You are here

Thấy gì qua các lễ hội ở VN?

Ảnh của songchi

Song Chi.
Theo báo Thể thao&văn hóa trong bài phỏng vấn TS Bùi Quang Thắng, chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, số ra ngày 8.2.2011, VN có “gần 8.000 lễ hội đang tồn tại trên toàn quốc,” còn theo thống kê lâu nay của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hàng năm Việt Nam có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước. Lễ hội ở VN thật đa dạng và phong phú, có lễ hội cấp điạ phương, có lễ hội cấp quốc gia, có lễ hội của người Kinh ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam, rồi mỗi dân tộc thiểu số lại có những lễ hội riêng, các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau có lễ hội riêng…

Gần đây, cùng với các chủ trương mở cửa tự do tín ngưỡng cho nhân dân, bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc của nhà nước VN, nhiều lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được khôi phục. Việc tổ chức lễ hội và đi dự lễ hội càng trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết. Chỉ riêng trong tháng Giêng, đã có hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức ở khắp nơi. Nào lễ hội Gióng đền Sóc (xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội), lễ Tịch điền (núi Đọi, huyện Duy Tiên, Hà Nam), lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), hội Lim (đồi Lim, thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh), lễ đền bà chúa Kho (làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh), hội chợ Viềng (xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định), lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), lễ hội Nguyên tiêu…..
Sự phát triển của các lễ hội ở VN có những mặt tích cực mà nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã chỉ ra như khuyến khích người dân trở về với cội nguồn, gắn bó với cộng đồng, cân bằng giữa đời sống tâm linh và vật chất, bảo tồn văn hóa Việt v.v…
Nhưng mặt khác, những yếu tố tiêu cực, phản cảm, phản văn hóa, thiếu văn minh…cũng xuất hiện tràn lan. Từ nhiều năm nay, báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều nhưng chẳng có gì thay đổi mà tình hình càng năm càng có vẻ tệ hơn. Chỉ cần lướt qua một loạt các tựa báo viết về lễ hội từ đầu năm đến nay là thấy: trang Tuần Việt Nam: “Hội Gióng: Nếu Thánh có mắt”, “Thảm hại lễ hội và giấc mộng Tâm hương’; báo Lao Động: “Lễ hội chùa Bái Đính: Hội không khác… chợ “, “Lễ hội đầu năm, méo mặt vì nạn móc túi” , “Cờ bạc, cá độ tung hoành tại lễ hội Triều Khúc”…; báo Tuổi Trẻ: “Lễ hội: văn hóa hay cuồng tín?” ; báo SGTT:“Lễ hội đầu năm: có còn là văn hóa?”, “Nên hay không nên cấm lễ khai ấn đền Trần?”…và sự lên tiếng của các nhà chuyên môn như nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Vương Trí Nhàn “Tự hiểu mình hơn qua lễ hội”, nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân “Khi mê tín được gắn dấu quốc gia”, nhà văn, nhà phê bình văn học, triết học Nguyễn Hoàng Đức “Trình độ tâm linh của người Việt qua lễ hội”, nhà văn Võ Thị Hảo “Than cho Thánh bị bần cùng hóa”…
Chúng ta thấy gì qua việc tổ chức các lễ hội và tham gia lễ hội này ở VN?
Về phía các cơ quan/địa phương tổ chức lễ hội, hầu hết đã thể hiện một ý thức và trình độ tổ chức và quản lý rất kém, tính chất kinh doanh vụ lợi rất rõ, cho nên phần hội hè vui chơi mê tín bát nháo thì nhiều mà phần văn hóa, tâm linh thì nhạt nhòa.

Thịt thú rừng được bày bán công khai tại bến đò Thiên Trù ở chùa Hương. Ảnh: Tuệ Minh, vnexpress.net

 
Hàng quán và rác xả khắp nơi tại chùa Hương. Ảnh: vnexpress.net
Hầu hết lễ hội ở VN có tính chất mê tín rất nặng, một thứ tín ngưỡng “đa thần giáo”, bái vật giáo…thánh nào cũng thờ, vật gì cũng lạy. Hoang phí vô số tiền. Bên cạnh đó là sự thực dụng, lễ hội nào cũng thấy ăn uống tràn lan. Chưa kể một số lễ hội rất bạo lực như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), lễ hội đâm trâu của các dân tộc ở Tây Nguyên…
Còn về phía người dân tham dự? Phải nói là sự hiểu biết, thói văn minh, “trình độ tâm linh” (chữ của tác giả Nguyễn Hoàng Đức) của người Việt nói chung còn quá kém. Lễ hội nào cũng vậy, cũng có những cảnh lợi dụng để “chặt chém”, “móc túi” người đi dự từ giữ xe, hàng quán cho đến các dịch vụ trời ơi như cho thuê ghế để ngồi, viết sớ giải hạn thuê…; cảnh quán xá ăn uống ngổn ngang, thịt thú rừng đẫm máu bày bán nhan nhản như ở lễ hội chùa Hương; cảnh cờ bạc trá hình qua những trò chơi quay vòng, bầu cua cá cọp, bày cờ thế…, rồi xin săm, coi bói, sách tử vi bói toán bày bán công khai; nạn móc túi, xin ăn, chèo kéo mua thứ này thứ kia; sau lễ hội thì rác thải tràn ngập khắp nơi…

Hàng ngàn người chen lấn xô đẩy hòng vượt rào xông vào xin ấn đền Trần (TP.Nam Định) tối 16.2. Ảnh: tuoitre.vn

Hàng trăm người đốt giấy bạc, khấn vái bên gốc cây da ba gốc tại núi Chứa Chan. Ảnh:Lộc Khê, nld.com.vn
Người đi lễ ngày nay phần nhiều mang tâm thế đi cầu may cầu lợi, họ sẵn sàng biện cả mâm lễ “hoành tráng”, “hối lộ” tiền giả lẫn tiền thật cho thánh thần để thánh thần phù hộ…Nhất là những lễ hội như lễ phát lộc ấn tại đền Trần (phường Lộc Vượng, TP.Nam Định) ngày 16.2 mà báo chí phản ánh vừa qua. Hàng vạn con người chen lấn nhau, dẫm đạp lên nhau, hàng chục người ngất xỉu… chỉ cốt tranh giành lộc ấn với một khao khát là được thăng quan tiến chức, phát tài, phát lộc. Không có gì lạ khi các quan chức đi dự lễ hội này rất đông!
Tình trạng này phản ánh những nét tâm lý phổ biến của xã hội. Thói mê tín, thực dụng, ham hố danh lợi, tâm lý bầy đàn-thấy người ta làm cái gì thì cũng đua nhau làm theo. Cả một xã hội chạy theo danh lợi, coi trọng vật chất, chỉ nhăm nhăm cầu mong được thăng quan tiến chức, buôn may bán đắt, “tiền vô như nước mà tiền ra thì nhỏ giọt”. Một xã hội ứng xử với nhau, với thiên nhiên, thú rừng và cả với thánh thần tổ tiên theo cái cách rất thực dụng và vô cảm. Không ai nhường ai cũng chẳng ai nghĩ cho ai, chen lấn giành được cái gì là giành, “chặt chém” được đồng nào là “chặt chém” vô tội vạ…Thú rừng thì từ hươu nai sóc cho đến con dúi, con rùa…con gì ăn được là giết làm thịt, như tại hội chùa Hương hay hội xuân Yên Tử.
Không chỉ khát khao danh lợi, thói mê tín còn thể hiện sự bất an từ bên trong của con người. Và sự bất ổn, bất trắc của cái xã hội mà người ta đang sống. Bởi nếu cái xã hội đó công bằng, luật pháp minh bạch, đời sống ổn định, bình yên thì có lẽ con người ta không đến nỗi lo lắng sợ hãi loay hoay nhiều đến thế, không đến nỗi phải đi cầu xin may rủi, cầu sự phù hộ của thánh thần như vậy. Chính vì cái xã hội không công bằng, bất hợp lý, người giỏi chưa chắc đã được trọng dụng, kẻ bất tài nhưng là con em quan chức hoặc biết cách tiến thân thì lại lên nhanh, cái xã hội mà nạn hối lộ, mua quan bán chức, mua bằng mua ghế đầy rẫy…nên có gì lạ khi người ta cũng hối lộ thánh thần để xin được phát tài phát lộc?
Đồng thời nó cũng thể hiện sự khủng hoảng niềm tin trong xã hội. Không còn biết tin vào đâu, bấu víu vào đâu, không tỉnh táo lý giải được được những vấn đề của xã hội, không giải quyết được bao nhiêu bức xúc của bản thân trong đời sống thường ngày, người ta chỉ còn biết cách cầu xin với tổ tiên, thánh thần! Ông bà ta ngày xưa thường nói, khi nào xã hội rối loạn, đạo đức văn hóa xuống cấp, con người bị khủng hoảng niềm tin và các giá trị sống, lúc đó những thói mê tín dị đoan lại nổi lên mạnh mẽ.
Có một thời những người cộng sản kịch liệt lên án mọi biểu hiện mê tín, các loại tín ngưỡng, các tôn giáo. Bây giờ thì chính họ, những ông quan là những kẻ mê tín hơn ai hết. Tại nhiều lễ hội, người ta thấy những chiếc xe hơi mang biển số xe công tràn ngập. Các bà vợ quan chức là thành phần siêng đi chùa đi lễ nhất, chỗ nào có cúng bái là đi, sắm sửa lễ vật thật lớn. Để cầu cho đường quan lộc của chồng được hanh thông, đường danh vọng của các quý tử được suông sẻ…các bà không tiếc thứ gì. Càng giàu có, càng quyền cao chức trọng thì càng mê tín nhiều. Bởi vì cái chức quan ấy trong xã hội này đa phần không do tài thực mà có, và cũng dễ dàng ra đi nếu những người nâng đỡ cho mình hoặc phe cánh của mình bị “rớt đài”, chính vì vậy mà trong lòng không yên, càng phải đi cầu đến thánh thần.

 
Những chiếc xe công đi lễ chùa. Ảnh: dantri.com.vn
Không chỉ mê tín cho bản thân và gia đình mình, các quan thời nay còn cổ xúy cả xã hội mê tín. Nào phục dựng lại các lễ hội, nào chính các quan có mặt tại các lễ hội khác nhau để cắt băng khánh thành, tham gia…trong lễ hội khai ấn đền Trần thì chính các quan nghĩ ra chuyện in ấn, phát ấn…Nói về lễ hội đền Trần, TS Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám đốc Thư viện-Viện nghiên cứu Hán Nôm từng bức xúc bày tỏ: "Đáng lẽ lễ hội là một dịp để tuyên truyền cho Hào khí Đông A, tinh thần vì dân vì nước thì thực chất lại "cổ vũ" cho thói mua quan bán chức, lộc lá, đưa nhân dân vào chỗ mê lầm, sai lạc". 
Thế thì còn trách dân thế nào được?
Có gì đâu, các quan đang cổ xúy dân sa đà vào lễ hội, ăn chơi để quên đi những vấn đề nghiêm trọng của đất nước. Quên đi nền kinh tế VN sau một thời gian tăng trưởng đã bộc lộ rõ những dấu hiệu bất ổn, khủng hoảng: mới đầu năm mà tình hình kinh tế đã quá rối ren-đồng tiền bị phá giá thảm hại, vật giá leo thang, xăng dầu điện đều tăng, lãi xuất ngân hàng tăng, dự trữ ngoại tệ quốc gia chỉ còn có hơn10 tỷ đô la Mỹ...; quên đi những bất công ngang trái trong xã hội, sự điều hành quản lý kinh tế kém cỏi và những khiếm khuyết nặng nề của một thể chế độc tài đảng trị; quên luôn cái vòi bạch tuộc của nước lạ đang ngày càng siết chặt chung quanh lãnh thổ VN từ ngoài khơi cho đến trên đất liền…
Người dân cứ việc ăn chơi, lễ hội, cúng bái, hoang phí tiền bạc…miễn đừng quan tâm đến chuyện chính trị là được!

Bài bình luận

Người dân cứ việc ăn chơi, lễ hội, cúng bái, hoang phí tiền bạc…miễn đừng quan tâm đến chuyện chính trị là được!

Đất nước ta vốn đã nghèo, do đất hẹp, nguời đông, sẽ NGHÈO hơn vì quá nhiều Lễ Hội. Có bày đặt ra nhiều Lễ Hội thì dân sẽ quên đi hiện tại cuộc sống khổ nhục, Cán bộ, đảng viên có dịp chè chén, chấm mút làm giàu thêm ! Phải không?

Thất vọng

những ng hiểu thì chua xót còn ng ko hiểu thì vẫn tiếp tục với những lễ hội suốt năm.......để quên đi, để có một cái ji đó để bấu víu trong một XH rối ren như bây giờ