You are here

Moscow cứng rắn với đối lập chẳng qua vì dầu!

Lê Diễn Đức

Khodorkovsky và đối tác kinh doanh của ông Platon Lebedev, bị kết án hôm thứ Năm tuần trước 13,5 năm tù về tội lấy cắp 218 triệu tấn dầu mỏ và rửa khoản tiền thu được.
Cả hai đều đã thụ án được 8 năm vì bị cáo buộc gian lận và trốn thuế trước đó. Theo cân đối thời gian phạt tù của tòa án tính từ khi bị bắt vào năm 2003, hai người sẽ còn ngồi tù đến năm 2017.  
Khodorkovsky và Lebedev đã luôn bác bỏ các cáo buộc chống lại họ và tin rằng chúng được tạo ra vì động cơ chính trị. Điều này không phải không có lý. Tất cả các nhà tài phiệt Nga hậu Xô Viết khác trong nhiều lĩnh vực như khí đốt, dầu mỏ, luyện kim, ngân hàng, bất động sản… đều đã có các mánh lới kinh doanh chẳng khác gì Khodorkovski, nhưng họ an toàn hạ cánh và tiếp tục làm giàu chỉ vì ngoan ngoãn thuần phục Putin hoặc không làm gì ảnh hưởng đến quyền lực của ông ta.
Dư luận trong ngoài
Phán quyết của tòa án Nga đã gây ra làn sóng bất bình tại Nga cũng như ở nước ngoài. Đã nổ ra biểu tình chống đối trước tòa án trong ngày xét xử. Các nhà chức trách của Liên minh châu Âu (EU), Đức, Anh và Pháp đã lên tiếng chỉ trích.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng quyết định này đặt ra câu hỏi về tình trạng các quy định của pháp luật của Nga. Còn Catherine Ashton, người đứng đầu ngoại giao EU kêu gọi Nga tôn trọng các cam kết quốc tế về quyền con người. Trong khi đó Berlin gọi bản án là "một bước quyết định đi ngược".

Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói người Nga mong muốn mỗi quốc gia sẽ đối phó với các vấn đề riêng của họ trên trường quốc tế, cũng như trong chính sách đối nội. Và rằng cáo buộc pháp luật Nga “được ứng dụng có chọn lọc là hoàn toàn không có căn cứ: mỗi ngày tòa án Nga đưa phán quyết với hàng ngàn doanh nhân bất lương”.
Alexei Makarkin, nhà phân tích chính trị Nga và phó chủ tịch Trung tâm Công nghệ Chính trị (ủng hộ Kremlin) cho rằng, lãnh đạo Nga biết phương Tây không làm gì được ngoài những lời chỉ trích. Ông còn so sánh trùm lừa đảo Bernard Madoff với cái án dài hơn nhiều, còn Julian Assange của WikiLeaks thì bị truy nã trong khi các nước phương Tây bảo vệ tự do ngôn luận.
Ngược lại, Lilia Shevtsova, nhà phân tích chính trị độc lập Nga của Trung tâm Carnegie Moscow nói rằng, bản án 13,5 năm tù tiếp theo cho cựu giám đốc tập đoàn Yukos Mikhail Khodorkovsky mang động cơ chính trị và cho thấy Putin vẫn nắm quyền cai trị vững mạnh; lời nói của Tổng thống Medvedev chẳng có nghĩa gì và nước Nga chưa sẵn sàng để hiện đại hóa.

Đề cập đến việc Putin hôm 16/12/2010 nói Khodorkovsky là “tên ăn trộm thì phải ngồi tù”, bà Lilia Shevtsova lưu ý "trong một đất nước mà các nhà lãnh đạo công bố phán quyết của mình 10 ngày trước khi có phán quyết của tòa án, thì ở đó công lý không tồn tại".
Nhật báo Nga”Viedmosti” (cộng tác với "Wall Street Journal" và "Financial Times") viết rằng, xóa tội cho các sếp của tập đoàn dầu mỏ Jukos đồng nghĩa với việc đẩy lỗi về phía Putin.
Cái khó của nhà cải cách Mededev
Nhận định về án phạt Khodorkovsky, hãng AFP nói đây là thùng nước lạnh dội lên đầu các nhân vật cải cách của Nga.
Nhà chính trị học Nga Dmitry Oryechnic nhận xét "biểu hiện của sự độc lập tư pháp Nga chỉ là một bức màn khói, và Medvedev như một thứ đồ nội thất có thể đặt vào góc nhà".

Còn chủ tịch Viện Phân tích Chiến lược Nga Aleksandr Konovalov tin rằng sau "bản án Putin" Medvedev được coi là một anh chàng thích chơi Twitter và iPhone, còn Putin thì lộ rõ là con người "thù dai, không khoan nhượng" và "bản án này là động cơ chính trị, chả có gì dính đến pháp luật".
Dư luận Nga dự đoán Khodorkovsky sẽ ngồi tù cho đến cuộc bầu cử tổng thống Nga vào mùa xuân năm 2012. Tất cả sẽ phụ thuộc vào tổng thống mới và những quy tắc nào sẽ được áp dụng trong cuộc chơi của ông ta. Dmitry Medvedev chắc chắn sẽ không ân xá cho Khodorkovsky hoặc thực hiện bất kỳ động tác nào trong vấn đề này.

Tại sao? Bởi lẽ sẽ không mang lại tốt đẹp gì cho Medvedev ngoài vài lời khen ngợi của phương Tây và phe đối lập.
Hình ảnh một Khodorkovsky lếu láo, dám đối đầu, từ nhiều năm qua đã nằm trong máu não của Putin, cho nên Medvedev sẽ không dại gì dính vào cuộc xung đột của hai người.

Song song, giới tinh hoa của Nga sẽ có phản ứng rất tiêu cực nếu xảy ra xung đột giữa Medvedev và Putin. Như vậy, Medvedev sẽ mất đi sự ủng hộ và cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Ông phải rất thận trọng và không cho phép mình mở ra sự tranh chấp với Putin. Giới tinh hoa của Nga sẽ không muốn hiểu rằng Medvedev có thể chống lại người tiền nhiệm đã tiến cử mình.

Cũng theo nhà phân tích thượng dẫn, ông Alexei Makarkin, có khoảng 30 phần trăm người Nga muốn trả tự do cho Khodorkovsky. Tuy nhiên, phần lớn, ngay cả khi không tình với hình phạt bị kéo dài thêm qua lần xử thứ hai, tâm lý họ không ưa các nhà tài phiệt giàu có và nghĩ mình bị cướp đoạt. Nếu Medvedev xung đột với Putin, bênh vực Khodorkovsky, dân chúng sẽ quay lưng lại ông.
Nói về chính sách cứng rắn của Putin gây tác động xấu tới các nhà đầu tư nước ngoài, như nhận định của nhật báo “The Times”, Alexei Makarkin cho rằng, những người đã tới rồi thì sẽ ở lại bởi họ nắm được luật chơi. [1]
“Tôi không thể tưởng tượng là Renault rút hợp đồng mua lại Avtovaz (hãng sản xuất xe hơi Lada). Tác động xấu chỉ đối với các công ty đang có kế hoạch nhảy vào thị trường Nga. Chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ hiện đại, là những gì nước Nga quan tâm. Nếu xảy ra điều này thì thật là đau đớn. Không loại trừ khả năng sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012, Khodorkovsky sẽ được ân xá”- Alexei Makarkin nói. [2]
Di sản từ thời cộng sản: khó thì mềm, khá vênh vao!
Bà Anne Applebaum, tác giả cuốn sách "Gulag" nổi tiếng, người đoạt giải thưởng Pulitzer, chuyên gia về Nga, nhà báo của “Washington Post” cho rằng, những động thái cứng lại trong chính sách đối nội của Nga được giải thích hợp lý nhất qua việc tăng giá dầu thô trong những tháng gần đây, hiện tại là 92 USD/thùng. Bởi vì xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu nhập chính của Nga, và lại một lần nữa, Moscow cảm thấy tự tin hơn, và do đó có quyết định cứng rắn trong việc đàn áp phe đối lập dân chủ.
Theo Applebaum, mối liên hệ phụ thuộc nhau giữa giá dầu và ý muốn cải cách, cùng với tự do hóa ở Nga đã tồn tại trong nhiều thập kỷ nay và có thể chú ý từ thời Liên Xô.

Trong những năm 60 của thế kỷ XX, khi giá dầu dao động từ 2 đến 3 USD/thùng, Liên Xô đã cố gắng rụt rè trong cải cách và tự do hóa kinh tế. Thập kỷ tiếp theo, khi OPEC áp đặt cấm vận làm giá dầu tăng vụt, Liên Xô "bước vào thời kỳ thắt chặt bên trong, gây hấn với bên ngoài", và vào năm 1979, khi giá đạt tới 25 USD, Liên Xô xua quân xâm chiếm Afghanistan – Applebaum phân tích.

Trong những năm đầu thập niên 80, khi giá dầu vẫn cao, hai người kế nhiệm Leonid Brezhnev vào vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là Yuri Andropov và Konstantin Chernenko, tiếp tục chính sách hiện trạng và gây căng thẳng trong quan hệ với phương Tây.

Nhưng sau đó giá dầu đã giảm xuống còn 14 USD/thùng, nền kinh tế Liên Xô bắt đầu bị hủy hoại. Điều này giải thích tại sao Mikhail Gorbachev, người giữ tay lái quyền lực tại điện Kremlin vào năm 1985, bắt đầu cải tổ với chính sách “glasnost” và “perestroika”, dẫn tới sự tan rã của Liên Xô, Bức tường Berlin bị phá vỡ và sự sụp đổ của hệ thống cộng sản ở Đông Âu vào năm 1989.

Tại nước Nga không cộng sản hôm nay chu trình này được lặp lại. Trong những năm 90,  giá dầu thấp đã song hành với chính sách cải cách dân chủ và thị trường của Tổng thống Boris Yeltsin. Trong thập kỷ tiếp theo, tình hình đảo ngược: giá dầu tăng lên chóng mặt, vị tổng thống mới, Vladimir Putin, xiết chặt đinh ốc trong nước và bắt đầu đối phó với Hoa Kỳ các quốc gia khác tự tin hơn hẳn so với người tiền nhiệm.
Cũng theo Applebaum, không phải ngẫu nhiên mà nước Nga tiến hành xâm lược Gruzia (Georgia) tháng 8 năm 2008, vào lúc giá một thùng dầu là 91 USD.
Và không hoàn toàn ngẫu nhiên khi giá một thùng dầu giảm xuống còn 53 USD một năm sau đó, Tổng thống Medvedev, chủ nhân mới của điện Kremlin đã mời các nhà hoạt động của phe đối lập dân chủ tới gặp gỡ và lên án chế độ độc tài của Alexander Lukashenko ở Cộng hòa Belarus và "thậm chí cho cả truyền hình Nga được nới lỏng tự do hơn một chút".
Bây giờ, với gia tăng giá dầu, một hành trình đi ngược tiếp diễn. Khi được hỏi phải chăng cách phân tích này quá đơn giản, bà Applebaum nói: “Tất nhiên. Nhưng cho đến nay tôi chưa nghe thấy lời giải thích nào tốt hơn”. [3]
Kết luận
Nước Nga hậu cộng sản sau hơn 20 năm vẫn dẫm chân chậm chạp với tiến trình dân chủ hóa hoang dã, đúng hơn vẫn còn là một chế độ chuyên chế, đặc biệt từ năm 2000, sau khi Vladimir Putin lên cầm quyền và thâu tóm toàn bộ quyền lực vào tay mình.
Trong bài “Nga, một nhà nước maphia”, từ các điện tín bị rò rỉ bởi WikiLeaks cho thấy, lãnh đạo Điện Kremlin hôm nay có những mối liên hệ mật thiết với các nhân vật đầu sỏ của thế giới ngầm và che chắn cho chúng. [4]
Putin và giới tài phiệt “biết điều” với cổ cồn, ca-vát trong vai trò của các nhà kỹ trị (technocrat) bảo vệ các nhóm lợi ích của mình theo đúng luật chơi của băng nhóm. Mọi hành vi chống đối hoặc cạnh tranh đều bị bóp nghẹt. Bản chất của một con người thích chuyên quyền, xuất thân từ cựu sĩ quan tình báo cộng sản Liên Xô, không hề thay đổi! ■
-------------------------------------------------------------
* [1]: "Xử Khodorovsky, Putin cảnh cáo những người muốn cải cách chính trị", nhật báo Anh “The Times” ngày 30/12/2010, Lê Diễn Đức Blog:  http://www.rfavietnam.com/node/362
* [2]: “Wyrok jest taki, jakiego chciały władze” (Chính quyền muốn sao thì mức án như thế), nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza phỏng vấn Alexei Makarkin, ngày 30/12/2010: 
http://wiadomosci.gazeta.pl/Wiadomosci/1,80625,8887930,Wyrok_jest_taki__jakiego_chcialy_wladze.html
* [3]: “Nga cứng rắn vì lý do dầu mỏ”, “Newsweek” ngày 04/01/2010:
 http://www.newsweek.pl/artykuly/sekcje/swiat/applebaum-o-zaostrzeniu-polityki-kremla--to-wina-ropy,70075,1
* [4]: “Nga, một nhà nước maphia”, Lê Diễn Đức dịch, RFA ngày 6/12/2010:
http://www.rfavietnam.com/node/326
© 2011 Radio Free Asia