi.

1. Năm thứ hai COVID-19 hoành hành trên thế giới

Đây là năm thứ hai đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới, trên 222 quốc gia và vùng lãnh thổ bị đại dịch này tấn công, cho đến nay đã có hơn 285 triệu người bị nhiễm, trong đó hơn 5, 5 triệu bệnh nhân đã tử vong, biến COVID-19 trở thành một đại dịch chết chóc nhất cho nhân loại. Đại dịch cũng đồng thời đã gây ra những thiệt hại khổng lồ về kinh tế, xã hội, giáo dục cho tới đời sống, sức khỏe tinh thần của con người.

Mặc dù đã có nhiều loại vaccine cùng các liệu pháp chữa trị, và nỗ lực tiêm chủng được đẩy mạnh ở khắp các châu lục, tuy nhiên loại virus SARS-CoV-2 này không biến mất hoặc yếu đi sau một thời gian như người ta hy vọng mà nó liên tục biến đổi, biến thể này chưa suy yếu thì đã có biến thể khác dễ lây lan hơn xuất hiện, khiến dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó đoán. Trong năm 2021 nhân loại đã ghi nhận một số biến thể mới, trong đó quan trọng nhất là Delta đã gây ra khá nhiều chết chóc và biến thể mới nhất Omicron, được cho là lây nhanh hơn nhưng có vẻ ít nguy kịch hơn.

Tuy nhiên, thay vì quyết liệt truy vết, dập dịch, phong tỏa nhằm tiêu diệt tận gốc dịch bệnh như thời kỳ đầu, một số quốc gia sau khi đã đẩy mạnh tiêm chủng với tỷ lệ khá cao cho người dân, đã chuyển hướng chấp nhận sống chung an toàn với Covid-19. Thực tế nhiều quốc gia cũng nhận thấy việc phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với mọi mặt của xã hội và đời sống con người như thế nào.

Riêng Trung Quốc là vẫn không từ bỏ chiến lược không khoan nhượng đối với COVID-19. Mặc dù cho đến cuối tháng 12, đã có trên 83% dân số Trung Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ 2 mũi, song nước này chưa có dấu hiệu gỡ bỏ các biện pháp, quy định nghiêm ngặt để thực hiện tham vọng “zero COVID-19”.

Giai đoạn đầu trong năm 2020, khi Mỹ và các nước phương Tây lao đao vì đại dịch với số người bị nhiễm và số người chết cao ngất ngưỡng, người dân Trung Quốc, với sự tích cực tuyên truyền của đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc, cảm thấy tự hào vì đất nước của họ đã kiểm soát được dịch tốt hơn, chứng tỏ chiến lược đối phó với đại dịch cũng như tài năng lãnh đạo, quản trị đất nước của đảng cộng sản Trung Quốc, bất chấp việc phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt, quyền tự do và nhân quyền có bị vi phạm như thế nào. Nhưng cho đến giờ này, sau hai năm cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề vì sống chung với ‘zero COVID-19’ của Trung Quốc, có lẽ nhiều người dân cũng thầm mơ ước được trong một xã hội “bình thường mới” như nhiều quốc gia phương Tây.

Một điều rõ ràng là chỉ có Trung Quốc, một cường quốc thừa tiền, có đủ nhân lực, phương tiện đồng thời là một quốc gia độc tài toàn trị mới có thể theo đuổi lâu dài những biện pháp cứng rắn này. Ngay VN giai đoạn đầu cũng học theo cung cách truy vết gắt gao, cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt nhưng cuối cùng cũng chịu không nổi, phải tăng tốc chích vaccine và học theo phương Tây sống chung với COVID.

Thêm một điều nữa là đại dịch kéo dài đưa đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, nạn thiếu hàng hóa hoặc việc sản xuất phải đình trệ tại nhiều quốc gia do xu hướng toàn cầu hóa trước đây khiến nhiều quốc gia phải suy nghĩ lại, làm sao để khỏi phải phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Ví dụ như Hoa Kỳ và các nước phương Tây thì tính toán làm sao để việc sản xuất bớt phụ thuộc vào các nước có nhân công rẻ hơn như Trung quốc và các nước chưa phát triển khác bằng cách đưa một số mặt hàng trở lại đầu tư, sản xuất ngay trong nước, ngược lại, chính Trung Quốc cũng sẽ chuyển hướng để bớt phụ thuộc vào xuất khẩu, thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa.

2. Những chuyển dịch trên bàn cờ địa chính trị thế giới. Nước Mỹ trở lại, nỗ lực tập hợp, liên minh các nước. Khối dân chủ-độc tài đã chia phe rõ rệt hơn, với sự cạnh tranh, đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Với khẩu hiệu “America is back”, khác với khẩu hiệu “America First” của cựu TT Donald Trump, sau khi chính thức trở thành Tổng thống, ông Joe Biden đã đảo ngược rất nhiều chính sách của người tiền nhiệm, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao, đưa nước Mỹ gia nhập trở lại nhiều tổ chức, định chế quốc tế, tìm cách khôi phục lại lòng tin của các nước đồng minh lâu đời từ Âu sang Á đã bị sứt mẻ nhiều dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, với tham vọng đưa nước Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới như trước.

Những chuyển động nhịp nhàng đã trở lại khi phe dân chủ dần dần tập hợp chung quanh nước Mỹ.

Nếu như Trump tìm cách đơn phương đối đầu trực diện với Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, thì Biden lại khéo léo xây dựng liên minh mới, củng cố liên minh cũ. Mỹ tiếp tục ưu tiên chiến lược an ninh, đối ngoại số một của mình là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong năm 2021 thế giới cũng chứng kiến sự hình thành hai phe rõ rệt hơn, giữa phe dân chủ đứng đầu là Mỹ và phe độc tài, điển hình là Nga và Trung Cộng, cũng như sự căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ-Trung Quốc. Một liên minh mới, quan trọng là AUKUS-(viết tắt tên 3 nước Autralia, UK, US), là hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, ra đời vào ngày 15.9, trong đó Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sẽ giúp Úc phát triển và triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

AUKUS là liên minh quân sự chính thức đầu tiên được hình thành ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong thế kỷ 21.

Sự ra đời của liên minh AUKUS đã khiến cho Trung Quốc càng bất an. Phải nói rằng trong năm 2021, Tập Cận Bình nói riêng và đảng cộng sản Trung Quốc nói chung đã cảm thấy sức ép ngày càng tăng từ phía Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Chính quyền Biden đã tập hợp được nhiều nước đồng minh nhiều lần đồng thanh phản đối Trung Quốc. Từ việc kêu gọi cấm gã khổng lồ công nghệ của Huawei, phản đối các hành động ngang ngược, bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, không nhập khẩu sản phẩm làm từ Tân Cương để phản đối nạn diệt chủng của Trung Cộng đối với dân Duy Ngô Nhĩ, tuyên bố tẩy chay và không cử phái đoàn ngoại giao đến dự Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Đáp trả lại, Trung Quốc cũng có những hành động, chiến lược như bắt tay với Nga, mở rộng gây ảnh hưởng không chỉ châu Phi mà còn ở một số quốc gia “sân sau” của Mỹ ở châu Mỹ-Latin, đồng thời ve vuốt các nước Đông Nam Á. Một trong những nước hưởng lợi nhiều từ sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là Việt Nam, nhờ vị trí địa chính trị quan trọng của mình, khiến Trung Quốc cũng bớt hung hăng với VN vì không muốn đẩy VN về phía Mỹ, ngược lại Mỹ và các nước phương Tây cũng tăng cường giúp đỡ VN, và nhẹ tay về vấn đề nhân quyền của VN, mặc cho VN tha hồ gia tăng đàn áp người dân.

Đỉnh điểm của dấu hiệu các nước dân chủ dần dần tập họp, liên minh với nhau là Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ, tức là Summit for Democracy, diễn ra trong 2 ngày 9 và 10.12.2021 theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Dân chủ đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden, do Hoa Kỳ chủ trì.

Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ 2021 có thể chưa đáp ứng được tham vọng của chính Tổng thống Joe Biden cũng như sự chờ đợi của mọi người, nhưng nó vẫn có ý nghĩa rất quan trọng để các quốc gia dân chủ nhìn nhận rõ hơn những thách thức lâu dài và đáng báo động đối với tình trạng dân chủ, nhân quyền trên toàn cầu.

Đó là những chuyển động tích cực, đáng mừng nhưng mặt khác, điều không vui là trong năm 2021 chúng ta tiếp tục chứng kiến xu hướng suy thoái dân chủ không suy giảm tại nhiều nơi trên thế giới kể từ năm 2016.

3. Sự thoái trào của xu hướng dân chủ tại nhiều nơi trên thế giới.

Sự suy thoái diễn ra tại nhiều quốc gia dân chủ. Đầu tiên phải nhắc đến là Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu, nền dân chủ lớn nhất thế giới. Dưới thời tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã nằm trong danh sách các nền dân chủ "thụt lùi". Nền dân chủ Mỹ càng bị thử thách lớn hơn qua việc chuyển giao quyền lực không êm ả của cuộc bầu cử 2020 mà đỉnh điểm là cuộc bạo loạn, tấn công vào Quốc hội Mỹ ngày 6.1, khiến cả thế giới bàng hoàng trước hình ảnh những người biểu tình tràn vào Điện Capitol trong lúc Quốc hội Mỹ kiểm phiếu đại cử tri bầu tổng thống.

Cho đến nay hàng trăm người đã bị bắt, hàng chục người đã bị xét xử vì vụ bạo loạn này và Ủy ban Hạ Viện điều tra vụ này cũng ngày càng phát hiện ra nhiều bằng chứng để có thể xem đây không phải là một vụ bạo loạn ngẫu nhiên mà là một âm mưu đảo chính không thành công, nhằm lật ngược kết quả bầu cử xác nhận Joe Biden là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ và giúp ông Donald Trump tiếp tục nắm quyền.

Sau khi Tổng thống Joe Biden chính thức bước vào Nhà Trắng, rất nhiều người dân Mỹ cũng như dân chúng các nước trên thế giới đã hy vọng là nước Mỹ sẽ trở lại bình yên, đoàn kết, vững vàng như trước thời cựu TT Donald Trump. Nhưng không, nước Mỹ vẫn tiếp tục chia rẽ hơn bao giờ hết với hai đảng Cộng hòa và Dân chủ gần như không thể đối thoại, không thể đồng ý với nhau về bất cứ chính sách, điều luật nào, trừ một ngoại lệ: cả hai đảng đều công nhận Trung Quốc là thử thách lớn nhất đối với Mỹ và cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. Sự chia rẽ giữa hai đảng, trong chính mỗi đảng, cho tới trong xã hội Mỹ, nạn kỳ thị chủng tộc lại có dịp bùng lên vì COVID-19 với sự tấn công vào người Mỹ gốc Á hay giữa người da trắng với người da màu, bạo lực súng đạn v.v… khiến nền dân chủ Mỹ vẫn bị xem là đang trong tình trạng suy thoái.

Thêm một yếu tố khiến nền dân chủ Mỹ vẫn mong manh đó là TT Mỹ, dù hết sức quyền lực, nhưng bị giới hạn bởi nhiệm kỳ 4 năm, tối đa là 8 năm, nên trong bối cảnh hai đảng không thỏa hiệp được với nhau như vậy, mọi chính sách, chiến lược khó mà tính được đường dài, các chính sách của TT tiền nhiệm có thể bị đảo ngược bời TT kế nhiệm, như Trump đã làm với Obama và Biden đã làm với Trump. Thừ thách với ông Joe Biden còn gần hơn khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới vào năm 2012, đảng Dân chủ có thể mất thế đa số vào tay Đảng cộng hòa ở Hạ viện hoặc Thượng viện hoặc cả hai, và lúc đó những kế hoạch, tham vọng của ông Biden khó mà thực hiện. Thứ hai là sự ủng hộ của người dân Mỹ dành cho ông Joe Biden sụt giảm đáng kể so với hồi ông mới nhậm chức, từ 57% trong tháng đầu tiên, sau 3 tháng là 54%, bây giờ chỉ còn 42% trong tháng 11, 43% trong tháng 12.2021 theo Viện Gallup, mặc dủ ông đã làm được khá nhiều việc.

Cuộc triệt thoái vội vã của Mỹ ra khỏi Afghanistan và đất nước này nhanh chóng rơi vào sự kiểm soát của tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban cũng là một trong những sự kiện lớn của năm 2021. Việc Mỹ quyết định rút khỏi Afghanistan, nhắc nhớ lại sự phản bội của nước Mỹ đối với đồng minh VHCH trước kia, không chỉ khiến cho lòng tin của thế giới vào sự bền vững trong những cam kết của Mỹ đối với đồng minh một lần nữa lung lay, mà như nhiều nhà bình luận quốc tế nhận xét, nó còn là chỉ dấu cho thấy sau cuộc chiến này, Mỹ có lẽ không còn đủ ý chí để tham gia vào bất cứ một cuộc chiến tranh dài ngày nào nữa, dù để bảo vệ những thành quả của chính mình hay bảo vệ đồng minh.

Tóm lại, năm 2021 dù có sáng sủa hơn nhưng như đã nói ở trên, khiến nền dân chủ Mỹ vẫn bị xem là đang trong tình trạng suy thoái, thụt lùi, gần nhất là so với trước năm 2016.

Vẫn còn đó sự tấn công của chủ nghĩa cực hữu, chủ nghĩa dân túy, tin giả cho tới chủ nghĩa cực tả, sự đi quá xa, quá đà của những phong trào như Woke, Cancel Culture, Diversity, Political Correctness…đã làm ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, những giá trị thật của lịch sử văn hóa. Điều này cũng xảy ra ở một số nước dân chủ phương Tây khác từ tây Âu cho tới Úc, Canada…Trong khi ở chiều hướng ngược lại, trong những năm qua, chủ nghĩa dân túy đã dẫn đến sự thoái lui của các quốc gia như Brazil, Hungary, Slovenia… cho tới Philippines.

Năm 2021 cũng chứng kiến một nền dân chủ non trẻ khác đã bị giết chết, đó là chính phủ dân sự của Myanmar bị phe quân đội đảo chính để trao lại quyền lực cho chính quyền quân phiệt. Cuộc đảo chính đã làm dấy lên làn sóng biểu tình lớn kéo dài suốt 3 tháng trời, kết quả có đến hơn ngàn người bao gồm cả trẻ em, đã bị giết bởi lực lượng quân đội hoặc cảnh sát.

Bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy, viết tắt NLD), cố vấn nhà nước Myanmar, Tổng thống Win Myint và nhiều thành viên trong chính phủ bị bắt, bị kết án tù. Bản thân bà vào ngày 6.12 vừa qua bị tòa án của chính quyền quân phiệt tuyên xử 4 năm tù, sau đó được giảm xuống 2 năm vì tội kích động chống quân đội và vi phạm quy định phòng dịch Covid-19. Đây là bản án đầu tiên trong số gần chục bản án chống lại bà Suu Kyi (năm nay 76 tuổi).

Hình ảnh quen thuộc của bà Suu Kyi trong trang phục truyền thống thanh lịch, đôi khi cài hoa trên tóc- giờ đây, trong ngày 17.12 vừa qua xuất hiện trước tòa trong chiếc áo trắng và quấn một tấm sa-rông nâu, kiểu trang phục nhà tù điển hình của Myanmar, theo Reuters, khiến người ta ngậm ngùi khi nghĩ đến sự thất bại của bà sau cả cuộc đời đấu tranh vỉ nền dân chủ của Miến Điện, và sự chết yểu của nền dân chủ ở đất nước này.

4. Những dấu hiệu bất ổn về kinh tế và những chuyển động theo chiều hướng bảo thủ hơn, co cụm hơn của Trung Cộng.

Trong năm 2021 chúng ta cũng chứng kiến những xu hướng, chuyển động đáng chú ý của cường quốc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Về mặt chính trị, năm 2021 là năm Trung Quốc long trọng tiến hành kỷ niệm 100 năm thành lập đảng cộng sản Trung Quốc đúng ngày 1.7. Tiếp theo, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XIX trong tháng 11 đã đưa ra những nghị quyết có tính lịch sử. Đó là "xác lập vị thế hạt nhân của đồng chí Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và toàn Đảng, xác lập vị thế chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới". Như vậy Tập Cận Bình đã được đưa lên địa vị tối cao ngang bằng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Với việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước trong Hiến pháp Trung Quốc năm 2018 và với Nghị quyết đặc biệt này, Tập Cận Bình hoàn toàn có thể trở thành nhà "lãnh đạo suốt đời" của Trung Quốc.

Với bất cứ quốc gia phương Tây nào còn có ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ thay đổi theo mô hình dân chủ của phương Tây thì hai sự kiện này cho thấy rất rõ, sự tự tin hơn bao giờ hết của đảng cộng sản Trung Quốc với mục tiêu kiên định một con đường riêng, mô hình riêng của mình, cũng như tham vọng xây dựng Trung Quốc trở thành một đất nước cường thịnh, có vai vế, có tầm ảnh hưởng, thậm chí đủ sức thiết lập trật tự, luật chơi mới. Sự tự tin và tham vọng đó lý giải vì sao Trung Quốc ngày càng hung hăng tự cho mình là nước lớn, thậm chí ngang hàng với Hoa Kỳ, gây hấn khắp nơi.

2021 cũng đánh dấu 30 năm ngày Liên Xô sụp đổ. Có những người so sánh giữa Liên Xô cũ và Trung Quốc hiện nay, đều là hai “đế quốc” được lãnh đạo bởi hai đảng cộng sản, và cho rằng Trung Quốc đang và sẽ tồn tại lâu hơn Liên Xô nhiều vì Trung Quốc học được bài học từ Liên Xô, mở cửa làm ăn với thế giới, có một nền kinh tế thị trường linh hoạt, trong khi mô hình cứng ngắc và nền kinh tế quốc doanh bao cấp là một trong những lý do khiến Liên Xô sụp đổ. Thế giới hiện nay đối phó với Trung Quốc cũng khó khăn hơn vì kinh tế của Trung Quốc hiện nay có ảnh hưởng hai chiều, sâu rộng trên toàn cầu.

Tuy nhiên ở một chiều kích khác, trong năm qua Trung Quốc cũng có những dấu hiệu khủng hoảng và có những chuyển động đáng chú ý. Đối nội trở lại đường lối bảo thủ hơn. Về mặt tư tưởng văn hóa có thể gọi là một cuộc “cách mạng văn hóa” mới với hàng loạt những quy định nghiêm khắc đối với học sinh, giới trẻ cho tới lĩnh vực truyền thông, những cuộc trừng phạt gọi là “phong sát” một số nghệ sĩ. Trung Quốc cũng tiến hành hàng loạt chiến dịch tấn công, tiêu diệt một loạt các “gã khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ, kinh doanh, như Alibaba tức “Amazon của Trung Quốc”, Didi được coi là Uber của Trung Quốc, Tencent-công ty làm giàu nhờ trò chơi điện tử v.v…

Những chiến dịch tấn công giới kinh doanh và các nghệ sĩ này là nhằm bảo vệ vai trò đảng Cộng sản trong xã hội. Không một tập thể hay một cá nhân nào có thể có ảnh hưởng hơn đảng, không ai được phép qua mặt đảng.

Về kinh tế, sau một thời gian dài tăng trưởng “nóng”, những bất ổn trong nền kinh tế Trung Quốc đã và đang ngày càng bộc lộ rõ nét, đó là sự bất ổn của ngành bất động sản với sự sụp đổ của nhiều công ty trong đó có ông lớn Evergrande kéo theo nhiều lĩnh vực khác. Núi nợ công quá lớn (69% GDP trong năm 2021, theo tradingeconomics.com, và statista.com). Không chỉ chịu gánh nặng nợ lớn, Trung Quốc còn còn đối mặt với tình trạng dân số già, khiến nguồn cung lao động của nước này ngày càng sụt giảm, qua đó kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, khủng hoảng năng lượng-thiếu điện và căng thẳng trong quan hệ với Mỹ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Trung Quốc.

Hậu quả của sự bất ổn về kinh tế cộng với đại dịch COVID- khiến Trung Quốc có vẻ như co cụm lại. Lấy lý do đại dịch, cộng với việc tổ chức đại hội mùa đông Olympic Bắc Kinh đóng các cửa khẩu, sân bay giao thông với quốc tế.

Một điều rõ ràng là Trung Quốc đã giàu mạnh lên nhờ mở cửa ra thế giới. Từ thời Đặng Tiểu Bình, Trung quốc đã thi hành chủ trương này, đến thời Tập Cận Bình cũng vậy, nên có thể Trung Quốc sẽ chỉ tạm thời co cụm lại để giải quyết những khó khăn hiện tại mà thôi. Dù sao chúng ta hãy chờ xem.

Tóm lại, so sánh giữa hai cường quốc Mỹ-Trung Quốc, và hai nhân vật đứng đầu Joe Biden và Tập Cận Bình, mặc dù Tập Cận Bình có lợi thế chính trị là quyền lực bao trùm trong một chế độ độc tài toàn trị và có thể tại vị đến mãn đời, không phải lo lắng đến bầu cử, thời hạn nhiệm kỳ, nhưng cả hai người nói riêng và cả hai cường quốc nói chung đều đang phải đương với rất nhiều khó khăn, thử thách.

5. Nga-Trung Cộng bắt tay, cùng nhau tạo ra 2 mối căng thẳng lớn: Nga-Ukraine, Trung Cộng-Đài Loan.

Để đối phó với sức ép ngày càng tăng từ Hoa Kỳ và các đồng minh, khối độc tài đứng đầu là Nga và Trung Cộng đã công khai xích lại gần nhau. Đồng thời Trung Quốc và Nga vẫn chứng tỏ là những mối đe dọa lớn đến an ninh, sự ổn định của thế giới. Nếu như trong năm 2021 Trung Quốc càng liên tục gia tăng sự đe dọa đối với an ninh lãnh thổ lãnh hải của Đài Loan, thì trong những tuần lễ gần đây, Nga cũng đưa hàng chục ngàn quân, cùng xe pháo, khí tài quân sự đến sát biên giới Ukraine. Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh NATO đã cáo buộc Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ukraine mặc dù điện Kremlin nhiều lần lên tiếng bác bỏ. Nguy cơ xung đột giữa Nga-Ukraine và phương Tây được đánh giá là đang ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Một trong những lý do chính là vì Nga lo ngại Ukraine sẽ gia nhập khối NATO và không muốn điều này xảy ra.

Tuy nhiên, đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi ngày 25.12, Nga bất ngờ rút bớt 10 000 quân tập trung ở biên giới với Ukraine, nhằm chuẩn bị cho một số cuộc đàm phán với phương Tây. 10 000 quân dù chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 70 000- 100 000 quân Nga đang tập trung ở đây, nhưng cũng là một dấu hiệu có ý nghĩa.

Suy cho cùng, trong thời đại ngày nay chẳng nước nào, dù Nga hay Trung Quốc thực sự muốn mở màn một cuộc chiến quân sự mà hậu quả có thể dẫn đến chiến tranh lan rộng, không kiểm soát nổi.

6. Những chuyển động ở châu Âu.

Nhìn sang châu Âu, thì sự kiện đáng nhắc tới nhất là việc bà Angela Merkel, một trong những chính trị gia được quý trọng và đánh giá cao không chỉ ở Đức, từ giã chính trường sau 16 năm cầm quyền. Chính phủ mới của CHLB Đức là một “liên minh đèn giao thông” đỏ-xanh-vàng gồm ba đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD-đỏ), Đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do (FDP-vàng), với ông Olaf Scholz (SPD) là thủ tướng. Chính phủ này mới này được cho là sẽ có những đường lối, chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc, trong bối cảnh làn sóng phản đối Trung Quốc đang bùng lên ở châu Âu, khác với chính sách vừa gắn bó về chính trị với Mỹ, vừa gần gũi về kinh tế với Trung Quốc đã được duy trì dưới thời bà Angela Merkel.

Việc Mỹ gia tăng sức ép cũng như có những chiến lược rõ ràng, dứt khoát hơn để đối đầu với Trung Quốc đã khiến các nước châu Âu nói riêng và thế giới nói chung ngày càng phải đứng trước sự chọn lựa thái độ rõ ràng hơn và đó không phải lúc nào cũng là điều các nước mong muốn, châu Âu cũng vậy, dù trong năm qua, cùng với Hoa Kỳ dưới thời Biden, các nước đồng minh ở châu Âu đã có những lời chỉ trích và những động thái phản đối sự hung hăng hay vi phạm nhân quyền của Trung Quốc mạnh mẽ hơn.

7. Thiên tai và Hội nghị biến đổi về Khí hậu.

Trong năm 2021, ngoài Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ do Hoa Kỳ tổ chức thì có một Hội nghị khác cũng rất quan trọng là Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (Climate Change Conference of the Parties) gọi tắt là COP26 diễn ra tại Glasgow, Vương Quốc Anh, từ ngày 31.10 đến 13.11.

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu một lần nữa nhắc nhở nhân loại rằng khủng hoảng khí hậu là không có biên giới, rằng chính con người đã gây ra sự biến đổi về khí hậu từ đó dẫn tới hàng loạt thiên tai khốc liệt hàng năm, các đợt nắng nóng, lũ lụt và cháy rừng đang ngày càng tăng và nhân loại cần phải hành động gấp để cải thiện môi trường, cứu lấy ngôi nhà chung.