You are here

Bạo lực, và sự xuống cấp về đạo đức trong hai môi trường giáo dục, y tế-P.2.

Ảnh của songchi

Song Chi.

Nguyên nhân tại sao?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tha hóa về đạo đức, bạo lực hóa trong môi trường giáo dục, y tế. Thứ nhất, sự xuống cấp về mặt đạo đức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, môi trường…và ngành giáo, ngành y cũng không là ngoại lệ. Trong một xã hội mà cái đẹp, cái thiện, sự tử tế ngày một hiếm hoi còn cái xấu, cái ác, sự không tử tế ngày càng tràn lan như cỏ dại, như căn bệnh ung thư đã đến giai đoạn cuối, thì làm sao có thể hy vọng môi trường giáo dục hay y tế có thể toàn những điều tốt đẹp, nhân văn?

Xã hội VN bây giờ là một xã hội không có một triết lý sống đẹp, ngược lại, đa số chỉ chạy theo đồng tiền, chạy theo những cái danh hão, những thứ bên ngoài, vơ vét, chụp giựt về mình những gì có thể, mặc kệ người khác, từ quan đến dân. Các thầy cô giáo, y bác sĩ cũng bị cuốn vào việc kiếm tiền, dạy thêm, khám ngoài giờ, mở phòng mạch tư…, bị cuốn vào việc phải chạy ghế, kiếm thêm bằng cấp, chức danh Giáo Sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ…Những câu chuyện kiểu như Đắk Lắk “Bắt hiệu trưởng nhận 300 triệu đồng 'chạy việc' (Tiền Phong), “Giáo viên bỏ hàng trăm triệu “chạy” việc: Giáo dục sẽ về đâu?”, Lao Động; “Hàng loạt cử nhân bỏ 300 triệu 'chạy' suất làm ở bệnh viện”, VietnamNet; “Quá nản với bác sĩ “chạy chọt”, Người Lao Động…đã trở thành “chuyện bình thường”.

Chưa kể, một số vụ nghiêm trọng hơn về đạo đức như giáo viên lừa đảo “Giảng viên đại học lừa tiền hơn 100 sinh viên”, Tuổi Trẻ; giáo viên, Hiệu trưởng, cán bộ ngành y bị tố xài bằng giả, đạo văn, ngay cả ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng bị tố “tự đạo văn”, trích dẫn “khống”, “giả khoa học”…(“GS ở Pháp: Bộ trưởng Nhạ ‘tự đạo văn, không xứng đáng với chức vụ nào’, VOA)…

Chính vì môi trường giáo dục, y tế đã trở thành “lem nhem”, vấy bẩn như thế nên cái nhìn của xã hội dành cho người thầy giáo, thầy thuốc không còn sự kính trọng tuyệt đối như ngày xưa. Trước năm 1975, ở miền Nam, học trò đi học có hay bị thầy mắng, bị thầy bắt quỳ, vụt thước kẻ lên tay…không? Có. Nhưng tại sao hồi đó học sinh không phản ứng và cha mẹ cũng không phản ứng? Ngược lại, khi một bậc phụ huynh nào đó nghe thầy cô phàn nàn về thái độ học tập, hạnh kiểm của con em, thậm chí nghe con bị thầy phạt, thầy quất cho mấy thước kẻ, lại còn cảm ơn thầy, “trăm sự nhờ thầy dạy dỗ”. Đó là vì môi trường giáo dục hồi đó thực sự đàng hoàng, người thầy hầu hết không chỉ có trình độ chuyện môn mà còn có tư cách, đạo đức cùa một người thầy, phụ huynh biết thầy cô phạt, đánh con em mình vì muốn giáo dục con trẻ nên người. Tất nhiên, thời buổi bây giờ không ai chấp nhận chuyện phạt hay đánh học sinh dù với lý do nào, chỉ là để nói tại sao hồi đó học sinh bị phạt, đánh mà bản thân và cha mẹ lại phản ứng khác.

Còn bây giờ, nhiều bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ, thầy cô giáo đánh phạt học sinh một cách vô lý, như trút tất cả những nỗi bức bối về cuộc sống và chuyện cá nhân lên trẻ, có những trường hợp đánh nặng tay đến mức gây tử vong như đã nói. Phụ huynh thì không còn tôn trọng thầy cô như xưa, dẫn đến chuyện lao vào hành hung, làm nhục thầy cô. Tương tự như vậy với ngành Y.

Thêm vào đó, cả xã hội VN bây giờ là một xã hội mà con người không thực sự tôn trọng luật pháp (bởi vì chính cái nền luật pháp ấy có quá nhiều bất công, vô lý), hiện tượng người ta đua nhau “tự làm luật” diễn ra ở nhiều môi trường, lĩnh vực…Chẳng hạn, tài xế bị đám cảnh sát giao thông “làm luật” tức là bắt chi tiền, hoặc phải nộp thuế phí quá nhiều, quá vô lý cho nhiều trạm BOT nên nổi sùng, “tự làm luật” lại với công an giao thông bằng cách tông thẳng vào công an, kéo viên công an đang đu bám trên xe mà chạy một quãng dài bất chấp sự nguy hiểm cho tính mạng của viên công an này; hoặc nghĩ ra những cách trả tiền lẻ tại trạm thu phí khiến thời gian kéo dài, gây ùn tắc, trạm thu buộc phải xả cừa cho xe chạy qua…Một số phụ huynh, người nhà bệnh nhân, do nóng nảy, thiếu hiểu biết, do có chức, có vai vế trong xã hội nên quen thói hiếp đáp người khác hoặc do thực sự bức bối trước việc thầy cô đánh con em mình, hoặc người nhà bị chết tại bệnh viên với những lý do không rõ ràng…đã cho phép mình “tự làm luật” là đến trường hành hung thầy cô, hoặc đập phá bệnh viện, hành hung y bác sĩ…

Cuối cùng, nguyên nhân quan trọng nhất, ở VN con người không thực sự được trân trọng, quyền con người cũng chưa được tôn trọng, và đa số người dân cũng không hiểu quyền con người là như thế nào. Chính vì không hiểu biết, không tôn trọng con người, quyền con người nên một số thầy cô mới xúc phạm, chửi mắng, đánh đập học sinh, phụ huynh hành hung thầy cô, y bác sĩ không tôn trọng, không hết lòng với bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà lại bức bối hành hung y bác sĩ…

Chỉ khi nào trong một xã hội mà giá trị, phẩm chất của con người và quyền con người được tôn trọng, luật pháp được tôn trọng thì đạo đức xã hội mới không bị băng hoại. Ngược lại, trong một xã hội mà ngay cả hai ngành như ngành giáo, ngành y cũng bị bạo lực hóa, bị tha hóa về đạo đức thì nền tảng đạo đức của xã hội ấy đã thực sự lung lay đến tận gốc rễ!