You are here

Càng đàn áp nhiều thì càng gây ra nhiều oán hờn, phẫn nộ.–P.2.

Ảnh của songchi

Song Chi.

Những người bị bắt là ai?

Trừ 1, 2 trường hợp hiếm hoi người bị bắt là người Việt ở hải ngoại, những người bị bắt đều sinh ra, lớn lên trong lòng chế độ này, có những người từng là cựu chiến binh của quân đội cộng sản như ông Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy, có người là đảng viên đảng cộng sản, cán bộ tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh như nhà báo Phạm Chí Dũng, hoặc từng hoạt động trong hệ thống báo chí nhà nước như nhà báo Trương Duy Nhất, báo Đại Đoàn Kết, nhà văn Phạm Thành Nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam…

Còn những người khác là những người dân bình thường, vì mắt thấy tai nghe những sự bất công, sai trái của chế độ mà viết bài trên facebook rồi bị bắt, hoặc là dân oan như gia đình bà Cấn Thị Thêu, bà Nguyễn Thị Tâm.

Không một ai trong số họ có thể là mối nguy hiểm cho chế độ. Không vũ khí, không lực lượng, cũng không kêu gọi bạo lực lật đổ chế độ, họ chỉ cất lên tiếng nói hoặc bài viết phản biện, chỉ trích một cách ôn hòa. Ở bất cứ một quốc gia tự do dân chủ nào khác thì họ chỉ đang thực hiên quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền căn bản của con người, của công dân.

Nhưng với một chế độ độc tài toàn trị như chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo ở VN thì mọi tiếng nói chỉ trích đều không được phép, còn đất đai thì tiếng là thuộc quyền sở hữu của toàn dân nhưng lại do nhà nước quản lý nên nhà nước muốn lấy lại lúc nào là lấy, và đền bù cho người dân với giá rẻ mạt trong khi họ bán lại cho các tâp đoàn đầu tư kinh doanh với giá gấp hàng chục lần. Chính cái điều luật đất đai bất công này đã tạo ra hàng vạn, hàng triệu dân oan khắp ba miền với bao nhiêu thảm cảnh, bao nhiêu oán hờn mà vụ Đồng Tâm chỉ là một vụ tàn bạo nhất.

Khi con số người bị bắt ngày càng nhiều, khi những bản án ngày càng nặng nề phi nhân thì điều lạ lùng là những người bị bắt cũng ngày càng bình thản, hiên ngang, không một ai trong số họ sợ hãi. Đọc bài “Cha của Trịnh Bá Phương kể về việc con trai và vợ bị bắt”, BBC, hay những lời của nhà văn Phạm Thành nói với vợ, anh Trịnh Bá Phương livestream trước lúc bị bắt, những lời nói của nhà báo Trương Duy Nhất trước tòa…đều bình tĩnh, bất khuất. Khác một trời một vực với thái độ của các quan tham khi bị kết án.

Tất cả những người lên tiếng ở VN đều hiểu sẽ phải trải qua đủ thứ “khổ nạn” cũng như sẽ có ngày bị bắt, bị cầm tù…và họ đều dó tâm lý chuẩn bị cho điều đó.

Ngoài việc gia tăng bắt bớ với những tội danh mơ hồ là những phiên tòa chóng vánh nhưng bản án thì càng ngày càng nặng nề. Trước kia những bản án dành cho người bất đồng chính kiến chỉ chừng 2,3, 5 năm, cao nhất là trường hợp kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, bây giờ chỉ riêng “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều luật 117 đã bị phạt tù từ 5 đến 12 năm, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Thậm chí chuẩn bị phạm tội cũng bị phạt từ 1 đến 5 năm!

Có trường hợp như ông Lê Đình Lượng, vì vận động một cách ôn hòa cho những người ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường mà bị khép tội "Lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật hình sự Việt Nam và bị kết án 20 năm.

Chế độ tàn bạo, không chính danh nên luôn sợ hãi

Câu hỏi tại sao nhà cầm quyền ngày càng gia tăng đàn áp, bắt bớ mặc dù trong mấy năm gần đây phong trào đấu tranh ở VN có vẻ như bị chững lại và cũng không có những vụ xuống đưởng biểu tình rầm rộ như trước kia, với đủ lý do như phản đối sự hung hăng bành trướng của Trung Cộng trên biển Đông, biểu tình chống đặc khu, chống formosa xả thải ra biển, chống giải tỏa cướp đất v.v…? Và nhiều người bị bắt nếu không xấp xì tuổi 70, thì đa phần cũng là phụ nữ chân yếu tay mềm, có làm gì được chế độ?

Có rất nhiều lý do. Nhìn chung, đảng và nhà nước cộng sản VN mạnh tay hơn có lẽ vì họ thấy bây giờ từ Mỹ cho tới các nước phương Tây còn có quá nhiều vấn đề nội bộ phải lo, chả nước nào thật sự quan tâm đến hồ sơ nhân quyền tệ hại của chế độ Hà Nội nữa, nên họ có làm gì cũng chẳng bị trừng phạt như trước. 

Trong bài “Một người Autralia đón tuổi 71 sau song sắt ở Việt Nam” trên trang Human right Watch đã nhắc đến ở trên cũng viết: 

“Nhưng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam ít khi được nêu trong tin tức quốc tế. Chính phủ Australia, do lo ngại về ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, nói chung vẫn dè dặt không đưa ra quan điểm công khai và có nguyên tắc về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump chỉ nêu các vấn đề về nhân quyền khi nào thấy có lợi về chính trị. Liên minh Châu Âu vừa hoàn tất một Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam, bỏ qua phần lớn các quan ngại của các nhà vận động về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội.”

Sự thiếu vắng các tiếng nói nêu trên chắc chắn đã khiến chính quyền Việt Nam bạo dạn hơn trong việc gia tăng các nỗ lực truy đuổi và bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến.”

Trong một số trường hợp, lại có những lý do riêng. Với những người viết sách, viết báo phê phán đích danh một nhân vật lãnh đạo cao cấp thì bị trả thù, như trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất viết về ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, nhà văn Phạm Thành viết về ông Nguyễn Phú Trọng, nhà báo, blogger, dịch giả Lê Anh Hùng thường xuyên có bài tố cáo một số quan chức cộng sản (bị bắt ngày 5.7.2018 sau đó từ ngày 1.4.2019 bị đưa vào bệnh viện tâm thần trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội, ép buộc điều trị tâm thần để hủy hoại sức khỏe). Có trường hợp như gia đình anh Trịnh Bá Phương, vì nhà cầm quyền chuẩn bị đưa 29 người dân Đồng Tâm ra xét xử nên họ muốn trừng trị và bị miệng luôn những người đã đưa tin về vụ việc này…

Nhà cầm quyền VN đặc biệt lo ngại với những trường hợp tụ họp thành nhóm, thành tổ chức như Hội Nhà báo Độc lập, nhóm nhân quyền Hội Anh em Dân chủ, các tổ chức tôn giáo…cho dù những nhóm này hoạt động công khai và hết sức ôn hòa.

Nhưng có lẽ lý do lớn nhất vẫn là từ sự hoảng sợ sâu thẳm bên trong của nhà cầm quyền. Dù có đủ mọi thứ trong tay, từ quân đội, công an, tòa án, báo chí truyền thông, đội ngũ dư luận viên đông đảo…còn đại đa số người dân thì không quan tâm gì đến chính trị, nhưng họ vẫn sợ. 

Có một sự thật rành rành là nếu nhìn bên ngoài thì chế độ này vẫn vững vàng, xã hội vẫn “ổn định” về mặt chính trị, nhưng bên trong là cả một sự bế tắc, loay hoay từ lý luận, lý tưởng, đường lối, mô hình thể chế cho tới việc không tìm ra những gương mặt lãnh đạo có tài. Theo dõi báo cáo của ông GS.TS. Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam tại Hội nghị báo cáo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức sáng 10.6 về Dự thảo văn kiện Ðại hội XIII là có thể thấy rõ sự bế tắc, loay hoay đó. 

Cùng với sự bế tắc là nỗi lo bất ổn từ trong nội bộ Cán bộ, đảng viên suy thoái là thế lực thù địch rất khó đấu tranh” (Thanh Niên) theo ông Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng. Chưa kể nền kinh tế sa sút do làm ăn bết bát, tham nhũng nặng nề, và cả ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tài nguyên cạn kiệt, và những đe dọa ngày càng tăng từ Trung Cộng. Tất cả khiến nhà cầm quyền VN tưởng là vững, là ổn định mà như đang ngồi trên đống than âm ỉ không biết bùng cháy từ lúc nào. 

Nhưng thay vì “làm nguội tình hình” bằng cách khoan sức dân, nới rộng quyền tự do dân chủ cho người dân, sửa sai những điều luật bất công, thì nhà cầm quyền lại gia tăng đàn áp. Một chế độ không chính danh, chưa bao giờ do dân bầu lên, chỉ tồn tại bằng bạo lực, chuyên dùng một cái sai lớn hơn, một cái ác tàn bạo hơn để che lấp một cái sai, một cái ác trước đó nên luôn bất an và luôn nhìn dân như kẻ thù. Nhưng càng đàn áp thì càng gây nên nỗi căm phẫn dồn nén trong nhân dân. Chính đảng và nhà nước cộng sản VN đang tự đào hố chôn dần mình chứ chứ không phải bất cứ một “thế lực thù địch”, “thế lực ngoại bang” nào khác.