You are here

Chống dịch bằng roi ở Ấn Độ: “Ngăn kinh tế thụt lùi hai thập niên nhưng làm văn hóa pháp quyền tụt hậu hai thế kỷ”

Đánh roi, bắt quỳ gối ngay trên phố là hình phạt đối với người vi phạm lệnh cấm ra khỏi nhà ở Ấn Độ (Ảnh: AP)

Những ngày qua, nhiều video clip loan truyền trên truyền thông mạng xã hội cho thấy, cảnh sát Ấn Độ cầm roi chặn đánh những người đi xe máy trên đường, cũng như rượt đánh những người vi phạm lệnh cấm ra khỏi nhà trên khắp các ngõ ngách tại quốc gia này, bất kể đó là người già, phụ nữ hay trẻ em.

Hành động cứng rắn của cảnh sát được thực thi sau khi thủ tướng Modi ban bố lệnh phong tỏa, yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà trong 21 ngày nhằm phòng chống sự lây nhiễm Covid-19, có hiệu lực vào đêm 25/3.

“Nếu không tôn trọng 21 ngày phong tỏa, Ấn Độ sẽ thụt lùi 21 năm”, vị thủ tướng của quốc gia 1,3 tỉ dân cảnh báo.

Tuy nhiên, việc chống dịch bằng bạo lực theo kiểu Ấn Độ làm nhiều người đặt câu hỏi rằng, liệu luật pháp nào cho phép cảnh sát cầm roi đánh những người không tuân thủ lệnh phong tỏa, khi quốc gia đang trong tình trạng khẩn cấp.  

Luật quốc tế không công nhận

Theo quy định của luật nhân quyền quốc tế, các quốc gia có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia hoặc vì lý do sức khỏe cộng đồng. Mà theo Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị quy định rằng, trong tình trạng khẩn cấp, các quốc gia có thể đình chỉ hoặc giới hạn thực hiện một số quyền tự do của dân chúng, chẳng hạn như quyền tự do đi lại, quyền hội họp hoặc quyền lao động v.v…

Tuy nhiên, cũng theo Công ước này quy định, việc đình chỉ hoặc giới hạn quyền sẽ không phép được áp dụng đối với quyền “bất khả xâm phạm về thân thể”. Đây là một quyền được bảo vệ tuyệt đối mà không thể bị đình chỉ hoặc giới hạn trong bất kể trường hợp nào, kể cả trong chiến tranh. Điều này có nghĩa rằng, các quốc gia không được phép viện dẫn tình trạng khẩn cấp vì lý do an ninh hay phòng chống dịch bệnh để bao biện cho các hành vi như đánh đập, tra tấn, đối xử tàn bạo đối với công dân của mình.

Như vậy có thể nói rằng, hành vi cầm roi đuổi đánh, vụt thẳng vào người bất kể ai rời khỏi nhà của cảnh sát Ấn Độ là vi phạm đến quyền bất khả xâm phạm thân thể đã được luật nhân quyền quốc tế bảo hộ. Hành vi của cảnh sát Ấn Độ đã vượt quá giới hạn cho phép của luật nhân quyền quốc tế trong trường hợp quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp. Ấn độ không thể đang nhân danh bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà lại thực hiện hành vi bạo lực công khai, tấn công lên thân thể, có thể gây ra thương tích cho các cá nhân trong trong cộng đồng.

Lưu ý rằng, quyền bất khả xâm phạm thân thể không chỉ là quyền được luật hóa trong các Công ước nhân quyền LHQ, mà nó là còn một thông lệ ứng xử quốc tế. Vì vậy, các quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Ấn Độ, bất kể đã phê chuẩn hoặc chưa phê chuẩn các Công ước nhân quyền, đều phải có nghĩa vụ tôn trọng và đảm bảo thực thi quyền này theo thông lệ quốc tế.

Biện pháp phòng chống dịch bằng roi, bắt quỳ gối ở Ấn Độ rõ ràng đã đi ngược lại nền pháp quyền tiến bộ trong thời đại văn minh. Nó dung túng cho bạo lực, xúc phạm đến nhân phẩm con người, tạo ra sự tùy tiện của những người thi hành pháp luật.

Ngăn kinh tế thụt lùi 21 năm nhưng với các biện pháp trừng phạt này, Ấn Độ đã biến mình từ một quốc gia dân chủ thấp thoáng trở lại hình ảnh tàn bạo trong văn hóa và pháp luật ở thế kỷ 17-18. Lạm dụng việc phòng chống dịch bệnh trong tình trạng khẩn cấp để tước đoạt nhân quyền là vấn đề mà các cơ quan nhân quyền LHQ đang rất quan ngại đối với các quốc gia.