You are here

Nhìn lại năm 2017-những dấu hiệu lạc quan. (P.2)

Ảnh của songchi

3. “Thành tích” chà đạp nhân quyền của nhà cầm quyền trong năm 2017 cũng tăng thêm một bước.

Với con số trên dưới 30 người bị bắt và khép vào các tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự và tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 BLHS. Đây là con số cao hơn hẳn so với các năm trước, và những bản án cũng nặng nề, nghiêm khắc hơn.

Chẳng hạn, bản án 7 năm tù, 3 năm quản chế, về tội “tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa” dành cho phóng viên tự do, blogger Nguyễn Văn Hóa chỉ vì dám quay phim, chụp hình và viết bài về thảm họa môi trường Formosa và lũ lụt miền Trung; blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một người mẹ đơn thân có hai con nhỏ, bị bắt từ năm 2016 nhưng năm 2017 mới đem ra xử sơ thẩm và phúc thẩm, cả hai lần đều bị kết án 10 năm tù giam với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88; hay nhà hoạt động Trần Thị Nga, một người mẹ cũng có hai con nhỏ khác, cũng bị kết án 9 năm tù về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Nhưng điều đáng nói là không ai sợ hãi, không ai nhận tội cả, trước tòa họ bình thản ung dung dù khi bị bắt hay đơn độc giữa phiên tòa. Người đi vào tù, trong lúc người khác hết hạn trở về, như blogger Nguyễn Ngọc Già, người khác thì lại chuẩn bị tâm thế có ngày đến lượt mình, không ai tỏ ra sợ hãi, khuất phục. Những bản án không đe dọa được họ.

4. Bộ mặt phản dân hại nước của nhà cầm quyền ngày càng lộ rõ. Và nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền cũng ngày càng lớn.

Nếu có ai đó đặt câu hỏi với những lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN rằng điều gì làm cho họ sợ hãi nhất? Chưa chắc họ đã dám thú nhận công khai, nhưng câu trả lời thực sự của họ sẽ là: sợ chế độ này bị sụp đổ, sợ mất chế độ. Đó là nỗi sợ lớn nhất, trải qua bao nhiêu đời lãnh đạo, quan chức VN cho tới ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và dàn lãnh đạo hiện nay.

Nguyễn Phú Trọng và dàn lãnh đạo hiện nay tối ngày nói đến nguy cơ tự “diễn biến hòa bình” trong xã hội, rồi nào “giặc nội xâm”, “Tham nhũng, lãng phí đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”, rồi nào “nguy cơ “khô Đoàn, nhạt Đảng, ra rời chính trị” trong thanh niên v.v…Nghĩa là chỉ chăm chăm nghĩ đến sự tồn vong của chế độ.

So sánh hai câu nói của cố tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống của một chế độ bị gọi là “tay sai bán nước”: “Đất nước còn, còn tất cả, đất nước mất, mất tất cả” và tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng “mất Đảng, mất chế độ là mất tất cả.”

Đám lãnh đạo đảng cộng sản chỉ lo mất đảng, mất chế độ. Bởi vì đúng là với họ, mất đảng, mất chế độ là mất cái quyền được đè đầu cưỡi cổ nhân dân, được đứng trên cả luật pháp, muốn làm gì thì làm, mất bao nhiêu bổng lộc ăn đến đời con đời cháu không hết. Nỗi nguy mất nước, đất nước bị tụt hậu cách nước khác hàng chục, hàng trăm năm hay nỗi lo nhân dân bị đói khổ, bần cùng, chưa bao giờ là mối bận tâm của họ. Họ sẵn sàng quỵ lụy, bạc nhược trước Trung Cộng, thậm chí bây giờ nếu có phải giao cả nước này cho Tàu mà được Tàu “bảo kê” để tiếp tục tồn tại thì họ cũng làm.

Nhưng dù đã kiểm soát tư tưởng cho tới từng hành động của người dân bằng một chế độ cực kỳ hà khắc, đảng và nhà nước cộng sản vẫn không an tâm, vẫn lo sợ. Sự thật, thông tin đa chiều là nỗi ám ảnh của họ. Và internet là kẻ thù của họ.

Trong năm qua nhà nước VN đã đánh tiếng tìm cách gây khó dễ cho Google, Facebook, Youtube, Twitter, Viber… Một dự thảo về Luật An ninh mạng vô cùng phản động của VN được đưa ra vào tháng 11, mà theo dư luận là rất giống với Luật An ninh mạng của Trung Quốc, nếu được thông qua, sẽ là một bước lùi rất lớn của nhà cầm quyền về mặt nhân quyền, không chỉ tước đoạt quyền tự do ngôn luận của nhân dân, ngăn cản người Việt giao tiếp, học hỏi với thế giới, đồng thời tạo điều kiện cho các tập đoàn truyền thông của Trung Cộng như Baidu, Weido, Alibaba…nhảy vào thế chỗ, mở ra những cuộc xâm lăng mới về mặt văn hóa, truyền thông lẫn an ninh quốc gia. Đó thực sự là một sự thiệt thòi và là một nguy cơ lớn cho đất nước, dân tộc, xuất phát từ sự sợ hãi mất đảng, mất chế độ của nhà cầm quyền.

Mới đây, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 đã đưa ra thông tin “Quân đội có lực lượng 10.000 người tác chiến trên mạng” (Pháp Luật TP.HCM), “Hơn 10.000 người trong 'Lực lượng 47' đấu tranh trên mạng” (Tuổi Trẻ)

Việc VN bắt chước Trung Cộng, sử dụng đội ngũ Dư Luận Viên tối ngày theo dõi, ngăn chặn, đánh phá lại mọi luồng thông tin đa chiều, sự thật trên mạng là điều ai cũng biết. Nhưng con số đưa ra làm nhiều người bất ngờ!

Không ai khảo mà khai, hóa ra quân đội VN có tới 10000 người tác chiến trên mạng kia đấy. Mà tác chiến trên mạng nói cho chính xác là đánh ai, đánh lại chính những người VN đang sử dụng internet để chia sẻ thông tin đa chiều, chia sẻ những sự thật về hiện tình đất nước, góp phần khai mở dân trí cho người khác, có nghĩa là đánh lại dân. Mà tiền đâu để nuôi đội ngũ 10000 người này, thì cũng từ tiền thuế của dân chứ ở đâu ra. Lấy tiền thuế của dân để “tác chiến” chống lại dân. Còn kẻ thù thật sự đang ngày đêm ngang nhiên hoành hành trên biển Đông, rượt đuổi đánh chìm tàu ngư dân VN, đang ngày đêm ra sức xây đắp các căn cứ quân sự trên đảo, ngoài khơi để phong tỏa con đường tiến ra biển của VN, còn trên bờ thì lũng đoạn chính trị, lũng đoạn kinh tế, dủng đủ mọi âm mưu để kìm hãm, khống chế VN, làm cho VN ngày càng phụ thuộc, lụn bại, và tiến dần đến con đường mất nước không còn xa. Với kẻ thù như vậy thì quân đội anh hùng ở đâu không hề thấy, chỉ tối ngày lo đấu với dân theo đúng chủ trương thà mất nước chứ không mất đảng, mất chế độ?

Trích: “ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhận định cuộc đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề khó khăn phức tạp không chỉ riêng ở Việt Nam.

“Người ta đặt câu hỏi là một lực lượng làm công tác tuyên giáo hùng hậu như này, chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng ta lại chịu thua trên mặt trận này? Đây thực sự là một thách thức” - ông Vượng nói.”

800 tờ báo, 10000 “dư luận viên” chứ hơn nữa thì cũng thua, đơn giản ông Vượng có biết tại sao không? Vì con đường các ông sai, mô hình thể chế chính trị của các ông sai, tính chính danh của các ông không có, lý tưởng không còn, lý luận (Mác Lê) thì đã bị bị gãy đổ từ lâu, chế độ của các ông tồn tại dựa trên sự dối trá, đàn áp và bạo lực thì làm sao mà các ông thắng nổi nhân dân và thắng nổi tương lai?

Sự thật từ người dân bình thường cho tới  các nhà hoạt động dân sự, bất đồng chính kiến ngày càng tỏ ra không sợ hãi trong lúc nhà cầm quyền có đủ mọi thứ trong tay nhưng vẫn không yên, vẫn lo sợ mất đảng, mất chế độ, là thêm một chỉ dấu tích cực cho năm 2017, trong cái nhìn của người viết bài này.