You are here

Thế giới sẽ đối đầu với Trung Cộng như thế nào?

Ảnh của songchi

Song Chi.

Thời Đặng Tiểu Bình, chiến lược đối ngoại chính của Trung Cộng là "thâu quang dưỡng hối" (giấu mình chờ thời), hạn chế tham gia các vấn đề toàn cầu để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế xã hội trong nước. Nhưng đến thời của Tập Cận Bình thì khác, Trung Quốc không lo thiếu tiền nữa, Bắc Kinh đã thay đổi chính sách, chuyển sang giai đoạn “trỗi dậy mạnh mẽ”. Thể hiện từ trong bài phát biểu của Tập Cận Bình tại khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX ngày 18.10.2017 với chủ đề chính nói về “kỷ nguyên mới” của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc cần phải bước lên "sân khấu trung tâm thế giới và đóng góp nhiều hơn cho nhân loại", rằng Trung Quốc sẽ trở thành "siêu cường hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ 21", sẽ thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại…

Để hiện thực hóa điều đó, Trung Quốc dưới thời Tập đã đầu tư mạnh vào quân đội, nhất là hải quân, quyết đoán hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực, mặt khác mở rộng các hoạt động ra bên ngoài từ châu Á, châu Mỹ Latinh cho tới châu Phi, tiến hành thực hiện sáng kiến chiến lược “Vành đai và Con đường” v.v…

Bắc Kinh hiểu rất rõ rằng muốn trở thành một cường quốc đóng vai trò dẫn dắt trong các vấn đề toàn cầu, Trung Quốc cần phải có quyền lực mềm, có sức ảnh hưởng lớn hơn nữa trên thế giới. Chính vì thế mà Bắc Kinh tìm mọi cách để mua chuộc, thao túng các quốc gia nào có thể mua chuộc, thao túng được, chen chân vào các tổ chức quốc tế như UN, WHO, UNESCO…Ngược lại, tìm cách làm giảm ảnh hưởng và vị trí, uy tín của Hoa Kỳ-là nước vẫn đóng vai trò lãnh đạo thế giới tự do lâu nay, gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh, phá hoại và làm suy yếu các thể chế tự do dân chủ…

So với các Tổng thống, Thủ tướng của các quốc gia tự do dân chủ, Tập Cận Bình có lợi thế vô cùng to lớn là quyền lực gần như không có giới hạn của người đứng đầu một quốc gia độc tài, và không thời hạn vì vào tháng 3.2018, Quốc hội của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã sửa đổi Hiến pháp, bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức Chủ tịch Nước, mở đường cho Tập Cận Bình có thể làm Chủ tịch nước tới hết đời, như một Hoàng đế mới của nước Trung Hoa. Cho nên, họ Tập chả phải lo nghĩ đến việc làm sao để lại có thể tiếp tục tại vị, mà cứ thế ung dung hoạch định những kế hoạch vài mươi năm, trăm năm cho Trung Quốc.

Đại dịch COVID-19 vừa qua có lẽ đã giúp cho nhiều quốc gia trên thế giới nhìn thấy rõ hơn bản chất dối trá, không thể tin cậy và mức độ nguy hiểm của chế độ độc tài Trung Cộng.

Chỉ có điều, Trung Cộng bây giờ không còn là Trung Cộng của hai, ba chục năm về trước. Nhớ lại thời kỳ sau sự kiện Thiên An Môn đẫm máu, Mỹ và các quốc gia khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Trung Quốc khiến nền kinh tế của nước này rơi vào suy thoái. Bây giờ, Trung Cộng lại gây ra một tội ác khác, lần này là cho cả thế giới, qua đại dịch COVID-19. Nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều để các nước lại có thể đồng lòng quyết tâm đưa ra một biện pháp trừng phạt như vậy, khi mối quan hệ làm ăn phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước với Tàu lớn hơn nhiều và do đó khi cấm vận Tàu, các nước cũng sẽ bị thiệt hại nhiều hơn.

Chính Mỹ và phương Tây đã góp phần tạo điều kiện cho Trung Cộng trở nên hùng mạnh trong mấy thập kỷ qua vả bây giờ là đến lúc “con quái thú” này tấn công lại mà không dễ gì tiêu diệt nó…So với Liên Xô trước kia, Trung Cộng có thể vẫn chưa vượt qua về mặt quân sự, chế tạo vũ khí, nhưng mô hình thể chế có phẩn uyển chuyển hơn của Trung Cộng cho phép nước này làm ăn với toàn thế giới, tạo ra một nền kinh tế thịnh vượng và buộc nhiều nước phải phụ thuộc vào công xưởng, sản phẩm của Tàu. Bắc Kinh lại có thừa khôn ngoan để không chọn con đường đối đầu bằng chiến tranh (Trung Cộng chỉ sử dụng quân sự với các nước nhỏ và cô độc trên thế giới như VN chẳng hạn, nhưng cũng chỉ ra đòn chớp nhoáng chứ không dám sa lầy trong một cuộc chiến lâu dài), mà tìm đường thắng bằng vô số cách khác, như mua chuộc, thao túng các nước và phá hoại các thể chế dân chủ như đã nói ở trên.

“Đánh” Trung Cộng-một con quái thú khổng lồ hơn 1, 4 tỷ dân, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với túi tiền dự trữ hơn 3 ngàn tỷ USD, với tham vọng to lớn, thế giới cần phải đoàn kết cùng nhau thay vì nước nào lo chuyện nước đó. “Đánh” Tập Cận Bình-một kẻ còn ngồi rất lâu và tính chuyện đường dài, cũng cần phải có chiến lược đường dài. Mà trước hết là chặn đứng ảnh hưởng của Bắc Kinh, không để cho Trung Cộng vươn cái vòi bạch tuộc len lỏi khắp nơi, không để Trung Cộng có thể thiết lập những mối quan hệ đồng minh hoặc ít nhất, là những mối quan hệ có qua có lại với các nước.

"Đánh" Trung Cộng vì vậy cần những cái đầu tỉnh táo và biết nhìn xa của các lãnh đạo thế giới.

Trước đây các nước tự do đứng đầu là Hoa Kỳ đã phải mất mấy chục năm bao vây mọi mặt cuối cùng chế độ cộng sản ở Liên Xô mới sụp đổ, với Trung Cộng có lẽ cũng không thể nhanh chóng.

Còn với VN, một nước nhỏ yếu hơn nhiều và luôn luôn phải đương đầu với mối đe dọa cả về độc lập chủ quyền, quốc phòng lẫn chính trị, kinh tế, văn hóa từ Trung Cộng, những cuộc đụng độ về quân sự với Trung Cộng đã và sẽ không tránh khỏi. Vì sự ngây thơ chính trị lúc đầu và sự ươn hèn, bạc nhược sau này, đảng và nhà nước cộng sản đã tự nguyện đưa VN vào cái vòng lệ thuộc của Bắc Kinh bao lâu nay từ đó dẫn đến mất đất, mất biển, đảo và nhiều thua thiệt khác. Con đường tốt nhất với VN là tìm cách thoát khỏi mối quan hệ nguy hiểm bất xứng với Bắc Kinh và chọn con đường liên minh với các nước trước khi quá trễ.