You are here

2020 và COVID-19

Ảnh của songchi

Song Chi.

Nhiều năm sau nếu nhìn lại năm 2020, có lẽ điều mà nhân loại nhớ nhất sẽ là đại dịch COVID-19 và những hậu quả nặng nề của nó gây ra cho con người.

Đã hơn 11 tháng nhân loại phải “sống chung với COVID-19”, và cho đến ngày hôm nay, 24.11.2020, con số người bị nhiễm coronavirus trên toàn thế giới là 59,967,454 người, con số tử vong là 1,411,729. Top 10 quốc gia có số người bị nhiễm nhiều nhất là Mỹ, Ấn độ, Brazil, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, UK, Ý, Argentina, Columbia. Top 10 quốc gia có số người tử vong cao nhất là Mỹ, Brazil, Ấn độ, Mexico, UK, Ý, Pháp, Iran, Tây Ban Nha, Argentina.

VN là một trong những quốc gia may mắn không bị nàng Cô Vy quật nặng, cho đến ngày 24.11, VN có 1,316 ca bị nhiễm, 35 người chết.

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý do thỏa đáng vì sao VN và một số quốc gia trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á lại bị nhẹ hơn so với Mỹ, châu Âu. Ngoài việc phải công nhận chính phủ các nước này ráo riết truy lùng dấu vết và cách ly dập dịch, dân chúng tuân thủ các quy định đeo khẩu trang mà không phàn nàn gì so với dân phương tây thì cũng có thể có những lý do khác.

Có thể vì điều kiện khí hậu, nóng và ẩm khiến virus khó sống hơn, vì các nước gần Trung Quốc đã từng kinh qua một số trận dịch cúm các loại do virus cũng xuất phát từ Trung Quốc, Hong Kong trong thế kỷ XX, XXI như bệnh cúm châu Á, dịch cúm gia cầm, dịch cúm A với virus H5N1, đại dịch SARS hay còn gọi là Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng và bây giờ là đại dịch COVID-19, bởi chủng virus corona SARS-CoV-2…nên cảnh giác ngay từ đầu.

Thêm một lý do khác, cũng có thể các biến thể của coronavirus ở khu vực Đông Á, Đông Nam châu Á ít nguy hiểm hơn các biến thể của coronavirus ở Mỹ và châu Âu?

Không rõ nhưng thực tế là không chỉ VN, các quốc gia khu vực Đông Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, ngay cả Trung Quốc, là quốc gia bị coi là nguồn cơn của dịch bệnh, cũng có vẻ đối phó với đại dịch coronavirus này hữu hiệu hơn, kinh tế Trung Quốc thậm chí còn có dấu hiệu hồi phục trở lại quý thứ hai liên tiếp trong năm nay. Trong khi đó thì Mỹ, các nước châu Âu cho tới Nam Mỹ, Ấn độ đều bị nàng Cô Vy hành cho “lên bờ xuống ruộng”.

Không chỉ phải lockdown toàn bộ đợt một, từ khoảng tháng Ba đến tháng Bảy 2020, nhiều quốc gia châu Âu bây giờ vẫn đang phải vất vả đối phó với lây nhiễm coronavirus thứ 2 khi mùa đông đang đến. Các chuyên gia về y tế từng lo ngại rằng cộng với thời tiết khắc nghiệt và dịch cúm hàng năm vào mùa đông, sẽ khiến cho những người bị nhiễm COVID-19 có khả năng bị nặng hơn, thậm chí tử vong nhiều hơn, và điều đó đã được chứng tỏ là đúng!

Từ cuối tháng 10 cho tới tuần đầu tiên của tháng 11, các nước Pháp, Đức, Bỉ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Anh v.v…đều đã phải tuyên bố lockdown toàn quốc trở lại trong một thời gian ngắn hoặc gia tăng các biện pháp ngăn chặn để làm giảm bớt số người bị lây nhiễm, số người chết, tránh tình trạng quá tải tại các bệnh viện.

Nguyên nhân COVID-19 vẫn hoành hành tại các nước Âu-Mỹ có thể do Track và trace (theo dõi và truy dấu vết) không hiệu quả, test không dễ dàng, văn hóa tự do thấm sâu vào dân Tây phương nên chính phủ khó bắt dân chúng nhất nhất tuân theo theo các quy định.

Thêm một thực tế là tại nhiều quốc gia từ Mỹ tới châu Âu đa số người dân không còn kiên nhẫn như thời kỳ đầu, các cuộc biểu tình phản đối lockdown, phản đối đeo mask, phản đối vaccine… nổ ra nơi này nơi kia.

Tin tốt đến trong những ngày gần đây là con người đã sáng chế ra được vaccine ngừa COVID-19, với vài loại khác nhau: vaccine do Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phát triển, Moderna (Mỹ), vaccine của Đại học Oxford / AstraZeneca, UK. Các loại vaccine này sẽ được sản xuất hàng loạt để con người bắt đầu được tiêm chủng từ cuối năm nay, đầu năm tới. Tuy nhiên, các nhà khoa học gia cho rằng dù đã có vaccine, ít nhất cũng phải mất một khoảng thời gian khá lâu để có thể tiêm chủng cho ít nhất một nửa dân số toàn cầu, và con người may ra có thể trở lại cuộc sống bình thường từ giữa năm sau.

Với các nước, việc buộc phải lockdown đã ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến nền kinh tế quốc gia mà còn đến đời sống tâm lý, sức khỏe tâm thần của con người, và cả hạnh phúc gia đình.

Điều đó cũng dễ hiểu: đời sống cách ly, thói quen bị phá vỡ, lo ngại về coronavirus, đau khổ vì mất người thân, công việc bị ảnh hưởng hoặc bị mất việc, áp lực tài chính, một số bậc cha mẹ thì vừa phải làm việc từ nhà vừa phải trông con vì trường học đóng cửa, hoặc phải giúp con học online, tâm lý bị ảnh hưởng, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là ngồi nhà nhiều dễ bức bối sinh cãi lộn nhưng lại không thể ra đường xem film, mua sắm, đi chơi để giải tỏa.

Ở UK, một nghiên cứu của The Mental Health Foundation, "Coronavirus: Mental Health in the Pandemic" về vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch, đã cho thấy những tác động của đại dịch và lockdown đến sức khỏe tinh thần của con người.

Nhiều bác sĩ tâm lý đã khuyến cáo, mùa dịch coronavirus có thể dẫn tới một trận dịch thứ hai, về sức khỏe tâm thần. Từ người già, người có bệnh nền cho tới thanh niên, trẻ con đều bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau.

Mỗi người vì vậy đều phải tự tìm những cách khác nhau để cân bằng về mặt tâm lý, không bị trầm cảm, lo âu, hoảng sợ…cũng như để tiêu thụ thời gian một cách có ích hơn cho chính mình. Có thể đọc sách, xem phim, xem các cuộc hòa nhạc ảo trên internet, xem tranh-thăm viếng bảo tàng qua mạng, nghe radio, học ngoại ngữ online, tham gia các khóa học online…cho tới nấu nướng, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, làm vườn, chăm sóc cây, tán gẫu với bạn bè qua điện thoại, tập thể dục, chơi thể thao…Hoặc đơn giản, chỉ là đi dạo ngoài trời, công viên, thiền hoặc dành thời gian cho người thân.

Đối với những ai đã quen với đời sống hối hả, nhịp sống nhanh tại các thành phố lớn ở các quốc gia khác nhau, quen với môi trường đông đúc nhộn nhịp chung quanh hoặc làm việc trong những ngành nghề luôn tiếp xúc với nhiều người, chắc chắn sẽ cảm thấy khó khăn hơn những người sống tại các thành phố nhỏ, nông thôn vốn vắng vẻ, có nhịp sống chậm rãi, hoặc làm việc trong những môi trường ít tiếp xúc với con người.

Nhưng cái gì cũng có hai mặt-tích cực và tiêu cực. Khi không thể thay đổi thực tế, hãy chấp nhận, nhìn vào khía cạnh tích cực và sử dụng tốt nhất khoảng thời gian lockdown hoặc phải sống dưới những quy định hạn chế do chính phủ đề xuất.

Điều quan trọng nhất là bảo vệ bản thân và chăm sóc sức khỏe – thể chất lẫn tinh thần. Cố gắng loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, u ám, những lo âu về tương lai, về tình hình kinh tế trong mùa dịch, tìm niềm vui từ những việc nhỏ hàng ngày, học hoặc làm những gì chúng ta từng muốn học/làm mà không có thì giờ v.v...Để ít nhất khi đời sống trở lại bình thường, chúng ta cũng không bỏ phí một quãng thời gian.