You are here

Nạn buôn người ở Việt Nam: “Rất nghiêm trọng vì nhận thức kém”

Sau sự kiện cảnh sát Anh Quốc phát hiện 39 xác người chết ngạt trong container vào ngày 23/10, được xác định tất cả đều là công dân Việt Nam được đưa sang Anh Quốc để lao động bất hợp pháp, công chúng bắt đầu chú ý đến thuật ngữ còn khá xa lạ ở Việt Nam: Buôn người.

Theo Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ước tính, chỉ riêng ở Châu Âu, hàng năm có khoảng 18.000 lao động bất hợp pháp được đưa từ Việt Nam sang, qua các đường dây đưa người trái phép.[1] Các đường dây đưa người trái phép này lớn mạnh đến mức, gần đây có thể đưa người “đi nhờ” trên chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Hàn Quốc và sau đó biến mất tại quốc gia này.

Việt Nam có Luật phòng chống mua bán người vào năm 2011 (có hiệu lực thi hành vào năm 2012), nhưng trong suốt bảy năm qua, chính phủ Việt Nam đã không truy tố bất kỳ một kẻ buôn người nào theo các quy định về buôn bán người lao động, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ công bố hồi tháng 7/2019.[2]

Thực trạng này cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn buôn người đã không được quan tâm và đánh giá đúng mức từ nhà chức trách Việt Nam.

Buôn người là gì?

Một cách dễ hiểu, buôn người là coi con người như một món hàng hóa để trao đổi trên thị trường.

Theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) có 5 hình thức buôn người, đó là: (1) buôn bán lao động cưỡng bức; (2) buôn bán cho hoạt động tội phạm cưỡng bức; (3) buôn bán phụ nữ để khai thác tình dục; (4) buôn bán nội tạng; (5) buôn lậu người di cư.[3]

Trong vụ 39 người tử nạn tại Anh Quốc, thông tin ban đầu cho thấy những người này mang dấu hiệu là nạn nhân của ít nhất 3 hình thức buôn người. Thứ nhất, nạn nhân phải trả một số tiền lớn để được đưa sang Anh Quốc bất hợp pháp bằng cách sử dụng hộ chiếu giả của Trung Quốc là dấu hiệu của hình thức buôn lậu người di cư; Thứ hai, những nạn nhân đến Anh Quốc để lao động trong điều kiện bị giam cầm và ép buộc lao động là dấu hiệu của hình thức buôn bán lao động cưỡng bức; Thứ ba, nạn nhân có thể bị buộc phải thực hiện một số các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như trồng cần sa ở Anh Quốc là dấu hiệu của hình thức buôn bán người cho hoạt động tội phạm.

Vấn đề đặt ra là nếu các nạn nhân này đã tự nguyện đồng ý với những kẻ tuyển dụng, môi giới hay vận chuyển để đưa đến Anh Quốc lao động bất hợp pháp thì có được xem là nạn nhân của buôn người không?

Câu trả lời rõ ràng là Có. Căn cứ vào Nghị định thư về ngăn chặn, phòng chống và trừng phạt tội buôn người (được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2000), tại điều 3 của Nghị định thư này quy định “sự đồng ý của nạn nhân buôn người là không được công nhận” nếu sử dụng bất kỳ hình thức nào thuộc năm hình thức buôn người đã nêu.

Tất cả các hành vi như dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác để tuyển dụng, chuyển giao, tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, khai thác tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc các mục đích vô nhân đạo khác đều phạm vào tội buôn người.

Khởi tố vụ án sai tội danh

Theo Bộ Luật hình sự Việt Nam (BLHS), tại điều 150 quy định tội mua bán người có thể bị phạt tù tối đa 20 năm, nhưng thời gian qua nhà chức trách Việt Nam chỉ truy tố một số ít vụ việc về tội danh này cho các hành vi mua bán người mà nạn nhân là bé gái và phụ nữ để khai thác tình dục. Trong khi đó, những vụ việc mua bán người ra nước ngoài để lao động cưỡng bức, chưa từng có ai bị truy tố về hành vi này.

Trong vụ 39 nạn nhân tử nạn, có nhiều nạn nhân được xác định đến từ Hà Tĩnh, hôm 30/10 Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án và điều tra về tội… “tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài nước ngoài trái phép” theo điều 349 BLHS. Việc khởi tố về tội danh như vậy là xác định sai bản chất vụ án. Bởi vụ án này mang dấu hiệu rõ ràng của hành vi mua bán người lao động cưỡng bức theo điều 150 BLHS - là một hình thức buôn người, chứ không đơn thuần là tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài.

Việc khởi tố sai tội danh một lần nữa cho thấy “nhận thức yếu kém” của giới chức Việt Nam trong hoạt động phòng chống buôn bán người.

Đây cũng là vấn đề quan ngại mà Báo cáo về tình hình buôn người năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu ra đối với Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, báo cáo cho biết các cán bộ cấp tỉnh thiếu hiểu biết về pháp luật chống buôn người , bên cạnh cán bộ cấp xã và thôn đồng lõa và giúp sức cho việc buôn bán nạn nhân bằng cách nhận hối lộ của bọn buôn người, đã cản trở các nỗ lực phòng chống nạn buôn người.[4]

Việt Nam là quốc gia có dân số đông, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn các nước trong khu vực và kém xa các nước phát triển. Điều này đã biến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đường dây tội phạm quốc tế buôn bán người lao động cưỡng bức, khi mà chính phủ tiếp tục thiếu quyết tâm và nhận thức yếu kém trong lĩnh vực phòng chống buôn người.

-------

Xem thêm tài liệu:

[1] https://baomoi.com/lao-dong-chui-o-nuoc-ngoai-di-de-ve-kho/c/29162431.epi

[2] và [4] Báo cáo về tình hình buôn người năm 2019 ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ:

https://vn.usembassy.gov/vi/2018-tipreport/

[3] Các hình thức buôn người theo Interpol:

https://www.interpol.int/Crimes/Human-trafficking/Types-of-human-trafficking