You are here

Che giấu thông tin hay “tự sướng” không làm cho dịch bệnh biến mất!

Ảnh của songchi

Song Chi.

Kể từ lúc dịch bệnh COVID-19 (tên chính thức do WHO đặt), còn được gọi là dịch viêm phổi cấp do virus corona mới, bắt đầu bùng phát vào giữa tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay dịch bệnh này đã lan ra 33 quốc gia, với số người nhiễm bệnh là 78, 966 người, chết 2, 468 người, hồi phục 23,418 (tin cập nhật trên trang https://www.worldometers.info ngày 23.2.

Trung Quốc vẫn đang là nước có số người nhiễm bệnh và chết cao nhất: 76,940 người, 2,443 người chết. Hàn Quốc đứng thứ hai với 602 người nhiễm, 6 người chết, Nhật Bản 146 người nhiễm, 1 người chết, Ý 134 người nhiễm, 2 người chết. Trong khi đó Việt Nam chỉ có 16 người nhiễm, chưa có ai chết.

Không biết có bao nhiêu người Việt giống như tôi cảm thấy hoài nghi về con số này? Mà tại sao lại có tâm lý hoài nghi đó? Cũng dễ hiểu thôi. Các nước độc tài, nhất là độc tài do một đảng cộng sản lãnh đạo như ở Trung Quốc, VN... thường có thói quen bưng bít thông tin, không chịu nói thật với nhân dân khi có bất cứ thông tin, sự việc bất lợi nào cho đảng, cho chế độ xảy ra.

Trung Cộng đã trả giá về điều này khi bưng bít thông tin về dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn đầu khiến dịch bệnh lan truyền, đến khi chịu công bố thì hàng ngàn người đã nhiễm bệnh. Chúng ta còn nhớ đến cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên tìm cách cảnh báo về sự bùng phát của virus corona, đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc cảnh cáo, điều tra vì tung tin đồn thất thiệt, bác sĩ Lượng đã bị nhiễm chính căn bệnh này và qua đời ngày 7.2.

Đến nay, thế giới đã và đang chứng kiến Trung Quốc phải căng mình đối phó với dịch bệnh ra sao, đầu tiên là thành phố Vũ Hán rồi nhiều thành phố khác phải bị cô lập như Hoàng Cương, Ngạc Châu, Xích Bích, Kinh Châu, Chi Giang…cùng với hàng trăm con người đang sống tại đó. Tin tức về những cái chết của người dân, hình ảnh những thành phố “ma” của Trung Quốc khiến thế giới càng thêm lo lắng.

Căn bệnh đã lan ra nhiều quốc gia khác và ở những quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh, y tế tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc mà phải nâng mức báo động, thừa nhận thất bại trong kiểm soát dịch (“Hàn Quốc nâng cảnh báo nCoV lên mức cao" VNExpress, “Virus corona - Covid-19: Nhật bó tay trước nguy cơ lây lan dịch bệnh”, RFI, “Hàn quốc thừa nhận khống chế dịch thất bại”, VNEXpress). Trong khi đó Việt Nam, núi liền núi sông liền sông với Trung Quốc, số người Hoa sang VN du lịch hoặc làm ăn đông vô kể và vẫn tiếp tục đều đều sang VN vì nhà cầm quyền VN không dám mạnh tay đóng cửa biên giới với Trung Cộng, y tế VN chắc chắn thua xa Nhật, Hàn, vậy mà VN lại chỉ có 16 người nhiễm, chưa có ai chết? Thậm chí có một nữ sinh ở Huế tử vong với những dấu hiệu rất giống với nhiễm virus corona “sốt, ho, khó thở” nhưng lại được kết luận là chết vì bệnh lý não? (“Nữ sinh chết sau khi khó thở, sốt ở Huế: Do bệnh lý não không phải Covid-19”, VTC News).

Không coi trọng vấn đề và tâm lý sợ hãi Trung Cộng

Ngay từ đầu, nhà nước VN đã không thực sự coi trọng vấn đề. Khi dịch bệnh bắt đầu lan tràn ở Trung Quốc, một số nước láng giềng trong đó Mông Cổ, Nga và cả Bắc Hàn, vốn là nước phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều về mặt kinh tế, đã ngay lập tức đóng cửa biên giới vì sợ lây lan. Nhưng VN, vẫn chần chừ, lưỡng lự. Ngày 30.1 ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời báo chí: “Về ý kiến có đóng cửa biên giới hay không, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng đây là một mức độ khác. “Chúng ta có lẽ chưa nên đặt vấn đề đóng cửa biên giới vì tình hình chưa đến mức đó”, Phó thủ tướng nói.” (“Phó thủ tướng: Chưa đến mức đóng cửa biên giới vì virus corona”, Zing.vn). Ông Phạm Bình Minh còn bị dư luận chửi vì đã nói “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.”, câu nói này đã được rút xuống khỏi các tở báo chính thống của VN, chỉ còn lại trên VOA, RFA…

Hiện tại tình hình vẫn không khác: “Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/2 cho biết Việt Nam không đóng cửa hay tạm dừng hoạt động thương mại với Trung Quốc ở biên giới mà chỉ có các biện pháp về quản lý dịch bệnh COVID -19. (“Bộ Ngoại giao Việt Nam: không đóng cửa biên giới với Trung Quốc vì dịch bệnh”, RFA.

Không dám quyết liệt chính là do tâm lý sợ hãi Trung Cộng của nhà cầm quyền VN.

Trước tình trạng cô lập vì bị hàng chục quốc gia “đóng cửa”, Trung Quốc đã gia tăng sức ép lên các nước nhỏ như khối ASEAN hoặc vốn nhu nhược như VN: “Tại cuộc gặp song phương ngày 19-2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảm ơn Việt Nam đã sẻ chia, hỗ trợ Trung Quốc trong việc phòng chống dịch virus corona, đề nghị sớm khôi phục việc đi lại của công dân Trung Quốc sang Việt Nam.” Đổi lại, “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam; tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề tồn tại trong các dự án hợp tác giữa hai nước…” (“Ông Vương Nghị đề nghị sớm khôi phục cho công dân Trung Quốc sang Việt Nam”, Tuổi Trẻ).

“Tình hữu nghị” giữa hai đảng có quan trọng hơn sinh mạng người dân? Với đảng cộng sản VN, câu trả lời là có, tất nhiên. Chưa kể lý do kinh tế. Nhưng cái lợi về kinh tế khi tiếp tục mở cửa làm ăn với Trung Cộng giữa thời dịch, liệu có bù đắp nổi số tiền phải bỏ ra để chăm sóc, điều trị cho hàng ngàn, hàng vạn con người nếu dịch bệnh bùng phát?

Bưng bít thông tin hay “tự sướng”, tự huyễn hoặc mình không làm cho dịch bệnh biến mất

Một mặt bưng bít thông tin, mặt khác, giới chức VN còn đưa ra những tin tức rất lạc quan như:

…"Hiện có đến 3.000 nhân viên y tế ở Vũ Hán, Trung Quốc bị lây nhiễm bệnh dịch COVID-19. Tại Việt Nam, các bác sĩ đã điều trị khỏi hoàn toàn cho 15/16 bệnh nhân, không có cán bộ y tế nào bị lây bệnh. Chúng tôi sẽ sớm tổ chức rút kinh nghiệm và luôn sẵn sàng chống dịch ở mức cao nhất" - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê chia sẻ.” (“Việt Nam - nước đầu tiên dập được dịch COVID-19?", Tuổi Trẻ). Rồi nào: “Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đối phó với dịch COVID-19, Việt Nam luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới…” ('Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19'. Vietnamplus)

Báo Công An Nhân Dân có bài “Mỹ đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam”

“Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là khẳng định được các quan chức Mỹ đưa ra tại cuộc trao đổi mới đây với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh.

…Tại cuộc gặp, các quan chức đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung và đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 nói riêng. Bộ Y tế Mỹ nhận định lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với COVID-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có hệ thống cơ sở y tế về cơ bản tốt và đã triển khai xuyên suốt, rộng khắp công tác tiêm chủng, phòng bệnh từ lâu nay. Do đó, phía Mỹ tin rằng Việt Nam sẽ chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả.” Trên facebook của báo CAND thậm chí còn có câu: “Đến Mỹ cũng phải ngả mũ trước sự phát triển của nền y tế Việt”!

Cái tin này được hàng chục báo đưa, trong đó có cả tờ Tuổi Trẻ “Mỹ tin Việt Nam sẽ chống COVID-19 hiệu quả, sắp cử đoàn sang hợp tác”.

Đây không phải là lần đầu tiên cũng sẽ không là lần cuối cùng, truyền thông Việt tìm cách “uốn nắn” sự thật để ru ngủ người dân và giúp cho đám lãnh đạo VN “tự sướng”.

Và cũng có những người dân, vì chỉ đọc, nghe, tin theo báo chí truyền thông nhà nước, nên tin và tự hào theo. Ví dụ như cô giáo Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường THCS Hùng Vương, Gia Lai, làm bài thơ “Đất nước ở trong tim” về dịch COVID-19 và ngay lập tức khiến ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “Vua Nổ” ở VN, hết sức hài lòng. Văn phòng Chính phủ bèn gửi công văn khen ngợi cô giáo Thanh, trong đó có câu “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cô giáo Chu Ngọc Thanh bài thơ trên”. Cả cô giáo, cả bài thơ và cái hành động trao tặng này liền bị dư luận ném đá tơi bời đến nỗi mọi tờ báo bèn lẳng lặng rút lại cái tin này.

Bưng bít thông tin, dối trá với nhân dân, ngoảnh mặt che tai làm ngơ không làm cho dịch bệnh biến mất được.

“Tự sướng” hay “thủ dâm tinh thần” không làm cho dịch bệnh biến mất được.

Chỉ có sự công khai, minh bạch, mới giúp cho người dân nắm rõ tình hình, tự phòng bệnh và tự giác hạn chế lây lan cho người khác nếu lỡ mắc bệnh. Và dịch bệnh mới có khả năng được kiểm soát.

Minh bạch còn giúp cho VN, một nước nghèo, nếu dịch bệnh lan tràn, có hy vọng vào sự trợ giúp của quốc tế. Trung Quốc, dẫu sao cũng là một nước lớn, thừa tiền, có thể xây những bệnh viện dã chiến với 1,000-1,500 giường bệnh trong vòng 10, 12 ngày như hai bệnh viện ở Vũ Hán, và nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế Trung Quốc có lao đao nhưng với nguồn tiền dự trữ dồi dào, rồi cũng vượt qua. Còn VN, nghèo hơn nhiều, dịch bệnh mà lan tràn thì sẽ khó khăn hơn Trung Quốc gấp bội.

Tất cả những điều tưởng như đơn giản: sự công khai, minh bạch, trung thực, chỉ có thể làm được nếu nhà cầm quyền VN, biết nghĩ và đặt sinh mạng người dân lên trện hết, điều mà họ chưa bao giờ làm được trong suốt 75 năm cầm quyền ở miền Bắc và 45 năm độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước VN.