You are here

Câu chuyện Hong Kong-P.2

Ảnh của songchi

Song Chi.

Cuộc đấu tranh chống lại "kẻ khổng lồ" xấu xí 

Những cuộc biểu tình của Hong Kong một lần nữa cho thế giới thấy người Hong Kong không hề ưa thích chế độ độc tài ở Trung Hoa đại lục, không hề muốn được sáp nhập với “mẫu quốc”. Người Đài Loan cũng thế.

Tin từ đài RFA, trong ngày 16.6, gần 10 ngàn người bao gồm người dân Đài Loan, sinh viên Hồng Kông đã tụ họp gần Viện lập pháp thành phố Đài Bắc phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Hong Kong.

Dân Hong Kong, dân Đài Loan đều là người Hoa mà còn không chịu nổi mô hình thể chế chính trị của Trung Cộng!

Trong khi đó, báo chí chính thống của Trung Cộng hoặc hoàn toàn lờ đi cuộc biểu tình có lúc lên đến khoảng 2 triệu người này, hoặc đưa ra những câu chuyện khác. Báo TQ nói nhiều bậc phụ huynh Hong Kong biểu tình để 'chống Mỹ' (“HK parents march against US meddling”, Chinadaily.com.cn)

Nhật báo Trung Quốc bằng tiếng Anh, China Daily, có số lượng phát hành ở nước ngoài khoảng 600.000 bản, đã chọn tập trung vào một cuộc phản kháng khác trong một câu chuyện ngày 17 tháng 6. Bài báo nói rằng khoảng 100 người biểu tình từ các nhóm địa phương ở Hồng Kông biểu tình bên ngoài Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Ma Cao vào sáng ngày 16 tháng 6 năm 2019 chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các vấn đề của Đặc khu hành chính Hồng Kông…Và rằng “Phụ huynh ở Đặc khu hành chính Hồng Kông đã xuống đường vào Chủ nhật để kêu gọi các chính trị gia Hoa Kỳ không can thiệp vào các sửa đổi dẫn độ của SAR và các vấn đề nội bộ của nó”.

Đến thời Tập Cận Bình, có lẽ sự phát triển về kinh tế, sức mạnh của đồng tiền cùng vị thế của một cường quốc mới nổi đã khiến Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung Quốc nói chung quên đi phương châm, chính sách ngoại giao khiêm tốn, giấu mình đã áp dụng bao nhiêu năm qua từ thời Đặng Tiểu Bình. Trung Cộng dưới thời Tập tỏ rõ thái độ hung hăng, bành trướng, bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực cũng như không hề che dấu ý đồ muốn vươn lên qua mặt Mỹ lãnh đạo thế giới.

Nhưng họ Tập đã quá chủ quan mà quên đi hai điểm yếu chết người của Trung Quốc do hậu quả từ chính mô hình thể chế chính trị của quốc gia này: Trung Quốc không có được “sức mạnh mềm” (soft power) tạo nên nhờ vào uy tín ngoại giao, những giá trị, chuẩn mực về tự do, dân chủ, nhân quyền, hệ thống pháp luật, đạo đức xã hội, Trung Quốc cũng không có được những quan hệ đồng minh, bạn bè đáng tin cậy trên thế giới. Uy tín như thế nào mà ngay cả người Hoa ở Hong Kong, Đài Loan cũng không muốn “sống chung” với Trung Hoa đại lục, đi theo mô hình của Trung Cộng? Cho tới bây giờ nước nào thực sự là đồng minh, bạn bè của Bắc Kinh hay chỉ là những quan hệ làm ăn kinh tế thương mại, hoặc dựa vào nhau vì một mục đích chính trị trong một giai đoạn nào đó?

Cũng trong những ngày vừa qua, hình ảnh Trung Cộng càng thêm xấu xí vì chuyện tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hôm 9.6 rồi bỏ đi, bỏ rơi 22 thuyền viên Philippines, những người này sau đó được tàu cá Việt Nam cứu. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc.

Nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila (Philippines) lại có những phát biểu đi ngược lại với câu chuyện trên. Họ xác nhận vụ việc tàu Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm, nhưng bào chữa về chuyện không cứu người, cho rằng tàu Trung Quốc muốn cứu nhưng đành phải đứng nhìn, do sợ "7-8 tàu khác của Philippines bao vây". Phía Trung Quốc còn nói tàu đã cứu 22 ngư dân nêu trên là tàu Philippines chứ không phải tàu Việt Nam. Phát biểu về vấn đề này, ông Zata tái khẳng định chính tàu cá Việt Nam đã cứu ngư dân Philippines.

“Trong phát ngôn cứng rắn ngày 15-6, ông Carpio (Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines) nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte cần đứng lên chống lại thói hành xử của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.

"Người Philippines cần gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng bất cứ vụ tấn công ‘vùng xám’ mới nào đối với các tàu Philippines sẽ đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc" - tờ Inquirer dẫn lời ông Carpio. (“Thẩm phán Philippines: Nếu tàu cá Trung Quốc tấn công nữa nên cắt đứt quan hệ ngoại giao”, báo Tuổi Trẻ)

Đây là những hành động mà Trung Quốc liên tục làm trong những năm qua với ngư dân VN, từ việc tấn công, đâm chìm tàu cá, cướp sạch ngư cụ, đánh đập ngư dân, bắt cóc đòi tiền chuộc… nhưng nhà cầm quyền VN quá hèn hạ để phản ứng mạnh.

Những lời bào chữa ngụy biện, dối trá của phía Trung Quốc hay những bài báo đưa ra một câu chuyện khác hẳn về những cuộc biểu tình ở Hong Kong phần nào cho thế giới thấy bộ mặt thật của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Phía sau “thành tích” tăng trưởng về kinh tế, quốc phòng, phía sau sự thay đổi của những thành phố, đô thị và sự giàu lên thấy rõ của một tầng lớp người dân Trung Hoa là những góc khuất về sự tàn bạo của Bắc Kinh. Trung Cộng từ lâu đã “nổi tiếng” bởi những “thành tích” chà đạp nhân quyền, những chính sách khắc nghiệt với các dân tộc Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương…

Đài BBC có đưa tin và video phóng sự về một trại 'cải tạo tư tưởng' của Trung Quốc ở Tân Cương. ("Tìm kiếm sự thật trong các trại 'cải tạo' người Duy Ngô Nhĩ"). Chúng ta có thể thấy sự thật, dù được che giấu kỹ, phía sau bề mặt của những trại “cải tạo tư tưởng” này. Những người bị giữ ở đây là người Hồi giáo ở Tân Cương và những nhóm thiểu số khác, họ không phải là tội phạm, nhà cầm quyền nói rằng họ nhìn thấy ở những người này khả năng có thể trở thành “tội phạm”, tạo phản, nên ngăn chặn trước, còn bản thân người đó thì nói rằng mình có tư tưởng cực đoan nên tự nguyện đến trại để cải tạo tư tưởng. Các nhân viên chính phủ theo dõi sát sao mọi cuộc phỏng vấn. Phóng viên chỉ được đưa đi những nơi nào được phép. Có nhân chứng nói rằng đã bị đưa vào trại, bị tra tấn, đối xử tồi tệ chỉ vì sử dụng Whatsapp.

Nhà cầm quyền Trung Cộng cũng bị lên án về những vụ cấy ghép nội tạng từ tù nhân, đặc biệt là từ những người theo Pháp Luân Công từ khoảng hai chục năm nay.

"Mới đây, một tòa án độc lập ở London đã kết luận rằng việc giết hại những người bị giam giữ ở Trung Quốc để cấy ghép nội tạng vẫn đang tiếp diễn, và nạn nhân bao gồm những tù nhân của phong trào Pháp Luân Công. Toà án Trung Quốc, do Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tịch, một công tố viên tại tòa án hình sự quốc tế cho Nam Tư cũ, nói trong một quyết định nhất trí vào cuối phiên điều trần, "chắc chắn rằng Pháp Luân Công là một nguồn - có lẽ là nguồn chính - của các cơ quan để thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

...Tòa án đã lấy bằng chứng từ các chuyên gia y tế, điều tra viên nhân quyền và những người khác.

...Có tới 90.000 ca phẫu thuật cấy ghép mỗi năm đang được thực hiện tại Trung Quốc, tòa án ước tính, một con số cao hơn nhiều so với các nguồn tin chính thức của chính phủ.

(“China is harvesting organs from detainees, tribunal concludes”) Hàng loạt tờ báo lớn trên thế giới như The Guardian, NBC News, Independent…hôm 17.6 đã đưa tin này.

Đã có những lời kêu gọi quốc hội Anh cấm bệnh nhân đến Trung Quốc để phẫu thuật cấy ghép. Hơn 40 thành viên quốc hội từ tất cả các đảng đã ủng hộ. Israel, Ý, Tây Ban Nha và Đài Loan đã thi hành các hạn chế đó. Ở Na Uy cũng vậy.

Bắc Kinh đang nuôi mộng trở thành lãnh đạo thế giới nhưng với một hệ thống chính trị độc tài sắt máu như vậy, làm sao họ có thể thuyết phục ngay chính người Hong Kong, người Đài Loan và các nước láng giềng theo họ, chứ đừng nói tới thế giới?