You are here

Khi người dân không mặn mà với chuyện nước, đó là một bất hạnh!

Ảnh của songchi

Song Chi.

Người Việt quan tâm đến chính trị Mỹ, bầu cử Mỹ 2020 hơn đại hội đảng XIII?

Trong năm 2020 cho tới tháng 1.2021, nếu ở bên Mỹ diễn ra quá trình trước, trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, thì ở VN cũng diễn ra quá trình chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 25.1-2.2.2012. Trước đó Hội nghị Trung ương 14 khoá XII, họp tháng 12.2020, đã thông qua nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, thảo luận và thông qua nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Nhưng nếu lướt qua facebook cho tới các trang báo mạng độc lập của người Việt trong ngoài nước, chúng ta sẽ thấy đa số người Việt quan tâm đến chuyện chính trị Mỹ, bầu cử Mỹ nhiều hơn đại hội đảng XIII. Báo chí chính thống VN thì đưa đều tin tức về bầu cử Mỹ lần đại hội đảng, nhưng thông tin về đại hội đảng thì thường khô khan trong khi bầu cử Mỹ thì đầy kịch tính nên độc giả, trừ những người có lý do cụ thể phải quan tâm đến đại hội đảng (như quyền lợi về kinh tế, chính trị) có lẽ cũng thích theo dõi chuyện chính trường Mỹ hơn. Và nếu bây giờ hỏi nhiều người Việt về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Tân Tổng thống Joe Biden, họ sẽ biết từ đời tư, tình trạng sức khỏe, tính cách, chính sách của hai vị này hơn là các nhân vật lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước cộng sản VN.

Điều đó cũng dễ hiểu. Mỹ là nước dân chủ, mọi thứ đều công khai, thêm vào đó, không có chuyện gì mà báo chí truyền thông lại không khui ra, người nào lên làm Tổng thống thì cũng phải trải qua bao nhiêu cuộc diễn thuyết, tranh luận trước toàn dân về đường lối, chính sách, rồi trong suốt quá trình 4 hay 8 năm làm Tổng thống báo chí lại tiếp tục soi hàng ngày, người dân thì tha hồ chỉ trích nếu Tổng thống hay chính phủ làm điều gì sai.

Còn ở một nước độc tài như VN thì khác hẳn. Đại hội đảng CS lần thứ XIII sắp diễn ra, cũng như mọi đại hội khác của đảng, về nhân sự, vẫn là đóng cửa lựa chọn người trong đảng với nhau, thậm chí còn cho đó là thông tin tuyệt mật: (“Phương án nhân sự Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật”, Tuổi Trẻ), người dân chỉ được phép đứng bên ngoài đoán mò. Nhân sự thì như thế, còn đường lối chính sách của đảng thể hiện qua các văn kiện đại hội đảng nếu chưa công khai cũng thuộc loại bí mật Nhà nước (Quyết định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của đảng) do Thủ tướng Chính phủ ký vào tháng 11.2020 vừa qua.

Đại hội đảng vì thế vẫn là đại hội của các đảng viên cộng sản chứ chưa bao giờ là đại hội chung của nhân dân VN. Một tổ chức tự chọn người, tự quyết định từ việc lớn đến việc nhỏ liên quan đến vận mệnh của đất nước, dân tộc, suốt từ khi cầm quyền đến nay là như vậy.

Và ngược lại, khi người dân cảm thấy mình chỉ là người ngoài cuộc, không có quyền bầu chọn cũng chẳng có quyền góp ý, hay chỉ trích từ lãnh đạo cho tới đường lối, chính sách của nhà nước thì họ không cảm thấy hứng thú để bàn bạc. Chưa kể ở VN, người dân lỡ miệng lỡ tay nói, viết chỉ trích lại bị khép tội, đi tù 5, 10, 15 năm thì ai dại gì mà lên tiếng?

Thậm chí lòng yêu nước cũng bị kìm hãm khi ngay cả xuống đường biểu tình phản đối những hành động hung hăng bành trướng của Trung Cộng trên biển Đông cũng bị bắt, bị tù. Hậu quả là lâu nay Trung Cộng tiếp tục có những hành động hết xâm phạm chủ quyền, lãnh hải của VN, lại gây sức ép khiến tập đoàn khai thác dầu khí quốc tế như Repsol, Rosneft đã phải bỏ VN v.v…thì cũng không có những tiếng nói hay những cuộc biểu tình phản kháng nào của người Việt nữa.

Có lẽ đối với nhà cầm quyền VN, họ lại hài lòng vì người dân càng không quan tâm đến chuyện chính trị, thì nhà cầm quyền càng khỏe, muốn làm gì thì làm. Nhưng đối với một quốc gia, khi người dân hoặc vì thờ ơ hoặc vì sợ hãi, muốn yên thân mà không quan tâm đến vận mệnh của đất nước, dân tộc nữa, thì đó là một bất hạnh.

Bản thân đảng cộng sản từ khi nắm quyền trên miền Bắc vào 9.1945 và trên toàn quốc từ sau ngày 30.4. 1975 cho đến nay, không hề gặp phải một sự cạnh tranh nào từ một tổ chức, đảng phái chính trị khác, khiến cho đảng CS không có khả năng tự lột xác, đổi mới triệt để mà cứ sửa chữa, vá víu, vá đầu này hở đầu kia.

Cơ chế đảng trị với đảng cộng sản đứng cao hơn tất cả, kiểm soát tất cả từ hành pháp, luật pháp, tư pháp, cả truyền thông cho tới việc người dân không có quyền tự do ngôn luận để góp ý những cái sai của nhà nước, không có một cơ chế phân chia và kiểm soát quyền lực dẫn đến những tệ nạn không thể chấm dứt như độc tài, tham nhũng, sự tha hóa quyền lực…Hiện tại và trong nhiều năm tới sẽ không có một lực lượng chính trị nào hay một phong trào đối kháng nào có thể đe dọa đến sự tồn vong của đàng CSVN, nhưng chính mô hình độc đảng cơ chế đảng trị này sẽ khiến đảng CSVN không thể phát triển lành mạnh.

Đại hội đảng XIII-những thách thức mới trong cục diện toàn cầu

Từ vài năm gần đây chúng ta sẽ thấy Hà Nội đang nỗ lực tăng cường ngoại giao đa phương. Năm 2020 VN đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. VN cũng đang cố gắng bằng mọi cách đa dạng hóa các mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực để làm giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh, từ kinh tế như ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với quốc tế, khu vực. VN cũng tăng cường quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, mua vũ khí từ Ấn độ để tăng cường khả năng phòng thủ…

Nhưng mặt khác, VN vẫn còn quá thận trọng, quá chậm chạp trong việc phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ và các nước tự do dân chủ trong khi quá nhẫn nhịn đối với Trung Quốc; đối nội thì hết sức bảo thủ, cương quyết không đổi mới về chính trị cộng với hồ sơ nhân quyền không hề được cải thiện bao nhiêu năm, đó sẽ là những rào cản cho VN trong việc có những đồng minh thực sự là các quốc gia dân chủ để đối phó với mối nguy hiểm từ Bắc Kinh.

Đã có nhiều lời bình luận cho rằng VN cần phải đổi mới một lần nữa, triệt để hơn, cả về kinh tế lẫn chính trị, cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại, và đại hội thứ XIII liệu có đáp ứng được điều mong mỏi này của người dân không thì có lẽ là không có hy vọng gì nhiều.

Về nhân sự, không thấy có sự đổi mới trong cung cách chọn người mà chỉ thấy có những sự phá vỡ những điều lệ, thông lệ, thể hiện một sự dàn xếp mặc cả trong nội bộ đảng giữa các phe nhóm; về đường lối, chính sách thì nhìn qua những bài viết, phỏng vấn của báo chí trong nước xung quanh các văn kiện đại hội đảng XIII thì có thể thấy là chả có thay đổi gì. Vẫn những cụm từ mỹ miều, rất kêu như: bên cạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", dự thảo văn kiện ĐH XIII đã bổ sung nội dung "dân giám sát, dân thụ hưởng", Văn kiện ĐH Đảng XII chỉ ghi là "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh" thì lần này được đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". rồi nào “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh v.v…

Mỗi một kỳ đại hội cách nhau 5 năm là một quãng thời gian đủ cho bao nhiêu diển biến xảy ra trên thế giới, có những quốc gia đi được những quãng đường rất dài và có những quốc gia nhìn trên bề mặt thì ổn định chính trị, nhiều người giàu hơn, xài sang hơn nhưng bên trong tiếp tục loay hoay bế tắc từ đường hướng, lý luận, mô hình thể chế cho tới nhân sự, chính sách cụ thể, và không thực sự tiến được bao nhiêu trên con đường đem lại sự thịnh vượng, vị thế vững vàng cho đất nước, hạnh phúc ấm no cho người dân. VN là một trong những quốc gia như vậy.

Đối nội, bên cạnh những vấn đề đã “tồn tại” từ lâu và tiếp tục là những thách thức ngày càng nghiêm trọng như nạn tham nhũng, lảm ăn thua lỗ thất thoát của các tập đoàn kinh tế nhà nước, khoảng cách giàu nghẻo, sự bất công trong xã hội, môi trường thiên nhiên bị tàn phá, tài nguyên khoáng sản bị khai thác đến cạn kiệt… VN phải đối mặt với những thách thức mới của thế kỷ XXI: 1. Muốn tham gia sâu vào các sân chơi quốc tế, phải thay đổi từ tư duy, con người cho tới môi trường, luật lệ để đáp ứng các yêu cầu. 2. Việt Nam cũng sẽ phải vật lộn với một trong những xã hội già hóa nhanh nhất ở châu Á và một hệ thống giáo dục đại học lạc hậu không đáp ứng đủ nguồn lao động có kỹ năng cao. 3. VN phải tính đến việc học hỏi và áp dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong điều hành quản lý, chuyển đổi năng lượng xanh thay vì sử dung những nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường v.v...

Đối ngoại: vẫn là vấn đề chủ quyền,toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải trước tham vọng và sự hung hăng ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Có thể giải quyết được không, hoàn toàn có thể, nếu những người lãnh đạo sắp tới của VN dám đột phá, thay đổi.

Một lần nữa, Đảng cộng sản VN thực sự cần đổi mới tư duy, đổi mới chính sách lẫn nhân sự, bớt coi dân là kẻ thù, khoan sức dân, đừng coi dân như nguồn sữa vắt cạn kiệt bằng đủ loại thuế phí, trong khi không hề có một chính sách an sinh xã hội tốt để hỗ trợ cho dân; mạnh dạn chọn người ngoài đảng mà có tài tham gia vào việc nước, đẩy mạnh cải cách kinh tế, tư nhân hóa nhiều hơn đồng thời phải có cơ chế kiểm soát, hạn chế quyền lực. Trước mắt, đó là những tổ chức dân sự, cho tới quyền lực thứ tư từ báo chí, nhà xuất bản tư nhân, mạng xã hội, đồng thời thông qua quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình…để người dân có thể đóng góp nhiều hơn vào việc nước. Đối ngoại nỗ lực nhiều hơn để thoát Trung, kể cả mạnh dạn đi trước Trung Quốc trong cải cách chính trị.

Nói tóm lại, đó là những bài học không mới: đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên hết, có những chính sách hòa giải với nhân dân, hòa hợp với môi trường, thiên nhiên, thì tương lai sẽ càng đem đến những cơ hội phát triển tốt đẹp cho đất nước, dân tộc.