You are here

Nhân ngày 8 tháng Ba.

Ảnh của songchi

Song Chi.
Ngày 8.3 lại đến!
Mãi gần đây, đọc trên Nhật báo Ba Sàm mới biết, từ bài gốc International Women’s Day đăng trên trang Scoop, ngày Quốc tế Phụ nữ thật ra chỉ được coi là ngày lễ chính thức ở 15 quốc gia.

 
(International Women's Day is an official holiday in 15 countries (Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, China, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Macedonia, Moldova, Mongolia, Russia, Tajikistan, Ukraine, Uzbekistan and Vietnam). But most countries celebrate the day with thousands of events. According to the official website for International Women's Day, the countries sponsoring the most events for International Women's Day are the United Kingdom, Canada, the United States, Australia and Ireland.) 
 
Còn Việt Nam chắc là học theo các “ông anh” trong khối xã hội chủ nghĩa là Liên Xô trước đây hoặc Trung Quốc. Ở Việt Nam phụ nữ còn có một ngày khác tôn vinh giới mình, là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ 20.10, chưa kể Ngày của Mẹ (Mother’s Day) học theo Mỹ và phương Tây.

Thiếu nữ Việt Nam. Nguồn: girl.vn
Thật ra, so với một số quốc gia ở vùng Trung Đông, châu Phi, hay thậm chí ở châu Á, nhìn chung, cuộc sống của phụ nữ Việt Nam không đến nỗi nào. Việt Nam không phải là một quốc gia có tình trạng phân biệt nam nữ nặng nề. Phụ nữ Việt Nam vẫn được hưởng những quyền lợi ngang bằng với nam giới trong công việc, chức vụ, vẫn có thể leo lên những vị trí cao trong chính trị, kinh doanh hay nghệ thuật, nếu có khả năng. Mỗi gia đình Việt Nam có thể sinh hai con nên không nhất thiết cứ siêu âm thấy con gái là phá thai như ở Trung Quốc, hay ở Ấn Độ, trong các gia đình nghèo, ít học, vùng nông thôn, cha mẹ không mong muốn sinh con gái vì nạn hồi môn. Ở Việt Nam tình trạng “hôn nhân sắp xếp” hay hôn nhân cưỡng bức cũng rất ít.
Tất nhiên, những chuyện vợ bị bạo hành, bị cư xử theo kiểu “chồng chúa vợ tôi” vẫn diễn ra, do người chồng và cả người vợ đều thiếu hiểu biết, và thường xảy ra ở nông thôn hoặc trong những gia đình ít học, chứ ở thành thị và trong các gia đình công nhân viên chức, trí thức, chuyện vợ chồng cùng chia xẻ mọi việc trong nhà là khá phổ biến.
Song, trong xã hội Việt Nam hiện nay lại có những hiện tượng đau lòng khác. Như chuyện con gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc hơi nhiều, nhưng lại không phải xuất phát từ tình yêu mà qua con đường môi giới hôn nhân, với những cá nhân và cả những tổ chức chuyên nghiệp về “nghề mối lái” này. Con gái ở các tỉnh, nông thôn miền Tây thì thường lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. “Theo thống kê, tính đến cuối 2010, tại Hàn Quốc có gần 40.000 cô dâu Việt, xếp đầu danh sách các cô gái nước ngoài đến làm dâu tại Hàn Quốc." (bài “Đời sống cô dâu Việt ở xứ Hàn: Hội nhập một chiều”, RFI ngày 16.2) và “Một bản báo cáo cho hay 8.027 nông dân và ngư dân đã lấy vợ trong năm 2005, 2.885 tức 35,9% trong số họ lấy vợ ngoại quốc với hơn một nửa (1.535) là người Việt Nam. Điều gì đã thuyết phục được quá nhiều phụ nữ Việt Nam đều theo con đường lấy chồng Hàn Quốc này ? GS Kim Hyun-jae của trường đại học Youngsan University là tác giả của luận văn nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này. …Kim nhấn mạnh rằng hầu hết những người phụ nữ Việt Nam lấy đàn ông Hàn Quốc đều đến từ những làng quê của vùng Châu thổ sông Mekong miền nam Việt Nam. Năm 2005, Sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội ở miền Bắc đã cấp 720 thị thực cho những trường hợp hôn nhân. Số thị thực hôn nhân được cấp bởi tòa lãnh sự tại thành phố Hồ Chí Minh ở phía nam nhiều gấp năm lần, là 3.853. …Kể từ năm 2000, hầu hết phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài là những đàn ông Đài Loan – khoảng 13.863 riêng năm 2000. “(Bài “Tại sao phụ nữ VN lại muốn lấy chồng là nông dân Hàn Quốc?” đăng trên trang basam.info ngày 27.3). Trong khi đó, phụ nữ nông thôn miền Bắc những vùng sát biên giới với Trung Quốc thì lại lấy chồng Trung Quốc. Và thường cũng là những ông chồng nông dân nghèo, không có tiền để lấy được vợ bản xứ.
Dư luận đã từng bức xúc chuyện ở Đài Loan hay Trung Quốc có những bài báo, những mục quảng cáo rầm rộ về việc chỉ cần một ít tiền là có thể lấy được những cô gái Việt Nam vừa trẻ vừa xinh đẹp vừa ngoan ngoãn, dễ bảo! Hoặc cảnh hàng trăm cô gái tuổi 18, 20 xếp hàng cho mấy ông chồng Hàn Quốc xem mặt như mua một món hàng, những cuộc hôn nhân khập khiễng, chênh lệch đến đau lòng.
Đó là những cô gái nghèo, ít chữ, không có nghề nghiệp ổn định, gia đình ở nông thôn. Lấy chồng nước ngoài qua môi giới chỉ là một cách để kiếm được ít tiền, giúp đỡ gia đình và hy vọng thoát khỏi cảnh đời nghèo khó. Nhưng thường bi kịch thì nhiều mà may mắn tìm được hạnh phúc thì rất hiếm hoi. Còn ngay trong nhiều cô gái có học hơn, có nhan sắc, ở các thành phố lớn cũng có tâm lý chuộng chồng ngoại, nhưng là từ các nước phương Tây hoặc Mỹ. Ở đây không hẳn đã là vì vấn đề kinh tế mà tâm lý muốn sống ở một quốc gia khác có đời sống cao hơn, một phần còn vì đàn ông phương Tây khéo chiều phụ nữ hơn…
Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài đã trở thành chuyện bình thường, không còn bị dư luận xã hội lên án khắc khe như ngày xưa. Đời sống kinh tế khó khăn cũng đẩy nhiều người phụ nữ đi theo con đường “lao động xuất khẩu” như cánh mày râu. Tôi đã từng gặp nhiều người phụ nữ như vậy ở các nước Đông Âu như Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc…Những người phụ nữ bôn ba làm đủ mọi công việc ở xứ người, có khi bị bắt vào tù vì tội nhập cư không giấy tờ, tội buôn thuốc lá lậu…Những người phụ nữ gánh cả gánh nặng gia đình ở nhà, làm việc vất vả trong khi có nhiều ông chồng ở nhà chỉ ăn rồi đi nhậu, chờ tiền vợ gửi về nuôi, lại còn lấy tiền của vợ bao gái. Có nhiều người sau bao nhiêu năm vất vả, hy sinh trở về thì mất cả chồng cả con cả tiền bạc, mất trắng. Và rất nhiều bi kịch khác nữa.
Gần đây qua báo chí mới thấy nhiều phụ nữ lại có thêm nghề mới: đẻ thuê. Lại thêm những tủi cực, cay đắng, những bi kịch mới!
Từ xưa đến nay, người phụ nữ Việt Nam vẫn được tiếng là chịu thương chịu khó, đảm đang, hy sinh vì chồng vì con hết mực. Đàn ông nước ngoài thích phụ nữ châu Á trong đó có Việt Nam là vậy. Dịu dàng và mạnh mẽ. Nhiều người nước ngoài mà tôi biết, sau khi đến Việt Nam, quan sát đời sống ở Việt Nam một thời gian đều khen phụ nữ Việt Nam “giỏi hơn, hay hơn đàn ông Việt Nam” (mong là mấy ông không mất lòng vì điều này!). Trong phần lớn gia đình VN, phụ nữ là nội tướng, tay hòm chìa khóa. Là chỗ dựa tinh thần cho chồng con. Thậm chí có nhiều người còn đề nghị phải đổi lại, gọi mấy bà là “phái mạnh” vì quả thật, về tinh thần, nhiều bà đã tỏ ra mạnh mẽ hơn các ông nhiều khi có hoạn nạn, tai ương hay khó khăn ập đến trong đời sống.
Nhưng rồi trong một xã hội mà đạo đức bị băng hoại, xuống cấp như ở Việt Nam hiện nay, nhiều hiện tượng đáng buồn về hình ảnh người con gái/phụ nữ Việt Nam cũng đã diễn ra. Nạn nạo phá thai, chẳng hạn. “Thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam thì hiện chúng ta vẫn đang là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ nạo phá thai (32%) và hiện là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Đáng báo động hơn, hơn 20% trong số đó nằm ở lứa tuổi vị thành niên. Cá biệt có những "trẻ" mới 12 tuổi đã phải "lấm lét" bế bụng vào viện.” (“Thứ hạng buồn "top đầu thế giới" về... phá thai”, báo Đời sống và Pháp luật ngày 3.3). Hiện tượng chửi thề, nói bậy đã thành thói quen, ngay cả trong những cô gái xinh như hoa, ở ngay thủ đô Hà Nội. Hiện tượng sinh hoạt tình dục xong quay thành clip rồi cố ý hoặc vô tình bị phát tán trên mạng. Rồi nữ sinh đánh nhau, cũng quay thành clip tung lên mạng-riêng cái này thì chắc chắn không phải nước nào cũng có! Những tội phạm mang khuôn mặt phụ nữ cũng ngày càng nhiều, với đủ loại tội ác khác nhau, từ bảo mẫu hành hạ trẻ em, cô giáo hành hạ học sinh cho đến mẹ ném con xuống giếng, bán con vào chỗ chứa, cô gái cắt cổ người tình cũ hay người vợ phóng lửa đốt chồng…
Chưa cần nói đến những hành vi độc ác hay phạm tội, có một thực tế phải thừa nhận là người Việt Nam nói chung và người phụ nữ Việt Nam ngày nay nói riêng, hầu hết sống thực tế, thực dụng hơn ngày xưa. Khi một xã hội coi trọng vật chất, hình thức bên ngoài, từ cái xe hơi đời mới, cái nhà lầu…đến mảnh bằng, cái "ghế"…hơn là những giá trị thật: phẩm chất, năng lực thật sự của một cá nhân, thì con người cũng không tránh khỏi chạy theo cái vòng quay đó.
Nhân ngày 8.3 lại nghĩ ngợi lan man, làm sao để cả năm là ngày quốc tế phụ nữ chứ không chỉ một ngày chị em được tôn vinh. Làm sao đời sống khá hơn để phụ nữ thôi bôn ba xứ người, thậm chí đi “cho thuê tử cung”. Đàn ông tử tế với vợ hơn nữa để đàn bà Việt Nam thôi nghĩ đến chuyện lấy chồng Tây. Và các quan chức, những người đang nắm quyền lãnh đạo cái đất nước khốn khổ này đã đến lúc phải thật sự nghĩ đến việc xây dựng lại từ đầu những giá trị bền vững, nhân văn cho xã hội bởi cái xã hội Việt Nam đã nát bét quá rồi!
*Đây là trang Blog cá nhân của Song Chi. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA