You are here

Việt Nam-bao giờ thì Sức khỏe và sự An toàn thực sự được coi trọng?

Ảnh của songchi

Song Chi.

Khi ý thức về sự an toàn, tinh thần trách nhiệm từ người dân cho tới nhà nước chưa cao

Báo chí đưa tin, một tai nạn hỏa hoạn thương tâm vừa xảy ra ngày 30.3 tại một căn nhà cấp bốn ở phường Cát Lái, TP. Thủ Đức, khiến 4 người lớn và 2 trẻ em tử vong. Theo thông tin từ báo chí, khi phát hiện hỏa hoạn, nhiều người vội vã chạy đến ứng cứu nhưng bất thành. Căn nhà được thiết kế theo dạng ống, bít kín cả hai bên và phía sau, có cửa sổ nhưng lại được thiết kế khung sắt nên chỉ có một lối thoát duy nhất ở cửa chính phía trước. Đám cháy bùng lên phía trước căn nhà nơi để dãy xe máy, nên không ai làm gì được (“Người thân nghe thấy tiếng kêu cứu thảm thiết của nạn nhân nhưng bất lực”, VietnamNet).

Trước đó chỉ 5 ngày, sáng 25.3, một căn nhà cấp 4 nằm trong hẻm 123 Cao Lỗ (phường 4, quận 8), TP.HCM bất ngờ bốc cháy dữ dội, làm 3 người trong gia đình tử vong. Hàng xóm nghe kêu cứu nhưng cũng không cứu được vì cánh cửa sắt có kiếng, khóa bên trong, nên khó phá (“Cháy nhà quận 8 khiến 3 người chết: Bủn rủn nghe nạn nhân kêu cứu”, Tuổi Trẻ).

Ngày 4.2 tại một phòng trọ ở quận Đống Đa, Hà Nội 3 sinh viên cùng 1 nam thanh niên tử vong vì đốt vàng mã cúng ông Công ông Táo mà không dùng nước dập nên lửa bắt cháy, 4 người trong nhà ngủ trong nhà bị chết, chỉ có một người khóa cửa lại ra đầu ngõ uống nước là thoát. Căn phỏng trọ này cũng không có bất kỳ một lối thoát nào ngoài. (“Vụ cúng ông Công, ông Táo gây cháy 4 người tử vong: Nhóm thanh niên trẻ liên hoan để chia tay về quê...”, Soha News.

Và còn rất nhiều những ví dụ như vậy nữa. Không phải hiếm hoi, và chắc chắn cũng không phải lần cuối cùng, chúng ta đọc thấy những vụ chết cháy thảm thương mà người ngoài không thể cứu vì cửa bị khóa trong, nhà không có cửa hậu hay lối thoát hiểm, cửa sổ thì luôn luôn có song sắt nên không thoát ra ngoài được.

Còn nhớ một tai nạn thương tâm làm chấn động giới làm phim của một nghệ sĩ làm nghề khói lửa năm 2013, khi ngôi nhà chứa đạo cụ của anh phát nổ, cả gia đình anh cùng vợ con đều chết, vụ nổ còn làm sập 4 nhà liền kề. Có thể những chất chứa trong nhà đã tự động phát nổ, nhưng việc chứa những hóa chất nguy hiểm như vậy trong nhà là đã ẩn chứa rất nhiều rủi ro!

Phần lớn các ngôi nhà bình thường tại các tỉnh, thành phố ở VN đều không có ý thức về an toàn như có cửa hậu, cửa thoát hiểm, hoặc trổ những cửa sổ lắp kính có thể mở toang và thoát ra ngoài khi gặp sự cố, thay vì cửa có song sắt. Ở các thành phố lớn, lại có lắm con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo hoặc hẻm cụt, khi nhà đầu hẻm bị cháy là cả hẻm có nguy cơ dính chùm, hoặc nhà ở sâu quá trong hẻm, xe chữa cháy không vào được. Trong nhà lại không chú ý đến sự an toàn trong việc sử dụng bếp, lò sưởi, các thiết bị điện, đèn dầu, nến… Hoặc dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy, hoặc để xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu...ở trong nhà.

Còn tại các building, nhà chung cư cao tầng thì lại có thêm những vấn đề khác, như lắm khi vòi phun nước chữa cháy không lên cao được tới nơi, ví dụ như khi cháy tòa nhà EVN 33 tầng ở Hà Nội năm 2011, lực lượng chức năng thừa nhận các phương tiện chữa cháy chỉ bảo đảm cứu hỏa tương đương đến tầng 17, trong khi Hà Nội có hàng trăm tòa nhà trên 20 tầng! Và “VN chưa có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà trên 30 tầng nên, ngoài trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng hiện nay, khi xảy ra cháy nổ, những người sinh sống trong tòa nhà phải tự cứu mình là chính” !? ("Cháy lớn tại tòa nhà EVN", Thanh Niên)

Đã có nhiều ý kiến đề cập đến việc sử dụng trực thăng chữa cháy cho nhà cao tầng nhưng vì một vài lý do nào đó, xem ra cũng chưa đi đến đâu. Tại mọi nơi, mọi ngành nghề ở VN người ta đều có thể nhìn thấy những hiểm họa rình rập khắp nơi vì không có ý thức về an toàn, vì sự cẩu thả, vô trách nhiệm của con người. Như vũ trường, quán karaoke… toàn vật liệu dễ cháy mà các biện pháp phòng cháy hoặc cửa thoát hiểm cũng không đầy đủ.

Đó là mới nói đến cháy nổ. Còn vô số tai nạn khác. Tại nơi lao động như: một nam công nhân bất ngờ bị ngã xuống hố nghiền rác tử vong. Sự việc xảy ra tại bãi rác Tam Tân thuộc Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCM (“Clip: Nam công nhân bị máy xúc hất xuống hố nghiền rác, khoảnh khắc tử vong thương tâm khiến nhiều người xót xa”, Tin tức online). Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi “những nơi tập kết rác cần thiết phải trang bị thêm rào chắn hoặc dụng cụ bảo hộ cho công nhân lao động, đặc biệt là tại những vị trí gần hố nghiền rác rất nguy hiểm này”. 

Bình Dương: “Sập hố trên đường, nam công nhân bị container cán chết thảm”, VOV, TP.HCM: “Giàn giáo công trình đổ sập, ba công nhân rơi xuống đất”, VietnamNet, TP.HCM: “Chạy đón xe buýt, người đàn ông lọt hố ga tử vong”, (hố ga đang thi công nhưng không có nắp đậy và rào chắn an toàn), Tuổi Trẻ…Ngay trường học, nhà trẻ, bệnh viện…cũng không an toàn: Đắc Nông: “Sập cổng trường, 1 học sinh lớp 4 tử vong”, Người Lao Động, “Lào Cai: Đổ sập cổng trường mầm non khiến 3 học sinh tử vong”, Lao Động, Sa Đéc: “Tủ gỗ đè chết bé trai 6 tuổi trong trường mầm non”, VOV …

Ở các nước dân chủ, phát triển, an toàn cho con người được đặt lên hàng đầu!

Ở Na Uy, khi bạn đi thuê nhà hay khi mới đi làm, người chủ nhà hoặc người quản lý/người chủ phải có trách nhiệm chỉ cho bạn những dụng cụ, phương tiện chữa cháy tối thiểu như bình chữa cháy để ở đâu, lối thoát hiểm chỗ nào, khi có cháy hay có tai nạn xảy ra thì phải làm gì v.v…Sau đó bạn còn phải ký vào một tờ giấy rằng bạn đã được chỉ dẫn đầy đủ để nếu có chuyện gì xảy ra thì là lỗi của bạn, chứ không phải lỗi của người chủ nữa.

Từ nhà ở cho tới cơ quan, văn phòng, quán xá…đều có lối thoát hiểm, cửa sổ thì là loại cửa kính và không có song sắt, có những phương tiện chữa cháy, máy báo cháy báo khói, thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng …Hệ thống dây điện âm dưới đất nên không bao giờ ngoài đường nhìn thấy dây điện ngoằn ngoèo chẳng chịt khắp nơi, vào mùa mưa dây điện có khi lòng thòng xuống đất, điện bị hở giật chết người như ở VN.

Na Uy là một đất nước mà mỗi năm có đến 4, 5 tháng có tuyết, giao thông đi lại khó khăn nên cứ đến mùa tuyết là người ta phải rải muối trên đường để tăng ma sát, xúc tuyết hàng đêm, còn những vách đá dọc bên đường thì luôn được ràng rịt cẩn thận để không rơi xuống gây tai nạn v.v…

Đến khi tôi sang Anh, quốc gia này còn bị ám ảnh về an toàn hơn nữa. Lúc nào và ở đâu cũng nghe thấy cụm từ “Health and Safety” (Sức khỏe và Sự An toàn). Vương quốc Anh có "Luật về Sức khỏe và Sự An toàn tại nơi làm việc" (Health and Safety at Work Act) rất cẩn thận, chi tiết, và Cơ quan Điều hành An toàn và Sức khỏe (The Health and Safety Executive (HSE) là một cơ quan chính phủ của Vương quốc Anh chịu trách nhiệm khuyến khích, quy định và thực thi sức khỏe, an toàn và phúc lợi tại nơi làm việc cũng như nghiên cứu về các rủi ro nghề nghiệp ở Vương quốc Anh.

Từ trong gia đình, trường học, nơi làm việc, mọi người đều thường xuyên được nhắc nhở, thậm chí phải học về “Health and Safety” tại nơi/ngành mình đang học, đang làm việc. Điều đó tạo cho con người thói quen coi trọng sức khỏe, an toàn cho bản thân và cho cộng đồng.

Và dù bất cứ ngành nghề nào cho tới các loại dịch vụ như tiệm làm tóc làm nail, nhà hàng, khách sạn…đều có những nhân viên đi kiểm tra về an toàn theo thời gian cố định và nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn cho người lao động, cho khách hàng thì sẽ bị phạt nặng. Có lẽ vì vậy mà những cái chết oan uổng như ở VN rất hiếm khi xảy ra, dù ở Na Uy hay Anh hay ở bất cứ một quốc gia dân chủ phát triển, có luật pháp và coi trọng sinh mạng con người nào khác.

Bao giờ mà ở VN “Sức khỏe và sự an toàn” cũng được đưa thành luật chi tiết và mọi địa điểm, từ trường học, bệnh viện, văn phòng, cơ quan cho tới các dịch vụ thương mại đều phải chi tiết hóa cho phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề của mình, bắt buộc mọi người phải học, phải nhớ, làm theo, có phạt nặng…thì may ra ý thức an toàn, trách nhiệm mới được nâng lên và mới bớt đi những cái chết oan uổng.