Song Chi.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra.
Với đa số dân chúng Mỹ, tâm lý nôn nóng chờ đến dịp bỏ phiếu bầu cho người mình đã chọn sẽ là Tổng thống nhiệm kỳ tới đã đành, mà đối với thế giới, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bao giờ cũng được mọi người quan tâm vì vai trò, vị trí, sức ảnh hưởng của nước Mỹ trên toàn cầu bao lâu nay. Nhưng lần bầu cử này càng được các nước hồi hộp theo dõi hơn bao giờ hết, thậm chí có những tờ báo quốc tế còn nhận định đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất của nước Mỹ từ sau thế chiến thứ Hai.
Điều đó cũng dễ hiểu. Chưa bao giờ, kể từ nhiều thập niên qua, nước Mỹ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng, chia rẽ gay gắt như vậy, từ giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cho tới người dân. Trước đây, dù đường lối, chính sách của hai đảng Cộng hòa, Dân chủ khác nhau nhưng nhìn chung, vẫn có thể “đối thoại”, bàn bạc, thỏa hiệp với nhau, còn về đối ngoại thì thường sự khác biệt cũng không phải quá lớn, cả hai đảng đều luôn có ý thức đặt quyền lợi của quốc gia lên trên hết, sẵn sàng lên tiếng bảo vệ những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, sát cánh với các đồng minh lâu đời, giữ vững vị trí, vai trò lãnh đạo của nước Mỹ.
Nhưng giờ đây, sự chia rẽ đã trở nên quá sâu sắc đến mức mọi quyết định của hai đảng dường như đã và đang đặt quyền lợi của đảng mình lên trên quyền lợi chung của đất nước và đều có yếu tố chính trị xen vào. Một ví dụ là chuyện đối phó với đại dịch COVID-19. Không ai có thể ngờ một cường quốc hàng đầu như Mỹ lại thất bại trong việc ngăn ngừa, kiểm soát, khống chế dịch và để cho số người bị nhiễm, số người chết cao nhất thế giới như vậy.
Tất nhiên, Tổng thống là người đứng đầu quốc gia và chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng một phần, là do việc chống dịch không theo tinh thần khoa học mà theo tinh thần, ý thức chính trị, từ chuyện mang khẩu trang, mở cửa đóng cửa, đặt vấn đề nghiêm túc, nghiêm trọng ngay từ đầu hay hạ thấp, che giấu tình hình v.v…Kết quả là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, Tổng thống nói một đàng, các nhà khoa học nói một kiểu, chính phủ Liên bang lệnh thế này, các Thống đốc bang lại ra lệnh cách khác, người dân thì bị nhiễu thông tin không biết nghe ai, tin ai, ngay những hướng dẫn ngăn ngừa dịch bệnh đơn giản nhất cũng người tuân theo người không, cuối cùng không thể khống chế được dịch, số người bị nhiễm, số người chết cứ thế tăng đều.
Sự chia rẽ còn thể hiện trong mọi mặt của xã hội cho tới sự xuất hiện mạnh mẽ hơn của những nhóm cực hữu, cực tả, các nhóm ủng hộ Trump-phản đối Trump, bạo lực súng đạn, sự phân biệt chủng tộc v.v…
Đối ngoại, chưa bao giờ đường lối, chính sách đối ngoại của hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden lại đối lập nhau đến thế. Joe Biden tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ đưa Mỹ trở lại với các Hiệp định TPP (Trans-Pacific Partnership-Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Paris Agreement/COP21), Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết tại Áo 2015 ( Joint Comprehensive Plan of Action, viết tắt JCPOA), Tổ chức Y tế thế giới WHO…, sẽ củng cố lại các mối quan hệ đống minh lâu đời, giành lại vị trí, vai trò, uy tín của Mỹ trên thế giới, tiếp tục lạnh nhạt và cảnh giác với Nga, Bắc Hàn.
Ngược lại, chính sách của TT Trump như có thể thấy trong 4 năm qua là không quan tâm lắm đến các tổ chức, định chế thế giới, tiếp tục co cụm “America first” và mọi thứ đều xét trên lợi ích trước hết về kinh tế. Có chăng, điểm duy nhất mà hai đảng Cộng hòa, Dân chủ tương đối đồng ý với nhau là “thời kỳ trăng mật” với Trung Quốc đã qua, Trung Cộng giờ đây là đối thủ chính công khai đe dọa đến vị trí lãnh đạo toàn cầu lẫn mọi mặt khác của Mỹ, dù Tổng thống nào lên thì chắc chắn quan điểm, chính sách của Mỹ đối với Trung Cộng sẽ phải khác đi.
Chính vì sự khác biệt quá lớn trong đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của hai ứng cử viên Tổng thống và những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt, khiến cho cuộc bầu cử Tổng thống lần này trở nên hết sức quan trọng. Các cơ quan tình báo Mỹ còn cảnh báo chuyện một số quốc gia như Nga, Trung Cộng, Iran đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, để mong tác động đến kết quả theo chiều hướng ứng cử viên có lợi cho mình sẽ chiến thắng, điều mà Nga đã từng làm trong cuộc bầu cử 2016.
Liệu Mỹ có vượt qua giai đoạn khủng hoảng này và trở lại vai trò, vị trí trước đây hay thời của nước Mỹ sẽ vĩnh viễn qua đi, điều đó phụ thuộc vào kết quả bầu cử sắp tới. Điều đáng nói là nếu Mỹ không còn là lãnh đạo thế giới tự do nữa, thì hiện nay cũng chưa có một quốc gia nào thay thế nổi khoảng trống đó và thế giới có khả năng sẽ rơi vào tình trạng rối ren, không có lãnh đạo, mạnh nước nào, nhóm nào chơi theo kiểu của nước đó, nhóm đó, hoặc kẻ mạnh sẽ càng ngông nghênh, nước nhỏ yếu sẽ càng bị bắt nạt ...
Như người dân các nước khác, người Việt cũng quan tâm đến bầu cử Mỹ, thậm chí tranh cãi, bạn bè cạch mặt nhau, vợ chồng giận hờn nhau chung quanh việc ủng hộ ai, phản đối ai. Trong khi đó thì đa số người Việt lại thờ ơ với chính đại hội đảng cộng sản lần thứ 13 sắp diễn ra và ai sẽ ngồi vào các ghế Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Vì người dân quá biết rằng ai lên thì cũng thế thôi, cũng vẫn là chế độ độc tài độc đảng, đặt quyền lợi của đảng cộng sản lên trên hết, đường lối mọi thứ vẫn thế và người dân vẫn tiếp tục không có chút quyền tự do dân chủ nào, ai mở miệng phản kháng thì bị đàn áp tàn khốc.
Mà giả sử có một cá nhân nào có tâm có tài hơn một chút hoặc thực sự có ý muốn cải cách thì cũng chẳng thể làm được gì trong cái guồng máy chung, rồi cũng phải tuân theo phe nhóm, tuân theo đường lối chung để tồn tại nếu không muốn bị tiêu diệt.
Rõ ràng sự khác nhau giữa các quốc gia tự do, dân chủ và độc tài như ngày và đêm. Ở các quốc gia tự do, dân chủ, người dân có quyền đi bầu, chọn lựa đảng hay cá nhân nắm quyền lãnh đạo quốc gia, và nếu lỡ có chọn sai, chọn lầm người thì sau 4, 5 năm lại chọn lại; còn ở VN, người dân chẳng có quyền gì, nên nếu họ không quan tâm, hoặc nói cách khác, mang “tâm lý ở trọ” ngay trên chính quê hương mình thì cũng dễ hiểu.
Bài bình luận gần đây