You are here

Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhằm ‘đấu tranh với việc lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác’

Sau khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tuyên bố Việt Nam sẽ tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, ông Trần Chí Thành - Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao giải thích, quyết định này nhằm giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia từ sớm thông qua việc chủ động đấu tranh với những hành vi lợi dụng nhân quyền nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Trang Báo điện tử Đài truyền hình Việt Nam có bài phỏng vấn ông Thành hôm 25/2 cho biết, việc lần thứ hai Việt Nam ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ mang ý nghĩa cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường vị thế, uy tín đất nước.

“Qua đó chúng ta chủ động đấu tranh với những hành vi lợi dụng hoạt động quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong đó có thể có Việt Nam. Đó cũng là cách chúng ta bảo vệ lợi ích của đất nước từ sớm.”, ông Trần Chí Thành nêu quan điểm.

Nhận thức sai lệch về nhân quyền

Phát biểu của ông Trần Chí Thành không là cá biệt mà là nhận thức chung của giới chức Hà Nội. Dù Việt Nam đã tham gia nhiều cơ chế nhân quyền quốc tế nhưng họ vẫn coi nhân quyền như là ‘công việc nội bộ’ của quốc gia.

Khi tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, giới cầm quyền Hà Nội thường hướng đến việc đấu tranh với ‘thế lực thù địch xuyên tạc về nhân quyền Việt Nam” và ‘lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác’.

Từ nhận thức đó, thay vì nỗ lực thực thi các cam kết thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam theo chuẩn mực thế giới, thì nhà cầm quyền Hà Nội thường phản bác lại các tiêu chuẩn này. Chẳng hạn, các chuyên gia nhân quyền LHQ lên án chính quyền Việt Nam bắt giữ các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền là vi phạm luật nhân quyền quốc tế, thì chính quyền Việt Nam luôn phản bác rằng những người này đã “vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Thành ra việc tham gia các cơ chế nhân quyền quốc tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chỉ nhằm chống lại điều mà Hà Nội gọi là ‘thế lực thù địch xuyên tạc tình hình nhân quyền’, nhằm mục đích tuyên truyền chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cầm quyền, chứ không thể tạo ra một môi trường tôn trọng và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam theo chuẩn mực thế giới.

Áo cà sa không làm nên thầy tu

Hội đồng Nhân quyền là một diễn đàn đa phương quan trọng dành cho việc thúc đẩy các nỗ lực nhân quyền quốc tế và đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các vi phạm và lạm dụng nhân quyền trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các thách thức tại Hội đồng Nhân quyền vẫn còn là vấn đề đáng quan ngại, nổi trội nhất là quy tắc cho phép các quốc gia thành viên có hồ sơ nhân quyền tồi tệ chiếm ghế mà họ không xứng đáng.

Với thể thức bầu cử thành viên Hội đồng Nhân quyền bằng cách phân bổ số lượng thành viên theo khu vực địa lý, thiếu tính cạnh tranh, đã mang lại cơ hội cho các quốc gia độc tài toàn trị như Nga, Trung Quốc, Cu ba và cả Việt Nam, dễ dàng được ngồi vào chiếc ghế thành viên Hội đồng.

Vì vậy, việc trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền không có nghĩa là quốc gia này có thành tích nhân quyền tốt, vượt trội so với các quốc gia khác, mà chỉ chứng tỏ rằng quốc gia đó ‘có quan tâm đến nhân quyền’.

Giống như một thầy tu, dù tâm địa có tốt hay xấu, cũng đều khoác lên mình chiếc áo cà sa cho hợp nhãn thiên hạ. Một chính phủ muốn che đậy cho các hành vi đàn áp nhân quyền, ngồi vào chiếc ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng là một cách tốt nhất để bao biện và che mắt trước cộng đồng quốc tế.

Việt Nam có xứng đáng?

Theo Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ quy định rằng các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền phải duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và hợp tác đầy đủ với các cơ chế của Hội đồng. Nghị quyết này xác định thêm rằng, khi bỏ phiếu, các quốc gia thành viên nên xem xét những đóng góp của các ứng cử viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, cũng như những cam kết của họ.

Xét theo các tiêu chí này thì rõ ràng Việt Nam là một ứng cử viên không phù hợp để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền vì không đáp ứng được 'tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền', cũng như không thực hiện đầy đủ các cam kết cải thiện nhân quyền của họ.

Như vào đầu năm nay, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) đã tố cáo Việt Nam đàn áp ngày càng gia tăng đối với quyền tự do ngôn luận, qua việc bắt giữ 3 nhà báo là ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn đến từ Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Người phát ngôn của OHCHR, bà Shamdasani nhận định về vụ việc: “Việt Nam sử dụng luật được định nghĩa mơ hồ để bắt giữ người một cách tùy tiện là vi phạm Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị về quyền biểu đạt ​​và quyền tự do ngôn luận”. Bà kêu gọi Việt Nam sửa đổi và bổ sung các điều khoản của Bộ luật Hình sự phù hợp với các nghĩa vụ của thành viên theo Công ước.  

Các cam kết về cải thiện nhân quyền của Việt Nam tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) liên quan đến các quyền dân sự và chính trị vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Đặc biệt, có những khuyến nghị Việt Nam đã chấp nhận như 'các hạn chế về quyền tự do biểu đạt, và đặc biệt là tự do trực tuyến, được dỡ bỏ để phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật pháp quốc tế' (khuyến nghị số 184 Ireland) thì được Việt Nam thi hành ngược lại thông qua việc gia tăng xử lý các trường hợp theo Luật An ninh mạng và Nghị định 72.

 ‘Đấu tranh nhân quyền’ đối với giới cầm quyền Hà Nội có nghĩa là leo cao, chui sâu vào các tổ chức nhân quyền quốc tế nhằm có cơ hội lên tiếng chống chế, thao túng và che đậy trước các cáo buộc đàn áp nhân quyền.