You are here

Vấn đề môi trường-biến đổi khí hậu trên thế giới và ở VN.

Ảnh của songchi

Song Chi

Chính phủ mới của Mỹ sẽ lại quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu

Ngày 24.11 Tổng thống đắc cử Joe Biden đã giới thiệu với dân chúng Mỹ một số khuôn mặt chính trong nội các mới phụ trách lĩnh vực đối ngoại và an ninh, trong đó người ta chú ý lần đầu tiên có một vị trí đặc biệt: ông John Kerry, cựu Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ tại Massachusetts, ứng cử viên Dân chủ cho chức Tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử năm 2004, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ giai đoạn 2013-2017 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, được đề cử làm đặc phái viên Tổng thống về vấn đề biến đổi khí hậu.

Với việc chỉ định ông John Kerry, người đã thay mặt Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, vào vị trí đặc biệt này, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã giữ đúng cam kết trong trong việc nhìn nhận biến đổi khí hậu là một vấn đề an ninh quốc gia cấp bách, sau 4 năm Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, khuyến khích khai thác dầu khí và than, đảo ngược dần những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm giảm phát khí thải.

Sự thay đổi đó rất quan trọng vì vì Mỹ là quốc gia đứng thứ nhì trong danh sách các quốc gia «xả» nhiều khí thải CO2 ra môi trường, chỉ sau Trung Quốc, và thế giới có quyền hy vọng trong thời gian tới ông John Kerry và chính phủ của Joe Biden sẽ lại hợp tác và dẫn dắt các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thế giới và vấn đề biến đổi khí hậu

Càng ngày nhiều quốc gia trên thế giới càng nhận ra mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của con người và cuộc sống tương lai của nhân loại trên Trái Đất.

Trong vài năm gần đây, rất nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của giới trẻ, học sinh đã diễn ra ở hàng trăm thành phố khác nhau trên thế giới, nhằm kêu gọi chính phủ nước mình và các tổ chức trên thế giới có những biện pháp mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn để cứu vãn trái đất, và để nâng cao nhận thức của con người về môi trường. Cao điểm là các cuộc biểu tình, phản đối quốc tế về khí hậu trong năm 2019, trong đó có đợt biểu tình vào tháng 9 năm 2019, còn được gọi là Tuần lễ toàn cầu vì tương lai (the Global Week for Future), diễn ra từ ngày 20 đến 27 tháng 9, xung quanh Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu dành cho thanh niên của Liên hợp quốc (the UN Youth Climate Summit) ngày 21 tháng 9, và Hội nghị thượng đỉnh về hành động vì khí hậu của Liên hợp quốc (the UN Climate Action Summit), ngày 23 tháng 9.

Chỉ riêng trong ngày 20.9.2019, các cuộc biểu tình đã diễn ra trên 4.500 địa điểm ở 150 quốc gia, với ước tính 6-7 triệu người tham gia, là cuộc đình công khí hậu lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Danh sách những quốc gia tham gia vào phong trào này trải rộng từ Âu sang Á, Mỹ, Phi, Úc, Canada.

Việt Nam cũng có một vài hoạt động xuống đường hưởng ứng ở Hà Nội, Sài Gòn. So với số lượng hàng ngàn người trẻ VN từng nhiều lần đổ xuống đường để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nước nhà trong một trận đấu ở khu vực hoặc châu lục, hoặc để đón chào thần tượng của mình là các ca sĩ nhạc Hàn Quốc K-Pop, thì con số người tham gia vào những hoạt động như thế này khiêm tốn hơn rất nhiều.

Không có gì phải ngạc nhiên. Sống trong một quốc gia lạc hậu, đi ngược dòng chảy của nhận loại và luôn luôn đứng bên lề của hầu hết mọi hoạt động dân chủ, tích cực, tiến bộ, nhân văn của thế giới, tuổi trẻ VN ít được dạy phải quan tâm đến môi trường sống, cũng như không được dạy vô số điều khác. Nhận thức là cả một quá trình. Mặt khác, sống trong một xã hội thế nào thì con người sẽ bị ảnh hưởng như thế.

Ở các nước tiến bộ, từ chính phủ cho đến người dân đều có ý thức quan tâm bảo vệ môi trường. Ý thức đó được bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất. Ví dụ như rác. Ở các nước tiến bộ người dân rất có ý thức không xả rác ở ngoài đường, nơi công cộng. Mọi nơi mọi chỗ đều có thùng rác công cộng. Ở VN người ta chỉ giữ sạch đẹp ngôi nhà của mình, còn con ngõ chung, con đường chung, cho tới công viên… thì hết sức thoải mái. Ở các nước rác thải hàng ngày thường được chia làm nhiều loại, bỏ vào những loại bao bì, thùng rác khác nhau: rác hữu cơ và vô cơ, rác có thể tái chế, không thể tái chế v.v…Để hạn chế người dân sử dụng bao nilon vốn là thứ rất lâu bị tiêu hủy, ở các nước, khi đi siêu thị, đi mua bất cứ thứ hàng gì bạn phải trả tiền nếu muốn lấy bao. Làm như vậy người dân sẽ có thói quen tiết kiệm dùng lại bao hoặc mua các loại túi xách để không phải xài bao.

Trong khi ở VN rác không hề được phân loại, rất khổ cho nhân viên ngành vệ sinh. Ngay rác thải y tế với bông băng, kim tiêm, tiềm ẩn bao nhiêu mầm bệnh tật…việc quản lý, xử lý cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề về sự ô nhiễm môi trường.

Người VN dùng bao nilon vô cùng thoải mái, bao nilon luôn luôn là thứ đi kèm với món hàng mua, không phải trả tiền, mà bao nilon ở VN thường là tái chế, nhiều khi bọc thức ăn không biết có vệ sinh, an toàn hay không.

Bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt như vậy cho tới chuyện lớn hơn như sử dụng điện gió, điện mặt trời thay cho thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân…, khuyến khích xài xe hơi điện, xe đạp điện, điện hóa các phương tiện giao thông công cộng, xử lý rác thải thật tốt v.v…

Quốc gia nào càng quan tâm đến vấn đề thiên nhiên-môi trường-biến đổi khí hậu thì sẽ càng có lợi về mọi mặt từ kinh tế cho tới chất lượng sống của người dân và ngược lại.

Việt Nam-phát triển bất chấp môi trường và cái giá phải trả

Thiên nhiên, môi trường sống ở VN đang bị hủy hoại, tàn phá hàng ngày hàng giờ với mức độ khủng khiếp, nhưng từ đa số người dân cho tới chính nhà cầm quyền, chả ai quan tâm. Ngược lại, nhà cầm quyền còn là thủ phạm góp tay đắc lực nhất.

Những thành phố lớn thì ngày càng ô nhiễm vì khói bụi, xăng xe, rác thải sinh hoạt…, có được con đường đẹp rợp bóng cây xanh nào là chặt trụi để xây cất, có được khoảng thở như công viên, quảng trường, hồ…nào là lấn chiếm, san lấp, khiến mức độ ngột ngạt, ô nhiễm càng tăng. Rừng bị tàn phá bừa bãi, những nhà máy công nghiệp xả khói đen mù lên bầu trời, xả thẳng chất độc hại ra sông, biển.

Người ta thản nhiên xây cất nhà cửa, biệt phủ, khu resort…trên rừng phòng hộ Sóc Sơn, “băm” cả núi, đồi…để xây biệt thự ở Vân Phong, Khánh Hòa, "băm nát” bán đảo Sơn Trà nơi có loài Voọc chà vá chân nâu cực quý hiếm để xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa; rồi nào dự án phát triển du lịch Cát Bà tác động xấu đến quần đảo Cát Bà (“Dự án của Sun Group sẽ ảnh hưởng đến quần đảo Cát Bà như thế nào?”, Người Đô Thị), hàng loạt vụ ô nhiễm từ các nhà máy giấy Lee&Man-Hậu Giang, nhà máy giấy Thuận Phát-Hòa Bình, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân-Bình Thuận, nhà máy xi măng Sông Lam-Nghệ An v.v…

VN từng tự hào có “rừng vàng biển bạc” nhưng bây giờ thì sao? Những hình ảnh từ vệ tinh qua phần mềm Google Earth cho thấy rừng Việt Nam bị tàn phá nghiêm trọng, so với những hình ảnh lưu trữ trước đây khoảng 20 năm, trong đó diện tích rừng nguyên sinh giảm trầm trọng. Hậu quả là các hiện tượng thiên tai như bão lũ, sạt lở đất, ngập mặn…mỗi năm mỗi nặng nề, gây ra bao nhiêu thiệt hại về người và của. (“Những hệ lụy từ mất rừng ngày càng nghiêm trọng”, Báo Lao Động), “Phá rừng và cái giá phải trả. Bài 1: Rừng chảy máu khắp nơi”, Pháp Luật TP.HCM, “Mỗi năm có gần 1920 ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm trái phép” , Sở Nông nghiệp Daklak…)

Còn biển bạc? “Biển Việt Nam bị ô nhiễm rác thải đứng thứ 4 thế giới”, đặc biệt là rác thải nhựa, Pháp Luật TP.HCM, “Môi trường biển Việt Nam - Bài 1: Ô nhiễm và suy thoái gia tăng”, Tin Tức…Chỉ một vụ Formosa thôi cũng đủ hủy hoại cả một vùng biển ở miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… theo các nhà chuyên môn phải mất hàng chục năm để khôi phục hệ sinh thái đáy biển với điều kiện nhà máy này phải ngưng hoạt động vĩnh viễn, nhưng hiện tại thì Formosa vẫn hoạt động theo đúng hợp đồng ký kết 70 năm!

Đất nước rơi vào tay một đảng cầm quyền duy nhất không có cơ chế kiểm soát quyền lực, đứng trên cả luật pháp, với những con người bị đồng tiền làm cho mờ mắt, chỉ biết đua nhau vơ vét, từ trung ương đến địa phương, cái gì còn khai thác, còn bán được là bán, cả cát cũng bán (Báo Tuổi Trẻ đã từng có cả loạt bài về nạn khai thác cát ào ạt này: “Đường đi cát Việt ra nước ngoài: Tàu chở cát đi đâu?”, “Đường đi cát Việt ra nước ngoài: Cát Việt bán giá bao nhiêu?”,"Cát Việt ra nước ngoài: “Bán” dự án, “xà xẻo” tài nguyên”…)

Rõ ràng là chỉ khi sống dưới một chế độ vừa độc tài vừa dốt nát vừa tham nhũng nặng nề như chế độ do đảng cộng sản cầm quyền ở VN, thì chúng ta mới chứng kiến một "thành tích" phá hoại kinh hoàng từ trên rừng xuống biển, từ cao nguyên xuống đồng bằng, từ thành phố lớn đến vùng sâu vùng xa... như vậy.

Tài nguyên cạn kiệt, đất nước đã nghèo lại càng nghèo thêm vì “thiên tai” mà thật ra là “nhân họa” hàng năm, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và cả sức khỏe tâm lý, tâm thần, cả hành vi ứng xử của con người.

Thực tế là khi nào chế độ độc tài ở VN còn tồn tại thì họ vẫn cứ tiếp tục phát triển bừa bãi bất chấp cái giá phải trả, vẫn thiếu vắng một tầm nhìn, chính sách, những biện pháp ngăn ngừa, trừng phạt nghiêm khắc về sự phá hoại thiên nhiên-môi trường và do đó người Việt vẫn cứ phải chịu đựng đủ thứ tai họa trong một ngôi nhà chung.