You are here

Tương lai Ai Cập?

Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-02-16
Sau 18 ngày biểu tình, người dân Ai Cập túa ra đường ăn mừng chiến thắng khi nguyện vọng của họ bước đầu đã được đáp ứng.

AFP photo
Người dân Ai Cập vui mừng sau khi Tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho quân đội hôm 11.02.2011.
Tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức và trao quyền lại cho Hội đồng Quân đội Tối cao. Tuy nhiên, giới quan sát có vẻ rất thận trọng khi nói về tình hình nơi đây và cho rằng hãy còn quá sớm để có thể nói đến tương lai của Ai Cập, bao gồm cả các chính sách với Hoa Kỳ và hòa bình Trung Đông.
Đó cũng là ý của Tiến Sĩ Stanley Kober, nhà nghiên cứu về Chính sách Đối ngoại tại viện nghiên cứu chính sách Cato, Hoa Kỳ.  Sau đây là một số nội dung chính của buổi phỏng vấn mà ông Stanley dành cho Quỳnh Chi.
Chiến thắng của nền dân chủ
Quỳnh Chi:  Thưa ông Stanley, trước áp lực của người biểu tình thì Tổng thống Mubarak vừa từ chức. Ông có nghĩ rằng đây là chiến thắng cuối cùng cho nền dân chủ Ai Cập không?
Stanley Kober:  Tôi không biết đây có phải là chiến thắng cuối cùng của nền dân chủ Ai Cập hay không vì cách mạng tạo ra rất nhiều bàn đạp cho nhiều thứ. Cho nên chúng ta phải chờ đợi mới biết tình hình như thế nào.
Có vẻ thì quyền lực đang được trao cho quân đội. Tôi cũng đang chờ xem quân đội sẽ chuyển hóa quyền lực cho người dân ra sao. Họ nói là họ sẽ chuyển quyền lực nhưng mà liệu có làm như thế hay không , làm thế nào và làm vào lúc nào thì chúng ta phải chờ mới biết được.
Nếu như quý vị nhìn vào các cuộc cách mạng trong lịch sử thì thấy rằng có thể mất nhiều thời gian để hoàn thành sự chuyển giao sau khi một chế độ sụp đổ.  Chẳng hạn như cuộc cách mạng Pháp năm 1789, thì quá trình chuyển giao phải mất vài năm. Hay là cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, phải đến cuối năm chính phủ lâm thời mới chuyển đổi thành một chính phủ chính thức.
Quỳnh Chi:  Theo tôi được biết thì Hiến pháp Ai Cập có qui định là khi Tổng thống không thể nắm quyền thì có thể giao lại quyền lực cho Phó Tổng thống hay là Phát ngôn nhân của Quốc hội Nhân dân. Vậy tại sao ông Mubarak lại giao quyền cho quân đội? Có phải quyết định này chịu ảnh hưởng từ các nước khác không?
Stanley Kober:  Tôi không rõ lắm về chuyện này. Tôi chỉ có thể nói rằng cách mạng không đi theo Hiến Pháp hay một khuôn mẫu nào cả.
Chính sách của Mỹ?

Quân đội Ai Cập tại Quảng trường Tahrir Cairo vào ngày 13 tháng 2 năm 2011. AFP photo

Quỳnh Chi:  Thưa ông, Ai Cập là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ ở Châu Phi và các chính sách của Hoa Kỳ luôn tạo ra sự ảnh hưởng nơi đây. Ông nghĩ là chính sách của Hoa Kỳ ở Ai Cập sẽ thay đổi như thế nào khi ông Mubarak không còn tại vị nữa?
Stanley Kober:  Chính quyền Obama đã nhìn thấy được rằng ông Mubarak không thể nắm quyền lâu dài được. Hoa Kỳ là nước biểu hiện cho dân chủ cho nên những phát biểu của Hoa Kỳ trong thời gian qua là thúc đẩy cho dân chủ.
Việc này có thể làm một số đồng minh không hài lòng, như Israel chẳng hạn. Nhưng mà Hoa Kỳ vẫn  tiếp tục theo đuổi những chính sách về dân chủ cho Ai Cập. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là “Sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Ai Cập còn được bao nhiêu khi ông Mubarak từ bỏ quyền lực?”
Thật sự cho đến bây giờ tôi cũng chưa chắc chắn được.  Một số người cho rằng mối quan hệ của quân đội Ai Cập và quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ giúp Hoa Kỳ duy trì ảnh hưởng của mình nơi đây. Tuy nhiên, chưa có điều gì là chắc chắn cả.
Quỳnh Chi:  Thế còn những chính sách về hòa bình Trung Đông và những thỏa ước mà Ai Cập đã ký với Israel thì sao?
Stanley Kober:  Cho đến bây giờ thì quyền lực sẽ thuộc về người nào giành được nó. Đây là những việc thường xảy ra sau các cuộc cách mạng.
Và quý vị sẽ thấy là nhiều người cố gắng giành lấy quyền lực đó. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người đạt được quyền lãnh đạo thì lúc đó mới dự đoán được các chính sách.
 

Cairo bùng nổ niềm vui khi cuộc cách mạng lật đổ ông Mubarack thành công hôm 11/2/2011. AFP photo

Thế này nhé, tại Hoa Kỳ có người nói rằng “Những gì xảy ra ở Ai Cập thật là hay”. Nhưng mà nếu như quý vị theo dõi tin tức ở Iran thì có thể sẽ không thấy chính phủ Iran nói như vậy.
 
Tôi nghi rằng sẽ có người thất vọng về kết quả cuối cùng mà Ai Cập đạt được sau cuộc cách mạng này. Phe nào thất vọng thì phải đợi ai nắm quyền chính thức thì mới biết được.
Quỳnh Chi:  Tôi hiểu là hiện giờ còn quá sớm để nói về tương lai của Ai Cập. Nhưng ông có dự đoán được đường hướng mà Ai Cập sẽ tiến đến trong thời gian tới không?
Stanley Kober:  Tôi phải nói là hiện tại tôi rất thận trọng khi nói về những dự đoán cho Ai Cập. Vì dựa vào các cuộc cách mạng  tương tự như vậy trong lịch sử, tôi thấy không nên kết luận quá vội vàng.
Quỳnh Chi:  Xin cám ơn tiến sĩ Stanley! Và kính thưa quý vị, trên đây là một số chia sẽ của ông Stanley về tình hình Ai Cập.
Có thể thấy rằng giới quan sát đang rất thận trọng khi nói về tương lai hay đường hướng của Ai Cập sau khi Tổng thống Mubarak từ chức.
Chúng ta hãy đợi xem những người lãnh đạo mới của Ai Cập sẽ có chính sách hay những thay đổi như thế nào trong thời gian tới.