You are here

Địa ngục giữa trần gian-P.2

Ảnh của songchi

Song Chi

Chính sách tàn bạo trước sau như một đối với tù chính trị của nhà nước cộng sản VN

Không phải mới bây giờ mà ngay từ đầu đảng cộng sản VN đã có một chính sách vô cùng tàn bạo đối với tù nhân chính trị. Trước kia bị hành hạ nặng nhất là những tù nhân chính trị có liên quan đến chế độ VNCH, vì mối thâm thù của nhà cầm quyền cộng sản đối với chính thể VNCH, mặt khác vì những người này thường bất khuất, không bao giờ nhận tội, cũng như không công nhận tính chính danh của nhà cầm quyền khi đã vi phạm Hiệp định Hòa bình Paris 1973, cưỡng chiếm miền Nam.

Có những người phải ở tù hàng chục năm như ông Nguyễn Hữu Cầu (sinh năm 1947), cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bị giam lâu nhất ở Việt Nam với tổng cộng 37 năm!. Trải qua nhiều năm bị giam cầm, ông luôn cương quyết không nhận tội, không xin ân xá trước một bản án mà ông cho là vô lý. Dưới áp lực của Ủy ban Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch), báo chí quốc tế, và do sức khỏe của ông ngày càng kém: tim yếu, tai gần như điếc, một mắt bị mù lòa không còn thị lực, cuối cùng ông đã được nhà cầm quyền trả về nhà vào ngày 21.3. 2014.

Tù nhân Nguyễn Văn Thiêng, cựu sĩ quan thuộc lực lượng cảnh sát đặc biệt của VNCH đã được ra tù vào năm 2011, tổng cộng ông đã ở trong tù 26 năm (lần thứ nhất đi “học tập cải tạo” từ năm 1975-1981, lần thứ hai từ năm 1991 vì tội “viết tài liệu chống phá cách mạng, âm mưu lật đổ chính quyền”…(“Tù nhân thế kỷ” Trần Văn Thiêng được tự do”, RFA, “Tù nhân thế kỷ” Trần Văn Thiêng được tự do”, Việt Nam Nhật Báo)…

Nhưng còn vô số người khác vĩnh viễn không trở về như tù nhân chính trị Nguyễn Văn Trại, bị bắt năm 1996 và kết án tù 15 năm với tội danh “đi ra nước ngoài chống chính quyền”, còn 5 tháng nữa là mãn án và gia đình đã lên tiếng xin cho ông được về với gia đình trước khi chết nhưng trại giam không cho, cuối cùng ông qua đời vì ung thư tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai, tháng 11. 2011 khi đã 74 tuổi (“Tù nhân Nguyễn Văn Trại đã qua đời”, BBC). Trương Văn Sương, cựu sĩ quan VNCH bị bắt năm 1984 và bị án tù chung thân vì tội phản động, đã qua đời tại giam Nam Hà tháng 9.2011. Bùi Đăng Thủy, cựu sĩ quan không quân VNCH, đã qua đời tháng 11.2013 tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai sau hàng chục năm trong tù…Tất cả họ đều không được đưa xác về nhà (“Tù chính trị: Chết vẫn còn bị "giam", RFA)

Trải qua những thời kỳ khác nhau, dù chính sách tàn độc đối với tù chính trị ấy vẫn không thay đổi nhưng tùy theo “thời tiết chính trị” trên thế giới, tùy theo mức độ quan tâm và phản ứng của các nước tự do, dân chủ, tiến bộ trên thế giới đối với chế độ độc tài ở VN, cũng như tùy theo mức độ phản kháng của người Việt trong và ngoài nước, nhà cầm quyền sẽ đàn áp mạnh hơn, công khai hơn hoặc sẽ bớt đi.

Cường quốc hàng đầu mà mọi phản ứng hay chính sách sẽ có tác động đáng kể đến những quốc gia có “hồ sơ nhân quyền” tệ hại là Hoa Kỳ. Nhưng Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, Donald Trump, lại không tỏ ra mặn mà gì đến vấn đề nhân quyền, hoặc tỏ ý muốn có những biện pháp nhằm hạn chế mức độ vi phạm nhân quyền của các chế độ độc tài nói chung và VN nói riêng. Trump chủ yếu chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế của nước Mỹ. Các nước phương Tây còn đang phải đương đầu với bao nhiêu vấn đề, cũng không quan tâm mấy đến VN. Những quốc gia độc tài từ Trung Cộng, Bắc Hàn cho tới Việt Cộng vì vậy tha hồ đàn áp mạnh tay.

Mặt khác, chế độ càng ngày càng phơi bày tất cả sự tồi tệ, yếu kém, phản động, những chính sách hại dân hại nước khiến lòng dân càng căm phẫn, và để đối phó lại nỗi căm hận đó, nhà cầm quyền VN đã chọn con đường sử dụng biện pháp mạnh, đàn áp khốc liệt hơn để dập tắt mọi biểu hiện đối kháng dù nhỏ nhất.

Nhà cầm quyền đã tự chặn đi mọi cơ hội đối thoại với nhân dân hay chuyển đổi trong hòa bình, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, dân tộc. Vì vậy, một sự thay đổi bằng bạo lực xuất phát từ sự giận dữ, lòng uất hận là khó tránh khỏi. Và đó là một viễn cảnh không vui vẻ gì cho VN.