You are here

Người Việt-44 năm rồi, vẫn phải bỏ đi và bỏ mạng ở xứ người. P.1

Ảnh của songchi

Song Chi.

Thảm kịch 39 người Việt chết trong chiếc container xe tải tại một khu công nghiệp ở Grays, hạt Essex, cách trung tâm London khoảng 32 km về phía đông vào ngày 23.10, khi đang trong hành trình tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh, đã làm rúng động lương tâm cả nước Anh và thế giới.

Suốt những ngày qua, đi bất cứ nơi nào ở Anh người ta cũng có thể nhìn thấy tin tức về sự việc bi thảm này tràn ngập báo chí Anh. Những người bạn Anh biết tôi là người Việt, đều gửi cho tôi những đường link thông tin và những lời chia sẻ chân thành. Thậm chí khi đang ngồi trên taxi, người tài xế Pakistan khi biết tôi là người Việt cũng lập tức nói về chuyện này.

Một lần nữa, bi kịch Việt Nam lại được nhắc đến, tiếp nối của những bi kịch kéo dài trên đất nước này kể từ sau sau biến cố 30.4.1975, minh chứng qua việc người dân lũ lượt bỏ nước ra đi từ những năm 70-80 của thế kỷ XX, không bao lâu sau cái ngày VN thống nhất, với bao nhiêu thảm cảnh vượt biển thương đau, đã khiến cho hai chữ “thuyền nhân” đi vào ngôn ngữ của nhiều quốc gia, cho tới những cuộc vượt biên bằng nhiều con đường khác nhau hàng chục năm sau, với đủ mọi lý do, mọi tầng lớp người Việt. Từ con đường chính thức đi học, đi làm thuê qua chính sách “xuất khẩu lao động” của chính quyền VN, đi du lịch rồi trốn ở lại, kết hôn, làm giấy tờ giả, kinh doanh…Trong đó, nhập cư lậu là con đường nguy hiểm và nhiều bi kịch nhất, nhưng vẫn thu hút ngày càng nhiều người lao động tìm cách ra đi…

Suốt những ngày qua, tôi không biết mình phải viết gì khi đã có quá nhiều bài viết, thông tin về thảm kịch này, nhưng là một người đang sống ở Anh, tôi nghĩ mình phải chia sẻ ít nhiều về cuộc sống người Việt tại Anh, vì sao có nhiều người Việt cũng như nhiều người dân từ nhiều quốc gia khác tìm cách tới Anh. Thảm kịch này chỉ là một phần rất nhỏ của cả một tảng băng chìm về nạn nhập cư bất hợp pháp, nạn buôn người, đã và vẫn dăng diễn ra suốt bao lâu nay, và sẽ còn tiếp tục nếu những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng đó không được giải quyết ổn thỏa.

Cuộc sống người lao động Việt ở Anh và tại sao nhiều người Việt muốn đến Anh.

Theo Wikipedia, người Việt tại Vương quốc Anh có khoảng 55.000-60.000 người, trong đó khoảng 33.000 người tập trung tại London, và 65% là người từ miền Bắc và miền Trung ở đằng ngoài. Nhưng con số này có lẽ chưa chính xác với thực tế số người Việt nhập cư lậu đang sinh sống và làm việc ở Anh hiện tại.

So với các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển…dân số ít-chỉ có chừng 5-8 triệu, thị trường lao động nhỏ, người nhập cư khó tìm việc làm, một phần vì phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, phần khác các ngành kinh doanh, dịch vụ tư nhân nhỏ cũng không phát triển, trong khi đó ở Anh dân số hơn 60 triệu, thị trường kinh doanh buôn bán nhỏ tràn lan như nấm, người nhập cư dễ tìm việc hơn nhiều.

Cũng cần phải thấy rằng những quốc gia nào mà cộng đồng người Việt đông đảo, làm ăn nhiều, như Anh, Đức, Ba Lan, Tiệp…thì càng thu hút đồng bào trong nước tìm đến vì họ có thể làm việc cho người Việt, không cần học ngôn ngữ. Không hiếm người sống ở Anh nhiều năm nhưng vẫn không sử dụng được tiếng Anh ở mức độ đơn giản. Con gái tôi đi làm phiên dịch part-time cho tổ chức Language Line Solutions từng gặp những trường hợp sống ở Anh đến 30 năm mà vẫn không nói được!

Ở Anh lại có hệ thống y tế miễn phí rất hào phóng, dù bạn chưa phải là công dân, ngay cả khi bạn không có giấy tờ sống tại nước Anh bạn vẫn có thể đi khám bệnh miễn phí, sinh con miễn phí. Người ta thường ca ngợi hệ thống an sinh xã hội của các nước Bắc Âu, nhưng riêng về y tế, nước Anh hào phóng hơn nhiều. Ở Na Uy, dù đã có giấy tờ được phép sống ở Na Uy hay kể cả có quốc tịch Na Uy, đi khám bệnh, xét nghiệm máu, tầm soát ung thư vú hay thực hiện các dịch vụ ngừa thai…vẫn phải trả tiền, chỉ khi nào vào bệnh viện nằm mới được miễn phí.

Cũng lại con gái tôi khi đi làm phiên dịch, từng gặp không biết bao nhiêu trường hợp các cô gái Việt qua Anh làm việc, chưa có giấy tờ chính thức nhưng vẫn mang bầu, sinh con, và được chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí. Lúc đầu chúng tôi cứ thắc mắc tại sao đang đi làm thuê, đời sống bấp bênh, giấy tờ chưa có mà còn sinh con làm gì cho khổ, sau mới biết nhiều người sinh con xong sẽ tìm cách khai sinh cho con với một người có quốc tịch Anh, để đứa trẻ sinh ra sẽ có quốc tịch Anh. Đây lại là cả một câu chuyện dài về việc làm sao để “chạy” mua một người “bố” có quốc tịch Anh! Cứ người này làm trước rồi vẽ đường cho người sau. Chuyện đi lậu vào Anh cũng thế, người đi trước giới thiệu, chỉ đường cho người đi sau. Giống như chuyện lấy chồng Hàn chồng Đài ở nhiều tỉnh miền Tây, nhiều làng nhiều tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, nhất là Nghệ An, Thanhh Hóa…cùng rủ nhau đi lậu vào Anh, Đức…để tìm việc. Trên chuyến xe định mệnh ngày 23.10 kia phần lớn là người thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Ở Anh, hai lĩnh vực người Việt kinh doanh nhiều nhất, là trồng cần sa và làm nail. Cảnh sát Anh đã từng bắt một số vụ người Việt trồng cần sa. Buôn bán cần sa thì làm giàu to, nhưng ngày càng khó hơn, sau này người Việt làm nail nhiều. Từ London cho tới Birmingham, Manchester, Leeds v.v…chỗ nào có tiệm nail thì hầu hết là của người Việt. Ở Leeds, chỉ quanh khu vực trung tâm, hàng chục tiệm nail từ nhỏ xíu một vài bàn cho tới rộng lớn, khang trang, có trên chục bàn làm móng tay, vài bàn làm móng chân, đều là của người Việt làm chủ, thợ Việt. Đến mức có những người Anh từng hỏi tôi ở VN các trường trung học có dạy làm nail không, sao người Việt ai cũng làm nail!?

Mấy hôm nay báo chí trong nước có những bài viết về “mặt tối” của thị trường làm móng tay của người Việt ở Anh, rằng thợ Việt bị trả lương rất thấp, vài chục bảng một tuần, sống chen chúc trong những căn nhà chật hẹp, lao động 6 ngày/tuần, mỗi ngày có khi 10 tiếng, như nô lệ. Những cảnh tượng đó nếu có chắc là hiếm, tôi xin khẳng định người Việt làm nail ở Anh kiếm sống rất khá. Nếu như mức lương của một thợ làm tóc tại các salon từ £8.21/giờ (là mức lương tối thiểu ở Anh) cho tới khoảng £9.50/giờ tùy theo tay nghề và kinh nghiệm, lương thợ thực hiện các dịch vụ làm đẹp như chăm sóc da, lông mày lông mi…; hay thợ làm nail người bản xứ hoặc người nước khác cũng chỉ ở mức đó thì các ông bà chủ người Việt trả lương cho thợ Việt cao hơn nhiều.

Một thợ nail người Việt tùy theo tay nghề, kinh nghiệm sẽ được trả từ £450-£700/tuần, bao luôn chỗ ở, tuần làm 6/ngày, mỗi ngày 8-9 tiếng. Có những chỗ ở trên London trả lương thợ nail £120/ngày. Như vậy một thợ nail sẽ kiếm được khoảng hơn £1,800-£2,800, thậm chí £3,000/tháng, trước thuế. Mức lương này phải nói là quá cao, nếu so với nhiều người có bằng đại học, trên đại học, đi làm công chức cũng chỉ chừng £1,800 trước thuế.

Thợ nail Việt hầu hết không nói được tiếng Anh, nên khi xin việc, thường yêu cầu chủ lo luôn chuyện ăn ở, hoặc chí ít cũng là chỗ ở, vì họ không có ngôn ngữ, không biết làm sao để đi thuê nhà, làm giấy tờ hợp đồng, nếu là người mới từ VN qua thì không rành đường xá…Vì lẽ đó, nhiều chủ tiệm nail lớn thường thuê luôn một căn nhà cho tất cả thợ Việt cùng ở, người thợ khỏi phải tốn tiền thuê nhà, thu nhập làm ra chỉ ăn uống tiết kiệm và để dành gửi về VN. Ăn ở có phần chật hẹp, không được thoải mái, nhưng người Việt đi làm xa đâu có nề hà gì.

Cái khác nhau giữa thợ nail Việt làm cho chủ Việt và thợ nail người Anh hoặc người nước khác làm việc tại các salon nail của người Anh hoặc người nước khác, đó là người Anh tuân thủ luật pháp, luật lệ, hợp đồng làm việc soạn thảo đàng hoàng, lương lãnh ra người chủ sẽ trích lại một phần để đóng thuế thu nhập (Income Tax) và bảo hiểm (National Insurance) cho thợ, người thợ sẽ được hưởng một năm bao nhiêu ngày nghỉ ăn lương heo đúng luật, cứ nhân số ngày làm việc trong tuần với 5.6 là ra số ngày nghỉ trong năm, nếu đau ốm liên tiếp 4 ngày thì có tiền bệnh, nếu người thợ muốn thì có thể yêu cầu người chủ cùng đóng lương hưu cho mình (thợ đóng góp 5% mức lương hàng tháng, chủ doanh nghiệp phụ 3%) v.v…Tất cả những quyền lợi này thợ Việt làm cho chủ Việt hoàn toàn không được hưởng gì. Đau ốm tự lo, không có ngày nghỉ lễ. Đa phần những tiệm nail do người Việt làm chủ thường chỉ khai thợ làm chừng 16 giờ cho tới tối đa 20 giờ/tuần trong khi thực tế thợ làm có khi 48 giờ/tuần, thậm chí hơn. Khai như thế cả chủ cả thợ đều trốn được thuế, nên ai cũng hài lòng!

Riêng tôi, không phải là công dân Anh lại vốn nhát nên nhất nhất cái gì cũng theo đúng luật mà làm, hợp đồng cho nhân viên cũng phải do cố vấn lao động người nước ngoài thảo đàng hoàng, bao nhiêu ngày nghỉ, quyền lợi đều đúng luật. Tôi cũng kinh doanh trong lĩnh vực làm tóc, làm đẹp và cả nail, nhưng không hề dám thuê đồng bào mình làm nail vì trả lương không nổi!

Xin hỏi lợi nhuận ở đâu mà các tiệm nail Việt có thể trả lương cao ngất ngưởng như vậy? Nếu như mặt tốt là vì người Việt nổi tiếng với nghề nail nên các tiệm nail Việt thường là đông khách, nhưng mặt khác, những người kinh doanh cũng biết tìm đủ cách để lách thuế, để có thể có lời. Mà chuyện này thì không chỉ người Việt. Các cộng đồng nhập cư đến từ các quốc gia đang phát triển khác cũng vậy thôi.

Từ lâu, các tiệm nail chủ Việt, thợ Việt đã nằm trong “tầm ngắm” của cảnh sát Anh và các tổ chức nhân quyền vì họ biết người Việt mở tiệm nail thường tìm nhiều cách để lách thuế, một số thợ không có giấy phép lao động ở Anh, và trong con mắt họ thì làm việc với số giờ như vậy dù được trả lương cao vẫn là bóc lột sức lao động, vi phạm nhân quyền.

Nhưng với người Việt, cho dù có phải ở chật chội, làm nhiều, ngày Chủ nhật còn lại chỉ dành để giặt giũ, dọn dẹp và ngủ, thì mức lương đó vẫn là quá tuyệt vời, ở VN người lao động ở những tỉnh thành nhỏ, vùng quê nghèo, kiếm đâu ra được £100/tháng chứ đừng nói 2,3 ngàn.

Đó là lý do tại sao nhiều người Việt tìm đến Anh và nhiều quốc gia phát triển có cộng đồng đang ăn nên làm ra khác, bất chấp cái giả phải trả không chỉ là hàng chục ngàn bảng mà có khi còn cả tính mạng!