You are here

CEO Nguyễn Anh Tuấn muốn chính quyền kiểm soát người dân mọi nơi, mọi lúc?

Ảnh của NguyenHoang

Liệu có phải Nguyễn Anh Tuấn đang trong vai đại lý “dịch vụ chuyển phát nhanh” (courier service) cho chính quyền Bắc Kinh, khi chính quyền này từ năm 2018 đã triển khai “hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội” để kiểm soát công dân?

Chiến Sỹ

Ngày 23/3/2019, báo điện tử VietnamNet đăng bài “Chính phủ có thể vận hành bằng AI, đánh giá người dân qua điểm xã hội”[1]. Bài viết chủ yếu dẫn lại lời của Nguyễn Anh Tuấn, CEO từ “Diễn đàn Toàn cầu Boston” (DĐTCB), về cái gọi là xã hội trí tuệ nhân tạo – nơi các công dân được/bị đánh giá bằng hệ thống thang điểm, còn chính phủ thì tạo ra chuẩn mực chung để dẫn dắt người dân.

Đọc qua bài viết, không thể không đặt câu hỏi: liệu có phải CEO Nguyễn Anh Tuấn đang đóng vai kẻ làm “dịch vụ chuyển phát nhanh” (courier service) cho chính quyền Bắc Kinh, khi chính quyền nước này từ năm 2018 đã triển khai “hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội” để kiểm soát công dân, nhằm bảo vệ chế độ độc tài bằng mọi giá?

Kể từ lúc bài viết xuất hiện, cộng đồng mạng đã đồng loạt chỉ trích Nguyễn Anh Tuấn về đề nghị đối với nhà cầm quyền ở trong nước hãy tiến hành “chấm điểm công dân”. Trước làn sóng phản đối ngày càng dâng cao, Nguyễn Anh Tuấn, đã sử dụng tờ báo ông từng điều hành (VietnamNet) để “thanh minh thanh nga”, rằng giải pháp của DĐTCB “khác với Trung Quốc”. Ngoài ra, Tuấn cũng đánh bài “phú lỉnh” (tắt máy) khi báo chí trong nước và quốc tế muốn tiếp cận hay liên lạc để làm rõ vấn đề.

Thanh minh là thú tội! Hôm 28/3, trang mạng VietNamNet lại tiếp tục biện hộ cho lập luận của Tuấn qua một bài viết mới: “Sáng kiến Điểm giá trị Xã hội (Social Value Point, SVP) do nhóm học giả ‘Trí tuệ Nhân tạo’ cùng với ông Nguyễn Anh Tuấn khác hẳn về chất so với Hệ thống Tín nhiệm Xã hội (Social Credit System, SCS) của chính phủ Trung Quốc.”[2]

Cựu Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn hẳn thừa biết, thế giới đã/đang và sẽ cực lực lên án cái hệ thống quái đản ấy, vì nó vi phạm thô bạo quyền riêng tư và quyền tự do của công dân. Kể từ khi “Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội” mang phong cách Orwell này được đưa vào áp dụng (Big Brother is watching you!), đến nay đã có hơn 23 triệu dân Trung Quốc không được mua vé máy bay, các phương tiện giao thông công cộng, hoặc thụ đắc các dịch vụ công khác.

Lý do đơn giản là hàng triệu người Trung Quốc nói trên đã bị hệ thống chấm điểm thấp. Chính sách giám sát toàn diện trên khiến xã hội Trung Quốc, vốn đã khó thở lại càng thêm ngột ngạt hơn bao giờ hết.  

Mùa hè 2018, một nam thanh niên ở quận Thương Nam, thị trấn Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang thi đậu vào một trường đại học danh giá ở Bắc Kinh. Cả nhà đang hết sức vui mừng, thì một cú điện thoại từ nhà trường đã dập tắt ngay niềm hân hoan của họ. Nhà trường thông báo, vì người cha nằm trong danh sách “không có điểm tín nhiệm” nên trường không thể nhận thanh niên này vào học.

Theo truyền thông quốc tế, hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc đã làm cho con người không còn khả năng chống đỡ, trở thành một sinh vật nhỏ nhoi luôn nơm nớp trong sợ hãi, người dân thu mình lại như chui vào vỏ ốc, mất hết các khả năng phản kháng… Qua đó giúp cho chế độ toàn trị Trung Quốc thêm trường tồn, vững chãi.

Phải chăng CEO Nguyễn Anh Tuấn, đội lốt “Diễn đàn Toàn cầu Boston” lại mong muốn phiên bản ngột ngạt ấy ở Trung Quốc, một ngày đẹp trời sẽ được áp dụng tại Việt Nam trong tương lai?

Một tờ báo ở Mỹ đã nêu đích danh: “Một người Việt từng học Harvard lại đề nghị chấm điểm công dân”[3]. Điều dư luận trong và ngoài Việt Nam bị sốc, chẳng nhẽ CEO – cựu Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn từ cái lò Havard ấy ra mà lại không hiểu một nguyên lý sơ đẳng của chính trị học: các chính quyền của dân, do dân và vì dân không bao giờ đánh giá tín nhiệm công dân. Ngược lại, như các quốc gia vùng Baltic thoát khỏi gông cùm cộng sản cho thấy, họ đang tận dụng công nghệ để nhận lại sự phản hồi của người dân đối với chính quyền.

Nếu một nhà nước tiến hành xem xét tín nhiệm công dân bằng điểm số, thì cách ấy chẳng khác nào các chính quyền độc tài trước đây xem xét lý lịch từ đời này đến đời khác của người dân, điều từng diễn ra và hiện vẫn là vấn nạn nhức nhối ở Việt Nam. Trong khi một chính quyền liêm chính nhất thiết phải là chính quyền biết chăm lo xây dựng, vun đắp các chuẩn mực công dân, phù hợp với các giá trị phổ quát của nhân loại. Chỉ một chính thể tồi tệ, không có tính chính danh, mới xét nét và đánh giá mức độ tín nhiệm công dân.

Xin hỏi ông Tuấn, khi nhà nước ban hành cả một “rừng luật” nhưng thực tế lại chỉ xài “luật rừng” (lời LS. Ngô Bá Thành phát biểu tại Quốc hội), thì việc chống lại cái “luật rừng” ấy là tiến bộ hay phản động? Nếu luật pháp hiện nay ở Việt Nam mà tử tế, chắc ông đã không phải “bán xới” cái chức đứng đầu tờ báo từng kiếm được bộn tiền (thừa để mua biệt thự ở đô thị Ciputra Hà Nội lẫn tậu nhà lầu tận bên Mỹ), từ thuở khoác áo nhà báo “khai trí và thúc đẩy phản biện”.

Giờ đây, khi những chiến sỹ can trường đấu tranh cho dân chủ đang bị đày đoạ trong các nhà tù cộng sản, thì ông (và gia đình) lại “chạy” sang định cư ở Mỹ, để từ đấy tung ra mọi chiêu bài cài bẫy các công dân trong nước, hãy an phận tuân thủ cái hiến pháp và pháp luật giả cầy ấy. Hãy chờ cái nhà nước “ăn không chừa cái gì của dân” phát cho những “tấm phiếu bé ngoan” như thời còn con trẻ. Sống như thế nhà văn Nam Cao gọi là “sống mòn”, thưa ngài CEO khả kính!

Người dân trong nước không cần hệ thống đánh giá ấy của DĐTCB – phiên bản lọc lõi và trung thành với hệ thống đánh giá tín nhiệm của Trung Quốc cộng sản. Nếu ông quyết tâm áp đặt hệ thống đánh giá từ cái Diễn đàn ấy (liệu có phải là chi nhánh của Viện Khổng Tử trên đất Mỹ?) lên nhân dân Việt Nam, thì lịch sử sẽ coi ông là một tội đồ. Vì kiến nghị của ông thực chất là đồng lõa với chính quyền để cưỡng bức người dân Việt Nam vào vòng kim cô nghiệt ngã./.