You are here

ĐD Phan Đăng Di: “Tồn tại thì không có gì phải sợ!”

Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2011-04-19
Kết thúc Đại Hội Điện ảnh Việt Nam Quốc Tế lần thứ 5 tại miền Nam California, bộ phim Bi, Đừng Sợ của đạo diễn Phan Đăng Di được chọn trao giải Trống Đồng.

Hình: Ngọc Lan
Đạo diễn Phan Đăng Di nhận giải Trống Đồng của Ban tổ chức ViFF 2011 dành cho phim Bi, Đừng Sợ!

Đây cũng là lần đầu tiên phim “Bi, Đừng Sợ!” được giải thưởng từ một liên hoan phim Việt Nam. Cũng là lần đầu tiên, Đại Hội Điện ảnh Việt Nam Quốc Tế trao giải Trống Đồng cho một đạo diễn đến từ Việt Nam .
Đạo diễn Phan Đăng Di sinh năm 1976, tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh năm 2000. Bắt đầu sự nghiệp như một nhà làm phim độc lập. Anh được biết đến khi phim ngắn Sen của anh được trình chiếu tại LHP ngắn nổi tiếng nhất thế giới - Clermont Ferrand 2006. Khi tôi 20 - một phim ngắn khác của Phan Đăng Di - cũng là một trong những đại diện hiếm hoi của điện ảnh châu Á có tên trong danh sách tham dự LHP Quốc tế Venice 2008.
Phan Đăng Di cũng là người viết kịch bản của Chơi Vơi, bộ phim nghệ thuật đã đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự rất nhiều LHP quốc tế lớn trên thế giới vào năm ngoái.
Bi, Đừng Sợ là phim điện ảnh đầu tay của Phan Đăng Di trong vai trò đạo diễn. Kịch bản Bi, Đừng Sợ từng giành giải thưởng Dự Án Nổi Bật Châu Á (Asia Outstanding Project) của PPP (Pusan Promotion Plan) tại LHP Quốc tế Pusan hồi tháng 10, 2007 và được chọn tham dự hoạt động L'Atelier dành cho các dự án phim độc lập của Quỹ điện ảnh.
Sau khi giành hai giải thưởng của tuần lễ phê bình tại LHP Quốc tế Cannes (Pháp) vào mùa hè, giải Special Mention của LHP Quốc tế Vancouver (Canada), giải Phim hay Nhất tại LHP Châu Á-Hong Kong tháng 11, 2010, phim Bi, Đừng Sợ tiếp tục đem vinh dự về cho điện ảnh Việt Nam bằng hai giải thưởng lớn là giải Phim đầu tay xuất sắc và Quay phim xuất sắc tại LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) vào cuối tháng 11, 2010.
Thông tín viên Ngọc Lan đã có cuộc phỏng vấn với người đạo diễn được xem là tài năng của điện ảnh Việt Nam ngay trước giờ bế mạc Đại Hội Điện ảnh Việt Nam Quốc Tế lần thứ 5 tại miền Nam California……
Nhiều ý kiến trái ngược

Cô Eileen Trương (trái) và cô Ysa Lê (phải), hai đồng giám đốc của ViFF 2011 trong đêm bế mạc đại hội. Hình: Ngọc Lan

Ngọc Lan: Xin bắt đầu với Bi, Đừng Sợ! Là một đạo diễn, cũng là tác giả kịch bản của Bi, Đừng Sợ! Anh có thể nói một chút về ý nghĩa của tên cuốn phim không? Đừng sợ trong cuốn phim là đừng sợ điều gì?
Phan Đăng Di: Be, Don’t be afraid có một ý rất rõ ràng là trong cuộc sống, thực ra Bi không sợ điều gì cả vì thế giới của nó rất đơn giản, nó rất an tòan là vì nó còn nhỏ, nó nhìn thế giới rất là đẹp, rất là trong, nó lại còn được mẹ nó yêu, bảo vệ, nên nó không có điều gì phải sợ cả. Trong phim nó cũng chẳng thấy gì đáng sợ. Những cái đáng sợ của thế giới  người lớn thì nó không thấy. Nó cứ lướt qua tất cả những chuyện đó, nhưng mà nó không thấy.
Cho nên câu Bi, Đừng Sợ chính là câu mà người lớn tự nói với mình là không nên sợ, dù là bất cứ chuyện gì, dù là có những khổ đau, có những thách thức trong cuộc sống thì cũng không nên sợ bởi vì đấy là cuộc sống, mình đã tham gia vào cuộc sống, mình đã lên chuyến tàu của cuộc đời thì mình cũng không có cái gì phải sợ cả. Đó là ý mà người lớn tự nói với nhau.
Ngoài ra, nó còn một ý nữa là Be, Don’t be afraid trong tiếng Anh vừa có nghĩa là tên của đứa trẻ (Bi) vừa có nghĩa là động từ “to be” trong tiếng Anh, tức là “tồn tại thì không có gì phải sợ”
Ngọc Lan: Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về bộ phim này. Là một đạo diễn kiêm người viết kịch bản, anh đón nhận những ý kiến trái ngược nhau như thế nào?
Phan Đăng Di: Cũng đương nhiên thôi, vì khi mình viết một kịch bản, mình làm một bộ phim thì đây là một cái mình đang nói đúng suy nghĩ của mình về một vấn đề như vậy, về cuộc sống, những cách mình nghĩ, và trong đó cũng có một số cái có thể làm cho người ta bị sốc hoặc là không quen thuộc với thói quen tiếp nhận của rất nhiều khán giả.

Phản ứng trái chiều là chuyện hay trong sáng tạo vì thực ra bản thân của chuyện sáng tạo là đặt ra những câu hỏi, và chưa hẳn người sáng tạo đã có câu trả lời.
ĐD Phan Đăng Di

Chuyện đó Di cũng lường trước được. Thành ra khi có những phản ứng trái chiều thì mình thấy bình thường. Mặt khác, mình cũng thấy phản ứng trái chiều là chuyện hay trong sáng tạo vì thực ra bản thân của chuyện sáng tạo là đặt ra những câu hỏi, và chưa hẳn người sáng tạo đã có câu trả lời. Mà câu trả lời có thể nằm chính từ phía người xem, hoặc người xem cũng có thể không có câu trả lời, nhưng có một câu hỏi đã đặt ra ở đó, khi mà họ xem xong phim. Đó là một câu hỏi, một vấn đề họ không bỏ nó ra khỏi suy nghĩ của họ. Thì đấy là thành công.
Cách đánh giá ở trong nước
Ngọc Lan: Đối với một số phim Việt Nam gần đây như Bi, Đừng Sợ!, Chơi Vơi, việc tiếp thu, nhìn nhận của người trong nước khác với tiếp thu của khán giả nước ngoài. Anh Di có nghĩ là cần phải làm sao để nâng cao tầm nhận thức của những phim gọi là phim nghệ thuật đối với khán giả Việt Nam không?
Phan Đăng Di: Tôi nghĩ đúng là phim nghệ thuật thực ra ở đâu cũng cần có một tầng lớp khán giả nhất định, họ có sự hiểu biết, có thói quen xem rất nhiều phim thì họ mới tiếp nhận được. Chuyện phản ứng hay tạo ra những dư luận trái ngược thì không chỉ có tại Việt Nam đâu. Di gặp chuyện này ở một số nước nữa.
Tuy nhiên có một điều khác là ở các nước khác khi tiếp nhận một tác phẩm mà họ cảm thấy hơi xa lạ, không thích, thì họ chỉ trên quan điểm của họ mà nói thôi. Họ nói “tôi xem phim này tôi không thích” hay là “đối với tôi phim này không hay.” Và họ luôn lấy cái tôi ra để nói ý kiến đó.

ĐD Phan Đăng Di trả lời phỏng vấn của khán giả về phim "Bi, Đừng Sợ!" tại ViFF 2011. Hình: Ngọc Lan

Khác với ở Việt Nam, có một số người nói “khán giả không thích.” Chuyện dùng khán giả, lấy cái quyền mình tự đại diện cho khán giả Di nghĩ là chuyện không nên. Bởi mỗi người xem phim chỉ là một ý kiến thôi. Ngay ở Việt Nam cũng có nhiều khán giả yêu phim, và họ hiểu phim vô cùng. Một trong những bài điểm phim hay nhất mà Di được đọc là đến từ Việt Nam. Và có rất nhiều người hiểu bộ phim lắm, họ hiểu và có sự đồng cảm với phim. Thì họ cũng là khán giả.
 
Tất nhiên là những tác phẩm nghệ thuật, những phim nghệ thuật chưa phải là đã có truyền thống ở Việt Nam vì giáo dục về điện ảnh, giáo dục về nghệ thuật nói chung ở các trường của Việt Nam còn mới sơ khai nên rất nhiều những bạn trẻ chỉ quen với những phim thông thường, phim Hollywood, phim có câu chuyện rõ ràng, ý tưởng rõ ràng, đến khi xem những phim hơi khó một chút thì họ rất là khó tiếp nhận. Chuyện đó cũng là chuyện rất là khó để mà thay đổi.
Tuy nhiên, Di nghĩ là cùng với việc Việt Nam mở cửa hơn, dòng thông tin chảy vào nhiều hơn, thì dần dần cách xem phim của khán giả cũng khác. Bằng chứng là những bài điểm phim ở Việt Nam về Bi, Đừng Sợ! mà Di đọc khiến Di rất là sửng sốt vì họ đã hiểu cuốn phim rất cặn kẽ.
Ngọc Lan: Nói một chút về liên hoan phim ViFF ở đây. Đây là lần đầu tiên anh Di đến với liên hoan phim này. Anh có thể nói một chút suy nghĩ của mình về ViFF?
Phan Đăng Di: Đây là lần đầu Di đến với ViFF nhưng cũng đã nghe nói về nó nhiều rồi và thấy nó cũng có cái hay. Tức là mình rất hiếm hoi có một diễn đàn để những người làm phim Việt Nam gốc Việt trên khắp thế giới có thể gặp nhau được hai năm một lần. Đó là chuyện rất quý vì rất khó có điều kiện để gặp nhau như thế. Chưa kể là người Việt thì sống rải rác ở rất nhiều nơi. Khi họ gặp nhau, thực sự họ có sự chia sẻ với nhau về mặt suy nghĩ trong công việc, hay chia sẻ về mặt những cơ hội nghề nghiệp thì chuyện đó quan trọng lắm, bởi vì không thể phủ nhận thực tế là điện ảnh Việt Nam, tiếng nói trên trường quốc tế còn yếu, nó không được mạnh.

Chuyện dùng khán giả, lấy cái quyền mình tự đại diện cho khán giả Di nghĩ là chuyện không nên. Bởi mỗi người xem phim chỉ là một ý kiến thôi.
ĐD Phan Đăng Di

Khi Di đi ra những liên hoan phim nước ngoài, Di thấy những lý do tại sao một số nền điện ảnh ở châu Á mạnh, như Hàn Quốc, hay Đài Loan, Trung Quốc hay thậm chí Thái Lan họ mạnh là vì họ có một cộng đồng, trong đó giới làm phim rất gắn kết với nhau, họ chia sẻ với nhau rất nhiều kinh nghiệm, người trước giúp người sau và có một sự hỗ trợ nhau trong chuyện làm phim. Chuyện đó làm cho nghề nghiệp làm phim có một ý nghĩa rất thiêng liêng.
Di cũng rất hy vọng là ViFF có thể là nơi bắt đầu, là nơi nuôi dưỡng tinh thần đó, tức là nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết của những người làm phim Việt Nam để làm sao phim Việt Nam về tiếng Việt trở nên mạnh mẽ hơn, nó có thể được biết đến nhiều hơn trong những liên hoan phim quốc tế và đó cũng là một kênh để mà đưa văn hóa Việt Nam đến với nhiều nơi bởi vì Di nghĩ phim là một cách nhanh nhất và  mạnh mẽ nhất để có thể khiến một dân tộc này có thể hiểu một dân tộc khác, khiến một nền văn hóa đi vào lòng người một cách nhanh nhất.
 
Source: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-director-pdd-nl-0419201...