You are here

Utøya: July 22

Ảnh của songchi

Song Chi

Đi xem bộ phim U-July 22 (Norwegian: Utøya 22. juli), bộ phim truyện sản xuất năm 2018 của Na Uy về vụ khủng bố ngày 22.7.2011 trên đảo Utøya. Xem và nhớ lại sự kiện kinh hoàng 7 năm trước, khi 2 vụ khủng bố kép liên tiếp xảy ra, một vụ nổ bom đặt trong xe gần tòa nhà của chính phủ ở Oslo vào khoảng 15 giờ chiều và vụ thảm sát tại trại hè trên đảo Utøya, ở Tyrifjorden, Buskerud, cách sau đó hơn 2 tiếng. Trại hè được tổ chức hàng năm bởi Workers' Youth League (AUF), bộ phận thanh niên của Đảng Lao động (Labour Party) lúc đó đang nắm quyền, có khoảng 600 người tham gia.

Cả hai vụ đều do Anders Behring Breivik, một kẻ cực đoan cánh hữu, bài ngoại, ghét Hồi giáo, phản đối chính sách nhập cư của chính phủ, gây ra. Sau vụ nổ đầu tiên làm 8 người chết và bị thương hơn 200 người, Breivik, mặc đồng phục cảnh sát tự chế và nhân dạng giả, đi phà đến đảo và nổ súng vào những người tham gia. Có tất cả 77 người bị chết, hầu hết ở lứa tuổi từ 14-17, 18, và hơn 100 người bị thương.

Đây là một vụ tấn công đẫm máu nhất ở Na Uy kể từ sau Thế chiến thứ II.

Na Uy, trước đó vốn được xem là một trong những quốc gia yên bình nhất trên thế giới, đã không hề có sự chuẩn bị nào cho một vụ khủng bố như thế này, và khi nó xảy ra thì hoàn toàn lúng túng. Như báo chí Na Uy sau này cũng chỉ trích, cảnh sát Na Uy lẽ ra có thể ngăn chặn vụ đánh bom và bắt Breivik nhanh hơn tại Utøya, và các biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo và "giảm thiểu mức độ tai hại" nên được thực hiện.

Bộ phim dựa trên sự kiện thật và lời kể của các nhân chứng sống sót nhưng các nhân vật trong phim là hư cấu, và được quay đúng bằng thời gian vụ thảm sát diễn ra: 77 phút. Phim không nhằm khai thác sự khủng khiếp, tàn bạo của sự kiện, kẻ khủng bố cũng không thấy rõ mặt, chỉ là một nhân vật ngoại vi (có lẽ các nhà làm phim không muốn hắn trở thành nổi tiếng?); mà chủ yếu khai thác tâm trạng của những người phải trải qua những giờ phút kinh hoàng, khi chỉ nghe tiếng súng ở chỗ này chỗ khác, mà không biết ai bắn, kẻ bắn đang ờ đâu, bao giờ thì hắn tìm ra họ...Và nhìn thấy người chết, ngay trước mắt mình!

Người xem sẽ thấy ở đây phần nào sự ngây thơ, bất ngờ của Na Uy từ chính phủ, cảnh sát cho tới các nạn nhân khi vụ khủng bố xảy ra. Dù trước đó có những người đã được nghe tin về vụ nổ ở Oslo nhưng họ vẫn nghĩ rằng mình đang ở Utøya, một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới. Khi chuyện xảy ra, mọi người vẫn không hiểu chuyện gì, có người gọi cảnh sát nhưng có người chỉ gọi mẹ, trên thực tế nhiều thanh thiếu niên hôm đó thay vì gọi cảnh sát thì đã gọi cho mẹ mình và một số những người mẹ này đã gọi cho cảnh sát!

Utøya 22. Juli đã nhận được tám đề cử cho giải thưởng Amanda Awards 2018 trong Liên hoan phim quốc tế Na Uy tại Haugesund, và đã giành được giải thưởng Amanda cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Andrea Berntzen) và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Solveig Koløen Birkeland). Bộ phim đã được chọn để tranh giải Gấu Vàng trong phần cạnh tranh chính tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 68.

Đạo diễn Erik Poppe, sinh năm 1960, là một trong những khuôn mặt đạo diễn khá nổi của điện ảnh Na Uy nói riêng và điện ảnh Bắc Âu nói chung. Một số bộ phim được đánh giá cao của ông gồm có Hawaii, Oslo (2004), A Thousand Times Good Night (2013)  The King's Choice (2016)

Có một điều tôi muốn nói thêm về vụ khủng bố kép ngày 22.7.2011 ở Na Uy. Còn nhớ những ngày đó người dân Na Uy rất sốc vì vụ này, nhưng khi tôi hỏi họ có muốn thay đổi luật để tử hình hoặc có hình phạt nặng hơn dành cho kẻ gây ra vụ thảm sát kinh hoàng này và cũng để răn đe những kẻ điên rồ trong tương lai không (vì theo luật Na Uy, hình phạt nặng nhất dành cho tù nhân là 21 năm, tất nhiên với Anders Behring Breivik thì sau 21 năm hắn sẽ phải ngồi tiếp 5 năm, và có thể thêm 5 năm nữa), thì tất cả đều trả lời không. Vì theo họ có tử hình cũng không mang người chết trở lại! Còn những người nhập cư đến từ một số quốc gia, kể cả VN, thì có thể nghĩ khác, vì tù đày 21 năm, thậm chí 21+5 trong điều kiện nhà tù như ở Na Uy vẫn là quá nhẹ nhàng đối với 8+77 mạng người phải ra đi, trong đó hầu hết là thanh thiếu niên, chưa kể hàng trăm người bị thương và bị sang chấn tâm lý! Ngay cả cái cách mà dân Na Uy tiếp nhận sự việc, và ngay cả cách họ nhìn lại sự việc qua bộ phim này như người xem có thể thấy, phải nói là…rất điềm tĩnh, không hận thù.

Tôi cứ tự hỏi nếu đây là một vụ khủng bố do những kẻ Hồi giáo cực đoan gây ra thì cách nhìn sự việc của người dân Na Uy liệu có khác? Hay phải chăng vì ở Na Uy chưa bị những kinh nghiệm đẫm máu do các nhóm Hồi giáo cực đoan gây ra như vụ 11.9 ở Mỹ hay những vụ khủng bố như ở London, Paris, và nhiều nơi khác? Không biết được. Nhưng một thực tế rõ ràng là những năm gần đây, các đảng cánh hữu lại giành được ưu thế ở nhiều quốc gia, và một số nhóm cực đoan bài ngoại cũng như chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy, trong đó có Hoa Kỳ.

Dù sao tôi vẫn thích cách nhìn sự việc điềm tĩnh, không khoét sâu thêm hận thù, chia rẽ trong xã hội như cái cách mà người dân Na Uy thể hiện trong cuộc sống và qua bộ phim này.