You are here

Vụ án Hồ Duy Hải tại sao phải điều tra lại từ đầu?

Ảnh của songchi

Song Chi.

Phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã khép lại ngày 8.5 với kết luận của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại; giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải - bị kết án về hành vi giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An, vào đêm 13.1.2008.

Nhưng dư luận sau đó vẫn tiếp tục có những ý kiến trái chiều. Trong khi đó, một số bài báo nhà nước và một số nhân vật nằm trong bộ máy chính quyền cũng đã có những lập luận nhằm phản ứng lại. Báo Công An Nhân Dân số ra ngày 11.5 trong mục Chống diễn biến hòa bình có bài: “Lợi dụng vụ án Hồ Duy Hải để xuyên tạc”, Tạp chí Tòa Án Nhân dân có bài “Vụ án Hồ Duy Hải: “Nhiễu thông tin”, “Truyền thông bẩn” đã làm ảnh hưởng đến chính trị và cả nền tư pháp”, trích lời ông Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện chính trị CAND:

“Thực tế, vụ án Hồ Duy Hải và một số vụ án khác đã bị các thế lực cơ hội chính trị lợi dụng và chúng tôi cũng biết rất rõ ai đứng đằng sau những “thông tin bẩn” để lôi kéo người ít hiểu biết về pháp luật và những vấn đề chuyên sâu của vụ án, nhằm tạo “sức ép” lên cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng, thậm chí với cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Trước đây những thành phần này tập trung vào vụ Đồng Tâm, nhưng sau đó, do dịch bệnh COVID-19 nên tạm thời lắng xuống, và giờ chúng lại bám vào vụ án Hồ Duy Hải, coi như một miếng mồi mới, để tiếp tục trào lưu kích động dư luận, xuyên tạc bịa đặt, chống phá Nhà nước.”

Có nghĩa là vẫn cứ là do các thế lực cơ hội chính trị, bọn phản động, rồi “truyền thông bẩn”… lợi dụng xuyên tạc chống phá. Có bao giờ nhà cầm quyền tự hỏi tại sao một vụ án kéo dài suốt 12 năm, trải qua bao nhiêu phiên sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… nhưng vẫn không được đông đảo mọi người “tâm phục khẩu phục”?

Bên cạnh những ý kiến của dư luận, có những người như đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải. Và dường như đã có những tác dụng: “Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý vụ án Hồ Duy Hải theo đúng quy định pháp luật” (“Cơ quan của Quốc hội nghiên cứu hồ sơ vụ Hồ Duy Hải”, VNExpress), và Viện trưởng VKSND Tối cao “Ông Lê Minh Trí: Chúng tôi đủ căn cứ kháng nghị vụ Hồ Duy Hải”, VNExpress”.

Có quá nhiều vấn đề đặt ra cũng như vì lợi ích chính trị của chính nhà nước công sản VN khiến họ nên nghĩ đến việc xem xét lại, điều tra lại từ đầu vụ án này. Tại sao?

1. Quá nhiều sai sót trong quá trình điều tra cho tới xét xử. Những sự sai sót này báo chí chính thống lẫn báo chí tự do, mạng xã hội đã đề cập đến rất nhiều, thiết nghĩ không cần phải lặp lại một cách chi tiết nữa. Chúng ta biết, nguyên tắc đầu tiên để hy vọng một phiên tòa công bằng là phải “trọng chứng hơn trọng cung”. Nhưng trong vụ án Hồ Duy Hải, những vật chứng quan trọng như con dao, cái thớt là hung khí giết người đã bị “hô biến”, mua lại ngoài chợ, mẫu máu thu được tại hiện trường thì lại để tới 4 tháng sau mới giám định nên không thể giám định được, không thu được dấu tay của Hồ Duy Hải tại hiện trường trong khi những dấu tay khác thu được thì lại chưa làm rõ, giờ giấc tử vong của 2 nạn nhân chưa thuyết phục, thời gian để Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường và phạm tội ác không logic v.v…

2. Các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, cho tới Giám đốc thẩm đều chỉ dựa vào lời nhận tội của Hồ Duy Hải, mà ở nước này những chuyện nhục hình, bức cung, mớm cung là chuyện chẳng phải hiếm hoi gì. Chứ không phải như Hội đồng Giám đốc thẩm cho rằng “không có bức cung, nhục hình đối với Hồ Duy Hải”. Hãy nghe ông Nguyễn ông Nguyễn Thanh Chấn, một trong những người tù bị oan sau đó được thả, kể lại việc ông “được” tập cho thành thục các động tác giết người để sau đó công an quay phim, chụp hình ra sao (“Từng bị án oan, Nguyễn Thanh Chấn kể lại chuyện “tập giết người”, Chính trị Việt Nam)

3. Phiên tòa Giám đốc thẩm có một số sự kiện khiến người dân cảm thấy không thực sự yên tâm, điều này dư luận cũng đã đề cập đến, chẳng hạn việc ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế Chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm cũng là người đã từng bác kháng nghị xử lại vụ án trước đây. Hay thời điểm vụ án được đem ra xử rất nhạy cảm, ngay trước đại hội 13 của đảng cộng sản, nên những nhân vật có liên quan đến vụ án, như ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ông Trần Quốc Vượng, từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (2007-2011) và nhiều người khác sẽ cân nhắc đến việc kết luận vụ án dựa trên sự có lợi hay hại cho sinh mệnh chính trị của mình chứ không phải trên tính mạng một con người-và do đó, đã quyết định chọn lựa sự an toàn, nghĩa là y án, không xét lại, điều tra lại gì nữa hết.

4. Kết luận của Hội đồng thẩm phán trong phiên tòa Giám đốc thẩm chưa thuyết phục, xuất phát từ cách tiếp cận của Hội đồng thẩm phán vẫn giống như cách tiếp cận của hội đồng xét xử trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nghĩa là chủ yếu dựa vào lời khai của bị cáo và các nhân chứng gián tiếp như vừa nói ở trên.

5. Về phía bị đơn, vừa có thêm một tình tiết mới chứng tỏ bằng chứng ngoại phạm của Hồ Duy Hải do luật sư và gia đình cung cấp, đó là hung thủ là người thuận tay trái trong khi Hồ Duy Hải là người thuận tay phải, dựa trên hướng vết cắt trên cổ nạn nhân.

Và một tình tiết khác, hoàn toàn bất ngờ đó là Nguyễn Văn Nghị, bạn trai của một trong hai nạn nhân, từng bị thẩm vấn, từng là tình nghi số một trước khi Hồ Duy Hải bị bắt, hoàn toàn biến mất ("Vụ án Hồ Duy Hải: Lật tung hộ khẩu gần 4.000 hộ dân, chưa tìm ra lai lịch Nguyễn Văn Nghị", Dân Việt), thay vào đó là Nguyễn Hữu Nghị. Không chỉ khác tên mà cả năm sinh, nơi cư ngụ, nhân thân cũng hoàn toàn khác.

Trong bài báo “Câu lưu một nghi can", Người Lao động, hay bài “Vụ 2 nhân viên bưu điện bị giết: Nghi can là bạn trai của nạn nhân”, Công An Nhân Dân, đều ra ngày 16.1.2008, tức 3 ngày sau khi vụ án xảy ra, đều nói rõ Nguyễn Văn Nghị, SN 1979, ngụ huyện Cai Lậy - Tiền Giang, thậm chí có cả chi tiết nhà cửa, rằng “trinh sát phải mai phục tại nhà cha mẹ Nghị ở Cai Lậy, Tiền Giang mới áp giải được anh ta đưa về”.

Còn bây giờ theo trong 2 bài báo “Nguyễn Văn Nghị - từng là nghi phạm vụ Hồ Duy Hải có thật đã ra nước ngoài?", báo Giao thông, “Nguyễn Hữu Nghị: "Tôi không liên quan vụ án Bưu điện Cầu Voi...", cũng báo Giao thông, thì Nguyễn Hữu Nghị sinh năm 1985, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, gia đình sống ở đây mấy chục năm qua.

Những câu hỏi được đặt ra:

- Phải chăng công an điều tra đã làm việc tắc trách đến mức không ghi đầy đủ tên nhân vật Nghị khi hỏi cung nên báo chí mới... tưởng tượng ra cái tên Nguyễn Văn Nghị? Điều đó không thể xảy ra.

- Công an ghi đúng tên Nguyễn Hữu Nghị trong biên bản, nhưng nếu như vậy tại sao suốt bao lâu nay báo chí viết sai Nguyễn Văn Nghị mà công an tỉnh Long An không đính chính? Và đừng quên, thông tin về các vụ án cỡ giết người như vậy thường là do phía công an cung cấp.

- Đây là trò tung hỏa mù để tiếp tục che dấu cho nhân vật Nguyễn Văn Nghị nào đó?

- Đang có "âm mưu" ngược lại từ phía công an phối hợp với truyền thông nhà nước nhằm tạo cảm giác toàn bộ thông tin trên mạng là vô căn cứ, tào lao, nên cái tên Nguyễn Văn Nghị cùng với mọi lời đồn về thân thế con ông cháu cha bỗng biến thành trớt quớt với Nguyễn Hữu Nghị và thân thế bình thường?

- Giả thuyết sau cùng, hung thủ thực sự không phải là Nguyễn Văn Nghị còn Nguyễn Hữu Nghị hiện tại thì không liên quan gì?

Dù là lý do gì đi nữa, thì việc xác minh Nguyễn Hữu Nghị này có phải là Nguyễn Văn Nghị nhưng đã thay tên, làm lại căn cước, đổi chỗ ở hay là một con người hoàn toàn khác, không liên can; Nguyễn Văn Nghị có thật không, nếu không tại sao lại phải bịa ra một nhân vật Nguyễn Văn Nghị v.v... là điều không phải quá khó.

Một vụ án liên quan đến hai con người bị giết và một người khác nữa sắp phải bị tử hình mà cứ như trò đùa, từ chứng cứ, bản khai, hồ sơ của những người bị thẩm vấn…ngay từ đầu cho tới những nhân vật liên quan đến vụ án.

Tất cả đều bị làm sai lệch, chỉnh sửa, đã cho thấy không phải là một sự cẩu thả, tắc trách mà là cố tình làm sai lệch một cách có hệ thống, nhưng tại sao lại phải cố tình làm sai lệch? Điều tra lại vụ án để xác định chính xác Hồ Duy Hải có tội hay không, nếu không thì ai là thủ phạm, không những liên quan đến sinh mạng của một người là Hồ Duy Hải, làm nhẹ nhõm tâm can cho gia đình Hồ Duy Hải, làm vơi đi nỗi đau của gia đình 2 nạn nhân, đồng thời nếu Nguyễn Hữu Nghị không liên can thỉ khỏi bị dư luận xì xào khó mà sống yên ổn.

Không những thế, điều tra lại vụ án, cũng là điều có lợi cho chính nhà nước cộng sản VN. Có thể sẽ có những nhân vật phải bị kiểm điểm, thậm chí phải vào tù vì những việc làm sai trái của mình, nhưng nhà cầm quyền sẽ được “rửa mặt” phần nào, ngành điều tra và tòa án VN cũng vớt vát được chút niềm tin còn sót lại trong dân chúng.

Đừng nghĩ đến chuyện phải thắng dân chứ không được thua. Xưa nay có bao nhiêu lần nhà nước này có cơ hội để “ghi điểm” trong mắt người dân mà họ lại không làm? 2 ví dụ gần đây nhất là vụ Đồng Tâm và vụ Hồ Duy Hải, chỉ cần họ giải quyết có tình có lý một chút thôi là người dân lại “vỡ òa” hạnh phúc, lại hết lời ca ngợi ơn đảng, ơn nhà nước! Nhưng không, họ cứ quyết phải bảo thủ đến cùng. Tại sao?

Là vì họ nhất quyết không bao giờ chịu thua dân, dù chỉ một ly một tí. Không bao giờ chịu nhường dân. Nếu làm sai họ sẽ dùng một cái sai lớn hơn để bao biện, nếu phạm một tội ác, họ sẽ dùng cái ác lớn hơn để che giấu, với nguyên tắc: không thừa nhận sai, không thua dân, vì nếu “nhường” một bước thì sẽ phải “nhường” tiếp?

Thay vì cứ luôn mang tâm lý coi dân như kẻ thù phải đề phòng, đối phó hơn thua, hãy lắng nghe ý kiến của dân, hãy đặt lợi ích của dân, tính mạng của dân lên trên, làm được điều đó chính là cách để các ông bảo vệ chế độ hữu hiệu hơn là dùng bạo lực hay sự dối trá gấp bao nhiêu lần.