You are here

Coronavirus với thế giới và với VN-P.2.

Ảnh của songchi

Song Chi.

Coronavirus-dân tộc tính và những hành vi ứng xử khác nhau

Ở các quốc gia độc tài, người dân luôn có tâm lý nửa tin nửa ngờ với nhà nước, và khi tình hình diễn biến xấu thì sự hoài nghi đó trở thành giận dữ, điều đã xảy ra với người dân Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh hoành hành dữ dội. Người dân bày tỏ sự giận dữ trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus ("Virus corona : Quá phẫn nộ, người dân Trung Quốc không còn sợ hãi”, RFI, hay phản ứng giận dữ của người Trung Quốc trước cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về bệnh dịch này và bị nhà cầm quyền Trung Quốc cảnh báo, bắt phải làm kiểm điểm vì đã bịa đặt thông tin v.v…

Dịch coronavirus cũng làm bộc lộ rõ hơn dân tộc tính và những hành vi ứng xử khác nhau của dân chúng ở những quốc gia khác nhau. Có những dân tộc như người Nhật trước đây, khi gặp thiên tai kép động đất và sóng thần năm 2011, truyền thông thế giới loan tải những câu chuyện về tính cách Nhật giữa thiên tai, khi người dân vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ di tản, xếp hàng chờ đến lượt mình được mua thực phẩm, xăng dầu…Không ai hôi của, ăn cắp dù ngay trong những ngày lao đao nhất. Và tính cách đó của họ được thể hiện không chỉ một đôi lần trên một quốc gia mà thiên tai thường xuyên xảy ra!

Giữa thiên tai, nhân họa, dịch bệnh…sự văn minh, tử tế là điều rất cần thiết để tránh cho thiên tai, dịch bệnh ấy không nặng nề hơn. Biết nghĩ cho mình và cho người khác. Những người kinh doanh thì không nên lợi dụng mùa dịch để đầu cơ tích trữ, đẩy giá các mặt hàng, làm giàu trên sự khốn khổ của đồng loại. Còn người dân không nên hoảng loạn đổ xô đi mua từ gạo cho tới giấy vệ sinh khiến các mặt hàng này trở nên khan hiếm. Không vô tình hay cố ý làm lây lan dịch bệnh cho người khác. Chính vì vậy mới hiểu tại sao dư luận nổi giận với các trường hợp từ thường dân bị nhiễm số 17 cho tới quan chức như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và ông GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản VN. Vì họ đã chủ quan, biết là có nguy cơ mắc bệnh mà không chịu đi làm xét nghiệm, lại còn đi lại, gặp gỡ đủ người làm lây lan cho bao nhiêu người khác. Người ta nổi giận với một cô gái vô ý thức một thì nổi giận với quan chức vô ý thức gấp 10, 20 lần.

Không những thế, khi bị bị buộc phải khai đã đi đâu, làm gì từ khi có khả năng nhiễm bệnh, coronavirus còn làm lộ tan hoang những “bí mật quốc gia” của các quan lớn VC. Từ chuyện họ luôn vin cớ đi công tác, ngay cả khi không thật cần thiết và có những người không thuộc diện nên đi, để đi chơi nước ngoài bằng tiền thuế của dân, khi về nước lại tiệc tùng xa hoa, nhà cửa thì dăm ba cái biệt thự, biệt phủ…Đúng là “Việt Tân”, “Trung Tân” đánh Việt Cộng, Trung Cộng bao nhiêu năm không chết, chỉ một con virus corona mà từ tài sản, lối sống xa hoa cho tới vợ bé bồ nhí...lòi hết cả ra, khiến sự nghiệp chính trị của bao nhiêu quan chức Việt, Tàu phải lung lay và hàng ngàn quyển sách lý luận hoa mỹ, mỵ dân của nhà cầm quyền Ba Đình, Trung Nam Hải đi tong!

Nhưng mặt khác, thật ra cuộc sống giàu có xa hoa phè phỡn phung phí của các quan chức Việt từ trên xuống dưới chả ai còn lạ gì, chỉ là do giữa mùa dịch các ông làm lây lan bệnh cho người khác nên người dân càng thêm có lý do để phẫn nộ, cũng giống như thành phố Hải Phòng giữa mùa dịch lại tính chuyện bỏ ra 269 tỷ mua ấm chén và cờ tặng dân “vì dân, cho dân”, khi bị chửi quá mới rút lại!

Có nhiều người không ủng hộ chuyện công khai danh tính những người bị nhiễm coronavirus để thiên hạ “ném đá”, nhưng người viết bài này lại cho rằng, công khai là cần thiết, trong những trường hợp sau: Một, cá nhân người bị nhiễm từng đi máy bay, đi du thuyền…với nhiều người khác-những “môi trường” có khả năng lây nhiễm cao, cá nhân người bị nhiễm không chịu xét nghiệm ngay mà còn đi lại tiếp xúc nhiều người, bởi có như vậy những ai từng tiếp xúc gần với họ mới biết mình có thể bị nhiễm và cần đi xét nghiệm ngay. Thứ hai, với quan chức, người nổi tiếng, vì mức độ hoạt động tiếp xúc người này người kia của họ nhiều nên độ lây lan rất lớn. Chứ còn người bình thường, vô danh, giao tiếp xã hội ít, thì mức độ lây lan ít hơn, không cần phải đưa thông tin cá nhân như vậy.

Coronavirus làm mờ những vấn đề khác của xã hội cũng như những tội ác khác của nhà cầm quyền

Dịch coronavirus cũng làm cho nhà cầm quyền VN vui mừng ở điểm nó khiến nhiều người lo lắng, hoảng sợ mà quên mất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác, chẳng hạn như hạn hán, ngập mặn và “cái chết” đang đến gần của đồng bằng sông Cửu Long, hậu quả của những công trình thủy điện lớn của Trung Cộng và của cả VN trên sông Mê-kông, một “cái chết” đã được các chuyên gia, các nhà báo có lương tâm cảnh báo trước từ nhiều năm trước nhưng nhà cầm quyền VN vẫn không có những biện pháp cụ thể, quyết liệt nào.

Hay những tội ác tày trời khác cùa nhà cầm quyền, trong đó có việc tiếp tục giam cầm và bức hại những con người dám lên tiếng vì sự thật, bằng vô vàn cách thức bẩn thỉu hèn hạ khác nhau. Như bản án 10 năm tù, “một đòn thù chính trị hèn hạ” dành cho nhà báo Trương Duy nhất ngày 9.3 hay việc bệnh viện tâm thần lại tăng liều lượng thuốc của nhà báo, blogger Lê Anh Hùng lên lần nữa, quyết tâm hãm hại anh, khiến người mẹ già đang nằm viện vì cao huyết áp của anh phải lên tiếng kêu cứu…Những cái tin đó hoặc ngay cả vụ thảm sát Đồng Tậm, một tội ác tàn bạo của nhà cầm quyền VN, dường như cũng chìm đi trong nỗi lo mùa dịch nói chung của mọi người.

Chính vì vậy, mặc dù lo bệnh dịch, báo chí độc lập, mạng xã hội và tất cả những ai có lương tâm càng cần phải tiếp tục đánh động những vấn đề và những tội ác đó, đừng để nhà cầm quyền VN mượn trận dịch mà tiếp tục làm nghèo đất nước hay tiếp tục chà đạp lên luật pháp, nhân quyền, kéo dài thêm chuỗi tội ác chống lại nhân dân, chống lại loài người của họ!