You are here

Thư cảm ơn Jonathan London của một người Việt Nam

Trong những ngày giáp tết cổ truyền này chắc không ai muốn nói chuyện buồn, chắc không ai muốn nói giọng bi quan, tôi cũng vậy. Vì thế, khi đọc được « Thư gửi Việt Nam » của người Mỹ Jonathan London, tôi được truyền một cảm hứng lạc quan để viết bài này, tất nhiên, như mọi khi, về chủ đề chính trị, vì blog của tôi, như mọi người hẳn đã lưu ý, là một blog chính trị.

Jonathan London, trong bài blog của mình, đã gián tiếp nêu lên một vấn đề cốt lõi cho quá trình dân chủ hoá Việt Nam : Việt Nam chỉ có thể dân chủ hoá khi người Việt có nhu cầu về dân chủ. Người Việt có nghĩa là đa số người Việt Nam, chứ không phải chỉ là một thiểu số như hiện nay. Tôi trích nguyên văn phát biểu của Jonathan London : « Và đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam từ thời Pháp đến nay: tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị. Nếu bạn hỏi tại sao tôi lại lạc quan khi những giá trị này chưa được tôn trọng đúng mức? Bởi vì tôi thấy ngày càng nhiều người Việt nhìn nhận rằng những quyền này là cần thiết hơn bao giờ hết. »

Nếu chúng ta trung thực với chính mình thì chúng ta sẽ phải nói thật rằng: hiện nay dân chủ hoá chưa phải là nhu cầu của đa số chúng ta. Đa số vẫn chỉ đang dừng lại ở nhu cầu thoát nghèo và nhu cầu tiêu dùng. Tầng lớp trung lưu chủ yếu vẫn đang bị cuốn vào lô gic của xã hội tiêu thụ, và đặt mục tiêu kiếm tiền, nhưng chưa tự đặt cho mình nỗi băn khoăn về việc kiếm tiền theo cách nào và kiếm tiền để làm gì. Vì thế, một cách gián tiếp, Jonathan London dường như muốn nói rằng giới đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam nếu muốn cuộc đấu tranh có hiệu quả thì cần phải đánh thức nhu cầu dân chủ hoá ở mỗi người dân Việt Nam.

Giờ đây có lẽ chúng ta đã có đủ thời gian, đủ các điều kiện thực tế để thấy rõ rằng cuộc đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hoá Việt Nam không thể đi tới thành công nếu chỉ dừng lại ở phản ứng cá nhân hoặc phản ứng của các nhóm nhỏ, cũng không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở những phản ứng thiên về tố cáo chế độ, biểu lộ sự phẫn nộ, sự bất bình, sự căm giận chế độ…, hoặc mượn từ mà giới bình luận trên mạng vẫn hay dùng là « chửi ». Nhiều người đã nhận ra điều này, chẳng hạn nhà báo Song Chi đã viết không ít bài để nói rằng chửi không thể mang lại hiệu quả. Các phản ứng của các cá nhân hoặc của các nhóm nhỏ cũng không thể nào mang lại hiệu quả mong muốn. Những người dũng cảm đã phản kháng, đã vào tù, và đã ra tù… thực tế cho thấy rằng sự hy sinh của các cá nhân không thể nào đưa công cuộc dân chủ hoá tới kết quả cuối cùng.

Vậy cần làm gì để thành công trong việc mang các giá trị tự do, dân chủ đến cho Việt Nam ? Tôi vẫn bảo lưu cách nhìn nhận của mình : cần phải hình thành được các tổ chức chính trị lớn mạnh, các đảng phái chính trị lớn mạnh, hoạt động một cách chuyên nghiệp vì mục đích dân chủ hoá (chứ không phải để lật đổ chế độ cộng sản, xin mở ngoặc để nói thêm như vậy), những tổ chức có khả năng giúp hình thành nhu cầu dân chủ ở người dân và lôi cuốn sự ủng hộ của người dân cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước.

Điều đáng quý ở Jonathan London là ông đặt niềm tin vào người Việt, ông lạc quan tin rằng người Việt có mong muốn, có nhu cầu về dân chủ và sẽ hành động cho một Việt Nam dân chủ hoá.

Trước niềm tin của người bạn quốc tế ấy, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước sẽ làm gì ? Sẽ chứng tỏ rằng Jonathan London đã đặt niềm tin nhầm chỗ hay sẽ chứng tỏ rằng ông đã đúng khi tin tưởng ở người Việt Nam ?

Cá nhân tôi xin cảm ơn Jonathan London vì sự quan tâm của ông đối với đất nước Việt Nam và niềm tin mà ông đã dành cho người Việt Nam chúng tôi.

Paris, 24 tháng chạp năm Bính Thân tức 21/1/2017

Nguyễn Thị Từ Huy