Sáng hôm nay đột nhiên hàng loạt tin nhắn tới tấp đến trên điện thoại của tôi. Chưa kịp qua ngạc nhiên thứ nhất thì lại ngạc nhiên thêm một lần nữa : tất cả những tin nhắn ấy là của cùng một người, một giáo viên Pháp dạy trung học phổ thông, bà buồn phiền và lo lắng nhắn cho tôi rằng những người Việt Nam xung quanh bà sẽ bỏ phiếu cho Le Pen.
Nước Pháp đang ở thời điểm nóng bỏng, đúng một tuần nữa sẽ kết thúc chiến dịch bầu cử tổng thống, và người Pháp sẽ phải chọn giữa hai ứng viên đã qua vòng một : Emmanuel Macron, người sáng lập phong trào En Marche ! (Lên Đường !) và Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Front National (Mặt trận dân tộc).
Vì sao nữ giáo viên người Pháp này cảm thấy buồn phiền và thất vọng khi những người Việt Nam mà bà biết quyết định bỏ phiếu cho Le Pen ? Vì đối với bà, cùng với Le Pen, nền dân chủ ở Pháp sẽ bị đe doạ nghiêm trọng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ phát triển, điều đó cũng có nghĩa là thù hận và bạo lực sẽ gia tăng trong toàn xã hội, mà trước tiên là sẽ gia tăng trong trường học. Không phải chỉ một mình bà giáo viên này nghĩ như vậy, rất nhiều người Pháp khác chia sẻ nỗi lo lắng này. Tôi sẽ trở lại với vấn đề này khi có dịp.
Tôi trả lời bà ấy rằng, theo quan sát của tôi, số người Pháp bỏ phiếu cho Macron sẽ nhiều hơn số người Pháp bỏ phiếu cho Le Pen, và trong cộng đồng người Việt có thể cũng sẽ như vậy, chỉ vì bà không biết những người Việt Nam đó mà thôi.
Dĩ nhiên, người ta không thể phủ nhận một thực tế : các khủng hoảng kinh tế và xã hội ở Pháp, các cuộc khủng bố dã man diễn ra trong những năm vừa qua, thất nghiệp gia tăng, đời sống khó khăn… khiến cho số người ủng hộ đảng cực hữu của Le Pen tăng lên đáng kể, và Marine Le Pen đã lập một kỷ lục mà trước bà Front National chưa từng làm được : lọt vào vòng hai của kỳ bầu cử với số phiếu cao. Sau Brexit ở Anh và sau thắng lợi của Tổng thống Trump ở Mỹ, người ta không còn dám chắc vào điều gì, và vì thế nỗi lo lắng trước khả năng một đảng cực hữu lên nắm quyền đang lan rộng trong xã hội Pháp.
Cá nhân tôi cũng không thể dám chắc vào một phỏng đoán nào. Mặc dù, hồi đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam, tôi là một trong số rất ít người cho rằng Tổng bí thư ĐCS sẽ tiếp tục giữ chức vụ này chứ không phải là cựu thủ tướng (mở ngoặc để nói thêm rằng, lúc đó những dấu hiệu mà tôi nhìn thấy là những dấu hiệu tích cực, và tôi ý thức được rằng tôi cũng có thể sai lầm như tất cả mọi người) ; và trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, các phân tích cá nhân cũng khiến cho tôi nghĩ rằng Trump có thể sẽ là người thắng cử, và đã đề cập đến khả năng ấy trong bài blog « Lãnh tụ hay lãnh đạo » viết vào ngày 30/10/2016, tức là trước ngày bầu cử của Mỹ. Mặc dù thế, tôi cũng không thể dám chắc về một phỏng đoán cho kết quả bầu cử ở Pháp lần này.
Tuy nhiên, dù không thể đoan chắc, các phân tích của tôi ngả theo hướng Macron sẽ thắng cử. Và tôi có nói phỏng đoán này từ năm 2016 với một số người. Vì sao phỏng đoán của tôi đi theo hướng này, khi mà Macron là một ứng viên còn rất trẻ, tuổi dưới 40, không thuộc hệ thống nào, không tả, không hữu, không có sự ủng hộ của các bộ máy đảng, nghĩa là không có sự ủng hộ của các lực lượng chính trị truyền thống, bị hoài nghi là thiếu kinh nghiệm, bị các đối thủ chính trị cho rằng đó là ứng viên của hệ thống tài chính, ngân hàng, và cho rằng thành công của ông chỉ là thành công về phương diện truyền thông… ?
Một số lý do sau đây khiến tôi cho rằng sau một tuần nữa tổng thống Pháp sẽ là Macron.
Nước Pháp có ba truyền thống : văn chương (nghệ thuật nói chung), cách mạng, và chủ nghĩa nhân văn. Nhờ ba truyền thống này mà chủ nghĩa quốc-xã, chủ nghĩa phát-xít không phát triển được ở Pháp, (dù rằng Pháp cũng bị ảnh hưởng bởi các khuynh hướng này, và dù rằng chủ nghĩa tư bản Pháp thì cũng giống như mọi chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới) ; đồng thời đảng cộng sản Pháp cũng rất khác các đảng cộng sản toàn trị kiểu Nga Xô-viết hay Đông Âu.
Macron, chưa biết ông sẽ hành động như thế nào nếu được bầu làm tổng thống, nhưng trong các diễn văn của chiến dịch tranh cử ông chứng tỏ rằng rất hiểu các truyền thống này. Cuốn sách trình bày chương trình tranh cử được đặt tiêu đề là « Révolution », ngay sau khi xuất bản (24/11/2016) được lọt vào tóp 5 cuốn sách bán chạy nhất, đầu tháng 12/2016. Bản thân việc đứng ra thành lập một phong trào chính trị hoàn toàn không gắn với truyền thống tả-hữu trong chính trị Pháp cũng có thể được xem là một bước nhỏ mang tính cách mạng. Một phát ngôn của Macron về tội ác của chủ nghĩa thực dân gây trãnh cãi và gây chỉ trích, tuy nhiên, những người theo tinh thần nhân văn của Victor Hugo hay tinh thần các nhà văn từng phản đối chiến tranh Algérie thì lại rất ủng hộ. Một vài dẫn chứng như vậy để nói rằng Macron rất hiểu các truyền thống Pháp và tinh thần Pháp (cũng không có gì lạ, vì ông từng là phụ tá cho triết gia Paul Ricoeur) và đã vận dụng những điều này để tạo nên một thành công mà sáu tháng trước rất ít người hình dung tới.
Ngoài ra, nếu sống trong lòng xã hội Pháp sẽ nhận thấy một nỗ lực bền bỉ của người Pháp, nỗ lực kháng cự lại nỗi sợ hãi, kháng cự lại sự thù hận và tình cảm bài ngoại có thể nảy sinh sau các cuộc khủng bố, nỗ lực bảo vệ các giá trị dân chủ và tự do. Nỗ lực đó sẽ kháng cự lại các phong trào mang tính phản dân chủ. Nỗ lực đó là biểu hiện của tinh thần nhân văn được thể hiện trong đời sống thực, trong đời sống hàng ngày của người Pháp, chứ không phải chỉ là trong sách vở.
Tinh thần nhân văn đó thể hiện trong các tin nhắn của bà giáo viên mà tôi nhận được sáng nay.
Paris, 30/4/2017
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây