You are here

Ngày đầu của cái gọi là phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm

Ảnh của songchi

Song Chi.

Ngày hôm nay 7.9.2020 tòa án Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm, hàng loạt báo chí nhà nước đưa tin gọi đây là “vụ án giết người và chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 7 tới 17-9.

Có 29 người bị truy tố, trong đó 25 người bị cáo buộc tội giết người, bốn người còn lại hầu tòa về tội chống người thi hành công vụ.

Báo chí đưa tin về diễn tiến vụ Đồng Tâm đều na ná giống nhau chứng tỏ đều “xào nấu” từ cùng một nguồn là do phía bên công an cung cấp. Nhưng có những bài báo có giọng điệu hung hăng hơn, như Báo Người Lao Động với bài: "Vụ án Đồng Tâm: Những đối tượng nào đã nhiều lần đổ xăng thiêu chết 3 cảnh sát?", “Vụ án Đồng Tâm: Ông Lê Đình Kình đã chống đối thế nào khi cảnh sát tiến vào nhà?”, VTC: "Phải có bản án thích đáng cho những kẻ sát nhân ở Đồng Tâm" v.v…

Trả lời VTC trong bài “Ba chiến sĩ bị sát hại ở Đồng Tâm: Vì sao bố trí lực lượng công an trong đêm?”, ông Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an đã cáo buộc “Vụ án nêu trên do một nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa đảng viên lôi kéo, lừa mị người dân tham gia các hoạt động sai phạm”, rồi nào

"… “Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực, kể cả số nghiện hút ma túy, số có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương", cụ Lê Đình Kình thì bị gọi là “một loại “cường hào địa chủ mới”, hậu quả sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên, lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước” v.v…

Đúng là những thủ đoạn quen thuộc để “chuẩn bị dư luận”, của phía công an kết hợp với ban tuyên giáo.

Chỉ cần đọc qua một trong số những bài báo do báo chí nhà nước đăng tải về phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm cũng đủ thấy sự khuất tất, hèn hạ của phiên tòa: (những dấu ngoặc trong status là trích từ bài báo “29 người ra tòa trong vụ án ở Đồng Tâm”, VNExpress)

Gọi là phiên tòa công khai, nhưng cấm quần chúng tham dự.

Phiên tòa công khai nhưng sợ cái gì mà an ninh, công an, chốt bảo vệ dày đặc quanh TANN Hà Nội?

Vụ việc xảy ra dưới thời Ông Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch Hà Nội, ông Chung từng hứa hẹn với bà con đủ điều rồi nuốt lời, tại sao “Chủ tọa Trương Việt Toàn trả lời, ông Chung và một số người không liên quan trực tiếp tới vụ án nên HĐXX không triệu tập”?

Bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình), là vợ của người quá cố, là nhân chứng và cũng là nạn nhân bị công an đánh đập dã man, tại sao lại cho rằng “sẽ triệu tập “nếu trong quá trình xét xử thấy cần thiết”?

Với đề nghị triệu tập đại diện lực lượng công an, quân đội tham gia vào cuộc tập kích, “HĐXX cho hay đây không phải thành phần tham gia tố tụng nên không cần thiết đến tòa.” Đây là những kẻ trực tiếp tham gia vào cuộc tập kích, lẽ ra phải có mặt để luật sư đối chất công khai với các “bị cáo” xem tiến trình sự việc xảy ra như thế nào, đúng sai nằm ở đâu chứ.

“Không chấp nhận đề nghị mời người thân các bị cáo tới theo dõi xét xử, chủ tọa giải thích 29 bị cáo đều đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, không cần người giám hộ.” Ở đây không phải là người giám hộ, mà họ là người thân, họ có quyền được tham dự phiên tòa, nhưng lý do không chấp nhận, ai cũng biết chỉ vì tòa sợ họ đến ủng hộ tinh thần những người đang bị xét xử; còn nếu không có người thân, những người đang bị xét xử dễ cảm thấy cô đơn, ngã lòng, và dễ chấp nhận buông xuôi, đây cũng là nằm trong hàng loạt trò “khủng bố, cô lập” tinh thần mà thôi.

Ai là người bắn cụ Lê Đình Kình, tại sao không có mặt, không để luật sư được thẩm vấn, đối chất cùng với những người bị xét xử khác có liên quan?

Khi vụ Đồng Tâm xảy ra, bao nhiêu bài viết phân tích của các nhà báo, luật sư độc lập đã chỉ ra sự vô lý trong cái chết của 3 viên cảnh sát. Bác sĩ khám nghiệm pháp y vụ 3 cảnh sát bị chết cháy này có dám công khai đối chất trước tòa rằng cháy như vậy thì phải do chất gì gây ra, cháy trong bao lâu, cần bao nhiêu lít xăng, hình ảnh những người chết ra sao…không? Tại sao không cho thực nghiệm hiện trường?

Cũng ngay trong ngày đầu tiên, các luật sư bảo vệ cho những người đang bị xét xử phải làm đơn khiếu nại gửi chánh án Tòa án ND TP.Hà Nội về việc trong thời gian Hội đồng xét xử vào hội ý (từ 10g 10’ cho tới 11g05’) lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa đã ngăn cản không cho luật sư tiếp xúc với người mà mình bào chữa; khi các luật sư phản đối thì chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Trương Việt Toàn công khai tuyên bố “Các luật sư đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, đã có thời gian tiếp xúc với các bị cáo trước khi xét xử trong trại giam, vì vậy việc tiếp xúc giữa luật sư với bị cáo tại phiên tòa là KHÔNG CẦN THIẾT!"

Tóm lại, vẫn là những vở tuồng lố bịch được gọi là phiên tòa với những bản án "bỏ túi" như bao nhiêu vụ án có dính tới đất đai, dân oan hoặc có yếu tố chính trị dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo.

Phiên tòa chỉ mới bắt đầu, nhưng đã lộ ra rất nhiều vi phạm về luật tố tụng, về nhân quyền, và chúng ta cũng có thể dự đoán kết quả sẽ như thế nào. Chắc chắn sẽ có những bản án khá nặng nhằm dập tắt mọi hành vi phản kháng trong tương lai. Đã thành “nguyên tắc” của chế độ: nếu nhà cầm quyền làm sai, hay phạm một tội ác, họ sẽ dùng một cái sai lớn hơn, một tội ác lớn hơn để lấp liếm, chứ không bao giờ có chuyện nhận sai. Thứ hai, vụ việc nào càng được dư luận quan tâm, phẫn nộ, án càng nặng. Xử nạn nhân, đồng thời răn đe luôn những người khác.

Những người ra tòa đã bị tra tấn, bức cung, không loại trừ những lời đe dọa nhắm đến gia đình, người thân của họ, nên họ nhận tội, không chỉ vì bị tra tấn mà còn vì muốn bảo vệ gia đình, cũng có thể họ le lói hy vọng nếu “nhận tội” án sẽ nhẹ hơn. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra.

Điều trớ trêu nhất, bi thảm nhất của vụ Đồng Tâm là nhân vật chính, cụ Lê Đình Kình, người bị cảnh sát bắn hạ một cách dã man, bị mang xác đi mổ bụng mấy ngày sau mới trả về cho gia đình, sau khi chết còn bị vu khống, bịa đặt, bôi nhọ đủ điều, là một đảng viên cộng sản mấy chục năm tuổi đảng, người mà theo lời cụ bà Dư Thị Thành, vợ của cụ rằng “Đến cuối đời chồng tôi vẫn tin vào đảng”

Giá như cụ bớt tin vào cái đảng khốn nạn, lừa đảo ấy hơn, có lẽ cụ đã không phải chết thảm, gia đình không phải tan nát...

Nhìn lại từ khi đảng cộng sản lên nắm quyền ở đất nước này, biết bao nhiêu bi kịch đẫm máu đã xảy ra chỉ vì luật sở hữu đất đai phi lý, bất công. Biết bao con người đã phải đứng lên vì “con giun xéo mãi cũng quằn”. Nhưng Thủ Thiêm và Đồng Tâm là 2 vụ lớn nhất gần đây, vụ Đồng Tâm cho thấy toàn bộ bản chất tàn ác, dã man, lật lọng của nhà cầm quyền: vừa ăn cướp vừa la làng, vừa giết dân vừa vu khống đổ tội giết người cho dân, là thủ phạm nhưng lại bày ra phiên tòa để xét xử…

Sự thật về cái chết của cụ Lê Đình Kình lẫn cái chết của 3 viên cảnh sát, ai là cấp cao nhất đứng đằng sau vụ án này…sẽ không bao giờ được minh bạch hóa.

Tội ác vụ Đồng Tâm nối tiếp danh sách những tội ác dã man, hèn hạ nhiều không kể xiết của đảng và nhà nước cộng sản đối với người dân VN trong suốt 75 năm qua.

Nhưng điều đáng buồn nhất qua "phiên tòa" về vụ Đồng Tâm, đó là nó cho người ta thấy sự ngang nhiên, trơ tráo đổi trắng thay đen, tự tin chà đạp lên luật pháp, dư luận trong và ngoài nước của đảng và nhà nước cộng sản VN, bởi vì họ nghĩ họ muốn làm gì thì làm, chả có cái gì đe dọa được đến chế độ, và ngược lại, cũng cho thấy sự bất lực của người dân làng Đồng Tâm nói riêng và người dân VN nói chung.

Dư luận phẫn nộ rồi vài bữa cũng qua, và rồi lại có những vụ bất công mới, những tội ác mới của nhà cầm quyền xảy ra…Phải cần bao nhiêu nữa những vụ như thế này thì mới đủ để tạo thành con sóng phẫn nộ tràn lên lật đổ chế độ?