Sau bài « Quá khứ hay tương lai ? », các phản ứng chỉ trích dành cho tôi (mà tôi đón nhận trong tinh thần hoàn toàn tôn trọng) không có gì khác hơn so với những gì tôi đã hình dung từ trước. Thậm chí tôi còn hình dung những phê phán nặng nề hơn như thế rất nhiều. Và tôi rất hiểu vì sao tôi bị phê phán.
Đằng nào thì cũng đã bị chỉ trích, nên tôi tiếp tục nói vài lời về chủ đề lá cờ, chủ đề gây tranh cãi từ lâu và chưa hề được giải quyết, và chưa biết bao giờ mới được giải quyết, nếu không có một nỗ lực đủ lớn từ tất cả các phía, mà nỗ lực đầu tiên là vượt qua các tổn thương cá nhân để hiểu người khác, và vượt qua tình cảm cá nhân để hướng tới mục đích chung của cả dân tộc.
Nếu mọi người quan sát hai lá cờ đang là biểu tượng cho sự chia cắt và mâu thuẫn của Việt Nam, cờ đỏ sao vàng và cờ vàng ba sọc đỏ, thì sẽ thấy cả hai lá cờ đều có một điểm chung :
Cả hai lá cờ đều chỉ có hai màu: Vàng và Đỏ.
Không có màu nào khác ngoài Đỏ và Vàng.
Điểm chung đó là điểm chung của chính người Việt chúng ta, những người da vàng máu đỏ. Cho dù chúng ta đứng dưới lá cờ nào thì chúng ta cũng là những người máu đỏ da vàng, cùng một giòng giống, cùng một nguồn gốc.
Điều đau xót là ở chỗ : những gì gắn kết chúng ta lại cũng chính là những gì chia cắt chúng ta.
Điều đau xót là ở chỗ : hai mươi năm trong chiến tranh người Việt giết lẫn nhau dưới hai lá cờ, bốn mươi năm sau chiến tranh vẫn có những người Việt phải chết vì lý do lá cờ, như trường hợp gần đây nhất của phật tử Nguyễn Hữu Tấn, chết dưới lá cờ đỏ trong đồn công an vì lý do tàng trữ lá cờ vàng.
Bài viết này như một lời ai điếu cho người phật tử mà tôi không quen. Cái chết của anh liệu có làm lay động những lá cờ ?
Paris, 8/5/2017
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây